Rembrandt, họa sĩ vĩ đại và…một nhà khoa học vật liệu tài năng

Đăng lúc: Thứ hai - 04/11/2019 23:11 - Người đăng bài viết: admin
Danh họa Hà Lan Rembrandt được coi là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử hội họa châu Âu và thuộc danh sách 10 họa sĩ huyền thoại nổi tiếng nhất thế giới. Rembrandt không chỉ có thiên tài về vẽ, ông còn là một nhà khoa học vật liệu tài năng đầy kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị phông nền, các lớp phủ, hay khi pha chế màu hay khi dùng vật liệu phụ trợ.

Rembrandt là họa sĩ có tài thiên phú, lập nghiệp khi còn rất trẻ và rất sớm thành danh. Ông đã tạo nên được những tác phẩm kịch tính, phức tạp và siêu thực. Danh tiếng và sự độc đáo của Rembrandt cũng do việc ông sử dụng màu sắc một cách hoàn hảo để thể hiện tông màu, kết cấu, hiệu ứng ánh sáng và chiều sâu trong các tác phẩm của mình.

Các màu sắc mà Rembrandt sử dụng nằm trong xu hướng thực hành hội họa ở Hà Lan thời bấy giờ (thế kỷ 17). Khi đó Hà Lan là một trung tâm sản xuất bột màu ở quy mô công nghiệp và đảm bảo được việc tiêu chuẩn hóa các sản phẩm. Các sắc tố được bán dưới dạng bột nghiền, chỉ cần trộn với dầu thành sơn màu trong xưởng vẽ các họa sĩ.

Rembrandt sử dụng khá hạn chế số lượng sắc tố. Những sắc tố chủ lực là trắng, đen và các sắc tố đất tự nhiên (nâu, nâu xám, nâu da cam, nâu đậm…). Nhưng do sự hiểu biết sâu sắc về vật liệu, và do ông đã tạo ra kỹ thuật impasto (kỹ thuật vẽ đắp nhiều lớp) mang dấu ấn riêng của mình, Rembrandt đã tạo ra sự kết hợp các sắc thái màu trong tranh cũng như hiệu ứng ba chiều sống động và đặc sắc.

Rembrandt không chỉ có thiên tài về vẽ, ông còn là một nhà khoa học vật liệu đầy kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị phông nền, các lớp phủ, hay khi pha chế màu hay khi dùng vật liệu phụ trợ.

Rembrandt Harmenszoon van Rijn (15 July 1606  – 4 October 1669).

Chân dung tự họa năm 1658. Ảnh: Internet.

Vật liệu tạo nên lớp phủ đặc biệt, cách sử dụng bảng màu để tạo hiệu ứng 3 chiều

Rembrandt làm việc trên các tấm gỗ và vải. Ông không bao giờ vẽ trên nền trắng, mà thường là trên một nền màu (xanh xám hoặc xám). Và mặt nền ông tạo ra cũng rất đặc biệt.

Hầu hết các bức tranh của ông được sơn lót hai lớp nền. Đầu tiên ông phủ lớp sơn lót là gesso bằng keo lên tấm nền, có lẽ để lấp đầy kết cấu của tấm vải, rồi chà nhám để làm phẳng bề mặt. Lớp đầu này có màu nâu đỏ cam. Lớp thứ hai là một lớp lootwit chì trắng pha trong dầu hạt lanh. Một lượng nhỏ Umber (một sắc tố tự nhiên tương tự nhưng đậm hơn màu nâu đất) được thêm vào, có thể để tăng tốc độ làm khô, và tạo ra ánh sáng vàng đặc trưng cho tác phẩm của ông.

Rembrandt là là một bậc thầy của phong cách sử dụng tương phản giữa ánh sáng và bóng tối để tạo chiều sâu của bức tranh (thuật ngữ tiếng Ý của phong cách này là chiaroscuro). Ông dùng gam màu rất hạn chế, chủ yếu là tông màu đất tối và màu vàng nổi bật, nhưng ông tự pha chế và dùng các hỗn hợp màu phức tạp chứ không dùng màu thô có sẵn. Ông pha trộn nhiều hợp chất có sẵn với các loại dầu để tạo ra các loại sơn dầu vẽ giống như bột mềm nhão. Điểm rất đặc biệt là, dù là Rembrandt hạn chế trong việc lựa chọn màu sắc, ông lại không hạn chế trong việc sử dụng sơn dầu này để phết/vẽ nhiều lớp (kỹ thuật impasto) thành các lớp sơn dày mà có thể ‘đứng’ trên bề mặt tấm bạt, nhờ đó tăng các đặc tính kết cấu phản chiếu ánh sáng của sơn để tạo hiệu ứng quang học cần thiết. Ngoài kỹ thuật chính impasto, với sự hiểu biết sâu về vật liệu, Rembrandt đã sử dụng nhiều kỹ thuật khác để tạo nên những hiệu ứng độc đáo và mới mẻ, mà không có nghệ sĩ nào khác ở thời điểm đó sử dụng. Ví dụ như:

1/ Bôi một lớp mỏng lá vàng lên trên lớp màu. Màu vàng phủ lên trên này dường như làm cho bức tranh phát sáng.

