Ảnh có tính minh họa
Từ trước đến nay người ta chỉ tập trung nghiên cứu tầm quan trọng của những suy nghĩ tích cực. Thái độ bi quan thường bị lên án, bị chỉ chích mạnh mẽ. Nụ cười được khuyến khích thể hiện, cho dù đôi khi đó là nụ cười giả tạo. Gần đây đã có những công trình khoa học chứng minh điều ngược lại: sự bi quan bảo vệchúng ta tránh những kế hoạch đầu tư thiếu cân nhắc, tránh một việc làm liều lĩnh, đánh thức trong ta tính sáng tạo. Cách nhìn sự việc một cách đen tối thậm chí có thể cứu vãn một cuộc đời. Đó là ý kiến của tác giả Olga Woźniak trong bài viết đăng trên trang gazeta.pl.
Khi Norman Vincent Peale, một tu sĩ đạo Tin lành và là người có tài giảng đạo đặc biệt, xuất bản cuốn sách nhan đề „Sức mạnh của những suy nghĩ tích cực” vào năm 1952, suốt trong 186 tuần lễ sau đó nó đứng đầu bảng xếp hạng sách bán chạy của tạp chí "New York Times". Năm triệu bản của cuốn sách đã được bán. Cũng từ tời điểm đó, thái độ bi quan, chủ nghĩa bi quan buộc phải „rút vào hoạt động bí mật”. Sự bi quan ở ai đó bị coi là đáng xấu hổ giống như móng tay bị bẩn, còn thừa nhận mình có thái độ bi quan bẩm sinh thì được so sánh với thử gì đó ngang tầm với vi phạm thuần phong mỹ tục. Những người sống và suy nghĩ bi quan bắt đầu được đưa đi trị liệu, còn những người không thể cải thiện bệnh trạng được bằng tâm lý trị liệu thì buộc phải điều trị bằng tân dược.
Tôi muốn nói to cho mọi người biết: thôi đủ rồi! Tôi muốn thừa nhận tính cách đỏng đảnh bẩm sinh của mình là một giá trị, vì không có nó tôi không còn là tôi nữa. Sự lạc quan sẽ làm cho cách tiếp nhận thế giới của tôi trở nên bằng phẳng, dễ dãi. Tôi muốn thế giới không chỉ toàn màu hồng, mà có cả màu xám, thậm chí màu đen. Vì thế tôi quyết định quan tâm đến những người hay kêu ca, phàn nàn trong cuộc sống. Chả nhẽ khoa học không tìm được cho họ niềm an ủi nào chăng? Không có cho họ một vai trò xã hội nào đó để họ có thể cảm thấy mình cũng có ích cho xã hội và cảm thấy mình cũng là những người toại nguyện trong đời?
Phải! Quá đủ rồi những nụ cười giả tạo mà muốn có ta phải tập trước gương hàng ngày. Và dưới đây xin nêu một vài thí dụ nhằm động viên tinh thần tất cả những ai trong đời lúc nào cũng nhìn thấy cốc nước chỉ mới đầy đến lưng chừng.
Các câu khẩu hiệu kiểu như „Hãy suy nghĩ tích cực” có thể đem đến kết quả ngược lại với điều người ta mong đợi. Vì vậy có một câu hỏi đặt ra: Tại sao những suy nghĩ tích cực lại không có tác dụng tốt với một số người?
Đối với tôi, hiện tại tôi không có ý định lo lắng lâu hơn về thái độ bi quan của mình. Sự muôn màu muôn vẻ của xúc cảm muôn năm!
Sống lâu nhưng không hạnh phúc
Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Erlangen-Nuremberg đã xác minh điều này qua một nhóm các cụ già có thái độ sống tương đối bi quan. Họ phát hiện ra rằng những người già chờ đợi quá nhiều trong cuộc đời mình nhưng luôn nghi ngờ điều tốt đẹp mà nó sẽ mang đến lại, chính là những người thường sống lâu, sống khỏe mạnh hơn những người có thái độ sống quá lạc quan.
Nhóm các nhà nghiên cứu làm việc dưới sự điều hành của tiến sĩ Frieder R. Lang đã phân tích các số liệu thu thập được trong các năm 1993 – 2003 trong công trình nghiên cứu thuộc nhóm đề tài kinh tế-xã hội ở Đức. Họ đã tiến hành phỏng vấn khoảng 40 ngàn người ở độ tuổi từ 18 đến 96 tuổi. Các nhà nghiên cứu chia họ thành ba nhóm tuổi rồi hỏi tất cả mọi người xem họ có thấy hài lòng với cuộc sống hay không và họ chờ đợi điều gì trong tương lai. Năm năm sau đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong nhóm những người ở lứa tuổi cao nhất, 43 phần trăm số người được hỏi không đánh giá đúng tương lai, 25 phần trăm đã nhìn tương lai chính xác, còn 32 phần trăm đã đã đánh giá quá cao những cảm nhận mà tương lai mang đến cho họ. Trong nhóm những người trẻ tuổi nhất, kết quả ngược lại.
