Kinh nghiệm làm nghiên cứu sinh về khoa học tự nhiên ở Mỹ

Đăng lúc: Thứ năm - 27/08/2015 23:10 - Người đăng bài viết: admin
Tiến sỹ Tom McNeill, giám đốc về tính toán khoa học của Tổ hợp Virtual-Rx, Inc.

Người hướng dẫn luôn sẵn sàng bỏ mặc bạn hàng năm trời cho đến khi bạn có

được các số liệu tốt cho các đề tài của họ

Photo by Purestock/Thinkstock

 

Bạn sẽ đơn độc và chỉ dựa vào chính bản thân mình mà thôi.


Khác với các ngành học kinh doanh, ngành y hay luật, làm nghiên cứu sinh trong khoa học tự nhiên là một quá trình tự học. Không có hai người làm tiến sỹ nào có kinh nghiệm như nhau cả, chương trình nghiên cứu của bạn là chỉ cho riêng bạn. Bạn cùng với các bạn cùng lứa như mình sẽ chia sẻ các thăng trầm như nhau trong quá trình làm, nhưng nội dung và phạm vi của mỗi người sẽ khác nhau. Bạn sẽ lao vào các lĩnh vực nghiên cứu mà chỉ có một số ít người hiểu được mà thôi. Nói đúng hơn thì số người có thể trao đổi về công việc của bạn trên toàn thế giới có lẽ có thể chứa vừa trong văn phòng nơi bạn làm. Thế có nghĩa là bạn cần có các kỹ năng tiêu hóa cái mình biết và áp dụng chúng để phát triển cái lĩnh vực bạn đã chọn. Một lời khuyên ngắn gọn và tốt nhất tôi có thể cho bạn là hãy nhìn vào các lĩnh vực khác để tìm câu trả lời cho các câu hỏi của mình. Ví dụ như các nhà làm về sinh học hệ thống cần tìm trong kỹ thuật điện hay một số ngành của Toán để có câu trả lời cho vấn đề của mình. Bạn hãy học lối suy nghĩ tương tự như vậy. Nhưng, điều quan trọng nhất bạn cần hiểu là các thành công của mình sẽ được chia sẻ với một nhóm bạn rộng hơn, trong khi các thất bại thì chỉ có mình bạn chịu mà thôi.

Càng vào sâu vào chương trình của mình bao nhiêu thì bạn lại cô lập với xã hội bấy nhiêu. Các buổi tiệc cốc-tay với “những người dân sự” sẽ trở thành bãi mìn của các cảnh khó xử cho bạn. Bạn sẽ thấy sợ hãi khi có ai hỏi mình “Thế anh đang làm gì vậy?” Bạn có thể hình dung ra vẻ mặt hoảng sợ và bối rối trên khuôn mặt dễ thương của một nhân viên đại lý môi giới mua bán bất động sản khi bạn trả lời là “Tôi đang nghiên cứu kỹ thuật di truyền” hay “Tôi đang làm về cách thử nghiệm các vũ khí nguyên tử của chúng ta” hay không? May nhất cho bạn khi đó là bạn nhận được một câu bình luận Ồ, cái đó có vẻ khó nhỉ, trước khi anh ta hay cô ta tìm cách lịch sự để chuồn khỏi bạn. Bạn thấy đấy, “những người dân sự” sẽ không biết phải làm gì với bạn, và bạn sợ họ. Tệ hơn nữa là khi họ hỏi câu hỏi kinh khủng này: “Vậy thì khi nào anh sẽ làm xong?” Cái câu hỏi dường như vô hại ấy lại là một câu hỏi nặng nề cho mỗi nghiên cứu sinh. Khi bị hỏi, bạn sẽ bị lúng túng và vụng về tìm câu trả lời, làm cho người hỏi cũng cảm thấy ngượng vì trong đầu họ vẫn nghĩ, ồ bạn đi học, đến lớp và sau khi học qua đủ một số lớp thì bạn phải học xong chứ sao? Sai! Toàn bộ khái niệm về sáng tạo và phát triển lên trong công việc nghiên cứu vượt qua tầm suy nghĩ của anh ta hay của cô ta.

