Nhà nghiên cứu Phạm Tuấn Huy được Viện Toán Clay tài trợ nghiên cứu

Nhà nghiên cứu Phạm Tuấn Huy được Viện Toán Clay tài trợ nghiên cứu
Trên trang web của Viện Toán học Clay mới có thông báo: nhà nghiên cứu Phạm Tuấn Huy của trường đại học Stanford đã nhận được tài trợ nghiên cứu trong thời gian năm năm. Bắt đầu từ ngày 1/7/2023, anh sẽ là một nhà nghiên cứu của viện (Clay Research Fellow).

 

Phạm Tuấn Huy và Jinyoung Park được Viện nghiên cứu Tiên tiến Pricenton chúc mừng nhân dịp giải được giả thuyết Kahn-Kalai,

Hiện Phạm Tuấn Huy đang làm nghiên cứu sinh tại ĐH Stanford dưới sự hướng dẫn của giáo sư Jacob Fox, một nhà toán học quan tâm đến toán tổ hợp kiểu Hungary, đặc biệt là lý thuyết Ramsey, lý thuyết đồ thị cực trị, lý thuyết số tổ hợp và các phương pháp xác suất trong toán tổ hợp.

Giải nhiều bài toán khó

Trong bài giới thiệu về Phạm Tuấn Huy 1, Viện Clay cho rằng anh là một một nhà nghiên cứu năng suất và sáng tạo cao, đã có những đóng góp căn bản cho toán tổ hợp, xác suất, lý thuyết số và khoa học máy tính lý thuyết. Khi còn chưa bảo vệ luận án tiến sĩ, anh đã cùng với Jacob Fox và Yufei Zhao – một nhà toán học ở MIT chuyên nghiên cứu về toán tổ hợp (cực trị, xác suất, cộng tính, lý thuyết đồ thị, hình học rời rạc…) chứng tỏ định lý sai phân nổi tiếng của Green, một sự mở rộng của định lý Roth về các cấp số số học trong các tập hợp số nguyên đặc, đòi hỏi các chặn dạng tháp – ứng dụng nổi tiếng đầu tiên của phương pháp chính quy của Szemerédi thực sự đòi hỏi các chặn dạng tháp.

Đây không phải là lần đầu tiên Phạm Tuấn Huy được ngành Toán ghi nhận. Ngay đầu năm 2022, cùng với Jinyoung Park, một trợ lý giáo sư Szegö của ĐH Stanford, anh đã chứng minh được giả thuyết Kahn-Kalai, một bài toán quan trọng trong toán tổ hợp xác xuất có từ năm 2006 còn được gọi là giả thuyết ngưỡng kỳ vọng, về định xứ của các chuyển pha và giả thuyết Talagrand về các quá trình chọn lọc. Chứng minh của anh và Jinyoung Park đã khiến nhà toán học Gil Kalai phải thốt lên trên blog của mình “Bằng chứng thật tuyệt vời!”. Ông cũng cho biết thêm là “Việc chứng minh giả thuyết ngưỡng kỳ vọng đầy đủ là một nhiệm vụ rất khó” và nhận xét Phạm Tuấn Huy là “một người gây ngạc nhiên” tham gia cùng Jinyoung Park tìm được một đối số trực tiếp đơn giản để giải một trong những bài toán chính trong lĩnh vực này – giả thuyết Talagrand 2.

Trước đó, cùng với Fox và nhà toán tổ hợp và lý thuyết số David Conlon của Caltech, Phạm Tuấn Huy đã giải được các gia thuyết tồn tại nhiều năm của Erdős trong toán tổ hợp cộng tính và các dãy đầy đủ Ramsey; với Nicholas Cook (ĐH Duke) và Amir Dembo (ĐH Stanford), anh đã phát triển một lý thuyết các độ lệch lớn phi tuyến định lượng cho các siêu đồ thị ngẫu nhiên.

Chọn toán học sau khi giành HCV Olympic toán

Những thành tích xuất sắc mà Phạm Tuấn Huy có được bắt nguồn từ tình yêu toán học khi còn học phổ thông. Theo lời kể của ông Phạm Châu Tuấn, giáo viên trường THPT Trần Hữu Trang (TP.HCM) và là ba của Huy, với Tuổi trẻ vào năm 2015 thì vào năm học lớp 6, Huy đã ham giải các bài toán trên các trang quốc tế. Thi đỗ vào lớp chuyên toán của hai trường là trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường trung học Thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM) nhưng Huy chọn trường thứ nhất vì hâm mộ TS Trần Nam Dũng 3.

Dưới sự hướng dẫn của thầy Trần Nam Dũng, Phạm Tuấn Huy đã lọt vào đội tuyển Việt Nam tham dự hai kỳ Olympic toán học. Thật bất ngờ là Huy đã giành liên tiếp huy chương vàng ở hai năm 2013 và 2014. Trong lịch sử tham dự của Việt Nam, đến nay chỉ có 8 thành viên giành hai huy chương vàng liên tiếp, mở màn là Ngô Bảo Châu vào năm 1988 và 1989 4.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Huy nhận được học bổng toàn phần ngành toán bậc đại học và cao học ở trường ĐH Stanford. Bốn năm trước, anh giành được học bổng nghiên cứu sinh Two Sigma Fellowship.

Có lẽ, con đường toán học đã thẳng bước với một người yêu toán. Người ta hoàn toàn có thể chờ đợi vào những thành công trong tương lai của Phạm Tuấn Huy.

—————————————————-

1. https://www.claymath.org/people/huy-tuan-pham

2. https://gilkalai.wordpress.com/2022/04/02/amazing-jinyoung-park-and-huy-tuan-pham-settled-the-expectation-threshold-conjecture/

3. https://tuoitre.vn/cha-con-va-2-huy-chuong-vang-toan-quoc-te-789837.htm

4. https://www.imo-official.org/participant_r.aspx?id=23421 và https://vi.wikipedia.org/wiki/Vi%E1%BB%87t_Nam_t%E1%BA%A1i_Olympic_To%C3%A1n_h%E1%BB%8Dc_Qu%E1%BB%91c_t%E1%BA%BF

Tác giả bài viết: Anh Vũ