Trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương: Cái nôi của nền giáo dục Việt Nam hiện đại

Đăng lúc: Thứ sáu - 18/06/2021 09:48 - Người đăng bài viết: admin
"Đào tạo người thầy giáo tốt, chúng ta được một thế hệ tốt". Là một trong những cái nôi đào tạo những trí thức lớn của Việt Nam như Hoàng Ngọc Phách, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Lê Thước…, Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Đông Dương đã góp phần đưa nền giáo dục nho học vào dĩ vãng và đặt nền móng cho nền giáo dục hiện đại sau này.

 


Trường Cao đẳng Sư phạm (Ecole supérieure de pédagogie): Danh sách 14 thí sinh đã đậu kỳ thi tốt nghiệp (Khoá 1,  1917-1920)1. Ảnh: L’Écho annamite, n° 40, 12 juin 1920, p. 2. (Báo L’Écho annamite, số 40 ngày 12.06.1920.

Sự ra đời, mục tiêu và tuyển sinh của Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương

 

Trường CĐSP Đông Dương được ra đời năm 1917 để đào tạo giáo viên bản địa có đủ năng lực đảm bảo việc giảng dạy trong các trường trung học đệ nhất cấp và trường trung học sư phạm tại Đông Dương.2 Lực lượng được đào tạo sẽ bổ sung cho sự thiếu hụt số lượng giáo viên đến từ Pháp.3 Khi thành lập trường này, Albert Sarraut đã có những tính toán rõ ràng. Đó không chỉ là hành động chính trị lấy lòng dân thuộc địa trong Thế chiến 1. Xa hơn, khi xóa bỏ hệ thống giáo dục truyền thống ở Đông Dương khỏi hệ thống giáo dục chính quy, trong đó có giáo dục nho học của Việt Nam, yêu cầu đặt ra bắt buộc phải phát triển giáo dục bằng tiếng Pháp, trong đó có giáo dục trung học. Việc này yêu cầu cần phải chuẩn bị nhân lực giáo viên tại chỗ, thay vì tuyển từ Pháp sang sẽ tốn kém hơn (phải trả lương cao hơn).


Trường gồm có hai ban: Văn học và Khoa học. Những năm đầu tiên, trong bối cảnh đại chiến thế giới, trường đã gặp nhiều khó khăn, cụ  thể là thiếu giảng viên và phương tiện giáo dục. Ban đầu giảng viên là những viên chức làm việc trong hệ thống học chính công tại Đông Dương hoặc tại Trường Viễn Đông bác cổ ở Hà Nội. Sau có thêm các giáo viên đến từ Trường Trung học Albert Sarraut tại Hà Nội và một vài giáo sư đến từ Pháp.


Phần lớn sinh viên CĐSP là người Việt Nam. Số lượng sinh viên người Lào, Campuchia rất ít. Trường bắt đầu giảng dạy vào tháng 10/1917, có 20 sinh viên cho năm đầu tiên của khóa 1.Lần đầu tiên tuyển sinh, trường chỉ xét tuyển thay cho thi tuyển. Cho đến tận năm 1922, trường chỉ nhận những sinh viên là những người có bằng trung học đệ nhất cấp, trung học sư phạm, trong đó có những người đang làm giáo viên tiểu học. Kể từ năm học 1923, trường vào thời kỳ quá độ trong tuyển sinh, tức là nhận cả sinh viên có bằng trung học đệ nhất cấp và tú tài. Vào lúc khai giảng năm học 1923, đã có một vài tú tài bản xứ vào học, cụ thể là có 6/22.Theo ông Nguyễn Khánh Toàn (sinh viên khoá 1923-1926), một số sinh viên đã có trình độ nho học vững, nhất là các sinh viên Nghệ Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh).6


Năm học 1932-1933, trường được tổ chức lại theo Nghị định ngày 24/7/1932. Trường trở thành trường cao đẳng thực sự khi chỉ tuyển học sinh đã có bằng tú tài.7 Nhưng không may mắn, theo chính quyền giải thích, vì lý do thiếu hụt ngân sách, trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, kể từ năm học 1931-1932 số lượng tuyển sinh rất hạn chế, giảm xuống còn 4 vào năm 1931 và tương tự vào năm 1932.8 Năm học 1934-1935, trường không tuyển thêm sinh viên mới nữa. Những sinh viên đang học sẽ tiếp tục cho đến hết khóa, khi đó trường sẽ dừng hoạt động.9

 

Hoạt động giáo dục

 

Theo chương trình đào tạo được quy định trong Nghị định ngày 24/7/1932 của Toàn quyền về tổ chức lại trường Sư phạm, gồm có ba năm học với các môn sau10:


- Những môn chung cho hai ban: Tâm lý học ứng dụng giáo dục; Xã hội học ứng dụng giáo dục; Giáo dục học đại cương; Quản lý học đường và bổn phận nghề nghiệp; Vệ sinh học đường; Ngữ âm học và biểu đạt ngôn từ.