 

Đề tài luận án của bạn có thể chả có liên quan gì đến công việc trong tương lai của bạn cả.

Luận án của bạn là phần chính của công việc để chứng tỏ bạn có đủ kỹ năng cần thiết để tham gia vào thế giới của các nhà khoa học - bác học. Chỉ có thế thôi. Nó không nhất thiết phải là một cái đẹp nhỏ bé cho ngành khoa học đã được hình thành, nó chỉ để bạn bảo vệ trước hội đồng mà thôi. Vậy bạn hãy đi viết nó đi.

Có điều này luôn đúng: đề tài luận án của bạn chỉ thực sự là điều mới mẻ nhiều nhất là trong năm năm (có thể là 10 năm nếu bạn thực sự ở các ngành mũi nhọn). Sau đó, cái các bạn đã làm thực sự chỉ còn là các tin cũ mà thôi.

 

Việc chọn nơi bạn làm nghiên cứu sinh là việc ít quan trọng nhất.

Vậy một tiến sỹ tốt nghiệp ở Harvard có khác gì tiến sỹ tốt nghiệp ở Fresno Tech hay không? Không có gì khác cả—cả hai đều được gọi là tiến sỹ. Quan trọng hơn là bạn làm việc với ai, chứ không phải cái tên trường trên văn bằng của bạn. Đúng, tên nơi làm việc có kèm theo uy tín, nhưng các mối quan hệ và uy tín của người hướng dẫn bạn trong cộng đồng khoa học mới là điều quan trọng nhất. Thêm nữa, bạn cần nghĩ một chút về lối sống. Khoản tiền học bổng cho nghiên cứu sinh đều như nhau và không phụ thuộc vào nơi làm. Có nghĩa là bạn nhận được học bổng như nhau khi bạn làm ở Boston hay làm ở Bloomington, bang Indiana. Có các nơi ở trong nước đắt đỏ hơn ở các nơi khác—bạn nên lưu ý điều này. Nói chung, hãy để dành các tên trường nổi tiếng cho mình khi bạn làm nghiên cứu hậu tiến sỹ (postdoc). Khi đó lý lịch khoa học của bạn sẽ đẹp hơn vì bạn tiếp tục phát triển trong ngành của mình, nó tốt hơn là khi bạn tốt nghiệp một trường nổi tiếng và sau đó đi làm hậu tiến sỹ ở các cơ sở hạng hai hay hạng ba.

Có một lời khuyên nhỏ cho những người làm nghiên cứu sinh ở các trường danh tiếng: Bạn giỏi đấy, bạn đang làm việc với những người giỏi nhất trong ngành của mình, và bạn có thể tự hào về điều đó. Tuy nhiên, ở bất cứ một trường đại học hạng hai hay hạng ba nào cũng có những người cũng giỏi, cũng thông minh như bạn hay còn hơn bạn nữa. Người thực sự thiên tài mà tôi gặp trong đời không phải đến từ Harvard, Stanford, hay MIT. Bà ta đến từ một trường hạng ba ở North Dakota.

 

Hãy thật cẩn thận khi chọn người hướng dẫn và hội đồng của bạn.

Việc chọn người hướng dẫn quan trọng hơn việc chọn vợ hay chồng của bạn đấy. Nếu bạn muốn tốt nghiệp đúng hạn sau đó làm nghiên cứu hậu tiến sỹ ở một chỗ kha khá, hay có chỗ làm liên quan đến công nghiệp, bạn hãy chọn một người hướng dẫn ở cỡ tuổi như cha mẹ mình và ở cương vị không thấp hơn mức Phó Giáo sư (associate professor). Các trợ giáo (assistant professors) thì đang còn phải học cách hướng dẫn sinh viên và có thể chưa có đủ tầm sâu về kiếm đề tài và đủ uy tín để giúp bạn sau này có một chỗ nghiên cứu tốt sau tiến sỹ hay có một chỗ làm trong công nghiệp. Trong giai đoạn này của cuộc đời, bạn không nên để những người này lấy mình để học kinh nghiệm. Thứ nữa, là hãy tránh xa làm nghiên cứu sinh với các giáo sư nổi tiếng. Các vị giáo sư nổi tiếng nói chung không có thời gian hay lợi lộc gì để quan tâm đến hướng dẫn nghiên cứu sinh của mình; điều này không phải bao giờ cũng đúng, nhưng bạn sẽ an toàn hơn khi làm việc cùng họ khi đã ở cương vị postdoc. Khi đó bạn sẽ được lợi hơn. Hãy tìm một giáo sư có một phòng thí nghiệm bận rộn, có nhiều sinh viên cao học và hướng dẫn ít nhất một sinh viên mỗi năm. Hãy tránh xa các thầy chỉ dạy học mà không có nghiên cứu, họ sẽ triệt đường công danh của bạn. Bạn cũng không cần phải thích người hướng dẫn của mình; bạn chỉ cần có thể làm việc hiệu quả với ông ta hay bà ta là đủ.

