Phó Giáo sư kiện đòi bồi thường 1.000 đồng

Đăng lúc: Thứ ba - 23/12/2014 21:52 - Người đăng bài viết: admin
Người khởi kiện cho biết việc khởi kiện không nhằm mục đích đòi bồi thường thiệt hại hay yêu cầu cơ quan chủ quản cũ nhận làm việc lại mà chỉ vì danh dự bị xúc phạm…

TAND quận 5 (TP.HCM) vừa thụ lý vụ PGS-TSKH Phan Dũng khởi kiện yêu cầu Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) phải “cải chính các thông tin sai sự thật…”, “xin lỗi công khai bằng văn bản” và “bồi thường danh dự 1.000 đồng”. Ông Dũng cũng yêu cầu hiệu trưởng và trưởng phòng Tổ chức - Hành chính của trường phải công khai xin lỗi ông.

Kiện vì “danh dự bị xúc phạm”

Theo đơn kiện, ông Dũng làm việc tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên từ 37 năm trước, trong đó 23 năm qua, ông là giám đốc Trung tâm Sáng tạo khoa học - kỹ thuật thuộc trường (viết tắt là TSK).

Ông Dũng cho rằng tại hội nghị cán bộ, viên chức của trường cuối năm 2013, ông có bản góp ý với hiệu trưởng với nội dung như mong hiệu trưởng khắc phục bệnh quan liêu, phát huy dân chủ rộng rãi, trân trọng những nhà khoa học đi trước đã có đóng góp lớn cho việc phát triển của trường… Từ đó, hiệu trưởng có định kiến với ông nên năm 2014, ban giám hiệu trường cho ông nghỉ hưu chứ không chấp nhận đề nghị kéo dài thời gian công tác (học hàm PGS có thể kéo dài thời gian làm việc - NV).

Điều làm ông Dũng bức xúc là ban giám hiệu trường không chấp nhận đề nghị kéo dài thời gian công tác của ông với lý do không đáp ứng được nhiệm vụ giảng viên tại khoa và trường. Ông Dũng khiếu nại nhưng bị trường bác. Ông khiếu nại lần thứ hai đến ĐH Quốc gia TP.HCM nhưng khi cơ quan này chưa có kết luận giải quyết khiếu nại thì ngày 29-8, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã ra quyết định cho ông nghỉ hưu.

kiện, bồi thường. 1.000 đồng

PGS-TSKH Phan Dũng đang trình bày sự việc với PV. Ảnh: T.TÙNG

Theo ông Dũng, các văn bản của trường xác định ông là người thuộc khoa Vật lý - Kỹ thuật kiêm giám đốc TSK là sai vì hồ sơ thể hiện ông làm giám đốc TSK suốt 23 năm qua.

Các văn bản đã dùng 25 từ “không” để đánh giá gần 40 năm làm việc của ông như “không hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại đơn vị”; “không tham gia giảng dạy tại khoa Vật lý”; “không có bài báo, công trình khoa học nào”; “đào tạo nghiên cứu khoa học không hiệu quả”… là phủ nhận sạch công lao và đối xử thiếu tôn trọng với ông.

Cũng theo ông Dũng, các đánh giá trên đã xâm hại nặng nề đến nhân phẩm, danh dự và uy tín của ông. Ông là người đầu tiên du nhập, nghiên cứu, phát triển, phổ biến, giảng dạy một khoa học mới ở Việt Nam là phương pháp luận sáng tạo. Ông là người sáng lập và điều hành TSK để dạy phương pháp luận sáng tạo cho khoảng 20.000 người, có khoảng 100 bài báo viết về hoạt động của TSK, có 52 công trình nghiên cứu khoa học…

Ông khởi kiện không nhằm mục đích vật chất hay yêu cầu được trường nhận làm việc lại mà là vì danh dự bị xúc phạm. “Với tư cách là một nhà khoa học, tôi cảm thấy bị các đồng nghiệp xúc phạm ê chề nên tôi muốn được xin lỗi” - ông Dũng nói.

“Trường vẫn tôn trọng thầy Dũng”

Ngày 17-10, giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ hai đối với ông Dũng, cho rằng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên chưa đưa ra tiêu chí cụ thể, rõ ràng để xác định nhu cầu kéo dài thời gian công tác của ông Dũng.

 

Việc đánh giá về công lao, tài năng của ông Dũng chưa toàn diện, dẫn đến việc xét có kéo dài thời gian công tác hay không chưa chính xác. Từ đó, ĐH Quốc gia TP.HCM chấp nhận một phần nội dung khiếu nại của ông Dũng, đồng thời giao việc kéo dài thời gian công tác cho Trường ĐH Khoa học Tự nhiên quyết định…

Ngày 18-12, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ThS Nguyễn Thị Huyền (Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế - Sở hữu trí tuệ của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, được hiệu trưởng ủy quyền làm việc) cho biết nhà trường có ba ý kiến chính trước việc ông Dũng khởi kiện.

Thứ nhất, việc ra quyết định cho ông Dũng nghỉ hưu là tuân thủ đúng trình tự, thủ tục luật định. Chiếu theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 141-2013 Chính phủ (hướng dẫn chi tiết Luật Giáo dục ĐH) thì trường không có nhu cầu kéo dài thời gian công tác đối với ông Dũng.

Quy định này cũng nói rõ việc kéo dài thời gian công tác đối với người như ông Dũng là để phục vụ việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học chứ không phải để làm quản lý.

Cạnh đó, việc trường ra quyết định cho ông Dũng nghỉ hưu trước khi có trả lời khiếu nại của ĐH Quốc gia cũng không sai vì trường phải áp theo quy định về quản lý công chức, viên chức…

Ngoài ra, theo trường, nhận định của ĐH Quốc gia cũng mang tính mơ hồ khi chỉ nói chung chung, mang tính “dĩ hòa vĩ quý” chứ không vạch ra được cách giải quyết của trường chưa thỏa đáng, chưa chính xác ở chỗ nào...

Thứ hai, trường không có những lời nói hay văn bản nào xúc phạm ông Dũng. Biên bản họp của ban giám hiệu và phòng Tổ chức - Hành chính mà ông Dũng đề cập trong đơn kiện sử dụng các từ “không” là chính xác vì nó được khái quát từ các báo cáo có số liệu, có ý kiến cụ thể của các bộ phận chuyên môn. Ngoài ra, trường không đăng tải hay phổ biến những lời nói, bài viết nào có tính xúc phạm, bôi xấu ông Dũng…

Thứ ba, về việc ghi nhận công lao, đóng góp, trường vẫn trân trọng ngành khoa học mà ông Dũng bỏ tâm huyết.

Tuy nhiên, việc trường không tiếp tục đầu tư vào TSK phản ánh đúng sự thật và tình hình kinh tế chứ không phải coi nhẹ hay phủ nhận công lao của ông Dũng.

“Thậm chí nhà trường còn thể hiện sự tôn trọng và chiếu cố với thầy Dũng. Dù đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng ba năm qua trường vẫn giữ lương đầy đủ dù thực tế hoạt động của Trung tâm TSK không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm trong khi trường phải trả lương và bố trí nhân sự” - bà Huyền nói.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi TAND quận 5 xét xử.

Tác giả bài viết: Thanh Tùng - Pháp Luật TP.HCM
Nguồn tin: Theo Vietnamnet

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 4
  • Hôm nay: 1829
  • Tháng hiện tại: 73436
  • Tổng lượt truy cập: 25624018