2/ Tạo các vết xước trong sơn ướt với mục đích để lộ màu của nền hay lớp sơn trước nằm bên dưới. Với cách này có thể tạo các họa tiết chi tiết.

3/ Sau khi thực hiện các mảng nổi bật trong các lớp sơn dày, Rembrandt sẽ che phủ toàn bộ hoặc một phần những mảng này bằng sơn mỏng như men, một lớp màu trắng khô nhanh pha từ chì trắng, phấn, thủy tinh pha chì. Hay nói cách khác, ông đã phát triển kỹ thuật tráng men trên impastos. Quá trình này sẽ làm thay đổi màu sắc và tăng độ chói của màu sắc.

4/ Bôi một lớp men tối lên bề mặt của tác phẩm và sau đó lau sạch lớp men thừa bằng một miếng giẻ. Phương pháp này sẽ để lại lớp men tối trong các phần rỗng của tác phẩm được sơn và sẽ dẫn đến kết cấu họa tiết được chiếu sáng.

Điều hết sức đặc biệt là Rembrandt dùng hợp chất chưa từng được biết đến. Khi phân tích màu sơn impasto của Rembrandt bằng tia X tại trung tâm máy gia tốc Synchrotron châu Âu ở Grenoble, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng ông đã sử dụng một khoáng chất chì carbonate vẫn gọi là plumbonacrite, Pb5(CO3)3O(OH). Chất mới này chỉ được tìm thấy trong các tác phẩm nghệ thuật trong thế kỷ 20 và trong duy nhất một tác phẩm của Vincent van Gogh từ thế kỷ 19 (được coi là kết quả của sự thoái hóa của màu chì đỏ). Cho nên đó là điều vô cùng khác biệt khi Rembrandt đã từng dùng nó trong nửa đầu thế kỷ 17. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, sự hiện diện của plumbonacrite là dấu hiệu của môi trường kiềm. Dựa trên các văn bản lịch sử, họ suy đoán là Rembrandt đã thêm chì oxit (thạch cao, chì trắng) vào dầu. Tuy nhiên họ không khẳng định được liệu chì trắng có chứa Plumbonacrite. Hiện chưa có giải thích thỏa đáng nào về công thức pha chế của Rembrandt. 

 

Phòng thí nghiệm Rembrandt

Nơi mà công chúng có thể tìm hiểu sâu về kỹ thuật của Rembrandt cũng như khía cạnh khoa học vật liệu của ông là phòng thí nghiệm Rembrandt ở tầng trên cùng của Nhà bảo tàng Rembrandt ở Amsterdam. Đây là ngôi nhà Rembrandt từng ở và làm việc suốt hơn 20 năm.

 

Nhà bảo tàng Rembrandt ở số 4 Jodenbreestraat, Amsterdam.

 

Tại đây, khách tham quan có thể đọc các thông tin, xem phim, và tìm hiểu các thí nghiệm phân tích tiến hành trên các tác phẩm của Rembrandt. Phương pháp phân tích dùng tia X đã chỉ ra các bước chính mà Rembrandt thực hiện vẽ tranh:

1/ Dùng phụ trợ (để vải được căng) bằng dầu/mỡ động vật,

2/ Lớp phủ: Rembrandt dùng các lớp phủ khác nhau. Lần đầu tiên ông dùng lớp men phủ bằng thủy tinh cho bức tranh “Night Watch” (1642). Không một ai thời đó sử dụng. Đó là hỗn hợp thủy tinh (cát), đất sét, một ít sắc tố đất trộn với dầu,

3/ Phác thảo bằng màu nâu hay đen,

4/ Khắc họa mảng bóng tối và mảng sáng, dùng rất ít màu (giai đoạn màu chết),

5/ hoàn thiện bản vẽ với mầu sắc (giai đoạn làm nổi màu và họa tiết). Khi đó Rembrant thực hiện điều chỉnh từ lớp màu nền đến lớp màu trên cùng.

6/ Phủ lớp đánh bóng: phủ lớp men trong để làm nổi bật màu.

Rembrandt luôn thay đổi trong khi vẽ, điều này xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình vẽ.

Các phân tích tia X còn chỉ ra chính xác các thành phần hóa học có trong màu vẽ của Rembrandt. Chẳng hạn với bức vẽ “Người đàn ông đội mũ đỏ” (The man with the Red Cap, vẽ khoảng năm 1666), có 13 nguyên tố hóa học trong 15 màu sắc Rembrandt sử dụng.

