Lý giải hiện tượng “giáo dục thần kỳ” Phần Lan

Đăng lúc: Chủ nhật - 29/10/2017 10:40 - Người đăng bài viết: admin
Từ một quốc gia không có tên trên bản đồ giáo dục thế giới, Phần Lan gây bất ngờ khi đứng đầu bảng xếp hạng của chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) trong lần đầu khảo sát vào năm 2000 và liên tục nằm trong vị trí top đầu những kỳ khảo sát sau đó.

Đối với Phần Lan, điểm số của học sinh nước này trong các bài đánh giá quốc tế như PISA chỉ là kết quả phụ của hệ thống giáo dục chứ không phải mục tiêu chính. Từ hơn 50 năm trước đây, chính phủ Phần Lan bắt đầu chuyển đổi hệ thống giáo dục như là một lực đẩy chủ yếu của kế hoạch phục hồi kinh tế đất nước.

Theo tạp chí Smithsonian, cho đến tận cuối những năm 1960, hầu hết học sinh Phần Lan bỏ học trường công sau 6 năm học. Những em khác theo học ở các trường tư, trường chuyên hoặc trường làng, nơi bớt nghiêm khắc hơn. Chỉ có những con em gia đình khá giả hoặc may mắn mới được hưởng giáo dục chất lượng.

Vào năm 1963, chính phủ Phần Lan quyết định thực hiện kế hoạch táo bạo khi chọn lĩnh vực cải cách giáo dục công lập để phục hồi kinh tế. “Tôi gọi nó là Giấc Mơ Lớn của giáo dục Phần Lan”, Pasi Sahlberg - một nhà sư phạm làm việc cho Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan kể lại. “Đó đơn giản là ý tưởng rằng mọi trẻ em đều được theo học tại một ngôi trường công chất lượng. Nếu chúng tôi muốn trở nên cạnh tranh, chúng tôi cần phải phổ cập giáo dục cho tất cả mọi người. Điều này xuất phát từ nhu cầu tồn tại của con người.”

 

 

Một quyết sách quan trọng được công bố vào năm 1979 khi các nhà cải cách giáo dục yêu cầu mọi giáo viên phải có bằng thạc sĩ (chương trình đào tạo giáo viên dài 5 năm gồm 3 năm cử nhân và 2 năm thạc sĩ) tại 1 trong số 8 trường đại học công. Toàn bộ học phí được chi trả bằng ngân sách nhà nước. Kể từ đó, vị thế của nghề giáo ở Phần Lan được đứng ngang bằng với hai nghề khác là bác sĩ và luật sư. Thí sinh dồn dập đăng ký các chương trình sư phạm, không phải bởi vì lương cao mà bởi nghề giáo trở nên hấp dẫn khi các giáo viên có quyền tự chủ và được tôn trọng. (Theo ông Sahlberg, lương giáo viên Phần Lan chỉ tương đương mức lương trung bình của cả nước. Theo số liệu năm 2014 của tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giáo viên Phần Lan kiếm được 42.810 USD mỗi năm).

Đến giữa những năm 1980, một loạt các sáng kiến giúp lớp học thoát khỏi những vết tích cuối cùng của những quy định từ trên xuống, việc kiểm tra và quản lý các chính sách giáo dục được bàn giao cho các chính quyền địa phương. Theo đó, chương trình giảng dạy quốc gia được tinh giản thành những chỉ dẫn chung. Ví dụ, sách giáo khoa môn Toán từ lớp 1 đến lớp 9 giảm xuống còn 10 trang. (Trước đó, bộ sách giáo khoa đầu tiên của Phần Lan được đưa vào giảng dạy trong thập niên 70 của thế kỷ trước dày tới 700 trang. Timo Heikkinen, người bắt đầu giảng dạy trong các trường công lập ở Phần Lan từ những năm 1980 nhớ lại rằng hồi đó, đa số giáo viên ở ngôi trường trung học nơi ông dạy chỉ ngồi bàn thuyết giảng cho học sinh chép bài răm rắp.)

Việc phân loại học sinh thành những nhóm có khả năng khác nhau được bãi bỏ. Tất cả học sinh dù giỏi hay kém đều được theo học cùng một lớp. Các lớp học được bố trí nhiều giáo viên đặc biệt có nhiệm vụ hỗ trợ các em và đảm bảo rằng không có học sinh nào bị tụt lại.

