Bằng những công cụ hiện đại, các nhà khoa học đã kiểm chứng phần nào quan điểm về cái đẹp của nhà triết học Đức thế kỷ 18 Immanuel Kant và đưa ra kết luận: trải nghiệm thực sự về cái đẹp của một vật thể có thể đòi hỏi con người phải suy nghĩ một cách có ý thức.
Bức “Mona Lisa” trong một căn phòng rộng ở cung điện Louvre. Nguồn: Boris Karpinski/Alamy Stock Photo
Mona Lisa,” một trong những bức họa nổi tiếng bậc nhất thế giới nghệ thuật, được treo trên một bức tường không có gì đặc biệt màu vàng nhạt trong một căn phòng rộng ở cung điện Louvre. Ngoài bức tranh nhỏ của danh họa Leonardo da Vinci thì trong phòng có rất ít điểm thu hút cặp mắt của người xem. Các nhà tâm lý hiện đại cho rằng cách trưng bày như vậy tạo một môi trường trung hòa, thuần khiết cho nghệ thuật. Đây là điểm chung của các bảo tàng nghệ thuật truyền thống từ đầu thế kỷ 20 trở đi và nó thực sự đóng vai trò trong việc “chỉ dẫn’ tâm lý của con người bởi việc giữ cho con người không xao nhãng là cách tốt để đánh giá vẻ đẹp nghệ thuật.
Phong cách bố trí theo kiểu tối giản như vậy không phổ biến trong quá khứ. Trong suốt những năm 1800, các nhà bảo trợ có thể tìm thấy các tác phẩm nghệ thuật nhồi đầy chật từ nền đến trần phòng trưng bày nhưng vào cuối thế kỷ 19, mô hình “không gì là không thể đó” đã bị chỉ trích là lỗi thời. “Trạng thái tinh thần kiểu ôm đồm này là con đẻ của sự phô trương khủng khiếp và là biểu hiện của một trạng thái tinh thần lúng túng và mơ hồ, đi kèm với sự nhức mỏi đôi chân cũng như đầu đau như búa bổ”, nhà kinh tế và logic học người Anh William Stanley Jevons đã viết như vậy trong tiểu luận nổi tiếng năm 1882 “The Use and Abuse of Museums” (Sử dụng và lạm dụng của các bảo tàng).
Để chiến đấu với “nỗi mệt mỏi bảo tàng” đó, các học giả nghệ thuật đề xuất nhiều ý tưởng, trong đó các viện trưng bày nghệ thuật phải giản dị hơn, ví dụ Benjamin Ives Gilman thư ký Bảo tàng Mỹ thuật Boston, cho rằng các nhà giám tuyển nên tránh “sự đa dạng của màu sắc trên tường, vốn hay xuất hiện ở các bảo tàng mới xây dựng” và một màu sắc trung tính, tiêu chuẩn thì có lợi hơn cho trưng bày. Vào đầu thế kỷ 20, phong cách “tối giản” như vậy đã trở nên thịnh hành. “Bạn cần tạo ra một môi trường ‘sạch’ cho trưng bày các vật thể”, Lupton nói.
“Beauty Requires Thought” (Cái đẹp đòi hỏi suy nghĩ), một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Current Biology của nhà xuất bản Cell của nghiên cứu sinh Aenne A. Brielmann và giáo sư Denis G. Pelli đã xác nhận những nỗ lực của các nhà giám tuyển bằng việc tìm kiếm cách đánh giá vẻ đẹp nghệ thuật thông qua quá trình suy nghĩ một cách có ý thức – và do đó, sự xao nhãng của một cá nhân có thể khiến họ không thưởng thức được đầy đủ giá trị của tác phẩm nghệ thuật.