- Những môn Ban Văn học: Ngôn ngữ và Văn chương Pháp; Nghiên cứu tác phẩm; Thực hành sư phạm (làm bài luận, bài thuyết trình, bài giảng ); Ngôn ngữ và Văn chương Đông Dương; Cổ văn Viễn Đông; Lịch sử; Địa lý.


- Những môn Ban Khoa học: Toán học; Vật lý; Hóa học; Thực hành Sinh học; Thực vật học; Địa chất và Khoáng học, Thiên nhiên học. (Các môn học cả lý thuyết và thực hành).


Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi chỉ có thể tìm thấy hồi ký của một số cựu sinh viên Ban Văn học của Trường CĐSP Đông Dương, mà không tìm  thấy hồi ký của các vị là cựu sinh viên Ban Khoa học. Cho nên vẫn còn thiếu đi phần đánh giá của cựu sinh viên ban này.



Số sinh viên (theo ban) của Cao đẳng Sư pham Đông Dương qua các năm học, thời kỳ 1917-1935. Nguồn : Gouvernement général de l’Indochine, Rapports au Conseil de gouvernement (1917-1936).


Chúng ta biết rằng giáo dục nho học truyền thống ở Việt Nam không có trường chuyên biệt để đào tạo giáo viên. Khi Trường CĐSP Đông Dương được thành lập, ngoài những môn chuyên ngành của từng ban, còn có những môn học thuộc về nghiệp vụ sư phạm, khoa học giáo dục, khoa học sư phạm dành cho tất cả sinh viên của trường, có cả lý thuyết và thực hành. Đây là một sự tiến bộ rất lớn. Những môn nghiệp vụ này đã thu hút cả những sinh viên người châu Âu tại Đông Dương đến học để cải thiện năng lực sư phạm.


Theo nhà văn Hoàng Ngọc Phách, cựu sinh viên khóa 3 của trường (1919-1922), “Trường CĐSP không chỉ đào tạo nhân sự Đông Dương cho lành nghề. Trường còn nâng cao trình độ cho nhân sự là người Âu bằng việc đảm bảo cho họ một lý thuyết nghề nghiệp, cái mà họ vẫn còn hoàn toàn thiếu. Ngoài những sinh viên đến học đều đặn, tất cả là người Đông Dương, năm học này, Trường CĐSP còn có 13 phụ nữ châu âu dự thính tự do của các môn Tâm lý học và Sư phạm học, trước đó vào năm học 1917-1918 có 9 người”.11


Cũng theo ông Phách, triết học là môn thực sự mới mẻ: “Những môn học ở đây (CĐSP) như văn, sử, địa, chúng tôi đã học ở trung học, không có gì mới lạ lắm, chỉ là sâu rộng hơn mà thôi, nhưng môn triết thì thật mới”.12 Đồng thời ông và nhiều người thời kỳ ấy cũng đã thấy được những giá trị của văn học Pháp: “Lúc bấy giờ, nhiều người trong chúng tôi đều nhìn thấy ở văn học Pháp một tư tưởng tiến bộ và rất nhiều tiếng nói phong phú, đa dạng, có lợi cho phát triển văn học Việt Nam. Có người đã nói: Thực dân xâm lược pháp thì nên đánh đuổi đi, nhưng văn học Pháp thì nên giữ lại”.13


Còn trong hồi kí của ông Đặng Thai Mai, sinh viên khóa 8, 1924-1927, ta có thể thấy một chương trình giảng dạy văn chương toàn diện: "Hồi ấy, khóa học của Trường Sư phạm chỉ kéo dài trong ba năm, mỗi năm mỗi lớp chỉ tiếp nhận trong ngoài hai mươi sinh viên, và chương trình học một tuần trong ngoài hai mươi giờ. Về khoa văn, ngoài giáo trình giáo dục học, chúng tôi còn phải giải quyết một thời khóa biểu khá nặng: Việt văn, Pháp văn, Triết học, Giáo dục học, Địa lý, Lịch sử. (….). Trọng điểm cố nhiên là văn học phương Tây, thời kỳ cổ điển Hy-La đến thế kỷ XX. Văn học phương Đông được giảng kèm qua giáo trình văn học Việt Nam, qua lịch sử văn hóa Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản. Lịch sử văn học phương Tây gồm hai bộ phận, văn bản học và lịch sử văn học. Giáo trình bộ môn văn học được phối hợp với hai bộ môn triết học và lịch sử chính trị thế giới”.14


