Cần công khai, minh bạch trong xét duyệt đề tài
- Thứ sáu - 21/11/2014 22:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
TS. Tạ Hải Tùng - Giám đốc NAVIS.
Nguồn: HUST-CCPR
Để thúc đẩy quá trình tự chủ của các đơn vị, cách đơn giản nhất có thể thực hiện là công khai và minh bạch hóa quy trình đấu thầu từ đánh giá, xét duyệt đến nghiệm thu các đề tài và dự án cấp nhà nước. Với cách đó, những đơn vị không làm ra sản phẩm sẽ không được tiếp cận với các nguồn vốn từ ngân sách nữa, đồng thời những đơn vị nghiên cứu tốt sẽ chứng minh được năng lực của mình. Thứ hai, nên có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các đơn vị nghiên cứu và đóng góp vào các quỹ đầu tư để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu với sản phẩm có tiềm năng ứng dụng. Bên cạnh đó, những đề tài ứng dụng (sản xuất thử nghiệm, sản phẩm công nghệ cao) rất cần sự tham gia của doanh nghiệp. Họ không chỉ hỗ trợ kinh phí nghiên cứu mà còn thẩm định khả năng áp dụng sản phẩm công nghệ vào thị trường. Khi chúng tôi thực hiện những đề tài, dự án liên kết với các nước châu Âu, chỉ những đề tài có sự tham gia của doanh nghiệp mới được phê duyệt (vì điều đó chứng tỏ phần nào tính khả thi của dự án). Như vậy, nguồn tài trợ đa dạng đến từ cả ngân sách và doanh nghiệp sẽ góp phần làm minh bạch hóa nền khoa học.
Những đề tài có ý nghĩa với tính mới, tính sáng tạo được đề cao luôn tiềm ẩn rủi ro, vì vậy nếu quá đặt nặng cam kết đến sản phẩm cuối cùng với cơ chế xử lý rủi ro nặng nề thì họ chỉ có thể cam kết những sản phẩm an toàn (hầu hết đã được làm xong, tính mới không còn nhiều). |
Hiện nay, với sự ra đời của Luật Khoa học và Công nghệ 2013, chúng ta có hình thức quỹ đầu tư khoa học và công nghệ cũng như cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Với cá nhân tôi, đó là những bước đột phá rất quan trọng, tạo điều kiện rất lớn cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của các nhà khoa học. Tuy nhiên, để tránh rủi ro cho chủ đầu tư, việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện vẫn phải làm liên tục và xuyên suốt quá trình thực hiện đề tài. Một ví dụ là với các đề tài/dự án nghiên cứu khoa học (NCKH) thuộc Chương trình khung về phát triển KHCN FP7 của Liên minh châu Âu, khi một đề tài được phê duyệt, cơ quan quản lý sẽ cử riêng một cán bộ hành chính và một chuyên gia độc lập cùng lĩnh vực chuyên môn (được thuê riêng) “đồng hành” cùng với nhóm thực hiện đề tài. Vai trò của họ vừa có tính chất giúp cơ quản quản lý giám sát, đánh giá chất lượng công việc, vừa mang tính hỗ trợ nhóm thực hiện để đảm bảo đề tài về đích với các mục tiêu đặt ra ban đầu. Ngoài ra, khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, cũng không nên hiểu chỉ có sản phẩm cuối cùng được bảo vệ, đề tài vẫn cần có các sản phẩm trung gian được nộp lên cơ quan quản lý theo đúng hạn đăng ký trong thuyết minh. Dựa vào đánh giá của phản biện độc lập về chất lượng các sản phẩm trung gian, cơ quan quản lý quỹ sẽ quyết định có chi tiếp ngân sách trong giai đoạn tiếp theo hay không. Với các dự án FP7, khi bắt đầu thực hiện, cơ quan quản lý cấp 55% ngân sách (trong đó dành riêng 5% cho quỹ bảo lãnh đề phòng rủi ro), qua đánh giá giữa kỳ cấp tiếp 25%; và cuối cùng khi dự án được nghiệm thu thành công, 20% còn lại sẽ được giải ngân.
Mặc dù tôi rất ủng hộ cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, tuy nhiên, qua trao đổi với các đồng nghiệp, tôi cũng hiểu vẫn còn một số băn khoăn về áp lực ra sản phẩm cuối cùng. Vì cần phải khẳng định rằng, những đề tài có ý nghĩa với tính mới, tính sáng tạo được đề cao luôn tiềm ẩn rủi ro, vì vậy nếu quá đặt nặng cam kết đến sản phẩm cuối cùng với cơ chế xử lý rủi ro nặng nề thì họ chỉ có thể cam kết những sản phẩm an toàn (hầu hết đã được làm xong, tính mới không còn nhiều).
