Cuộc đời lạ lùng của người đàn ông có IQ cao nhất thế giới
- Thứ hai - 04/05/2015 17:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tài năng tuyệt vời của Kim được bộc lộ từ khi mới sinh ra: biết nói lúc 4 tháng tuổi, trò chuyện lưu loát từ 6 tháng, đọc được tiếng Hàn, Nhật, Đức và tiếng Anh lúc 24 tháng. Năm 4 tuổi, khi vẫn còn học mầm non, cậu bé Kim đã nổi tiếng nhờ khả năng giải quyết các bài toán phức tạp trên truyền hình Nhật Bản.
Kim Ung-yong – người sở hữu chỉ số IQ cao nhất thế giới 210 |
Thời thơ ấu, ông còn làm thơ, vẽ tranh. Ông trở thành sinh viên dự thính khoa Vật lý, ĐH Hanyang từ năm 3 tuổi tới năm 6 tuổi.
Năm 8 tuổi, NASA mời ông tới làm việc và nghiên cứu. Ông làm việc ở đó trong 10 năm. Ông cũng nhận được bằng Tiến sĩ Vật lý ở ĐH Bang Colorado. Năm 1978, ông từ bỏ tất cả để trở về Hàn Quốc.
Kim lúc 7 tuổi, đang giải phương trình trên đài truyền hình Nhật Bản năm 1969 |
“Tôi nổi tiếng vì có chỉ số IQ 210 và vì có khả năng giải được các phương trình toán học từ năm 4 tuổi” – ông Kim nói. “Chắc chắn là giới truyền thông tỏ ra luyến tiếc cho quyết định chọn làm việc ở bộ phận kế hoạch kinh doanh của Công ty Phát triển Chungbuk của tôi”.
Truyền thông trong nước đánh giá ông là một “thần đồng thất bại” nhưng bản thân ông thì không hiểu tại sao, bởi ông cho rằng cuộc đời mình là một sự thành công.
“Người ta mong đợi tôi trở thành một nhân viên cấp cao trong Chính phủ hoặc làm việc ở một cơ quan lớn, nhưng tôi không nghĩ rằng chỉ vì tôi không chọn trở thành người mà người ta kỳ vọng thì người ta có quyền gọi cuộc đời của tôi là sự thất bại”.
Ông Kim khẳng định cuộc đời ông là một sự thành công lớn.
Khi quyết định trở thành một nhân viên bình thường, truyền thông đã lên tiếng chỉ trích ông. Ông vẫn còn cảm thấy cay đắng khi nhớ về quãng thời gian đó. “Tôi đang cố gắng nói cho mọi người rằng tôi hạnh phúc theo cách của mình”.
Ông gọi 10 năm làm việc ở NASA là những năm tháng đơn độc. “Lúc đó, tôi như một cái máy. Tôi thức dậy, giải phương trình, ăn, ngủ và cứ như thế. Tôi thực sự không biết mình đang làm gì. Tôi cô đơn và không có bạn bè” – ông nhớ lại.
Nhưng hồi ấy, mong muốn được sống cạnh mẹ chính là lý do khiến ông quyết định trở về Hàn Quốc.
Đúng như đã lường trước, truyền thông xôn xao về sự trở về của ông. “Tôi bị ốm và cảm thấy mệt mỏi khi lại trở thành trung tâm chú ý. Tôi thấy mình giống như một con thú trong sở thú. Lúc đó không có Twitter và có vẻ báo in có sức mạnh hơn cả. Thông tin truyền đi rất nhanh. Một số người thậm chí còn nói tôi bị tâm thần vì bị giam trong một căn phòng. Tôi muốn tránh né tránh mọi sự chú ý dồn tới mình”.
Trong khi đó, Kim chỉ muốn có một công việc ở Hàn Quốc nhưng để làm được điều đó, ông phải có bằng tiểu học, cấp hai, cấp 3. “Vì không có bằng cấp chính thức nên tôi phải bắt đầu lại từ đầu” – ông Kim giải thích.
Tuy nhiên đó không phải là trở ngại đối với người đàn ông thông minh nhất thế giới.
Ông tự học và hoàn thành xong tiểu học và cấp 2 trong vòng một năm, học phổ thông trong một năm nữa.
“Sau đó, tôi muốn học đại học hơn là đi làm ngay. Tôi muốn học cùng các bạn cùng tuổi tôi và chọn một trường bên ngoài Seoul để ít bị chú ý” – ông kể.
Kể từ đó ông được sống một cuộc đời hạnh phúc. “Ở trường đại học, tôi sống cuộc sống của sinh viên năm nhất giống như một học sinh tiểu học, năm thứ hai như học sinh cấp 2, năm thứ 3 như học sinh trung học và năm cuối như một sinh viên đại học bình thường” – người đàn ông này chia sẻ.
“Tôi coi cuộc đời mình là sự thành công, bởi vì không có quá nhiều người dám làm việc mà họ thực sự muốn làm nhưng tôi thì làm được. Một cuộc đời hạnh phúc thì được gọi là gì chứ!”
Tưởng chừng câu chuyện về cuộc đời ông đã chìm vào dĩ vãng thì một lần nữa nó lại được khơi lại khi xuất hiện một cậu bé 9 tuổi nhập học đại học. Báo chí lại đề cập đến ông như một “thần đồng thất bại”.
“Các tờ báo lại bắt đầu lôi tôi ra như thể tôi là tấm gương xấu cho cậu bé đó. Họ nói rằng cậu bé không nên giống tôi khi trưởng thành”.
Ông Kim cho rằng người ta đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào IQ. “Một số người nghĩ rằng những người có IQ cao là toàn năng, nhưng sự thật không phải vậy. Hãy nhìn tôi đi, tôi không có năng khiếu âm nhạc, cũng chẳng hề giỏi thể thao” – ông nói.
Cũng giống như các vận động viên phá kỷ lục thế giới, IQ cao cũng chỉ là một dạng tài năng của con người. “Tôi chỉ giỏi trong một lĩnh vực, còn có nhiều người khác có những tài năng khác”.
Ông cũng nói IQ cao không có nghĩa là có trí nhớ bất diệt. Cụ thể như, ông có thể nói được 4 ngoại ngữ - Pháp, Đức, Nhật và tiếng Anh, nhưng bây giờ ông không thể nói thành thạo. “Bây giờ tôi cũng có thể nói được một ít nhưng nói thật là nó đã bị mai một nhiều rồi”.
“Xã hội không nên đánh giá bất cứ ai bằng một tiêu chuẩn chung trong khi mỗi người đều có trình độ học vấn, hi vọng, tài năng và ước mơ khác nhau. Chúng ta nên tôn trọng điều đó. Với tôi, hạnh phúc chính là thành công sau cùng”.
Nguyễn Thảo (Theo Korea Herald)