Những người già có thể nhìn thế giới với thái độ bi quan hơn do họ có nhiều kinh nghiệm sống hơn. Cũng có thể số lượng những người già lạc quan là con số thấp vì có những người khi còn trẻ, do nhiệt tình quá mức, thường xuyên tham gia vào những tình huống nguy hiểm, không thận trọng nên đã không sống thọ.
Chủ nghĩa bi quan thường đi đôi với thái độ thận trọng. Thậm chí đã có một chiến lược đối phó với những khó khăn mà các nhà tâm lý học gọi là „bi quan tự vệ”. Chiến thuật này có nguồn gốc từ suy nghĩ là cần phải nhìn thấy trước rằng những gì sẽ chống lại số phận mình có niềm năng rất to lớn, rằng chúng có thể ngăn cản mình vươn tới mục tiêu. Việc tưởng tượng ra những „thế lực” này giúp ta chuẩn bị tốt cho việc đối đầu với những bất ngờ có thể xảy ra. Còn nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ thì sao? Đó sẽ là bất ngờ thú vị biết bao! Bằng cách đó chúng ta tiết kiệm được những lo lắng và những thất vọng không cần thiết.
Các nhà kỹ thuật biết rõ thái độ này và biết rõ thế nào gọi là „bi quan hóa”. Khi thiết kế một số thiết bị máy móc, họ dự tính rằng nhiều cái sẽ đi theo hướng xấu nên chúng có thể kéo theo những nguy hiểm nhất định. Đặc biệt là khi điều này liên quan đến các lò phản ứng hạt nhân. Các nhà máy điện hạt nhân không thể được xây dựng do bàn tay của những người lạc quan.
Ý nghĩ về cái chết
Cái gọi là "con đường tiêu cực dẫn đến hạnh phúc" thậm chí đã nhận được sự đồng tình của các nhà tâm lý học hiện đại. Đó là nhà tâm lý trị liệu Albert Ellis ở New York. Ông giải thích rằng triết lý của mình có nguồn gốc từ suy nghĩ của những người theo chủ nghĩa khắc kỷ thời trung cổ và ông tuyên bố: „Bạn hãy lường trước điều tồi tệ nhất!”. Ellis thậm chí khuyến khích mọi người áp dụng các bài tập mang tính thực tế: bạn đang lo sợ điều gì đó ư? Bạn hãy thử xem. Nó có khủng khiếp như bạn sợ không? Người kế tục Ellis là Oliver Burkeman. Cách đây không lâu ông này đã xuất bản cuốn sách nhan đề "The Antidote: Happines for the People Who Can't Stand Positive Thinking" (Thuốc giải độc: Hạnh phúc dành cho những người không chịu được cách tư duy tích cực). Tác giả khẳng định trong cuốn sách của mình rằng không có gì xấu khi ai đó ghi nhớ đến từng chi tiết vụn vặt những sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời mình. Tại sao vậy? Bởi vì – thoạt nghe thấy có vẻ ngược đời – điều này thúc đẩy hành động. Bây giờ tôi phải làm thật nhiều việc – ngày mai có thể mọi cái sẽ tồi tệ hơn. Thiên tài Steve Jobs đã giải thích những việc làm mạnh bạo khác nhau của mình như thế này: „Sự ghi nhớ trong đầu chuyện đến khi nào đó bạn sẽ chết là phương pháp tốt nhất để bạn thôi không nghĩ rằng bạn có cái gì để mất”. Vậy chúng ta hãy cư xử như thể cái chết không liên quan gì đến chúng ta”.
Những người bi quan giàu có
Kiểu suy nghĩ trên đây cũng làm thay đổi – theo chiều hướng hợp lý – cách đặt ra những mục tiêu mà mình sẽ vươn tới cả trong công việc lẫn trong cuộc sống. Trong khi những người lạc quan quá mức nghĩ: „Chắc chắn mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi!”, và hăng hái dùng cuốc bổ vào mặt trời, những người bi quan một cách đúng mức nghi ngại nhìn ra xung quanh, cân nhắc tiềm lực của mình và đắn đo xem những tiềm lực đó cho phép mình làm được những gì. Anh ta đo sức mình để lập mục tiêu. Người đó ít khi thất bại.
Không ở đâu điều này được thể hiện rõ ràng bằng ở… sòng bạc. Quả thật như vậy. Chẳng hạn kết quả nghiên cứu của nhà tâm lý học Bryan Gibson thuộc Đại học Utah đã chỉ rõ như vậy. Ông đã tiến hành một thí nghiệm đối với ba nhóm sinh viên chia theo thái độ đối với cuộc sống thông qua các trắc nghiệm. Ông yêu cầu những người tình nguyện tham gia nghiên cứu chơi bài với mức tiền đặt cược là 10 đôla. Cuối cùng họ chơi bài ăn tiền thực sự và cơ hội thắng cuộc của họ là 50 phần trăm. Các nhà khoa học đã quan sát được rằng những người lạc quan cho thấy họ tin tưởng nhiều hơn vào thắng lợi của mình nên giữ được tâm trạng thoải mái trong luc thất bại hoặc khi để cho chiến thắng trong tầm tay trôi qua một cách đáng tiếc. Sau một thời gian nhất định họ nhớ nhiều hơn những lần thắng cuộc của mình so với những người bi quan. Nhưng những người bi quan thường đặt cược giống như những người lạc quan. Sự khác nhau một cách rõ ràng đã xuất hiện khi cuộc chơi không diễn ra thuận lợi. Những người lạc quan kiên trì chơi tiếp, bởi vì họ ít khi mất hy vọng vào khả năng thắng cuộc, còn những người bi quan thì bị thất bại làm cho mất hứng chơi. Với suy nghĩ đó, những người lạc quan thường mất nhiều tiền hơn. Vậy là, các anh chị em hay kêu ca phàn nàn của tôi ơi, với tính cách đó, chúng ta không chỉ sống lâu mà chúng ta còn giàu có nữa đấy!
