|
|||||||
Thành tích NCKH đóng vai trò quyết định trong xét duyệt chức danh GS, PGSĐăng lúc: Thứ ba - 28/03/2017 19:23 - Người đăng bài viết: admin
Trong Dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (Dự thảo) tuy đã có một số thay đổi nhằm nâng cao chất lượng các chức danh, nhưng những thay đổi này chưa triệt để và chưa thực sự là một cuộc “cách mạng” để tiến tới chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, Dự thảo phải tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho các nhà khoa học trẻ trong việc đạt được tiêu chuẩn các chức danh. Xin được phép nêu ra một số kiến nghị cụ thể có liên quan đến các vấn đề này.
1. Công trình khoa học quy đổi. Trong Khoản 1, Điều 9 có định nghĩa về “Công trình khoa học quy đổi” như sau: “Công trình khoa học quy đổi gồm: Bài báo khoa học, báo cáo khoa học công bố toàn văn tại hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế; sách phục vụ đào tạo, kết quả nghiên cứu đã đăng ký bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích.” Đây là một khái niệm cơ bản mà Hội đồng Giáo sư nhà nước sử dụng ít nhất trong gần 30 năm như tiêu chí định lượng quan trọng nhất trong tất cả các khâu xét duyệt. Cho đến một thời điểm nhất định tiêu chí này đóng vai trò tích cực trong việc đánh giá tiêu chuẩn “cứng”. Tuy nhiên khái niệm này tương đối mơ hồ, không hướng tới chuẩn mực quốc tế và trở nên lạc hậu. Ở đa số các nước trên thế giới, việc bổ nhiệm chức giáo sư và phó giáo sư, ngoài tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, dựa trên hai tiêu chí cơ bản được phân biệt rõ ràng: (a) thành tích nghiên cứu khoa học; (b) thành tích và kinh nghiệm đào tạo. Trong đó tiêu chí (a) đóng vai trò quyết định. Vì thế, tuy trong Dự thảo đã có nâng điểm tối thiểu đối với các bài báo khoa học cho từng chức danh (Điều 8, Khoản 7; Điều 9, Khoản 8) việc Dự thảo quy đổi hai tiêu chí này theo một mẫu số chung “Công trình khoa học quy đổi” là không khoa học, chưa đề cao tiêu chí (a). Điều này lại càng trở nên bất hợp lý hơn khi các giáo trình, sách tham khảo, sách hướng dẫn và sách chuyên khảo không chứa các kết quả nghiên cứu mới và thành tích hướng dẫn nghiên cứu sinh cũng được biến thành “Công trình khoa học quy đổi”. Kiến nghị: Để nhấn mạnh tiêu chí (a) về thành tích khoa học của giáo sư và phó giáo sư cần loại bỏ cụm từ “Công trình khoa học quy đổi” khỏi các văn bản và thay bằng ba tiêu chí riêng biệt “công trình khoa học” (bao gồm bài báo khoa học và sách chuyên khảo có chứa các kết quả nghiên cứu mới), “thành tích và kinh nghiệm đào tạo” (hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên cao học, thâm niên giảng dạy), và “sách phục vụ đào tạo” (bao gồm giáo trình, sách tham khảo, sách hướng dẫn và sách chuyên khảo không chứa các kết quả nghiên cứu mới). Sau đó đặt tiêu chuẩn và cách đánh giá riêng cho từng tiêu chí để đánh giá. Chỉ cho điểm “công trình khoa học”. Không cho điểm “thành tích và kinh nghiệm đào tạo” và “sách phục vụ đào tạo”, chỉ dừng lại ở các yêu cầu tối thiểu. 2. Thành tích nghiên cứu khoa học. Yêu cầu về thành tích nghiên cứu khoa học của các chức danh trong Dự thảo còn thấp so với chuẩn quốc tế và khu vực. Cần nâng yêu cầu về thành tích nghiên cứu khoa học (bao gồm bài báo khoa học và sách chuyên khảo có chứa các kết quả nghiên cứu mới) cả về số lượng lẫn chất lượng. Về số lượng. Trước tiên phải lưu ý rằng ở nhiều nước trên thế giới, tiêu chuẩn thành tích nghiên cứu khoa học đối với các chức danh chủ yếu dựa vào chất lượng. Tuy nhiên trong hoàn cảnh nước ta hiện nay cũng không thể xem nhẹ số lượng các bài báo khoa học. Cần tăng số điểm các công trình khoa học, cụ thể là: Ứng viên giáo sư (phó giáo sư) thuộc nhóm ngành KHTN, Kỹ thuật và Công nghệ phải có ít nhất 15,0 (7,0 đối với phó giáo sư) điểm tính từ các bài báo khoa học. Ứng viên thuộc nhóm ngành KHXH&NV phải có ít nhất 12,0 (5,0 đối với phó giáo sư) điểm tính từ các bài báo khoa học. Về chất lượng. Không nên đồng nhất các bài báo trong danh sách