Gửi hết cho Vườn hồng

Đăng lúc: Thứ tư - 13/02/2019 08:00 - Người đăng bài viết: admin
Yếu tố then chốt của Giáo dục phổ thông là hướng dẫn trẻ em học cách học chứ không phải là dạy nhớ những kiến thức mênh mang của nhân loại.

 


Ảnh: Nhóm cánh buồm.

Vài lời mở đầu

Tôi chọn một cung cách thiêng liêng, chắc đó sẽ là nghi thức Tagore, để gọi những học sinh của mình là những bông hồng. Mấy chục cô giáo của tôi, mỗi cô chăm sóc một bụi hồng. Mỗi em học sinh của tôi vừa là một bông hồng, cũng là một gốc hồng đơm từng bông không ngừng không nghỉ.

Tập sách chỉ 150 trang, Em học Em nghĩ Em làm tập 2 in năm 2018 (Tập 1 in năm 2017), thực sự là một điều thiêng liêng cho tôi. Đọc xong, không thể chỉ có đôi lời cám ơn nhẹ nhàng mấy chục cô giáo. Cũng chẳng muốn dùng những cách khen đã quen lệ đối với các bài luyện tập Văn của những bông hồng.

Tập 2 năm 2018 vẫn có những dạng bài tập như Tập 1, nhưng năm này còn có thêm kịch bản cho mấy vở kịch ngắn.

Đồng dao của học sinh lớp Một vẫn là bài tập vần và nhịp, nhưng nội dung không quá “trẻ con” như năm trước.

Thơ haiku của lớp Hai có nhiều bài hay, có cả mục thi nhau dịch thơ haiku từ tiếng Anh sang tiếng Việt.

Văn xuôi sáng tác thì có các câu chuyện hấp dẫn hơn và ngôn từ vững vàng hơn năm trước. Đọc văn nghị luận của các bông hồng, ngoài các nội dung từ Ta bảo trâu này đến thơ Trần Đăng Khoa rồi thơ Nguyễn Khuyến và Bà Huyện Thanh Quan… còn thấy vô số đề tài các em quan tâm (“kiểm soát cảm xúc bản thân”, “việc cùng làm một vở kịch”, …). Đặc biệt năm 2018 trong phần bài văn nghị luận có cả những “ý kiến” của học sinh về chuyện dùng Facebook, về showbiz,... đến chuyện người lớn “chơi” Bitcoin.

Đem so với Tập 1, thấy rõ không phải chỉ có học sinh năm sau tiến bộ hơn năm trước rõ ràng, mà thấy chính dáng vẻ vững vàng của các giáo viên đã tiến bộ rất nhanh.

Đó là điều gợi hứng cho tôi viết bài báo này để dâng lên bạn một đôi điều về cách làm sao cho một luống hồng phát triển thành một Vườn hồng?

Sao lại thơ haiku?

Tôi chọn dạng thơ haiku trong tập sách để giới thiệu trong bài báo không thể viết ngắn này. Và để mở đầu, cũng tiếp tục nghi thức Tagore như đã định, xin được dâng bạn một bài thơ dạng haiku của học sinh lớp Hai. Bông hồng bảy tuổi của chúng tôi tên là Hoàng Vinh, tác giả đó làm bài tập tưởng tượng qua cách làm thành thơ haiku sau – xin bạn đọc chậm, và dừng lại khẽ nhắm mắt để nhìn bức tranh thi họa:

Thuyền đi dưới trăng

       Trăng đi dưới thuyền

Có người lênh đênh …

Năm 2013, khi vào Nam giới thiệu sách mới, chúng tôi có cuộc vui tại nhà riêng cô giáo Kim Thanh, trợ lý “thời kỳ Đổi mới” của giáo sư Lưu Đức Trung. Ngồi cạnh tôi, giáo sư Trung nhỏ nhẹ như tính thầy vốn thế:

- Ông liều thật đấy! Dám dạy thơ haiku cho lớp Hai.

- Dễ mà! Các em làm được cả mà!

- Tôi dạy haiku ở đại học, sinh viên không hiểu và không thích.