Thêm nữa, và điều này có lẽ bây giờ đúng hơn so với hồi tôi làm nghiên cứu sinh, là bạn hãy chắc chắn là bạn sẽ thoải mái với ngôn ngữ chính thức dung và văn hóa của phòng thí nghiệm nơi bạn làm. Bạn ngạc nhiên ư? Ấy là vì nếu bạn đi làm nghiên cứu sinh ở Mỹ hay Canada thì điều đó không có nghĩa nhất thiết là thứ ngôn ngữ sử dụng và văn hóa ở phòng thí nghiệm đó chắc chắn phải là của Mỹ, Canada hay của phương Tây. Tôi đã vào các phòng thí nghiệm mà người ta dùng tiếng Quảng Đông, cũng như các phòng thí nghiệm mà thứ ngôn ngữ sử dụng và văn hóa là của Nga (những ván cờ tuyệt vời!).

Đừng có mà yêu đương với người hướng dẫn mình hay với bất cứ ai trong các thành viên của Khoa! Cái đó là độc hại cho mọi người.  Nó sẽ phá hủy cái duy nhất mà bạn có khi đang làm nghiên cứu sinh, đó là sự tín nhiệm của các đồng bạn và của các thành viên khác trong Khoa đối với mình. Hãy dành loại bi kịch này cho Khoa xã hội và các sinh viên ở đó, hay nếu bạn bắt buộc phải yêu, thì hãy yêu khi đã ở cương vị postdoc, chứ đừng làm lúc còn là nghiên cứu sinh. Cũng vậy, nếu bạn phải dậy hay hướng dẫn thí nghiệm cho sinh viên thì cũng đừng yêu ai đó trong số họ! Cái đó chỉ gây ra các bi kịch bạn không cần có mà thôi. Hãy yêu khi họ đã học xong phần học hay thí nghiệm của mình. Yêu các bạn cùng làm nghiên cứu sinh với mình ở cùng bộ môn cũng là một thứ tội. Tốt nhất là hãy tách cuộc sống riêng khỏi công việc. Hãy tìm ai đó ở bộ môn về nghệ thuật, bạn có tin tôi hay không là tùy bạn, nhưng như thế cả hai bạn lúc đó sẽ có nhiều thứ chung hơn đấy.

Ngày nay các nhà khoa học và các nghệ sỹ là rất, rất giống nhau: Cả hai đều đi tìm sự thật và quảng bá chúng. Các nghệ sỹ thì sử dụng các phương tiện như vẽ, mực, điêu khắc, âm nhạc v.v. Còn một nhà khoa học như bạn sẽ dùng toán và ngôn ngữ. Bạn sẽ vẽ bằng từ ngữ và tạc tượng bằng các con số. Vì vậy bạn hãy học cách viết và nói trước công chúng. Bạn sẽ là người vô dụng nếu bạn không thể thông tin cho người khác một cách có hiệu quả. Là một nhà khoa học không chỉ để viết các dòng lệnh hay chỉ nghịch các ống nghiệm. Tham gia tổ chức truyền bá kiến thức Toastmaster là một cách luyện cực tốt. Bạn hãy viết nhật ký đi; nó sẽ giúp bạn viết tốt hơn và sẽ là một cách trị liệu tốt đấy.