Kể từ đầu những năm 1990, bộ phận thanh tra giáo dục bị đóng cửa hoàn toàn, chuyển trách nhiệm giải trình và kiểm tra cho các giáo viên và hiệu trưởng.

 

 

Hiện nay, ở bậc giáo dục cơ bản, Phần Lan không có bất kỳ một kỳ thi chuẩn hóa bắt buộc nào, trừ một kỳ thi cuối năm lớp 9. Không hề có xếp hạng, so sánh hoặc cạnh tranh giữa các học sinh, trường học hay khu vực. Các trường học tại Phần Lan được tài trợ bởi chính phủ và được vận hành bởi các quan chức trong chính quyền, từ quan chức cấp nhà nước đến viên chức địa phương, chứ không phải các doanh nhân, tướng lĩnh quân đội hay chính trị gia. Mọi trường học đều có các mục tiêu quốc gia như nhau và các mục tiêu này đều được xây dựng từ các chuyên gia giáo dục có chứng chỉ ở các trường đại học.

Kết quả là, một học sinh Phần Lan dù đến từ thành thị hay nông thôn đều được hưởng nền giáo dục như nhau. Khoảng cách giữa các học sinh giỏi nhất và yếu nhất ở nước này là nhỏ nhất thế giới, theo một kết quả cuộc thăm dò của tổ chức OECD. “Bình đẳng là từ quan trọng nhất trong nền giáo dục Phần Lan”, Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên Phần Lan Olli Luukkainen cho biết.

Ở Phần Lan, chính phủ cho phép các bà mẹ được nghỉ phép 3 năm sau khi sinh và trợ cấp dịch vụ trông trẻ ban ngày cho các bậc cha mẹ. Khi những đứa trẻ lên 5 tuổi, các em sẽ được đến trường mẫu giáo mà không phải đóng góp bất kỳ khoản tiền nào, ở đây, trẻ em được tập trung vào việc vui chơi và tương tác xã hội. Các trường học cung cấp đồ ăn, chăm sóc sức khỏe, tư vấn và dịch vụ taxi nếu học sinh cần. Chương trình chăm sóc sức khỏe cũng được miễn phí với toàn bộ học sinh. Đối với các bậc phụ huynh, trong một tháng họ sẽ nhận được khoảng 150 euro từ nguồn ngân sách nhà nước để chăm sóc và nuôi nấng mỗi một người con cho đến khi chúng bước sang tuổi 17.

 

Trẻ mẫu giáo ở Phần Lan.
Trẻ mẫu giáo ở Phần Lan.

 

Sau gần 40 năm kể từ khi chính phủ Phần Lan quyết định thực hiện kế hoạch táo bạo khi chọn lĩnh vực cải cách giáo dục công lập để phục hồi kinh tế, vào năm 2000, cộng đồng giáo dục quốc tế mới bất ngờ với những thành quả của giáo dục Phần Lan khi biết kết quả xếp hạng PISA của học sinh Phần Lan.

Năm 2000 đánh dấu lần đầu tiên tổ chức OECD thực hiện chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) để đánh giá khả năng của học sinh 15 tuổi của các nước và vùng lãnh thổ trong và ngoài OECD, về toán, khoa học và đọc hiểu. Chương trình được thực hiện từ năm 2000 và cứ 3 năm lặp lại một lần. Mục đích của chương trình là cung cấp các dữ liệu so sánh nhằm giúp các nước cải thiện các chính sách và kết quả giáo dục. Chương trình hướng vào việc đo lường sự hiểu biết và khả năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày của học sinh. Kết quả cho thấy trẻ em Phần Lan sở hữu khả năng đọc hiểu tốt nhất trong số các học sinh cùng lứa tuổi.

Trong các kỳ khảo sát PISA sau đó, học sinh Phần Lan cũng liên tục nằm trong vị trí top đầu.

Đối với Phần Lan, điểm số của học sinh nước này trong các bài đánh giá quốc tế như PISA chỉ là kết quả phụ của hệ thống giáo dục chứ không phải mục tiêu chính. “Chúng tôi chuẩn bị cho trẻ em học cách học như thế nào, chứ không phải cách để thi”, nhà sư phạm Pasi Sahlberg lý giải.

 
Tác giả bài viết: Xuân Vũ
Nguồn tin: Dân trí

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 24
  • Hôm nay: 962
  • Tháng hiện tại: 71001
  • Tổng lượt truy cập: 25621583