Qua các bài giảng của các giáo sư, sinh viên có dịp tiếp xúc với sự phong phú của các học thuyết, hệ tư tưởng chính trị xã hội phương tây. Dù chưa mang tính hệ thống, nhưng trong bối cảnh thuộc địa, việc tiếp xúc này là một dịp tốt để mở mang tư tưởng. Ông Đặng Thai Mai còn cho biết: "Giáo sư lịch sử của chúng tôi hồi ấy là một đảng viên Đảng Xã hội. Giáo trình của ông đã chịu ảnh hưởng khá rõ rệt của học thuyết mác xít. Giáo sư triết học cũng tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Paris và đã dày công nghiên cứu trong nhiều năm về tư tưởng phương Tây. Chúng tôi đều hết sức khâm phục lối lập luận độc đáo và sâu sắc của ông, đặc biệt trong khi trình bày và phê phán các trường phái triết học Pháp, Anh, Mỹ”.15


“Chúng tôi cũng lấy làm lạ là giáo trình hai năm đầu của ông về luân lý học đều thấm nhuần ít nhiều quan điểm mác xít và nhiều câu kết luận của một số chương trong giáo trình không hề ngần ngại công kích chế độ tư bản và tư tưởng bảo thủ. Nhưng đến năm thứ ba thì sau nhiều bài giảng, ông có vẻ như ủng hộ khá mạnh giáo lý Thiên chúa giáo. Một bạn đã bạo dạn hỏi ông về sự chuyển hướng ấy. Ông đã trầm ngâm và thở dài trước khi trả lời: "Rồi đây bạn sẽ hiểu, chỉ có niềm tin là cứu được chúng ta trong những cơn thử thách đau đớn nhất của cuộc đời". […] Tôi nhớ lại câu nói của Goethe về tư tưởng Hy-La "Đã ngồi dưới cái bóng râm ấy thì cũng khó thoát ra khỏi một cách nguyên vẹn". Nhận xét ấy lại càng đúng khi nghĩ đến ảnh hưởng của đạo Gia tô đối với tư tưởng, nghệ thuật châu Âu. Không mấy nhà văn, nhà tư tưởng phương Tây là không ảnh hưởng của tôn giáo”.16


Giáo sư Đặng Thai Mai còn dành những lời tốt đẹp và biết ơn cho nhà giáo Bùi Kỷ, một giáo sư người Việt Nam duy nhất của trường: "Nhà trường đã dành cho Việt văn một tuần bốn giờ dưới sự hướng dẫn của cụ Bùi Kỷ. Cụ đã đậu cử nhân rồi phó bảng. Trong thời gian theo đòi Hán học, cụ cũng đã sang Pháp du học mấy năm và đã làm quen ít nhiều với phương pháp dạy văn học phương Tây. Tóm lại cụ là người thời ấy gọi là "Hán Pháp tinh thông". Với cụ Bùi Kỷ, trường Cao đẳng Sư phạm trong thời gian ba năm, chúng tôi có thể học tập và nghiên cứu văn học Việt Nam một cách có hệ thống. (…)17 Với cụ Bùi Kỷ, chúng tôi bắt đầu chú ý đến văn thơ thời kỳ đầu của nhà Lý, nhà Trần, thời kỳ mà, theo ý cụ, nho giáo chưa chiếm được địa vị độc tôn và học khoa cử chưa phải là khuôn vàng thước ngọc của học thuật nước nhà. Giáo trình văn học của cụ Bùi trong ba năm học ấy cố nhiên chưa có thể là hoàn toàn đầy đủ, chẳng hạn, chúng tôi chưa có dịp nghiên cứu văn học nước nhà từ nửa thế kỷ XIX về sau này. Dầu sao, giáo trình của cụ Bùi Kỷ đối với chúng tôi là những dịp thu hoạch khá phong phú để tiếp tục tìm tòi suy nghĩ sau ngày ra trường”.18



Số sinh viên (theo nước) của Cao đẳng Sư pham Đông Dương qua các năm học, thời kỳ 1917-1935. Ảnh: Gouvernement général de l’Indochine, Rapports au Conseil de gouvernement (1917-1936).