 

Văn hóa trong phòng thí nghiệm và cách cư xử

Điều quan trọng nhất bạn phải biết làm ở phòng thí nghiệm và cần nhớ phải thâm nhập vào và giữ sạch sẽ. Tôi nhắc thế và rất muốn nhấn mạnh thêm về điều này, hãy làm việc cho sạch —mẹ bạn có làm việc ở phòng thí nghiệm để đi dọn cho bạn đâu. Không có ai quan tâm đến việc bạn xuất thân từ một gia đình giàu có ở quê hương mình và ở đó bạn có những người phục vụ—hãy làm việc cho sạch. Nếu bạn nhìn thấy cái gì bẩn thì hãy dọn sạch nó; nếu bạn trông thấy cái gì cần sửa thì hãy sửa nó đi!  Hãy làm bạn với ông phụ trách phòng thí nghiệm và các nhân viên kỹ thuật ở đó. Họ sẽ có nhiều lúc giúp bạn vượt qua các thất bại hay các khó khăn và họ cũng phải quên đi nhiều việc về cái khoa học bạn đang nghiên cứu hơn bạn tưởng đấy. Quan trọng nhất, là họ biết lịch sử của phòng thí nghiệm, biết có gì đã xảy ra trong quá khứ và điều quan trọng nữa là cái gì ở đó đã thất bại. Sau rốt, ấy là vì họ đã làm việc với người phụ trách hướng dẫn bạn trong một thời gian dài và họ có thể nói cho bạn về người ấy cư xử với các học trò ra sao. Người hướng dẫn bạn có thể quát và ném các thứ vào mặt bạn, nhưng người ấy bao giờ cũng cư xử tốt với các nhân viên kỹ thuật lớn tuổi ở đó, bởi vì họ chính là những người làm cho phòng thí nghiệm hoạt động. Ta hãy nói một cách khác: Mỗi phòng thí nghiệm giống như một gia đình. Người phụ trách hướng dẫn và ông phụ trách phòng thí nghiệm là bố mẹ trong nhà, còn bạn là đứa con riêng lạc loài cho đến khi bạn bảo vệ xong.

 

Tự mình đứng vững.

Cái này thì khó đấy. Các giáo sư của bạn là những người bận rộn, và các nghiên cứu sinh thường không nằm vào phần ưu tiên trong các công việc của họ. Bạn chịu trách nhiệm về chương trình của mình. Tin tôi hay không là tùy bạn, nhưng bạn chính là người tự quyết định khi nào bạn xong việc đấy. Lập kế hoạch họp hội đồng, chớ có bao giờ nói “không”, và hãy hoàn thành phần việc của mình. Người hướng dẫn sẽ rất sẵn lòng bỏ mặc bạn hàng năm trời cho đến khi bạn có được các số liệu tốt cho các đề tài của họ. Hãy nhớ rằng bạn là người làm công giá rẻ. Đừng bao giờ để các vấn đề về hành chính qua mất, vì sau này bạn sẽ phải trả giá đấy. Giờ thì bạn hãy đi mà viết luận án của mình đi.

Nhưng tôi cứ tưởng các giáo sư ở đây là để dạy chứ? Ừ, đúng, lẽ ra là vậy. Các giáo sư của bạn để được thăng tiến, người ta đánh giá họ bằng một loạt các công việc. Đầu tiên là lượng tiền trong các đề tài họ mang về. Bạn ngạc nhiên ư? Bạn không nên như thế; bao giờ cũng nên đi theo tiền. Thứ hai là số các bài báo công bố. Sau nữa là số các tiến sỹ và thạc sỹ mà họ hướng dẫn, rồi sau cùng mới đến việc dạy sinh viên. Rất nhiều trường hợp, các giáo sư dùng một phần tiền họ kiếm từ các đề tài để “mua” việc dạy sinh viên. Nếu thêm vào đó, chỗ làm của bạn là một cơ sở thiếu tiền, thì người phụ trách hướng dẫn bạn cùng với phòng thí nghiệm của ông hay bà ấy chịu phụ thuộc hoàn toàn vào tiền đề tài để hỗ trợ và để hoạt động. Khi đó trường cũng chả ép gì họ cả. Hiện nay, các đề tài có một số phần trăm tiền hay được gọi là “lab tax”, bạn có thể xem đó là phần tiền công và chi phí có từ đề tài. Chính vì vậy nếu người phụ trách hướng dẫn bạn được một giải thưởng gì đó về “giảng dạy” ở trường và không được giữ chức vụ, thì điều đó thường là một dấu hiệu xấu. Tôi sẽ để bạn tự làm con tính về điều đó. Giờ thì bạn hãy đi mà viết luận án của mình đi.