- Không hiểu gì?

- Họ không sao hiểu chất Thiền trong haiku.

- Đó là chuyện của Thầy. Với trẻ em lớp Hai tôi không dạy chất Thiền trong haiku. Mọi thứ, kể cả chất Thiền, đều không thể “dạy”. Người học phải tự tìm thấy và đem về cho mình.

- Thế ông dạy gì?

- Dạy thao tác tưởng tượng.

Giáo sư Lưu Đức Trung đã lẳng lặng nghe tôi kể cách dạy thơ haiku cho học sinh lớp Hai. Trong sách đã có một bài thơ haiku mẫu.


Một bông hoa

    Rụng xuống bay đi

        Rồi quay về chỗ cũ

Ồ, con bướm.


Văn bản thơ haiku trên đây là kết quả từ một quan sát, nhưng là một quan sát trầm tư của con người dễ rung cảm. Chúng tôi chỉ dạy trẻ em làm việc đơn giản vậy thôi: quan sát, nhưng quan sát với tâm trạng con người… Cái “kẻ người” được đại diện bởi người nghệ sĩ, dễ vui, dễ buồn, dễ đau khổ, dễ thương cảm, dễ hiền hòa bao dung cho những điều yếu đuối kém cỏi…

Năm 2014 khi cùng nhà văn hóa Hữu Ngọc lên một huyện miền núi tặng sách, biết trong sách có dạy thơ haiku, bác Hữu Ngọc dặn tôi “nhớ huấn luyện giáo viên tránh cho học sinh dùng tính từ trong thơ haiku”. Tại sao? Để tránh lười biếng khi diễn đạt. (Hè hè, nhưng trong chùm thơ dưới đây, vẫn còn có anh lười đấy!).

Chùm thơ haiku dâng bạn

 

Tiếp đây, tác phẩm Thuyền đi dưới trăng Trăng đi dưới thuyền của bông hồng Hoàng Vinh sẽ được đan chen với nhiều bông hồng khác– những hồn thơ:


Quê tôi

Một lần nhìn lại

Thấy núi cười.

    Mai Phương lớp 2E

 

Mẹ ở xa tận cuối trời

Con đi tìm mẹ

Không thấy mẹ đâu

    Mai Khanh 2D

 

Con ong bay

      ngược về tổ

Cánh hoa gãy rồi

    Minh Châu 2D

 

Trên cành cây cao

Một chú chim nhỏ

Đang gọi mùa xuân

    Nhật Minh 2A

 

Con chim đang bay

Tôi nhìn thấy con chim rất đẹp

Ôi con chim khóc kìa!

Baek Ga Eun (Hàn Quốc) 2D

 

Tiếng mẹ hát ru

Ngân dài

Theo trong gió

    Hương Liên 2D

 

Những ngày thơ ấu

Nó càng đi xa

Chẳng còn nhớ lại

    Linh Đan 2C


Mưa to nước rơi vào biển

Chú cá con nấp dưới tảng đá

Mong ước trời sẽ tạnh mưa

    Hồng Ngọc 2A

 

Ta đi hướng nào đây

Một ngã tư đường phố

Toàn là người lạ mặt

    Gia Bình 2C

Con người đang nằm ngủ

Một con quạ bay qua

      giữa bầu trời xanh

    Tuấn Minh 2C

 

Cây vú sữa là từ mẹ

Người con hư để mẹ buồn

Cây vú sữa đỏ hoe tán lá

    Nguyệt Hà 2C

Trở lại câu hỏi: tại sao lại haiku?

Hãy còn trong sách nhiều bài thơ haiku khác, của các học sinh trên lớp 2 “tay nghề” cao hơn. Còn những trang haiku dịch bởi các học sinh lớp Hai mà mỗi bản dịch là một văn bản riêng tư, không của ai giống ai.

