Chưa có những cải tiến về quy chế và thủ tục giấy tờ của Bộ GD&ĐT, mô hình đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh với sự tham gia của các nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài vẫn chưa thể nhân rộng. Vì vậy cần sự chủ động nhập cuộc của các trường đại học để góp phần tháo gỡ khó khăn trong quá trình áp dụng mô hình này.
PGS. TS. Trần Xuân Tú hướng dẫn các nhà nghiên cứu trẻ tại ĐH Công nghệ, ĐHQGHN.
Ở Việt Nam, thông thường có hai cách làm phổ biến trong đào tạo nghiên cứu sinh: hoặc là nghiên cứu sinh được đào tạo trong nước dưới sự hướng dẫn của các nhà nghiên cứu Việt Nam hoặc được cử đi đào tạo ở nước ngoài, dưới sự hướng dẫn của các nhà nghiên cứu quốc tế. Chừng 10 năm trở lại đây, ở một số trường đại học bắt đầu xuất hiện một cách làm mới: nghiên cứu sinh sẽ được hướng dẫn bởi hai nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài. Việc áp dụng mô hình đồng hướng dẫn này kết hợp được hài hòa ưu điểm của hai cách làm cũ: giữ được các nghiên cứu sinh giỏi ở lại làm việc trong một nhóm nghiên cứu trong nước nhưng vẫn điều kiện cho họ học hỏi trong môi trường học thuật quốc tế.
Tuy có ưu điểm như vậy nhưng việc áp dụng mô hình đồng hướng dẫn lại gặp phải khá nhiều khó khăn. Bằng chứng là một số nghiên cứu sinh do GS Pierre Darriulat và đồng nghiệp hướng dẫn đã phải trải qua rất nhiều khó khăn về mặt thủ tục giấy tờ, quy trình bảo vệ luận án... như phải bảo vệ luận án hai lần trước hai hội đồng của Việt Nam và quốc tế (ngay trong quá trình bảo vệ trước hội đồng Việt Nam cũng phải thực hiện đúng năm bước, trong đó ba bước trình bày trước các hội đồng về chuyên đề liên quan đến dự án, hội đồng cấp cơ sở, hội đồng quốc gia, gửi 50 bản tóm tắt luận án tới các chuyên gia để nhận được ít nhất 15 nhận xét tích cực 1) và phải chờ hơn một năm kể từ khi nhận bằng từ nước ngoài mới được nhận bằng từ cơ sở đào tạo trong nước. Đây cũng là vấn đề được giáo sư Pierre Darriulat đề cập tới nhiều lần trong các bài viết trên Tia Sáng. Thậm chí, ông còn gửi thư ngỏ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và tới gặp trực tiếp Thứ trưởng Bộ GD&ĐT để trình bày “nhưng cho đến nay vẫn chưa có vấn đề gì được thay đổi” 2.
Vào ngày 4/4 vừa qua, thông tư 08/2017/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ do Bộ GD&ĐT có một số điểm tiến bộ so với quy định cũ khi quy định khá chặt chẽ về tiêu chuẩn đầu vào, đầu ra của nghiên cứu sinh, giảm thiểu các thủ tục hành chính, hồ sơ giấy tờ… nhưng chỉ áp dụng đối với các trường hợp đào tạo tại các trường viện trong nước mà “bỏ rơi” các trường hợp thuộc chương trình liên kết giữa cơ sở đào tạo Việt Nam và quốc tế 3. Như vậy nút thắt của mô hình đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh vẫn chưa được tháo gỡ.
Không áp dụng vì nhiều rào cản
Những tồn tại của quy định đó khiến nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam ngần ngại nghĩ đến chuyện áp dụng mô hình đồng hướng dẫn, dù họ có đủ năng lực nghiên cứu và có khả năng mời những đồng nghiệp có uy tín ở các trường đại học hay viện nghiên cứu nước ngoài cùng tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh với mình. GS. TS Phan Thanh Sơn Nam (Khoa Kỹ thuật hóa học, ĐH Bách khoa TPHCM), PGS. TS Lê Thị Lý, PGS. TS Nguyễn Phương Thảo (Khoa Công nghệ sinh học, ĐH Quốc tế, ĐHQG TPHCM)…, những nhà nghiên cứu trẻ từng có nhiều năm học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, cho biết, sau nhiều lần “vò đầu bứt tóc” tìm cách giải quyết không thành, họ đành phải chọn một trong hai phương án quen thuộc là tự hướng dẫn hoặc “gửi thẳng” học viên ra nước ngoài.
Trên thực tế, việc áp dụng mô hình đồng hướng dẫn còn gặp phải một trở ngại khác, đó là tâm lý coi trọng “bằng ngoại” hơn bằng trong nước của chính các nghiên cứu sinh. GS. TS Phạm Hùng Việt, Giám đốc PTNTĐ Công nghệ phân tích kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN) cho biết, phần đông các nghiên cứu sinh vẫn muốn theo học tại các trường viện nước ngoài, cho dù trong một số lĩnh vực khoa học cơ bản của Việt Nam, nhiều thầy hướng dẫn có trình độ chuyên môn không kém gì đồng nghiệp nước ngoài và hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu cũng khá hiện đại và cập nhật quốc tế. Bằng chứng là các giáo sư Đào Tiến Khoa (Viện KH&KT hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), Nguyễn Văn Hiếu (Viện ITIMS, ĐH Bách khoa HN), Võ Văn Hoàng (ĐH Bách khoa TPHCM), Phan Thanh Sơn Nam... từng nhận được không ít đề xuất theo học chương trình tiến sỹ, thậm chí postdoc, của nhiều học viên quốc tế.
