Những điều đặc biệt về tân GS, PGS

Đăng lúc: Thứ năm - 12/11/2015 16:37 - Người đăng bài viết: admin
Có những điều rất đặc biệt và thú vị về 522 tân GS, PGS năm 2015.

Trong Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2015 diễn ra sáng ngày 12/11, những điều thú vị này được GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước giới thiệu.

giáo sư, phó giáo sư, Trần Văn Nhung, Lê Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Tự Cường
  Ảnh Văn Chung

Tân GS lớn tuổi nhất và tân GS trẻ nhất ở cùng một trường

GS trẻ nhất đợt năm nay là TS Nguyễn Văn Hiếu, ngành Vật lý, Phó Viện trưởng ITIMS, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, 43 tuổi, bố mẹ là nông dân người Huế. GS Hiếu là tác giả hoặc đồng tác giả của 130 công trình KH, trong đó 85 trên các tạp chí quốc tế ISI (60 SCI và 25 SCIE), hệ số H = 22 (tức là có 22 bài báo, mỗi bài được trích dẫn trên 22 lần.

GS cao tuổi nhất đợt năm nay là TS Nguyễn Đức Lợi, 69 tuổi, ngành Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Như vậy cả hai điểm cực biên tuổi GS năm nay 43 và 69 đều do ĐHBK HN nắm giữ.

Kỷ lục trẻ nhất trong 35 năm qua là ba GS được công nhận ở tuổi 37: Phan Thanh Sơn Nam (Hóa học, năm 2014, Trường ĐH Bách khoa TP HCM), Nguyễn Quang Diệu (Toán học, năm 2011, Trường ĐH Sư phạm HN) và Hoàng Ngọc Hà (Khoa học Trái đất, năm 1996, Trường ĐH Mỏ-Địa chất-Bộ GD-ĐT). Cho đến nay, kỷ lục cao tuổi nhất khi được công nhận GS là 81.

Ngành vật lý nắm giữ cả GS và PGS trẻ nhất

PGS trẻ nhất năm nay là Hồ Khắc Hiếu, ngành Vật lý, Trường ĐH Duy Tân, 31 tuổi, tác giả của 21 công trình KH, trong đó có 12 công bố quốc tế trên các tạp chí KH có uy tín cao SCI, SCIE, ISI.

Như vậy năm nay ngành Vật lý nắm giữ cả hai kỷ lục, GS và PGS trẻ nhất.

Kỷ lục PGS trẻ nhất trong 35 năm qua với tuổi 29 là hai PGS: Nguyễn Khánh Diệu Hồng (nữ, Hóa học, năm 2012, Trường ĐH Bách khoa HN) và Phạm Hoàng Hiệp (Toán học, năm 2011, Trường ĐH Sư phạm HN).

Có ba PGS cao tuổi nhất năm nay, cùng 63 tuổi, là Lê Thị Mai, ngành Xã hội học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Ứng Duy Thịnh, ngành Nghệ thuật, Trường ĐH Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội và Nguyễn Mạnh Hùng, ngành Kinh tế, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Cho đến nay, kỷ lục cao tuổi nhất khi được công nhận PGS là 81.

Hai ngành “hiếm muộn” nữ GS nhất

Trong quá trình 35 năm qua, hầu hết các ngành đều "hiếm, muộn” nữ GS (và cả nữ PGS).

Ông Nhung đưa ví dụ hai ngành khoa học cơ bản Toán và Lý để minh họa.

 

Nữ GS toán học đầu tiên của nước ta là NGND GS TSKH Hoàng Xuân Sính, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (sau này là Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long), được phong GS năm 1980 khi 47 tuổi. Người hướng dẫn chị làm luận án TSKH là nhà toán học Pháp nổi tiếng A. Grothendieck (Giải thưởng Fields năm 1966). Ông đã thăm, giảng bài tại miền Bắc Việt Nam năm 1967, khi cuộc chiến tranh đang ác liệt và sau chuyến thăm đó Ông tuyên bố: “Tôi đã chứng minh một trong những định lí quan trọng nhất của mình, đó là: Tồn tại một nền toán học Việt Nam”.

GS Ngô Bảo Châu (Giải thưởng Fields năm 2010) cũng là một trong các "hậu duệ" của GS Grothendieck.

giáo sư, phó giáo sư, Trần Văn Nhung, Lê Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Tự Cường
GS Lê Thị Thanh Nhàn (áo vàng) nhận giấy chứng nhận (Ảnh Văn Chung)

Cho đến năm nay, sau 35 năm mới có thêm được nữ GS toán học thứ hai là TS Lê Thị Thanh Nhàn, 45 tuổi, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Thái Nguyên, là NCS của GS TSKH Nguyễn Tự Cường, một nhà toán học tài năng, Tổng Biên tập Tạp chí Toán học “Acta Math. Vietnam.”, của Viện Toán học, Viện HLKH&CNVN, do Springer xuất bản trên phạm vi toàn cầu và là một trong ba tạp chí của Việt Nam được xếp vào hàng Scopus.

GS Nhàn đã công bố 30 bài báo được MathSciNet của Hội Toán học Mỹ liệt kê, trong đó 18 bài thuộc SCI, 5 bài SCIE, có 2 bài SCI và 1 bài Scopus viết một mình.

Cả GS Hoàng Xuân Sính và GS Lê Thị Thanh Nhàn  đều là các nhà đại số học, một trong các lĩnh vực trừu tượng nhất của toán học.

Chồng của GS Nhàn là TS Ngôn ngữ Anh Cao Huy Trinh, cán bộ giảng dạy cùng Trường ĐHKH, ĐH Thái Nguyên.

Cho đến nay mới chỉ có hai nữ GS Vật lý và cả hai đều đã mất, đó là GS TSKH Võ Hồng Anh (1942 - 2009, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp), được phong GS năm 1991 khi chị 49 tuổi, được trao Giải thưởng Kovalepskaia năm 1988 và GS TSKH Nguyễn Thị Hồng (1939 - 1992), được phong GS năm 1991, phu nhân của Nhà Vật lý nổi tiếng GS VS Nguyễn Văn Hiệu.

Gia đình đặc biệt

Có điều thú vị đáng nói nữa là nữ tân PGS TS Sinh học Nguyễn Phương Thảo (Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM, sinh ngày 25/5/1978) là con của GS TSKH Nguyễn Tự Cường (Viện Toán học) và PGS TS Hóa học Tạ Phương Hòa (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội).

Một thông tin thú vị nữa là GS Nguyễn Tự Cường là em trai của Cố GS TS Nguyễn Đình Tứ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. GS Cường đã và đang hướng dẫn, giúp đỡ, dìu dắt nhiều NCS toán thành đạt từ các tỉnh thành khác nhau.

Cả hai vợ chồng cùng được công nhận PGS

“Phúc đã trùng lai” trong một gia đình, trong năm 2015, trong ngành Sinh học và trong một trường đại học: Đó là tân PGS TS Phan Thị Phượng Trang (sinh năm 1977) và tân PGS TS Nguyễn Đức Hoàng (sinh năm 1976), Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM.

Văn Chung - Ngân Anh


Nguồn tin: Vietnamnet

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 5
  • Hôm nay: 269
  • Tháng hiện tại: 77046
  • Tổng lượt truy cập: 25627628