Cũng có thể cuối cùng thì nụ cười luôn ngự trị trên khuôn mặt của những người lúc nào cũng lạc quan sẽ được cất đi. Bởi vì – nói thật – không có lý do gì để chúng ta cười tươi như vậy.
Cười nhiều tốt cho sức khỏe – từ trước đến nay người ta vẫn nói vậy. Tờ tạp chí Anh "British Medical Journal" đã công bố công trình có nội dung chống lại niềm tin nguy hiểm này. Hai tác giả của bài viết đó, R.E. Ferner thuộc Đại học Birmingham và J.K. Aronson thuộc Đại học Oksford, đã bỏ ra rất nhiều công sức để nghiên cứu các bài viết về nụ cười. Họ phát hiện ra rằng trong một số trường hợp, cười có thể dẫn đến ngất xỉu, rối loạn nhịp tim, thậm chí nhồi máu cơ tim. Những người bị bệnh hen cần phải cân nhắc hai lần trước khi cười – vì trong trường hợp của họ, cười có thể làm gia tăng khả năng lên cơn. Trận cười có thể gây ra bệnh khí thủng ở màng phổi. Những người bị bệnh cataplexion (tê liệt cơ nhất thời) có thể ngã quay xuống đất vì cười. Cười nhiều cũng có thể gây lồng ruột và sái quai hàm. Thêm vào đó cười phá lên sẽ gieo rắc vi khuẩn và giảm độ căng của bàng quang dẫn tới chuyện tế nhị, khó nói.
Nhai lại các cảm xúc
Không, tôi không muốn làm ai phải buồn phiền. Song nếu bạn có những ngày tồi tệ, gặp sự suy giảm tâm trạng tốt hay đơn giản là bạn muốn nhìn mọi thứ với thái độ bi quan, thấy mọi cái đen tối, bạn đừng tìm mọi cách chống lại nó. Những người như bạn cũng cần thiết giống như những người luôn sống lạc quan, hăng hái, nhiệt tình. Đã có biết bao tác phẩm văn học, âm nhạc và hội họa được tạo ra dưới ảnh hưởng của giây phút buồn bực, chán đời và đau khổ. Bởi vì nỗi buồn giúp người ta suy ngẫm, giúp người ta có cái nhìn bản thân đúng đắn, nhìn vào những xúc cảm của mình chính xác hơn. Cân nhắc ký lưỡng những xúc cảm không mấy dễ chịu sẽ giúp cho chúng ta hiểu chúng và nghĩ ra được những chiến lược đối phó với chúng. Các nhà tâm lý học gọi việc ghi nhớ đó là „ruminacja”. Khái niệm này họ mượn của các nhà sinh vật học. Còn các nhà sinh vật học thì gọi cơ quan của loài gặm nhấm làruminantia, tiếng Ba Lan có nghĩa là nhai lại. Thí dụ điển hình là con bò. Khi ăn, thức ăn được đưa vào một trong bốn ngăn của dạ dày. Sau đó, trong sự bình yên của một góc chuồng, toàn bộ dung lượng ở dạ dày bò được đưa trở lại mõm và bò nhai lại lần nữa cho kỹ lưỡng.
Một số người trong chúng ta cũng thường làm một việc tương tự như vậy đối với các xúc cảm. Tốt thôi, bởi vì suy nghĩ kiểu lật lại vấn đề, vốn đặc trưng cho những người mắc căn bệnh trầm cảm, có thể là một hình thức tự nhiên để thích nghi với những hình huống khó khăn trong cuộc đời – như các nhà khoa học thuộc Đại học McMasterở Canađa đề cập. Các nhà khoa học này gợi ý rằng bệnh trầm cảm là một trạng thái tự nhiên trong đó não tập trung hoàn toàn và theo phản xạ vào một vấn đề phức tạp. Nó muốn hiểu rõ hơn, muốn nhai lại và tiêu hóa. Nó không muốn trong tương lai cách tiếp cận tương tự sẽ lặp lại. Như vậy là nó tạo ra chiến lược.
Tất nhiên có thể có cách ghi nhớ để rồi rơi vào vực thẳm của sự trầm cảm. Và để thoát khỏi vực thẳm đó, địa chỉ duy nhất phải tìm đến là phòng điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Nhưng biết làm sao được, sự lạc quan thái quá cũng có thể gây hại cho cuộc đời.
Ý kiến bạn đọc