Giáo dục sau trung học ở Việt Nam nên thế nào?
- Thứ bảy - 02/05/2015 13:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hệ thống giáo dục đáng chịu những tác động rất lớn bởi những tiến bộ về khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin và truyền thông, tòan cầu hóa, mô hình tổ chức và quản lý sản xuất, môi trường, dịch bệnh và bối cảnh chính trị thế giới.
Những thay đổi trong lĩnh vực IT, công nghệ điện tử, sinh học, vật liệu mới diễn ra hết sức nhanh chóng với tốc độ 1 năm bằng cả hàng chục năm trước đây đã dẫn đến những thay đổi nhanh chóng về yêu cầu kiến thức kỹ năng của người lao động tại nơi làm việc. Có người ví ngành giáo dục luôn phải nhắm đến mục tiêu di động của giáo dục.
Toàn cầu hóa tạo ra những cơ hội nhất định cho các quốc gia song đòi hỏi ở mỗi quốc gia những nỗ lực cạnh tranh rất lớn về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và chí phí. Đổi mới công nghệ sẽ diễn ra thường xuyên liên tục đối với các doanh nghiệp nếu doanh nghiệp không muốn bị đứng ra ngoài lề của cuộc tranh đua này. Đổi mới công nghệ đòi hỏi người lao động phải có năng lực thích nghi, dễ đào tạo (trainable), dễ chuyển đổi kỹ năng và những tri thức cơ bản (3R’), năng lực tư duy, thái độ mà doanh nghiệp đòi hỏi.
Ảnh minh họa |
Đứng trước thực tế đó, mô hình đào tạo người lao động trong các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển cần phải thay đổi. Việc đào tạo rộng với những tri thức, kỹ năng cơ bản, cốt lõi được nhấn mạnh. Nói cách khác người lao động cần có một học vấn phổ thông tốt trước khi học một nghề trong những lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sử dụng high-tech (State of the Arts).
Xu hướng từ các quốc gia phương Tây
4 động lực chính để phát triển giáo dục sau trung học.
Những thay đổi từ thị trường lao động: Thị trường lao động trong những những năm 1970 cho thấy nhu cầu ngày một tăng lên đối với kỹ thuật viên và nhân viên nghiệp vụ có trình độ trung cấp (midle-level) để nắm giữ các vị trí quản lý trung gian trong những lĩnh vực kinh tế truyền thống như nông nghiệp, xây dựng, chế tạo và thương mại, đặc biệt sự gia tăng nhanh chóng lĩnh vực kinh tế dịch vụ như du lịch, nhà hàng, ngân hàng và tài chính, giao thông công cộng, chăm sóc sức khỏe...
Theo một dự báo nhu cầu nhân lực có trình độ kỹ năng ở Hoa Kỳ, có đến 80% việc làm gia tăng nhanh nhất từ năm 2000 đến năm 2010 đòi hỏi người lao động có trình độ giáo dục sau trung học và xu hướng này tiếp tục tăng nhanh. Đến năm 2010 sẽ có hơn 42% việc làm trong nền kinh tế đòi hỏi một chứng chỉ nghề sau trung học, bằng CĐ, cử nhân hoặc cao hơn thì đến năm 2020 con số này theo dự báo lên đến 65%.
Điều đáng chú ý là có trên 65% nghề có tốc độ phát triển cao nhất ở Hoa Kỳ đòi hỏi người lao động được đào tạo ở trình độ sau trung học (bằng CĐ, chứng chỉ nghề, bằng cử nhân).
Do tác động của tiến bộ công nghệ, phân bố trình độ nhân lực theo một phổ từ lao động có kỹ năng ở mức thấp nhất công nhân - kỹ thuật viên – công nghệ viên - kỹ sư – nhà khoa học.
Những tác động xã hội: Sự phát triển giáo dục sau trung học còn chịu sức ép từ xã hội. Giáo dục sau trung học được xem như việc tạo thêm cơ hội GDĐH cho học sinh tốt nghiệp trung học (THPT và trung học kỹ thuật, trung học nghề).
Các chương trình giáo dục sau trung học không chỉ đáp ứng nhu cầu từ thị trường lao động mà còn đáp ứng nhu cầu của thanh niên tốt nghiệp trung học. Chương trình cung cấp một sự lựa chọn cho những đối tượng hoặc không muốn vào ĐH hoặc không thích hợp học những chương trình mang nặng tính hàn lâm. Những đối tượng theo học chương trình này thường mất từ 2 đến 3 năm để có một trình độ chuyên nghiệp. Sự phát triển mạnh mẽ các cơ sở giáo dục dành cho những đối tượng trên cho thấy các chương trình giáo dục được đánh giá cao từ phía người sử dụng lao động và sinh viên.
