|
|||||||
Giáo dục bế tắcĐăng lúc: Thứ bảy - 20/05/2017 10:36 - Người đăng bài viết: adminNăm 1999, tôi 23 tuổi vừa tốt nghiệp đại học thì được ở lại trường làm giảng viên của một đại học lớn. Lứa của tôi được đào tạo ra để đón nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhưng nhà máy lại khánh thành những 10 năm sau khi chúng tôi ra trường. Nên trong suốt quá trình học, chúng tôi toàn học chay. Nếu có thực tập, thì cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa một cơ sở sản xuất nào đó. Tình cảnh đó cũng góp phần làm cho tôi thay vì trở thành một kỹ sư chế biến dầu, lại thành một giảng viên đại học. Công việc ở trường cứ thế mà chạy, coi như ổn định. Lương tuy thấp, nhưng không đến nỗi chết đói ngay. Nếu chịu khó dạy thêm bên ngoài thì vẫn có thể sống được. Trong các câu chuyện thường ngày, nếu có lúc nào đó chạm đến chữ lương, thì ngay sau đó sẽ có người an ủi: Lương vậy, nhưng có thầy nào chết đói đâu. Thậm chí có thầy còn giàu. Tôi coi đó như một sự động viên, dù tôi không biết làm thế nào để có thể sống, chứ chưa nói là giàu, với hệ số lương khởi điểm là 1.92 và sẽ tăng thêm 0.24 sau mỗi ba năm làm việc. Nhưng tôi yêu công việc tôi đã chọn. Bên cạnh việc giảng dạy, tôi cũng bập vào làm nghiên cứu, như bao giảng viên trẻ khác. Mọi việc sẽ cứ diễn ra như vậy, nếu như tôi không nhận ra rằng: Tôi không có đủ vốn sống để dạy học. Tôi ở đây, các em sinh viên ở kia, tin tưởng và chờ đợi. Nhưng ngoài chuyện bài vở, những thứ mà tôi cũng học lại từ sách vở hoặc thầy của mình, thì gần như tôi không còn gì khác để hướng dẫn các em. Những trải nghiệm sâu xa về nghề nghiệp gần như không có. Lúc ấy, tôi bỗng nhận thấy, giảng dạy đúng nghĩa thực ra là vô cùng khó. Thuộc giáo trình, tinh thông bài tập, tuân thủ đúng quy trình, cũng không có nghĩa là sẽ làm tốt công việc này. Người dạy học đúng nghĩa cần nhiều hơn như thế rất nhiều. Ngẫm nghĩ kỹ hơn, tôi nhận thấy, nền giáo dục hiện thời hóa ra là một dây chuyền sản xuất hàng loạt. Nếu không có một góc cho riêng mình, sản phẩm sẽ là những con người giống hệt nhau, như được đúc ra từ một khuôn vậy. Tôi cũng khám phá ra rằng, công việc của tôi thực ra là một bộ phận của một hệ thống được thiết kế rất chặt chẽ. Nhưng mục đích của cái hệ thống đó là gì thì chưa bao giờ được phát biểu tường minh. Học để làm gì, chúng tôi không hề rõ. Dạy để làm gì, chúng tôi cũng không hề chắc chắn. Chúng tôi chỉ biết rằng, đã bước chân vào cỗ máy giáo dục, thì cứ thế mà thực hiện. Người dạy cứ dạy, người học cứ học. Đến ngày đến giờ thì thi. Thi xong thì tốt nghiệp. Tốt nghiệp xong thì ra trường. Ra trường xong thì đi xin việc. Nhiều người sẵn sàng chi trả cả mấy trăm triệu chỉ để có một chỗ làm, với mục tiêu vào biên chế để ổn định cho đến ngày nhận sổ hưu. Nhưng trong suốt quá trình dạy và học, những câu hỏi rất cơ bản như: “Học để làm gì? Dạy để làm gì? Dạy và học như vậy có phải là đúng cách? Nếu không thì có cách nào tốt hơn không?...” thì cả thầy và trò rất hiếm khi đặt ra. Tất cả bị phủ kín bởi những nhận định rất chung chung: Học để làm người. Học để trở thành người có ích cho xã