Nhưng cần trở lại cuộc trò chuyện với giáo sư Lưu Đức Trung đã kể bên trên. Tôi nêu lại câu hỏi Tại sao haiku không để giải thích vì sao chọn dạy thơ haiku từ lớp Hai. Điều này dễ hiểu: ngay từ lớp Hai, học sinh học thao tác tưởng tượng và biểu đạt thao tác đó theo lối haiku. Hình thức thơ lục bát hoặc thể loại khác đều không dễ. Thơ haiku dễ tạo xúc động và trẻ em dễ làm lại.

Chọn con đường “dễ học”, “dễ làm để học”, dễ “làm lại” để củng cố một năng lực đang hình thành… điều đó giúp trả lời những câu hỏi khác: học Văn, học Khoa học, học Lối sống ở trường phổ thông nhằm mục đích gì?

Con người trong suốt cuộc sống từ nguyên sơ sang hiện đại đều mày mò tự học, tự nghiên cứu. Nhận thức của con người rút lại cũng chỉ là: học Khoa học để biết phân biệt Đúng Sai – học Nghệ thuật để biết phân biệt Đẹp Xấu – và học Đạo đức để biết phân biệt Tốt Xấu trong đời sống cộng đồng.

Cách học của trẻ em từ 6 tuổi ở trường phổ thông cho tới khi trưởng thành, thực chất là làm lại việc học theo cách khác với việc học tự nhiên của con người trong suốt chiều dài lịch sử. Nhờ có nhà sư phạm, việc học của trẻ em được tinh chế, chỉ cần mười năm học, thay cho cả chục vạn năm.

Hệt như việc nhà ngôn ngữ Alexandre de Rhodes đã “học” tiếng Việt trong hai chục năm để biết ghi ngôn ngữ này bằng chữ Quốc ngữ. Nhà sư phạm hiện đại biết cách tinh chế để trẻ em lớp Một làm lại công việc học dài dặc đó trong quãng từ năm tháng đến bảy tháng.

Vậy nên, yếu tố then chốt của Giáo dục phổ thông là hướng dẫn trẻ em học cách học chứ không phải là dạy nhớ những kiến thức mênh mang của nhân loại. Việc “học cách học” gói gọn lại trong việc học những thao tác tạo ra sản phẩm của nhà Khoa học, của người Nghệ sĩ, của người Tổ chức cộng đồng.

Sách học Văn Cánh Buồm đã triển khai các thao tác của người nghệ sĩ. Từ lớp Một, các em đã phải học “làm lại” tấm lòng biết đồng cảm và dễ đồng cảm của người nghệ sĩ trước cuộc sống thực. Sau đó là học các thao tác làm ra tác phẩm nghệ thuật, thay cho học thuộc vô vàn tác phẩm đã có. Cứ như thế, đến lớp Năm các em đã có dịp vận dụng năng lực cảm xúc và biểu cảm vào các thể loại nghệ thuật khác nhau: văn tự sự, thơ trữ tình, kịch, hội họa, âm nhạc, múa.

Đó là cách học Văn đã nghiên cứu từ bốn chục năm tại cơ sở thực nghiệm dưới sự chỉ đạo của giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Nhắc lại mấy chuyện này, vừa yên lòng vừa thấy tiếc cho bốn chục năm vừa trôi đi mất!


Rất tiếc, có thể bốn chục năm nữa lại sẽ qua đi, và không biết có bao nhiêu người còn nhớ lời cảnh báo của Hồ Ngọc Đại với ông Phạm Văn Đồng: nhìn cách chuẩn bị thì có thể thấy trước kết quả (Cải cách Giáo dục).


Nhưng thôi, lịch sử thì dài, đời con người thì ngắn! Một cá nhân làm đến nơi đến chốn chỉ một việc nhỏ còn chưa chắc làm xong. Nào ai đã làm xong?


Nhân một ý thơ Victor Hugo, nói lại thế này. Một ông già cả đời cày ruộng. Chiều nào ông cũng thấy Mặt trời lặn. Mới hôm qua ông già còn nhìn Mặt trời, ngỡ là nó đã chết ở phía xa. Thế mà chiều nay, Mặt trời đã lại đang nhìn thấy ông già chết thật.

