Vì sao động đất ở Nepal có sức công phá lớn
- Chủ nhật - 26/04/2015 14:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đống đổ nát sau vụ động đất ở Nepal. Ảnh: Reuters |
Theo The Guardian, một số yếu tố kết hợp với nhau đã làm cho trận động đất hôm qua ở Nepal trở thành một sự kiện có sức công phá lớn. Đầu tiên, đây là trận động đất 7,8 độ Richter, một trong những cơn địa chấn lớn nhất tại khu vực này trong 80 năm qua.
Thứ hai, đây là một vụ động đất nông, xảy ra tại điểm dưới mặt đất chỉ 11 km. Theo David Rothery, giáo sư địa chất hành tinh tại Đại học Mở, Anh, việc này gây ra hậu quả nghiêm trọng. "Động đất nông khiến việc rung chuyển tại bề mặt tồi tệ hơn động đất sâu", ông giải thích. "Tôi nhìn thấy hình ảnh những tòa nhà cũ xập xệ bị phá hủy tại Kathmandu. Tôi lo ngại rằng sạt lở đất có thể xảy ra tại khu vực miền núi này, phá hủy hoặc làm hư hại nhiều làng xa xôi, hẻo lánh".
Tuy nhiên, hầu hết khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất nằm trên nền đá vững chắc, Rothery nói. Điều này đã hạn chế mức độ rung chuyển, ngoại trừ tại vùng Bắc Ấn Độ gần biên giới Nepal, nơi cát và bùn trên bề mặt rung chuyển nhiều hơn đá rắn ở các nơi khác.
Sự dịch chuyển cua rmảng kiến tạo Ấn Độ về phía bắc qua hàng chục triệu năm. Đồ họa: wikipedia. |
Nguyên nhân chính của vụ động đất là do các mảng kiến tạo Ấn Độ di chuyển về phía bắc, vào Trung Á với tốc độ 5 cm một năm. Điều này dẫn đến việc đứt gãy ở vỏ trái đất và tác động đến dãy núi Himalaya. Hiện tượng này từng xảy ra một số lần trong khu vực, gồm trận động đất 8,2 độ Ritchter năm 1934 tại Bihar; vụ động đất 7,5 độ Richter tại Kangra năm 1905; và cơn địa chấn 7,6 độ Richter tại Kashmir năm 2005. Hai vụ sau là những trận động đất có số người thiệt mạng cao nhất tại Himalaya cho đến nay, giết hơn 100.000 người và khiến hàng triệu người vô gia cư.
Phương Vũ