Mỹ học thần kinh kiểm chứng quan điểm của Kant
Aenne Brielmann, một nghiên cứu sinh tâm lý học trường Đại học New York, nảy ra ý tưởng nghiên cứu về những tác động của sự xao nhãng trong đánh giá nghệ thuật sau khi cô tham gia một chương trình hội họa ở châu Âu. Được khơi gợi cảm hứng trong thời gian ở trường nghệ thuật đó, cô đã dành sự tập trung vào mỹ học thần kinh (neuroaesthetics) - một lĩnh vực nghiên cứu mới nổi gần đây tập trung vào nhận thức thẩm mỹ về nghệ thuật, âm nhạc hoặc bất kỳ đối tượng nào có thể làm phát sinh các phán đoán thẩm mỹ ở người thụ hưởng. Thông qua việc áp dụng các thí nghiệm tâm lý, quét não và nhiều công cụ khác của khoa học thần kinh, cô muốn hiểu về cách bộ não của con người quyết định như thế nào trước những thứ có thể đem lại niềm vui hưởng thụ nghệ thuật. “Thật tuyệt vời nếu tôi có thể kết hợp hai niềm đam mê đó và thực hiện việc tìm hiểu về mặt tâm lý và khoa học thực nghiệm về hiệu ứng này”, Brielmann nói về động cơ thúc đẩy mình theo đuổi lĩnh vực mới mẻ đó.
Những bức ảnh tương tự với bức này được dùng trong nghiên cứu để suy ra những cảm giác cực kỳ hứng khởi. Nguồn: Aenne Brielmann
Brielmann và giáo sư hướng dẫn Denis Pelli đã cùng trở lại tìm hiểu các nhà triết học, những người “từng nói về chủ đề này trong hàng trăm năm qua”, và tập trung vào công trình của nhà triết học Đức có nhiều ảnh hưởng là Immanuel Kant. Ông từng cho rằng vẻ đẹp không phải là một đặc tính cố hữu của một vật thể mà mang tính chủ quan và phụ thuộc vào người quan sát nó; còn niềm hứng khởi đơn thuần trong giác quan có thể không bao giờ là cái đẹp cả.
Tranh luận của Kant, trong diễn dịch của Brielmann, phụ thuộc vào ý tưởng là một cá nhân phải tỉnh táo thông qua việc xác định liệu cái gì là đẹp hay không đẹp. “Anh có thể không đủ khả năng để trải nghiệm cái đẹp thêm chút nào nữa nếu như chúng tôi tách ý nghĩ ra khỏi đầu anh”, cô nói.
Tuy nhiên để trả lời câu hỏi “việc trải nghiệm cái đẹp có đòi hỏi con người phải suy nghĩ?” “và việc cảm nhận niềm hứng khởi về mặt giác quan như ăn uống có thể là cái đẹp?” thì các nhà nghiên cứu đã phải thực hiện một loạt thí nghiệm về tâm lý.
Aenne Brielmann đã thiết kế thí nghiệm với những bức ảnh. Cô đã mời hơn 60 người nhìn ngắm các bức ảnh mà họ coi là “đẹp một cách sống động” bên cạnh các bức có đặc điểm “trung tính”, “đẹp”. Tất cả các bức đó đều được lấy từ một cơ sở dữ liệu hình ảnh quốc tế với những bức đã được hiệu chỉnh lại tương đương với những hiệu ứng cảm xúc khác nhau.
Sử dụng một ứng dụng iPad, những người tham gia được đề nghị cho điểm các bức ảnh đem lại cho họ hứng khởi về cái đẹp. Các ngón tay chuyển động trên màn hình của họ chỉ dấu nơi nào phản ứng của họ là “cực kỳ hứng khởi” hay “tàm tạm hứng khởi”.
Sau đó, để phân tán sự tập trung của người tham gia, Brielmann cho họ kể lại những gì họ nhớ được trong quá khứ khi nhìn thấy những hình ảnh tương tự. Điều này khiến mỗi người phải tập trung vào những gì họ nghe thấy và nói ra của từng người nên không còn chú ý vào những gì họ đang nhìn vào. “Suy nghĩ của anh vẫn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ ngay cả khi anh đang quan sát một vật thể”, Brielmann cho biết.