Sức ép về kinh tế và tài chính: Những nhà quản lý giáo dục phương Tây lo ngại về thời gian GDĐH quá dài và tỷ lệ sinh viên bỏ học ĐH cao. Người ta cho rằng giáo dục nghề sau trung học được xem có hiệu quả cao từ logic của thị trường lao động và là sự lựa chọn hiệu quả đối với giáo dục cho một tỷ lệ lớn thanh niên.
Sự phát triển chương trình giáo dục nghề sau trung học: các cơ sở giáo dục nghề sau trung học đã thu thược những thành công trong việc đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của cả người sử dụng lao động và của cả xã hội nói chung trên bình diện cung cấp các chương trình đào tạo cho người thất nghiệp và cả những người lao động cơ hội để được đào tạo lại hoặc để nâng cao trình độ. Những chương trình này mau chóng được sự chấp nhận của xã hội.
Cần có nhìn nhận mới
Từ những phân tích trên có thể rút ra: Giáo dục sau trung học là xu hướng phổ biến ở nhiều quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động dưới tác động của tiến bộ công nghệ, thay đổi mô hình quản lý sản xuất, dịch vụ và dưới sức ép xã hội khi một bộ phận lớn thanh niên học xong THPT không thể vào học trong các trường đại học mang truyền thống nghiên cứu.
Chất lượng giáo dục phổ thông rất quan trọng - là nền tảng và tiền đề để đào tạo ra người lao động có năng lực sống và làm việc trong môi trường thay đổi.
Hầu hết các chương trình sau trung học chỉ cần học trong vòng 2 năm đối với hệ giáo dục phổ thông kéo dài đến 12 năm.
Đại chúng hoá giáo dục đại học với sự góp phần của các cơ sở giáo dục sau trung học là xu hướng tất yếu với hàm lượng nghề gia tăng trong các chương trình. Đại chúng hoá giáo dục đại học không đồng nghĩa với “university” hoá như một số người hay nói đến “thừa thấy thiếu thợ”.
Cần có nhìn nhận mới về đào tạo đại học và sau đại học đối với những lĩnh vực mang tính chuyên nghiệp (professional). Khi hàm lượng “nghề” gia tăng đồng nghĩa với việc thay đổi về phương pháp dạy, tổ chức dạy học đại học, công nhận trình độ và sự gắn kết mạnh hơn với doanh nghiệp.
Giảng viên trong các trường cao đẳng hay đại học theo hướng nghề nghiệp hoặc khoa học ứng dụng cần có nhiều kinh nghiệm từ thực tế sản xuất và năng lực thực hành cao.
Mô hình đào tạo sau trung học khá đa dạng về chương trình và cơ sở đào tạo nhưng có một điểm chung là gắn chặt với tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp đầu ra và tiêu chuẩn này được xác định không phải chỉ bởi nhà trường mà bởi cả thế giới việc làm (đại diện doanh nghiệp, ngành kinh tế, công đoàn, giới chủ).
Giáo dục sau trung học nên như thế nào?
Tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo sau trung học (chú trọng các ngành kỹ thuật công nghệ) trên cơ sở đảm bảo chất lượng và củng cố vững chắc nền tảng giáo dục phổ thông.
Tái cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân để nâng cao hiệu quả kinh tế trong đào tạo và hội nhập (di chuyển lao động, công nhận văn bằng). Đồng thời, cần có nghiên cứu và đánh giá so sánh tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp các trường CĐ 3 năm với tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp của học sinh tốt nghiệp các trường trung cấp chuyên nghiệp hệ 2 năm và mức độ gắn kết với thị trường lao động của chương trình đào tạo.
Cần đánh giá khách quan các trường trung cấp chuyên nghiệp hiện nay thành cơ sở giáo dục sau trung học với thời gian đào tạo 2 năm và nghiên cứu rút gọn chương trình đào tạo cao đẳng xuống còn 2 năm trong hầu hết các ngành đào tạo (có thể trừ các ngành sư phạm, y tế, nghệ thuật...). Cách này có thể giúp nhanh chóng tăng tỷ lệ lao động được đào tạo ở Việt Nam và nâng cao hiệu quả của hệ thống.
Nhanh chóng xây dựng, ban hành và thực hiện khung các trình độ quốc gia làm cơ sở cho công tác dự báo, quy hoạch đào tạo nhân lực và thúc đẩy hội nhập khu vực và quốc tế. Rất cần phát triển mạnh các trường cao đẳng cộng đồng trên cơ sở quy hoạch lại các cơ sở GDNN ở địa phương để tập trung nguồn lực và trí tuệ phát triển kinh tế địa phương.
- TS. Hoàng Ngọc Vinh(Hà Nội)