Gửi lại thêm cho Vườn hồng

Hôm qua, thứ Bảy 12 tháng 1 năm 2019, nhà trường có Hội thảo tuyển sinh. Các cô giáo trường tôi nhao nhác xớn xác xúc động chỉ vì một chuyện nhỏ. Cô hiệu phó sau báo cáo của mình đã mời một em học sinh lớp Ba lên trình bày đề tài Chúng em đã học như thế nào. Em nói vo, kèm theo những trang hình và chữ do em soạn. Câu chuyện nhỏ đó gợi cho tôi ý nghĩ gửi tặng Vườn hồng của mình mấy bài thơ rút trong đống tư liệu còn giữ được. Ngày Tết, bà con đừng cười nhé. Dặn vậy thôi, nhưng tôi tin chắc những Bông Hồng của tôi không cười.   

BẦY TRẺ VĨNH LINH
Một dãy cẳng chân
Khăn đèn dù xanh
Một chùm con mắt
Mấy đùm cơm vắt

Bầy trẻ Vĩnh Linh
Thức giấc giữa đêm
Một giường hơi thở
Bến đò ú ớ
Xóm nhỏ đỏ đèn

Bầy trẻ Vĩnh Linh
Đừng chắt tim anh
Chớ làm người lớn
Cứ làm trẻ thơ
Nhớ mạ nhớ o
Đêm đêm cứ gọi

Anh canh giấc cho em gọi
1970

MIỀN TRUNG MƯA GIÓ SỤT SÙI

Mùa mưa này lại thêm người xa nhau

Dòng sông màng tai
Đàn mưa gõ

Hỡi người em gái vai gầy
Bé bỏng con mèo dụi vai
Con mèo mười ba khăn tang trắng

Con mèo biết lau nước mắt
Và núi giăng màn
          và dòng sông lũ muộn
Khóc dùm em

Dòng sông nhăn nheo
Giây đàn bờ lau

Xin được chết thay em
Anh mừng
Em tôi còn nước mắt

Xin chào
Miền Trung mưa gió sụt sùi
Nhòa nhòa hạt ở ngùi ngùi hạt đi
1972

CHIA TAY CHÂN CẦU

Anh đi em ở
Hai người xa nhau
Cùng lo cho nhau

Chia tay chân cầu
Anh đi anh đi
Nhưng đừng vội tin
Màu xanh da trời
Cũng đừng vội yêu
Nét vàng chơi vơi
Cái đẹp cạm bẫy
Giăng khắp nơi nơi

Chia tay chân cầu
Em tôi ở lại
Đừng lo cho anh
Trời kia vẫn xanh
Nét vàng vẫn lành
Thế kỷ hai mươi
Thừa điện thừa đạn
Phải lo so sẻn
Chút tình yêu đời
Phải lo dành dụm
Chút tình yêu người

Chia tay chân cầu
Lo ngày gặp nhau
Hỡi người xa nhau
Đừng lo

Phận mình mình lo
Phận đời Trời cho
1972

NGÔI NHÀ NHÌN RA HAI HÀNG BẠCH ĐÀN

Có nắng có mưa có tiếng cười lan
Ngôi nhà chở che người em nhớ thương
Sao chẳng nhắc người chỉ nhắc ngôi nhà

Ngôi nhà nhìn ra dòng sông mát xanh
Ông già quăng chài có nụ cười lành
Dòng sông nuôi người, người không được nhớ
Chỉ nhớ dòng sông chiều mưa giăng mành

Ngôi nhà dựa lưng vào triền núi xa
Nhịp đập thậm thình giọng hát sơn ca
Chẳng nhớ ngôi nhà cùng người yêu dấu
Chỉ nhớ đêm đêm núi biết khóc oà

Ngôi nhà nhìn ra hai hàng bạch đàn
Ngôi nhà bằng yên qua những cơ hàn
Em kể một lần rồi ta nhớ mãi
Có một ngôi nhà
         và hai hàng bạch đàn
1986 

Châu Diên

Tác giả bài viết: Phạm Toàn
Nguồn tin: Tia Sáng

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 21
  • Hôm nay: 943
  • Tháng hiện tại: 70982
  • Tổng lượt truy cập: 25621564