Tuy nhiên, mối quan hệ giữa giáo sư với sinh viên không phải lúc nào cũng yên ả trong bối cảnh xã hội thực dân thời ấy. Như trường hợp bà giáo hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp của Hoàng Ngọc Phách. Sinh viên Hoàng Ngọc Phách bày tỏ trong khóa luận rằng xã hội có những định kiến, nhất là về tình yêu, ông phê phán chế độ gia trưởng và cho rằng thực dân cũng muốn duy trì điều này để phục vụ cho việc cai trị. Đương nhiên sau đó bà giáo không đồng ý và thuyết phục chàng sinh viên trẻ nên viết lại nếu muốn luận văn được thông qua để đậu tốt nghiệp. Ông đành phải nghe lời, nhưng tư tưởng chống lại những định kiến của gia đình và xã hội trong tình yêu đôi lứa đã được ông bày tỏ trong tác phẩm Tố Tâm của ông.


Trường hợp của sinh viên Nguyễn Khánh Toàn cũng là một ví dụ nữa về xung đột học đường thời thuộc địa. Trong một bài kiểm tra, ông bác bỏ học thuyết triết học đơn thuần chỉ phục vụ triết học (triết học vị triết học). Ông chủ trương học thuật phải có tính thực dụng, nghĩa là để làm việc gì có ích cho xã hội, đại khái như việc phục vụ công việc giải phóng đất nước khỏi ngoại bang. Khi bày tỏ quan điểm như vậy, ông đã bị giáo sư dạy triết chất vấn. Thực ra, trước đó đã có sự kiện Nguyễn Khánh Toàn đọc bài diễn văn chống Pháp ở hội quán sinh viên khi đón Toàn quyền Varrenne đến đây, một bài diễn văn “đốt nhà” (nảy lửa). Cuối cùng ông vẫn được cho thi tốt nghiệp nhưng bị đánh trượt mặc dù luôn là sinh viên đạt học bổng và đã học tới những môn học cuối cùng. Họ sợ rằng nếu đuổi học ông thì tạo bầu không khí căng thẳng bất bình. Nhưng nếu cho ông đỗ, ông sẽ trở thành giáo sư dạy học trung học nhưng có đầu óc chống Pháp công khai. Nên họ chọn cách cho ông trượt tốt nghiệp để êm chuyện.19 Rồi khi rời trường ông đã chọn con đường hoạt động cách mạng, bôn ba nhiều nơi, sau thành một giáo sư đỏ và cơ duyên lại đưa ông gắn bó với ngành sư phạm khi đảm trách chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục sau này, đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu khoa học xã hội. Những căng thẳng, xung đột học đường đó chúng ta có thể hiểu được. Nhưng cũng không vì thế phủ nhận những giá trị của trường mang đến cho người học.


Về phương pháp giáo dục, ý kiến đánh giá nhìn chung cho thấy ngoài việc giảng dạy trên lớp, các giáo sư còn nhấn mạnh việc tổ chức tự học, tự nghiên cứu. Theo ông Đặng Thai Mai, “Để bổ sung cho giáo trình, các giáo sư đã phân công cho sinh viên một số đề tài để làm thuyết trình. Hồi ấy thư viện Trung ương được trang bị khá đầy đủ và tương đối kịp thời để cung cấp báo chí và thư tịch mới xuất bản bên Pháp. Chương trình được bố trí khá hợp lý”.20

Qua tìm hiểu cho thấy, những khóa đầu, sinh viên được làm khóa luận tốt nghiệp ra trường. Ngày nay có thể tìm thấy trong tạp chí Hội Trí tri21 đăng bài luận tốt nghiệp của cụ Lê Thước là sinh viên khóa hai của trường, về lịch sử giáo dục nho học22.