Qua tìm hiểu, tôi được biết trên thế giới, vấn đề xử lý các đề tài không hoàn thành nhiệm vụ cũng hết sức phức tạp, vì vậy, quy trình đầu vào, cũng như các bước giám sát và kiểm tra liên tục cần được thực hiện đảm bảo tính minh bạch, có trách nhiệm, cũng như sự liên tục và xuyên suốt như trình bày ở trên. Ngoài ra cần phải nhấn mạnh rằng, ở các nước phát triển, các nhà khoa học khi làm đề tài/dự án nghiên cứu không được thêm thù lao, mà chỉ có kinh phí phục vụ mua sắm thiết bị, nguyên vật liệu, đi lại trao đổi học thuật, và trả lương cho trợ lý nghiên cứu/ nghiên cứu sinh. Vì vậy, họ làm khoa học vì đam mê, và mong muốn mang sản phẩm nghiên cứu phục vụ cộng đồng, chứ không phải vì danh hiệu hay vật chất (những thứ chỉ đến nếu họ có kết quả nghiên cứu tốt). Do đó, nguyên nhân để một đề tài không về đích phần nhiều do yếu tố khách quan, vì vậy, sự trừng phạt cũng không nặng nề (ví dụ: không cho đăng ký đề tài tiếp tục từ ba đến năm năm tiếp theo). Tuy nhiên, ở ta do chế độ lương bổng cho các nhà khoa học quá thiếu hấp dẫn nên thực hiện đề tài vẫn là một nguồn thu nhập chính, do đó đòi hỏi ngay lập tức theo chuẩn quốc tế là không khả thi. Chính vì vậy, trách nhiệm hạn chế rủi ro trong nghiên cứu phần nhiều thuộc về cơ quan quản lý trong việc lựa chọn, thẩm định các đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, cũng như các nhóm nghiên cứu có năng lực và tự trọng nghề nghiệp.
Nghị định 115 của Chính phủ về “Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập” đã ra đời cách đây 10 năm nhưng qua tìm hiểu tôi thấy rằng, vẫn còn không ít các tổ chức nghiên cứu công lập thiếu quyết tâm thực hiện và còn tâm lý ỷ lại vào “bầu sữa” ngân sách nhà nước, tiếp tục kéo dài tình trạng hoạt động không hiệu quả, với một bộ máy nhân sự cồng kềnh. Ở một khía cạnh nào đó, các đơn vị này sống “rất khỏe” từ ngân sách nhà nước nhưng số tiền đó không được phân bổ một cách sòng phẳng. Những nhà nghiên cứu trẻ thiệt thòi hơn nhiều so với các nhà quản lý và những người nghiên cứu lâu năm. Thực tế này dẫn đến việc rất khó thu hút được những người giỏi có đam mê, với tư duy sáng tạo đột phá trong NCKH và chuyển giao công nghệ. Mặt khác, do những quy định về biên chế của các tổ chức khoa học mang tính hành chính nên người lãnh đạo cũng không thể sàng lọc bớt những cán bộ khoa học thiếu năng lực. Đối với một tổ chức nghiên cứu không tinh nhuệ như vậy, sẽ không dễ dàng để đảm nhận những đề tài, dự án bắt buộc phải cam kết có sản phẩm đầu ra. Ở các tổ chức nghiên cứu này, một trong những giải pháp hàng đầu với quy định biên chế hiện hành, để thúc đẩy tự chủ là phải sàng lọc bộ máy và tuyển dụng những nhà khoa học thực sự có tài năng.
Về mặt cá nhân, tôi không thích dùng từ “trọng dụng” và càng không thích cụm từ “trọng dụng/ưu tiên các nhà khoa học trẻ”. Theo tôi, ngoài việc quan trọng hàng đầu là phải tạo điều kiện để các nhà khoa học có thể sống được bằng nghiên cứu, cần phải đối xử với tất cả các nhà khoa học một cách bình đẳng. Nếu họ có năng lực, tâm huyết và có sản phẩm tốt, dù là ai cũng đều được ưu tiên. |
Gần đây, người ta hay nói nhiều đến việc “trọng dụng/ưu tiên các nhà khoa học trẻ”. Về mặt cá nhân, tôi không thích dùng từ “trọng dụng” và càng không thích cụm từ “trọng dụng/ưu tiên các nhà khoa học trẻ”. Theo tôi, ngoài việc quan trọng hàng đầu là phải tạo điều kiện để các nhà khoa học có thể sống được bằng nghiên cứu, cần phải đối xử với tất cả các nhà khoa học một cách bình đẳng. Nếu họ có năng lực, tâm huyết và có sản phẩm tốt, dù là ai cũng đều được ưu tiên. Sự công bằng, bình đẳng đó trước hết nên bắt đầu bằng việc xét duyệt đề tài NCKH, thay vì phụ thuộc vào học hàm, học vị, hội đồng cần đánh giá năng lực dựa trên chất lượng các nghiên cứu và sản phẩm của họ trước đó, cũng như việc xét duyệt phải diễn ra một cách công khai, minh bạch, với vai trò của các phản biện độc lập đến từ nhiều thành phần (nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý) ở trong nước, hoặc thậm chí từ nước ngoài.
Có thể nói, hoạt động theo cơ chế tự chủ mang ý nghĩa sống còn đối với những đơn vị nghiên cứu ứng dụng – triển khai và phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Bước đầu thực hiện cơ chế tự chủ sẽ có không ít tổ chức nghiên cứu không hoạt động được. Nhưng theo ý kiến cá nhân, chúng ta có thể phải chấp nhận như vậy, thay vì để tồn tại những đơn vị nghiên cứu hoạt động không hiệu quả. Vì tình trạng đó đưa lại một hệ lụy vô cùng nguy hiểm, đó là mất đi lòng tin của xã hội và đặc biệt là doanh nghiệp vào việc làm của các nhà khoa học.
Tạ Hải Tùng