Hai nhà nghiên cứu Aenne A. Brielmann và Denis G. Pelli bên cạnh một số vật được dùng trong thí nghiệm. Nguồn: eurealert.com
So sánh với cách họ xếp hạng các hình ảnh trong khi ngắm nhìn chúng một cách đơn giản, các nhà nghiên cứu thấy khoảng 15% số lượng bức ảnh được định nghĩa là đẹp đã bị loại khỏi danh sách này trong khi với danh sách các bức ảnh trung tính lại có rất ít thay đổi.
Bevil Conway – nhà khoa học thần kinh tại Viện Nghiên cứu Mắt quốc gia có thời gian dài nghiên cứu về cách não xử lý thông tin thị giác, đánh giá cao nghiên cứu này. Tuy ông không tham gia vào nghiên cứu này nhưng đã xuất bản một số nghiên cứu về chủ đề vẻ đẹp đòi hỏi sự tập trung, ví dụ “Neuroaesthetics and the Trouble with Beauty” (Mỹ học thần kinh và sự rắc rối với cái đẹp) xuất bản trên tạp chí Plos Biology. Ông nhận xét thêm “Nghiên cứu của họ đã cung cấp một số dữ liệu có trải nghiệm đầu tiên cho lý thuyết này”.
Kant cũng có thể sai?
Ý thứ hai trong quan điểm về cái đẹp của Kant là niềm hứng khởi đơn thuần trong giác quan có thể không bao giờ là cái đẹp cả. Để kiểm chứng nhận định của Kant về sự chia tách giữa cái đẹp và sự hài lòng, vui thích từ những giác quan, Brielmann đã thiết kế thêm một thí nghiệm liên quan đến sự hưởng thụ giác quan, đó là việc trải nghiệm vị ngọt ngào về vị giác với kẹo và trải nghiệm sự dễ chịu trong xúc giác với những con gấu bông mềm mại. Sau đó, cô đề nghị họ xếp hạng trải nghiệm “đẹp” này. Thật đáng ngạc nhiên là họ đều xếp hạng trải nghiệm này là đẹp.
Brielmann đã hỏi một số người tham gia thí nghiệm và nhận được câu trả lời “dứt khoát đúng” với cái đẹp về kẹo. Cô và Pelli viết trong bài báo, “phần lớn trong số họ đều hiển nhiên đều cho rằng kẹo mút đều có ý nghĩa riêng với họ, như kỷ niệm về một thời thơ ấu khó quên. Một người còn thổ lộ ‘dĩ nhiên, bất cứ thứ gì lúc đó cũng có thể rất đẹp’”.
“Phát hiện của chúng tôi chứng tỏ có rất nhiều điều bên cạnh nghệ thuật cũng có thể là cái đẹp – ngay cả kẹo”, Brielmann nhận xét. “Nhưng nếu xét ở mức độ vui sướng cực độ thì không có gì có thể sánh bằng cái đẹp được quan sát một cách tập trung”.
Qua thí nghiệm này, Aenne Brielmann và Denis Pelli đã chứng tỏ kết luận của Kant đúng với người này nhưng lại sai với người khác. “Chúng tôi phát hiện ra là cái đẹp, khi nó ở trước mắt mọi người, đem lại niềm vui thích dạt dào. Niềm vui thích như vậy và cái đẹp đều đòi hỏi sự suy nghĩ”, Denis Pelli nói.
Tuy nhiên, Conway không hoàn toàn chắc chắn về việc những kết luận của Aenne Brielmann và Denis Pelli có thực sự ủng hộ hoặc bác bỏ các khẳng định của Kant hay không, vì kết quả thí nghiệm không hoàn toàn giải quyết được những gì Kant đã tuyên bố. “Tuyên bố của Kant thực sự là vẻ đẹp truyền cảm hứng cho tư duy; quan điểm của ông là để trải nghiệm cái đẹp, chúng ta cần ở trong một trạng thái thưởng ngoạn thật sự vô tư”, Conway nói. “Không rõ là mẫu hình mà các tác giả sử dụng có thể kiểm chứng được lý thuyết của Kant hay không”.