 

Tác phẩm “Người đàn ông đội mũ đỏ” của Rembrandt (vẽ khoảng năm 1666). Từ trái sang phải: màu sắc trong nguyên tác, hình thể hiện chỉ với nguyên tố chì (Pb) và thủy ngân (Hg).

 

Trong phòng thí nghiệm Rembrand có cả khu “Phòng thí nghiệm Rembrandt trẻ”, giải thích cặn kẽ nhưng theo cách rất dễ hiểu. Cho nên cũng không ngạc nhiên là nơi đây luôn có rất nhiều thanh thiếu niên chăm chú đọc các tài liệu nghiên cứu về Rembrandt, hoặc thử nghiệm với màu sắc hay cách vẽ của Rembrandt.

Phòng thí nghiệm Rembrant trẻ, khu dành cho thanh thiếu niên tại Bảo Tàng nhà Rembrandt.

 

2019 - năm kỷ niệm Rembrandt

Tại Hà Lan, quê hương của họa sĩ Rembrandt, đã tổ chức trọng thể trong năm 2019 chương trình kỷ niệm 350 năm ngày mất của thiên tài hội họa. Nhiều cuộc triển lãm được tổ chức tại nhiều thành phố. Quan trọng nhất là Bảo tàng Rijksmuseum ở Amsterdam, nhân dịp này đã trưng bày toàn bộ 400 tác phẩm trong bộ sưu tập Rembrandt toàn diện nhất trên thế giới. Đây là lần đầu tiên tất cả các tác phẩm được triển lãm cùng một lúc. Triển lãm đóng cửa vào tháng 6. Nhưng sự quan tâm của công chúng không hề bị gián đoạn. Vào ngày 8 tháng 7 năm 2019, Rijksmuseum bắt đầu dự án nghiên cứu và bảo tồn lớn nhất và trên phạm vi rộng nhất trong lịch sử các kiệt tác Rembrandt, gọi là chiến dịch „Night Watch” (lấy tên theo tác phẩm nổi tiếng „Phiên tuần tra đêm” của Rembrandt, vẽ năm 1642, là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới). Toàn bộ hoạt động nghiên cứu bức tranh này diễn ra trong một buồng kính với thiết kế đặc biệt để công chúng tham quan bảo tàng có thể trực tiếp quan sát. Không những quan sát tận nơi, công chúng còn có thể quan sát trực tuyến hàng ngày khi ở bất cứ đâu, chỉ cần có kết nối Internet. Các nhà nghiên cứu sử dụng các kỹ thuật tiên tiến, chẳng hạn như quét vĩ mô huỳnh quang tia X (macro X-ray fluorescence scanner (macro-XRF)), quang phổ hình ảnh phản xạ hồng ngoại (reflectance imaging spectroscopy (RIS)), để phân tích các yếu tố hóa học khác nhau trong sơn. Từ các bản đồ phân tích kết quả của các yếu tố hóa học khác nhau trong sơn, có thể xác định các sắc tố đã được sử dụng. Quét vĩ mô XRF cũng có thể tiết lộ những thay đổi cơ bản trong thành phần và bố cục, cung cấp cái nhìn sâu sắc về quy trình vẽ của Rembrandt. Để quét toàn bộ bề mặt của bức tranh (cao 379.5cm và dài 454.5cm), phải cần đến 56 lần quét, mỗi lần quét sẽ cần 24 giờ. Ngoài ra, dự kiến sẽ chụp khoảng 12.500 bức ảnh ở độ phân giải cực cao. Bằng cách này, có thể thấy các chi tiết các hạt sắc tố thường không nhìn thấy được bằng mắt thường. Chưa bao giờ một bức tranh lớn như vậy được nhân tích với độ phân giải cao như vậy, sử dụng các kỹ thuật nghiên cứu mới nhất và tiên tiến nhất, từ hình ảnh kỹ thuật số, nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, đến khoa học máy tính và cảtrí tuệ nhân tạo. Nghiên cứu này sẽ dẫn đến sự hiểu biết tốt hơn về diện mạo nguyên bản và trạng thái hiện tại của bức tranh, cũng như cung cấp thông tin về các thay đổi mà bức tranh đã trải qua trong suốt bốn thế kỷ qua. Kết quả nghiên cứu tạo nên một kế hoạch chi tiết cho việc bảo quản và phục hồi bức tranh.

Tài liệu tham khảo: Internet.

Ảnh của tác giả.

 

 

Tác giả bài viết: Nhữ-Tarnawska Hoa Kim Ngân

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin tức cập nhật

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 3
  • Hôm nay: 508
  • Tháng hiện tại: 126105
  • Tổng lượt truy cập: 24272888