Những thảm kịch trong phòng thí nghiệm Trung Quốc

Những thảm kịch trong phòng thí nghiệm Trung Quốc
Các vụ nổ gây chết người trong phòng thí nghiệm làm dấy lên lo ngại về sự an toàn trong công tác khoa học ở Trung Quốc.
nhung-tham-kich-trong-phong-thi-nghiem-trung-quoc

Phòng thí nghiệm bốc cháy ở Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc hôm 18/12. Ảnh:SCMP.

Theo Chemistry World, một vụ cháy nổ xảy ra hôm 18/12 tại phòng thí nghiệm hóa học ở Đại học Thanh Hoa đã khiến tiến sĩ Meng Xiangjian, 32 tuổi, thiệt mạng. Theo kết quả điều tra, nguyên nhân gây ra đám cháy là do một bồn chứa hydro ở phòng thí nghiệm phát nổ, khiến cho Meng bị thương nặng ở chân và cuối cùng tử vong trong ngọn lửa. Meng là người duy nhất làm việc trong phòng thí nghiệm ở thời điểm xảy ra vụ nổ.

Trước đó, vào tháng 4/2015, một vụ nổ khí làm một nghiên cứu sinh sau đại học thiệt mạng và 4 người khác bị thương trong phòng thí nghiệm hóa học của Đại học Mỏ và Công nghệ Trung Quốc ở Từ Châu. Ngày 22/9/2015, khoa hóa Đại học Bắc Kinh cũng bốc cháy sau khi bồn chứa hydro rò rỉ nhưng may mắn không ai bị thương.

Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng đã đến lúc tiến hành một cuộc cải tổ toàn diện về an toàn phòng thí nghiệm ở nước này. "Những tai nạn thương tâm phản ánh sơ suất mang tính hệ thống trong an toàn thí nghiệm", Luo Min, giáo sư hóa học tại Đại học Ninh Hạ ở phía tây bắc Trung Quốc chia sẻ.

Theo Yin Yanzi, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Cornell, Mỹ, kiêm giáo sư hóa học vật liệu tại Đại học Công nghệ Hồ Bắc, Trung Quốc, nhận thức về an toàn trong phòng thí nghiệm của các nhà khoa học Trung Quốc là rất kém. Các nhà nghiên cứu đôi khi tỏ ra miễn cưỡng khi phải đeo găng tay và kính an toàn trong lúc làm việc.

Wang Xiaojun, giáo sư hóa học môi trường tại Đại học Quảng Châu, cho rằng việc thiếu kinh phí cho cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm đã cản trở những nỗ lực cải thiện an toàn. Các nhà nghiên cứu đôi khi còn phải tự bỏ tiền để mua trang thiết bị an toàn. Khó khăn về kinh phí khiến những người đứng đầu phòng thí nghiệm phải lựa chọn giữa an toàn và kết quả nghiên cứu.

"Lắp đặt máy dò khí độc sẽ rất tốn kém. Nếu tất cả các phòng thí nghiệm trên toàn Trung Quốc trang bị máy dò, tổng kinh phí sẽ rất lớn", Wang nói.

Thanh Tùng

Nguồn tin: VNExpress