Không chỉ đặt câu hỏi là những người tham gia thực sự nghĩ gì khi họ được đề nghị xếp hạng cái đẹp, Conway còn nêu một điểm nữa là có nhiều nhân tố bên ngoài cần được xem xét thêm như nơi họ sống và văn hóa nền của họ. “Cái đẹp là sự hài lòng, hài lòng với cái đẹp”, Conway nói. “Nhưng đó có phải là tất cả những gì anh cần biết?”
Với nghiên cứu này, Conway chỉ ra, các nhà nghiên cứu không xác định trước cho các chủ đề của họ cái gì được coi là đẹp. Thay vào đó, họ chỉ đơn giản đề nghị những người tham gia xếp hạng cách họ cảm nhận về mặt cá nhân về các hình ảnh. Brielmann biện luận “Đơn giản là chúng tôi không đặt thêm những định nghĩa về cái đẹp”.
Toán học mô hình hóa cái đẹp
Nghiên cứu của Aenne Brielmann và Denis Pelli nhấn mạnh vào sự thật là cái đẹp, dẫu mang tính chủ quan và thoáng qua như phù du, thì vẫn có thể đo lường được nó và mô hình hóa bằng toán học. “Ý tưởng lớn ở đây là xây dựng một mô hình tính toán có thể giải thích các quá trình xử lý cái đẹp về mặt tâm lý ẩn giấu bên trong nó”, Brielmann nói. Mô hình đó, vốn được Brielmann trình bày trong cuộc hội thảo thường niên của Hội Khoa học thị giác, có thể hỗ trợ các nhà tâm lý dự đoán được các thực nghiệm tương lai về cách cái đẹp hoặc con người hài lòng sẽ tìm kiếm những hình ảnh nhất định nào, những sở thích hay những tác nhân kích thích nào. “Đó là một trong những mục tiêu lớn cần phải đạt được để hiểu tốt hơn về quá trình xử lý thông tin trong não người”, Brielmann nói.
Nhiều khám phá khoa học về cái đẹp đều ẩn chứa những ứng dụng tốt trong thực tế. “Đây là những hiểu biết rất quan trọng cho những người muốn tạo ra vẻ đẹp, như những nghệ sĩ hoặc giám tuyển các bảo tàng”, Brielmann đề cập đến ý nghĩa ứng dụng của nghiên cứu. “Ví dụ anh không nên làm phân tâm những người trong bảo tàng nếu anh muốn họ tìm thấy cái đẹp trong nghệ thuật”.
Các nhà nghiên cứu lập kế hoạch tiếp tục nghiên cứu này với hi vọng trả lời được nhiều câu hỏi về vai trò của cái đẹp trong cuộc sống. Ví dụ, họ có thể đặt câu hỏi “Có những người không thể trải nghiệm cái đẹp không?”, “Cái đẹp đóng vai trò gì trong việc ra quyết định?”, “Cảm giác về có đẹp có cần thiết cho sáng tạo?”, và “Xấu xí đối nghịch với cái đẹp hay là một chiều bị chia tách của cái đẹp?”…
Cái đẹp muôn ngàn vạn trạng trong thế giới. Trường ca Iliad của Homerr kể về một cuộc chiến tranh được một người phụ nữ đẹp châm ngòi; ngành công nghiệp mỹ phẩm thế giới trị giá 460 tỉ USD (năm 2014); các nhà toán học coi cái đẹp là cần thiết cho nghề nghiệp của mình “Cái đẹp là cú thử đầu tiên: không có chỗ nào vĩnh viễn trên thế giới cho toán học xấu xí”. Vậy rút cục, chúng ta có thể trả lời một cách rõ ràng và tách bạch về cái đẹp không? “Có lẽ một trong những câu đố khó hiểu nhất còn tồn tại trên thế giới này chính là về cái đẹp: ‘nó là gì và tại sao chúng ta lại trải nghiệm nó’?”, Conway nói.□
Tô Vân tổng hợp
Nguồn:
https://www.cell.com/current-biology/fulltext/S0960-9822(17)30427-X
https://www.eurekalert.org/pub_releases/2017-05/cp-brt050417.php
https://www.smithsonianmag.com/science-nature/distraction-makes-us-less-able-appreciate-beauty-180963315/
Ý kiến bạn đọc