 

Bạn sẽ va đầu vào tường.

Có một lúc nào đó giữa năm thứ hai và thứ ba, bạn sẽ cảm thấy mình rơi vào ngõ cụt. Bạn cảm thấy mất hết mọi thứ, phải sống trong một căn hộ tệ hại trong khi các bạn bè đi học luật đang lái các xe BMW mới cứng, bạn thì đang âu lo, các thí nghiệm không chạy, bạn đờ đẫn, cô lập trong xã hội, các bạn bè thì đã lập gia đình, thầy/cô giáo thì cáu kỉnh vô lý, hội đồng của bạn tỏ ra quá quắt, bạn ăn mỳ tôm đến phát ốm rồi, mùi tôm từ lò vi sóng làm bạn chịu không nổi, và nếu khi đó bạn lại còn phải ngồi nghe một sinh viên năm đầu nào đó trình bày một báo cáo khủng khiếp theo thường lệ về đề tài chọn lọc tình dục của các loài bọ bay ở các cây ăn quả thì bạn sẽ có thể bị đột qụy nữa. Khi điều đó xảy ra, và nó sẽ xảy ra, thì xin chúc mừng bạn, thế là bạn đã vượt được vật chướng ngại đầu tiên. Giờ bạn đã làm việc như một nhà khoa học thực thụ, và đó là một thời điểm kiểm tra tốt. Đấy là điều phân biệt các người thuộc về giới khoa học với những người không thuộc về chúng. Nếu bạn vượt qua được bức tường đó và không bỏ cuộc thì bạn sẽ trở thành thành viên câu lạc bộ của các nhà khoa học, bạn đã vượt qua được sự hoang mang. Giờ thì bạn hãy đi mà viết luận án của mình đi.

 

Bạn có thể trải qua các bi kịch.

Nếu va đầu vào tường như ở trên chưa đủ tệ, bạn cũng có thể xem các bạn bè cùng lứa trải qua các cảnh đó ra sao. Vài người trong số họ không thể vượt qua cảnh đó. Có thể một hôm nào đó bạn vào phòng làm việc buổi sang và nhìn thấy một anh bạn cùng phòng ngồi xụp trên ghế của mình, và một chai rixin hay một thứ chất độc khác đang ở trên bàn. Điều này đã xảy ra ở chính chỗ tôi làm. Cũng có thể giáo sư của bạn nay một thành viên khác của phòng chết hay gặp một bi kịch nào đó trong cuộc sống, ví dụ như con họ bị chết. Cũng có thể bạn gặp các trải nghiệm thiên tai do Chúa Trời gây ra như động đất hay bão, nó có thể phá hủy một phần ngôi trường bạn đang làm việc (bạn chỉ cần hỏi ai đó đã ở Tulane khi cơn bão Katrina đi qua, hay hỏi ai đó ở Texas Medical Center lúc có cơn bão nhiệt đới Allison thì biết). Tất cả những thứ đó đều là một phần của công việc làm khoa học; nếu không có lý do gì khác nữa, bạn cần có khả năng phục hồi nhanh. Giờ thì bạn hãy đi mà viết luận án của mình đi.