Việc cho sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp (bằng tiếng Pháp) có tác dụng rất tốt để bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu. Đáng tiếc là việc làm khóa luận tốt nghiệp ở những khóa sau này đã không còn có trong chương trình đào tạo. Tuy nhiên, các giáo sư vẫn rất chú ý đến việc bồi dưỡng phương pháp tự học, phương pháp nghiên cứu cho sinh viên. Điều này đã góp phần trang bị cho sinh viên, nhất là ban văn học, khi ra trường có thể thực hiện công việc nghiên cứu. Đôi dòng dưới đây của giáo sư Đặng Thai Mai như một tóm lược súc tích về những gì đã thu hoạch được khi là sinh viên của trường : “Đối với chúng tôi, mấy năm học ở trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội phải nói là đã được đánh dấu bằng những thu hoạch đáng giá. Về phần Việt văn, Hán văn cũng như về Pháp văn, ngoài các mục đích thiết thực là bồi dưỡng cho giáo viên chuyên môn phụ trách giảng dạy văn học và văn học sử ở các trường trung học, nhà trường cũng chú ý hướng dẫn sinh viên về phương pháp nghiên cứu. Các giáo sư luôn luôn luôn chú ý đến vấn đề phương pháp nghiên cứu về cả hai phương diện: tính nghệ thuật và tính lịch sử. Giảng văn cũng là dịp chúng tôi làm quen với những thủ tục cơ bản như là sưu tầm tài liệu, lên bảng thư mục, tìm hiểu những vấn đề đã được đặt ra trong công trình nghiên cứu của các nhà phê bình lớp trước để rồi, trên cơ sở đó rút ra một đề tài nghiên cứu cùng với quan điểm của mình. Về phần tôi, tôi thấy rằng đây là điểm thu hoạch quan trọng bậc nhất trong mấy năm theo học ở trường Cao đẳng Sư phạm”.23



Tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách thể hiện suy nghĩ của ông về những định kiến của xã hội (cũng là điều mà chính quyền thực dân muốn duy trì để dễ bề cai trị) về tình yêu đôi lứa. Đây là điều ông ấp ủ từ khi còn học ở Trường CĐSP Đông Dương. Ảnh: Nhã Nam. 


Khóa đầu tiên của trường với 20 sinh viên đầu vào đã có 14 sinh viên tốt nghiệp vào năm 1920, trong đó có bốn người ban sư phạm văn và 10 nguời ban sư phạm khoa học. Theo báo cáo của chính quyền, những bài luận tốt nghiệp của khóa đầu này được khen gợi cả về nội dung và văn phong.24


Kết luận

 

Vai trò của người giáo viên rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Chính quyền Pháp tại Đông Dương đã có biện pháp cụ thể, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, trong đó có việc đào tạo giáo viên trung học. Kể từ năm 1920, thời điểm khóa đầu tiên của Trường CĐSP Đông Dương có sinh viên tốt nghiệp, lực lượng giáo viên trung học đệ nhất cấp đã được tăng cường. Qua việc nghiên cứu hồi ký của những cựu học sinh trung học cơ sở của thời kỳ này, cụ thể là của trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi-Chu Văn An), Quốc học Huế, Trung học Pétrus Ký và Quốc học Vinh, chúng tôi thấy rằng những giáo viên được đào tạo từ trường CĐSP Đông Dương đều trở thành những giáo viên được học sinh kính trọng và ngưỡng mộ về năng lực và phẩm hạnh của họ. Một số giáo viên được đào tạo từ CĐSP Đông Dương ra cũng đã tham gia và góp phần vào nâng cao chất lượng giáo dục tư nhân, như trường trung học tư Thăng Long ở Hà Nội khi đó chẳng hạn. Một số thầy được đào tạo từ trường CĐSP Đông Dương, sau này là những nhà trí thức nổi tiếng có nhiều đóng góp cho khoa học và giáo dục nước nhà như các thầy Dương Quảng Hàm, Lê Thước, Đặng Thai Mai, Phạm Thiều, Cao Xuân Huy, Ca Văn Thỉnh, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Lân….


Tuy nhiên, mục đích lập ra nhà trường chỉ để đào tạo các giáo viên trung học đệ nhất cấp thời đó (tương đương như trung học cơ sỏ, cấp hai sau này). Vì thế nội dung chương trình còn chưa thể so được với các trường sư phạm cao cấp bên Pháp, nơi mà không chỉ đào tạo giáo viên mà còn cả cán bộ khoa học ở trình độ cao. Chúng ta thấy điều này thể hiện rõ ràng nhất ở ban khoa học. Tuy có giảng dạy về toán, lý, hóa, nhưng nội dụng, chương trình, thời gian, phương pháp chưa đủ liều lượng để tạo ra các giáo viên kiêm các nhà khoa học. Thực tế rất khó để tìm thấy nhà khoa học tự nhiên nào đã tốt nghiệp từ đây ra. Còn bên ban văn học, ngoài nhờ sự đào tạo của nhà trường, còn nhờ khả năng tự học, tự nghiên cứu thêm về sách báo. Các thầy từ ban văn học đi ra, nhiều thầy còn có vốn văn hóa nho học truyền thống nữa. Nghiên cứu khoa học xã hội dù sao cũng có mặt thuận lợi hơn bên nghiên cứu khoa học tự nhiên (đôi khi không cần phải có những phòng thí nghiệm như khoa học tự nhiên), khi có vốn ngôn ngữ cổ, ngoại ngữ (tiếng Pháp) cộng với tiếng mẹ đẻ và cả phương pháp nghiên cứu tài liệu đã được học trong trường, cộng vói trình độ phương pháp tư duy nhất định thì có thể đi vào nghiên cứu ở một số lĩnh vực như lịch sử, văn học, văn hóa, lý luận giáo dục, triết học, tư tưởng…□