hội. Còn nghề dạy học là nghề cao quý. Nhưng gần như không có một ai đi xa thêm một bước, chẳng hạn: Người là gì? Hay con người mà hệ thống giáo dục hướng đến là gì? Vậy là tôi quyết định đi du học. Ban đầu tôi chỉ tính đi một nước châu Á và một nước châu Âu, trong vài năm để hiểu rõ ngọn ngành. Nhưng cái hiểu rõ ngọn ngành đó hóa ra không dễ chút nào. Thế giới mà tôi khám phá ra quá khác so với hình dung của tôi lúc ban đầu. Bên cạnh những câu hỏi về chuyên môn thì những câu hỏi về nhân sinh và xã hội, xem ra khó trả lời hơn rất nhiều. Để có thể tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi đó, tôi đã phải tập quên đi tất cả những gì mình đã được học để tìm hiểu và đón nhận những quan điểm mới. Tôi mất chẵn 10 năm để làm việc này. Đó là lúc, khi tôi nhận ra rằng, à thì ra, hệ thống giáo dục mà tôi đã trải qua là một hệ thống đào tạo con người công cụ, nặng về tuân thủ mà yếu về sáng tạo. Quan sát và tìm hiểu sâu hơn, tôi bàng hoàng nhận ra rằng: Mọi bế tắc của hệ thống giáo dục hiện thời đều bắt nguồn từ bế tắc về triết lý giáo dục, mà cụ thể là bế tắc trong việc phát biểu tường minh về con người mà hệ thống giáo dục đang hướng tới. Nói cách khác, hệ thống giáo dục cần một triết lý xuyên suốt để vận hành. Nhưng các cơ quan quản lý giáo dục đã không thể phát biểu tường minh triết lý đó để làm kim chỉ nam cho việc xây dựng và điều phối mọi hoạt động của hệ thống giáo dục. Vậy nên dù cải cách nhiều lần thì vẫn rơi vào vá víu sự vụ, và do đó thất bại. Nhưng cái nguyên tắc xuyên suốt đó, tức cái triết lý giáo dục đó là gì, mà không ai dám gọi tên và phát biểu một cách tường minh? Tôi quan sát dưới các bài viết về triết lý giáo dục tại mục 'Góc nhìn', có rất nhiều độc giả tự hỏi điều đó. Thì đây, một cách ngắn gọn: Triết lý giáo dục của hệ thống hiện thời là đào tạo con người công cụ. Cách thức thiết kế và triển khai chương trình giáo dục hiện thời cho thấy, đào tạo con người công cụ là điểm hội tụ của tất cả các hoạt động này. Đó là lý do vì sao thầy thì không dám chệch khỏi chương trình định sẵn, trò thì thụ động, nhân lực thì kém sáng tạo. Doanh nghiệp thì kém cạnh tranh. Nền kinh tế thì kém phát triển. Nhưng nay cách mạng công nghiệp 4.0 đang lừng lững tới, những con người công cụ sẽ không có cách nào để cạnh tranh được với máy tính, robot và trí tuệ nhân tạo. Những con người không thể sáng tạo sẽ đi đâu về đâu? Họ sẽ sống thế nào? Và ai chịu trách nhiệm vì đã tạo ra những con người như thế? Tất cả đã và sẽ còn được lý giải trong một mệnh đề tiêu biểu: “Có ai chết đói đâu”.
Tác giả bài viết: TS Giáp Văn Dương
Nguồn tin: VNExpress
Từ khóa:
tốt nghiệp, đại học, giảng viên, của tôi, đào tạo, chúng tôi, ra trường, công việc, chết đói, có thể, tôi không, tôi đã, tôi cũng, nhận ra, dạy học, gần như, không có, ra là, rất nhiều, giáo dục, hiện thời, những con, hệ thống, đó là, phát biểu, tường minh, học để, làm gì, xong thì, những câu, tất cả, con người, công cụ, sáng tạo, bế tắc, triết lý, được, nhưng, những, trong, trình Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
|
Thống kê truy cập Website
|
||||||
Ý kiến bạn đọc