 

Với các nghiên cứu sinh nước ngoài

Bạn nhớ coi việc giữ tình hình visa của mình là ưu tiên số một. Sau đó, hãy tìm hiểu về vùng mình sẽ đến. Tìm hiểu một chút về người ở vùng đó. Điều tôi muốn nói ở đây là nếu bạn từ nơi khác đến nước Mỹ, thì bạn hãy hiểu vài điều sau: Chúng tôi không thuần nhất về mặt văn hóa—Texas và New Hampshire rất khác nhau về văn hóa. Hãy tìm hiểu sâu hơn là bắt chước hời hợt. Hãy tìm hiểu về thời tiết. Ở sâu về phía Nam trời rất nóng. Ở vùng trên của miền Trung và phía Tây nước Mỹ, trời lạnh như ở Harbin, Trung quốc hay Xiberi. Hãy mặc cho phù hợp, vì nếu không học kỳ đầu tiên của bạn tại bang Iowa hay ở LSU sẽ khốn khổ đấy.

Nếu bạn vào phòng thí nghiệm Mỹ với các sinh viên cao học người Mỹ thì bạn cần hiểu điều này: Chúng tôi rất ồn ào, không hình thức và có khi rađio bật kêu oang oang. Đừng cư xử hình thức, hãy coi mình như một thành viên trong một gia đình. Tôi hiểu, cái này có thể khác với văn hóa nơi bạn ở, nhưng nếu bạn thật sự muốn giữ gìn văn hóa của mình thì hãy đi làm nghiên cứu sinh ở một trường đại học của nước mình. Thêm nữa, điều này bây giờ không còn là vấn đề lớn như lúc tôi làm nghiên cứu sinh, bạn cần nhớ rằng tiếng Anh của bạn thực sự tốt đấy. Các sinh viên sau đại học người Mỹ sẽ không bao giờ coi thường bạn vì vốn tiếng của bạn đâu, hãy đối mặt với nó, tiếng Anh của bạn còn tốt hơn mọi cố gắng của chúng tôi khi chúng tôi nói tiếng của nước bạn sống đấy.

Bây giờ ta nói về một đề tài khá đụng chạm đây. Nếu bạn đến Mỹ từ một nước mà nam và nữ bị tách biệt hay có các vai trò rất khác nhau, thì bạn sẽ không thấy nó ở nước Mỹ đâu. Bạn sẽ chạm vai với cả nam và nữ ở khắp nơi. Hãy kiểm tra các mong đợi của bạn về văn hóa giới tính ngay từ lúc đang ở ngưỡng cửa đi. Nếu bạn đội khăn trùm đầu thì sẽ không có gì xảy ra đâu, nhưng hãy đảm bảo là quần áo của bạn không gây ra các vấn đề về an toàn. Cũng vậy, nếu là đàn ông bạn muốn để râu mép: Hãy giữ cho nó có chiều dài tối thiểu, để nó không bị bắt cháy khi gần lửa.

Điều quan trọng nhất bạn phải làm để trở thành một nghiên cứu sinh ở Mỹ hay ở bất cứ nơi nào khác là bạn phải cởi mở và có một chút hài hước. Cũng vậy, thức ăn cũng là một thứ tuyệt vời phá hủy mọi băng giá trong các quan hệ. Một số phòng thí nghiệm nổi tiếng vì ở đó luôn có các thức ăn ngon. Vì thế bạn đừng e ngại nhập cuộc cho vui. Sau hết, hãy đi uống bia với các bạn cùng phòng. Ngay cả khi bạn không uống rượu thì làm một cốc nước chè cũng hay và hòa nhập một chút với xã hội bên ngoài phòng thí nghiệm. Ở đó bạn sẽ được nghe các cuộc hội thoại hay nhất—không chỉ vì nó là sự thật về phòng thí nghiệm của bạn mà cũng còn ở các cuộc hội nghị, nhưng bạn sẽ biết về chúng sau này. 