-------

Chú thích

1 Trong danh sách khóa đầu này, có tên các thầy giáo sau này đã trở lên nổi tiếng: Dương Minh Thới, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Nhỏ, Nguyễn Gia Tường, Vũ Tiến Sáu.

2 Gouvernement général de l’Indochine, Rapports au Conseil de gouvernement (tome 2), 1926, p.488.

Gouvernement général de l’Indochine, Rapports au Conseil de gouvernement, 1930, p.362.

4 Gouvernement général de l’Indochine, Rapports au Conseil de gouvernement (tome 2), 1919, p.200.

Gouvernement général de l’Indochine, Rapports au Conseil de gouvernement 1926, tome 2, p.489.

Nguyễn Khánh Toàn,Tuyển tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010, tr.31, 32.

7 Direction générale de l’Instruction publique, Annales de l’Université de Hanoi (tome 1), 1933, Arrêté de réorganisation de l’École supérieure de pédagogie de Hanoi, p.98;  Gouvernement général de l’Indochine, Rapports au Conseil de gouvernement 1933, p.108.

Gouvernement général de l’Indochine, Rapports au Conseil de gouvernement 1932, p137; Rapports au Conseil de gouvernement 1933, p.108.

Gouvernement général de l’Indochine, Rapports au Conseil de gouvernement, 1935, p.106.

10 Gouvernement général de l’Indochine – Direction de l’Instruction publique, Annale de l’Université de Hanoi, Tome 1, Hanoi, Imprimerie d’Extrême-Orient, p.98-104.

11 Gouvernement général de l’Indochine, Rapports au Conseil de gouvernement (tome 2), 1919, p.200.

12 Hoàng Ngọc Phách, Tuyển tập, op.cit, p.186-188.

13 Hoàng Ngọc Phách, Tuyển tập, op.cit, p.192,193.

14 Đặng Thai Mai, Hồi ký: Thời kỳ thanh thiếu niên, Nxb. Tác phẩm mới, Hà  Nội, 1985, tr.285.

15 Đặng Thai Mai, Hồi ký: Thời kỳ thanh thiếu niên, Nxb. Tác phẩm mới, Hà  Nội, 1985, tr.285

15 Đặng Thai Mai, Hồi ký: Thời kỳ thanh thiếu niên, Nxb. Tác phẩm mới, Hà  Nội, 1985, tr.286

17 Đặng Thai Mai, Hồi ký: Thời kỳ thanh thiếu niên, Nxb. Tác phẩm mới, Hà  Nội, 1985, tr.292.

18 Đặng Thai Mai, Hồi ký: Thời kỳ thanh thiếu niên, Nxb. Tác phẩm mới, Hà  Nội, 1985, tr.294.

19 Nguyễn Khánh Toàn, Tuyển tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010.

20 Đặng Thai Mai, Hồi ký: thời kỳ thanh thiếu niên, Nxb. Tác phẩm mới, Hà  Nội, 1985, tr.285

21 Hội có tên tiếng pháp là la Société d’enseignement mutuel du Tonkin, khi dịch sang tiếng Việt lấy tên là Hội Trí tri.

22 Bulletin de la Société d’enseignement mutuel du Tonkin. Tome III, année, n° 4, L’enseignement des carractè res chinois, p.48

23 Đặng Thai Mai, Hồi ký : thời kỳ thanh thiếu niên, Nxb. Tác phẩm mới, Hà  Nội, 1985, tr.290-291.

24 Agence économique de l’Indochine, Communiqué de la presse indochinoise, 01/04/1921, p.11.

Tác giả bài viết: Lê Xuân Phán

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin tức cập nhật

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 18
  • Khách viếng thăm: 14
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 174
  • Tháng hiện tại: 125771
  • Tổng lượt truy cập: 24272554