Giữa những rào cản của cơ chế, thủ tục hành chính và cả tâm lý của người trong cuộc, mô hình đồng hướng dẫn không có nhiều đất phát triển, dù ở đâu đó, nhiều nhà nghiên cứu âm thầm tìm cách giải quyết vấn đề bằng những nỗ lực đơn lẻ, ví dụ như đồng hướng dẫn với giáo sư nước ngoài nhưng bằng tiến sỹ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp để “nghiên cứu sinh khỏi phải trải qua thủ tục bằng kép lôi thôi kéo dài cả năm” theo cách áp dụng của GS. Việt.
Mô hình Trung tâm hợp tác của ĐH Công nghệ
Khi còn chờ một văn bản với những quy định cởi mở hơn từ Bộ GD&ĐT để tháo gỡ nút thắt của mô hình đồng hướng dẫn thì một hình thức đào tạo mới đã được hình thành ở trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN. Vào cuối tháng ba vừa qua, Trung tâm hợp tác nghiên cứu, đổi mới và phát triển công nghệ (JTIRC) đã được khai trương và bắt đầu đi vào hoạt động tại khuôn viên trường ĐH Công nghệ. Nằm trong chương trình hợp tác lâu dài giữa ĐHQGHN và ĐH Công nghệ Sydney, JTIRC được đặt kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm xuất sắc (Centre of Excellence) về đào tạo, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, công nghệ môi trường và có thể mở rộng cả lĩnh vực khoa học cơ bản, chủ yếu về vật liệu tiên tiến.
Đây không chỉ là kỳ vọng của các nhà nghiên cứu ĐHQGHN mà còn của ĐH Công nghệ Sydney, trường thuộc tốp 200 các trường đại học hàng đầu thế giới theo xếp hạng của Times Higher Education năm 2016. Nhìn thấy tiềm năng phát triển công nghệ ở Việt Nam, nơi vẫn được coi là chuyên “làm thuê” cho nhiều công ty công nghệ thông tin của nước ngoài4, ĐH Công nghệ Sydney đã cất công sang tận Việt Nam tìm hiểu rất nhiều trường đại học trong Nam, ngoài Bắc và cuối cùng lựa chọn ĐH Công nghệ.
Vậy JTIRC khác biệt gì trong đào tạo so với các trung tâm hợp tác quốc tế đã tồn tại từ rất lâu ở các trường, viện Việt Nam? PGS. TS Trần Xuân Tú, thành viên Hội đồng điều hành JTIRC, cho biết, JTIRC có ba điểm khác biệt: áp dụng mô hình đồng hướng dẫn với sự tham gia của các nhà khoa học ĐH Công nghệ, ĐH Công nghệ Sydney; nghiên cứu sinh được trả lương trong quá trình làm nghiên cứu sinh tại trung tâm (kinh phí ban đầu từ ĐH Công nghệ Sydney và các dự án hợp tác với công nghiệp), được cấp học bổng khi triển khai nghiên cứu tại Úc; gắn kết hoạt động đào tạo nghiên cứu với nhu cầu phát triển công nghệ của khối công nghiệp.
Vì vậy, ngay khi đi vào vận hành, hai nghiên cứu sinh đầu tiên của JTIRC đã được phân công thầy hướng dẫn: nghiên cứu sinh Kiều Thanh Bình với hướng nghiên cứu về xử lý ngôn ngữ tự nhiên dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, PGS.TS Phan Xuân Hiếu, và GS.TS. Massimo Piccardi (UTS); nghiên cứu sinh Nguyễn Ngọc Tân với hướng nghiên cứu về mạng viễn thông 5G do PGS.TS. Nguyễn Quốc Tuấn, TS. Nguyễn Nam Hoàng, GS. Eryk Dutkiewicz, TS. Điệp Nguyễn đồng hướng dẫn. Khi bảo vệ thành công luận án, nghiên cứu sinh sẽ nhận bằng tiến sỹ do ĐH Công nghệ và ĐH Công nghệ Sydney cấp.
PGS. TS Trần Xuân Tú cho biết, các nghiên cứu sinh sẽ có thời gian nghiên cứu tại hai nơi, trong đó hai năm tại Hà Nội với học bổng 10 triệu đồng/tháng, 1 đến 1,5 năm ở Sydney với học bổng khoảng 4.500 đô Úc/tháng (học phí 35.000 đô la Úc/năm, tiền hỗ trợ 26.000 đô la Úc, vé máy bay đi về, bảo hiểm y tế, máy tính xách tay…). Trung tâm sẽ còn hỗ kinh phí xuất bản công trình trên các tạp chí quốc tế và kinh phí tham dự hội nghị quốc tế.