Với các bạn đến từ châu Âu, bạn nên hiểu là ở Mỹ phần lớn mọi người được dạy là có ba thứ người ta không nói đến trong các “nhóm người lịch sự”, đó là: tình dục, tôn giáo và chính trị. Thế có nghĩa là chúng tôi không có thói quen thảo luận và tranh cãi về các vấn đề này như các bạn vẫn làm ở châu Âu. Chúng tôi biết là nước chúng tôi chưa chắc đã hoàn hảo, nhưng bạn nên nhớ là bạn đến nước chúng tôi thay vì đi đến một chỗ nào đó trong nước các bạn để học, vì vậy chắc chúng tôi cũng làm tốt một cái gì đó. Những lời hùng biện khi tranh cử có thể thỉnh thoảng lọt vào tai bạn, nhưng trong thực tế, sẽ chẳng có gì thay đổi từ cái ta đang có hiện nay. Vậy thì bạn hãy chuồn khỏi nơi người ta diễn thuyết về việc xã hội hóa y học hay ra sao, hoặc khi bạn bực mình vì cái gì đó, đặc biệt là khi bạn ở đâu đó trên miền Nam nước Mỹ.

Về vệ sinh: Ở Mỹ mọi người ít dùng qua nhiều nước hoa hay nước cologne. Cái này khoảng từ 40 năm nay ở đây không còn mốt nữa, giờ thì chúng tôi hơi xấu hổ một tý về việc này. Vậy nếu bạn đến từ châu Âu hay từ Trung Đông, chỉ nên dùng một nửa hay ít hơn nữa (ít nữa cũng được) như bạn vẫn thường dùng, để các bạn cùng phòng khỏi bị nhức đầu. Họ không quen với các thứ đó thôi.   

 

Nó sẽ thay đổi con người bạn. 

Học sau đại học sẽ làm bạn thay đổi. Bán sẽ bị đẩy vào và bị lôi đi theo một cách bạn không hề hình dung được trước đó đâu. Bạn lúc đầu sẽ thấy các giáo sư của bạn như các vị á thánh, rồi sau đó thấy họ cũng như các con người bình thường, rồi cuối cùng cũng là người ngang hàng như mình. Người ta sẽ nhìn bạn như một chuyên gia, và cũng phải một thời gian bạn mới quen được điều đó. Bạn sẽ có những người bạn cho toàn bộ cuộc đời. Bạn có trong tay các công cụ để trở thành chuyên gia trong mọi thứ bạn muốn. Bạn sẽ nhìn thế giới khác đi, toàn diện hơn. Bạn sẽ gặp các người từ mọi vùng miền trên quả đất để hiện thực hóa cái chúng ta cùng có chung, hơn là những cái chúng ta khác biệt nhau. Điều này hiển nhiên khi bạn thấy các sinh viên từ các nước đang có chiến tranh với nhau lại đang làm việc cùng nhau. Thật đáng ngạc nhiên khi thấy chính trị nhanh chóng được đặt sang một bên, khi các bạn đang có một thứ gì quan trọng hơn và trực tiếp hơn để cùng lo, ví như để hình dung ra một cách chứng minh. Khi bạn có bằng cử nhân, bạn thấy mình biết một chút gì đó. Đến khi bạn có bằng thạc sỹ, bạn cảm thấy bạn biết nhiều hơn. Nhưng khi bạn tốt nghiệp tiến sỹ, bạn có thể đưa cái bạn biết vào trong khuôn khổ và vào một viễn cảnh của một lĩnh vực rộng hơn và đột nhiên bạn thấy cái bạn đạt được rất nhỏ bé và như không có nghĩa. Bây giờ bạn đã biết cái bạn chưa hề biết. Bạn có thể gọi cái đó là sự thông thái hay sự rọi sáng. Nó giống như khi bạn trèo lên đỉnh núi và lần đầu nhìn thấy quang cảnh xung quanh, hay khi tìm và lần đầu tiên bạn nhìn thấy sông Ngân Hà. Có cái gì đó đồng thời như một sự giải phóng và một nỗi kinh hãi. Bạn đã đặt một viên sỏi vào một đống sỏi, bạn đã góp chút kiến thức cho lĩnh vực bạn chọn, bạn đã có một sự khác biệt mà không bao giờ, không một ai, có thể lấy đi cái đó của bạn.

Giờ thì bạn hãy đi mà viết luận án của mình đi.

 

Nguyễn Hữu Viêm (Tổng hợp từ Interrnet)


Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 7
  • Hôm nay: 812
  • Tháng hiện tại: 77589
  • Tổng lượt truy cập: 25628171