ISI và danh sách Scopus làm một, vì hai danh sách này rất khác nhau. Do chất lượng các bài báo trong danh sách Scopus không thật sự đảm bảo và tin cậy, nên trong Dự thảo chỉ nên đề cập đến các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh sách ISI và loại cụm từ “Scopus” ra khỏi Dự thảo. Yêu cầu công bố ISI của các ứng viên nên nâng cao như sau: Đến năm 2019, ứng viên giáo sư (phó giáo sư) thuộc nhóm ngành KHTN, Kỹ thuật và Công nghệ là tác giả chính và đã công bố được ít nhất: sáu (hai đối với phó giáo sư) bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI; hoặc ít nhất năm (một đối với phó giáo sư) bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI và một (một đối với phó giáo sư) quyển hoặc chương sách phục vụ đào tạo được xuất bản bởi một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới; hoặc ít nhất một bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI và một bằng độc quyền sáng chế. Ứng viên thuộc nhóm ngành KHXH&NV là tác giả chính và đã công bố được ít nhất bốn (một đối với phó giáo sư) bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI. Tuy việc dựa vào danh sách ISI để đánh giá chất lượng thành tích nghiên cứu khoa học chưa thực hoàn hảo, nhưng cũng giống như yêu cầu của Quỹ NAFOSTED, điều này phù hợp với hoàn cảnh nước ta hiện nay. Những yêu cầu về số lượng và chất lượng nêu trên đối với thành tích nghiên cứu khoa học cho các chức danh là ở mức trung bình trong khu vực và mức dưới trung bình trên thế giới. Vì thế, ít nhất trong Dự thảo phải đạt được tiêu chuẩn này. 3. Sách phục vụ đào tạo và thành tích đào tạo. Như trên đã đề cập, nên bỏ điểm “Công trình khoa học quy đổi” và không cho điểm nói chung đối với sách phục vụ đào tạo và thành tích hướng dẫn nghiên cứu sinh, chỉ đặt ra các yêu cầu tối thiểu cho từng chức danh (sách chuyên khảo có chứa các kết quả nghiên cứu mới được xem như bài báo khoa học và được tính điểm theo hàm lượng kết quả nghiên cứu mới). Riêng đối với nhóm ngành KHTN, Kỹ thuật và Công nghệ, không nên yều cầu phải có sách phục vụ đào tạo. 4. Thâm niên đào tạo. Tiêu chuẩn chung về thâm niên đào tạo trong Điều 7c là chưa nhất quán và quá cao: Theo Điều 7c, thời gian làm nhiệm vụ đào tạo chung cho giáo sư và phó giáo sư là 10 năm. Tiêu chuẩn này quá cao, gây khó khăn cho các nhà khoa học trẻ có thành tích khoa học nổi bật. Tiêu chuẩn này mâu thuẫn với Điều 9 Khoản 3: (phó giáo sư) có ít nhất sáu năm, trong đó có 03 (ba) năm cuối liên tục tham gia đào tạo từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ, và từ đây cũng mâu thuẫn với Điều 8 Khoản 2 về thâm niên đào tạo đối với giáo sư. Kiến nghị: sửa Điều 9 Khoản 3 thành: Có ít nhất ba năm cuối liên tục tham gia đào tạo từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ. Trong Điều 7c nêu riêng tiêu chuẩn cho giáo sư là sáu năm và phó giáo sư là ba năm. 5. Kết luận. Hiện nay có rất nhiều các nhà khoa học trẻ trong nhiều lĩnh vực đã đạt hoặc vượt tiêu chuẩn về bài báo khoa học đối với chức danh giáo sư và phó giáo sư, nhưng lại chưa đủ sách phục vụ đào tạo hoặc chưa đủ thành tích và thâm niên đào tạo. Những thay đổi ở các mục có liên quan nêu trên (nâng cao số lượng và chất lượng các bài báo khoa học, tách sách phục vụ đào tạo hoặc và thành tích đào tạo khỏi “công trình khoa học quy đổi”, giảm nhẹ tiêu chuẩn sách phục vụ đào tạo thành tích và thâm niên đào tạo,…) sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho họ trở thành giáo sư và phó giáo sư. Qua đó nâng cao cả số lượng lẫn chất lượng của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư Việt Nam. Cuối cùng nếu chúng ta muốn có một cuộc cách mạng trong quy trình xét duyêt chức danh giáo sư và phó giáo sư ở nước ta, hướng tới chuẩn mực quốc tế, thì phải làm cho thành tích nghiên cứu khoa học thật sự đóng vai trò quyết định trong việc xét duyệt.
Tác giả bài viết: Đinh Dũng
Nguồn tin: Tia Sáng Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
|
Thống kê truy cập Website
|
||||||
Ý kiến bạn đọc