Khi thông tư 08/2017/TT-BGDĐT vẫn còn chưa tháo gỡ được những rào cản trong việc áp dụng mô hình đồng hướng dẫn thì JTIRC sẽ phải làm những gì để giải quyết vấn đề tồn tại? PGS. Tú cho rằng, ĐHQGHN đã chủ động tìm biện pháp tháo gỡ, một trong những biện pháp đó là ĐHQGHN xây dựng một đề án thí điểm về chương trình đào tạo chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế, trong đó sẽ có nội dung về đào tạo tiến sỹ với những điểm mới như thành lập một hội đồng phản biện gồm các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài. “Tôi nghĩ, sau khi có được một hội đồng phản biện nghiêm túc và giỏi về chuyên môn thì không cần đến hai hội đồng, một ở Việt Nam và một ở nước ngoài. Công nhận một hội đồng như vậy không chỉ làm giảm thủ tục mà còn ‘mở đường’ cho việc công nhận bằng kép”, PGS. Tú tin tưởng.
Một trong những vấn đề đặt ra là Hội đồng điều hành của Trung tâm sẽ thực hiện những gì để đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sỹ theo chuẩn quốc tế? Từ góc độ một nhà khoa học giàu kinh nghiệm đã thực hiện nhiều dự án hợp tác quốc tế, GS. Việt nhận xét, cần có hai yếu tố cốt lõi cho mô hình đồng hướng dẫn: sự đồng đều về năng lực của các thầy hướng dẫn trong nước và quốc tế; hình thành nhóm nghiên cứu chung với sự tham gia của các thành viên hai bên. Trước ý kiến này, PGS. Trần Xuân Tú cho biết, Hội đồng điều hành đã tính rất kỹ đến những biện pháp đảm bảo chất lượng đào tạo, trong đó có việc giữ được sự cân bằng giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế, “riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam đã hội nhập rất sâu với quốc tếvà các nhà nghiên cứu của ĐH Công nghệ chủ yếu được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến, tỷ lệ công bố đạt trung bình 2,3 bài báo/người/năm, nghĩa là sẽ không đến mức lép vế trước các đồng nghiệp nước ngoài”.
Với JTIRC, việc đào tạo nghiên cứu sinh sẽ góp phần hình thành các cặp đồng hướng dẫn có lĩnh vực chuyên môn hẹp tương đối giống nhau và những chủ đề nghiên cứu chung. Trên cơ sở đó, Trung tâm sẽ tìm kiếm các đề tài, dự án nghiên cứu phù hợp với kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau, có thể từ hai trường hoặc từ doanh nghiệp Việt Nam, quốc tế…, để các nhà nghiên cứu thực hiện. Về lâu dài, “Trung tâm sẽ là một môi trường nghiên cứu năng động ở tầm quốc tế cho những người cùng lĩnh vực, không kể trong nước hay quốc tế”, PGS. Tú nói thêm.
Việc đảm bảo chất lượng đào tạo cũng sẽ được JTIRC thực hiện chặt chẽ từ khâu tuyển chọn ứng viên với những điều kiện khá cao như đạt điểm trung bình 3.0/4.0 trở lên, tiếng Anh tối thiểu với mức điểm IELTS đạt 5.5 (nghiên cứu sinh được hỗ trợ nâng cao trình độ tiếng Anh sau khi được chấp nhận), có bài báo chất lượng tốt…
—————————
Chú thích:
1.http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20140908/dao-tao-tien-si-phai-bo-ngay-nhung-thu-tuc-ngo-ngan/642805.html
2.http://tiasang.com.vn/-giao-duc/thu-tuc-ruom-ra-khong-phai-la-cach-de-chong-tieu-cuc-trong-dao-tao-tien-si-7773
http://tiasang.com.vn/-giao-duc/Hay-giu-nguoi-tai-o-lai—10569
3.http://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-08-2017-TT-BGDDT-Quy-che-tuyen-sinh-dao-tao-trinh-do-tien-si-338487.aspx
4.http://www.dw.com/en/tech-startups-are-finding-fertile-ground-in-vietnams-silicon-valley/a-38341348
“Nếu các cơ sở đào tạo tại Việt Nam và nước ngoài đi trước một bước, tạo hành lang pháp lý tốt cho việc cấp bằng tiến sĩ kép để các nghiên cứu sinh chỉ cần bảo vệ luận án một lần (tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài) thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người chọn mô hình đồng hướng dẫn thay vì phấn đấu tìm học bổng làm tiến sĩ ở nước ngoài. Khi làm được bằng kép, mô hình này sẽ đảm bảo chất lượng luận án, vẫn giữ được người giỏi ở lại trong nước, chi phí đào tạo ít đi so với gửi ra nước ngoài toàn thời gian, đồng thời giảm được sự phức tạp trong thủ tục bảo vệ luận án tiến sĩ”. (TS. Nguyễn Trần Thuật – Trung tâm Nano và năng lượng, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN).
Ý kiến bạn đọc