Câu chuyện của hi vọng, trước khi chúng ta bước vào kỷ nguyên "hậu kháng sinh"

Đăng lúc: Thứ tư - 14/12/2016 18:04 - Người đăng bài viết: admin
Virus có thể chống lại vi khuẩn kháng thuốc, đó là thứ vũ khí đã bị lãng quên hàng thập kỷ.

Dodge Pond là một hồ nước ngọt xinh đẹp tại ngoại ô thị trấn East Lyme, thuộc quận New England tiểu bang Connecticut, Hoa Kỳ. Đó là một ngôi nhà tự nhiên của cá mang xanh và cá trích Mỹ, những sinh vật nhỏ hơn như bọ chét nước, tảo và vi khuẩn.

Nhưng còn một điều đặc biệt nữa, hồ Dodge Pond cũng là một bể chứa virus khổng lồ. Nó nuôi dưỡng trong đó một quần thể virus OMKO1, trong tương lai có thể trở thành nguồn tài nguyên vô cùng quý giá của y học và nhân loại.

Nói vậy là bởi vì loài người đang bước vào một kỷ nguyên ác mộng với vi khuẩn kháng kháng sinh, nơi ngay cả những bệnh nhiễm trùng đơn giản cũng có thể gây ra 10 triệu cái chết mỗi năm trên toàn thế giới. Gen vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh đã được phát hiện tại Trung Quốc, Châu Âu, Canada, Hoa Kỳ và Hàn Quốc, gây ra những ca nhiễm khuẩn vô phương cứu chữa.

Thế nhưng đầu năm 2016, trong một ca nhiễm trùng tưởng chừng đã bó tay ấy, các bác sĩ đã mạo hiểm đưa khoảng 100 triệu virus OMKO1, nhân bản từ hồ Dodge Pond vào lồng ngực một người đàn ông đã 80 tuổi, trong giờ phút mà mạng sống của ông đã ngàn cân treo sợi tóc.

Câu chuyện xúc động ấy đã được một bác sĩ kể lại trước hàng trăm nhà khoa học trong một hội nghị y học vài tháng trước. Nó đã mở ra những niềm vi họng mới, đem đến một động lực vô cùng lớn cho các nhà khoa học, những bệnh nhân và bất cứ ai, trước khi tất cả chúng ta sớm phải đương đầu với một thời kỳ "hậu kháng sinh" sắp đến trong một vài thập kỷ tới.

Câu chuyện kì diệu bắt đầu từ một hồ nước xinh đẹp vùng ngoại ô tiểu bang Connecticut, Mỹ.
Câu chuyện kì diệu bắt đầu từ một hồ nước xinh đẹp vùng ngoại ô tiểu bang Connecticut, Mỹ.

Một khi vi khuẩn vô hại cũng trở thành "sát thủ"

Tiến sĩ Ali Khodadoust là một bác sĩ nhãn khoa làm việc tại thành phố New Haven, cách hồ Dodge Pond 40 dặm về phía tây. Khi chúng tôi đến phòng chờ Khodadoust, ông đang kiểm tra lại một vài giấy tờ với người thư ký. Mái tóc Khodadoust có những sợi dựng lên như bị nhiễm điện. Nó cũng trắng đến nỗi gần hòa màu với chiếc áo blue mà ông đang mặc.

Chúng tôi bước vào văn phòng của ông. Khodadoust đi chầm chậm và rất thận trọng. "Tôi có thể ngã bất cứ lúc nào", ông thú nhận. Phải vậy thôi, với một người đàn ông đã 80 tuổi, liên tục phải chiến đấu để giành giật mạng sống của mình suốt 4 năm với một nhiễm trùng đặc biệt nguy hiểm. Những gì mà bạn có thể hình dung về nó, về sự tồn tại của Khodadoust, chẳng khác nào "ngàn cân treo sợi tóc".

Thế nhưng bỏ qua ấn tượng đầu tiên về Khodadoust, ông dường như vẫn có một sức khỏe tốt. Chắc chắn đủ tốt để trò chuyện suốt 2 tiếng đồng hồ về OMKO1, về bệnh tình của ông, về sự nghiệp cống hiến không biết bao nhiêu năm trong lĩnh vực cấy ghép giác mạc và đào tạo các bác sĩ trẻ.

Trong suốt cuộc nói chuyện thân mật ấy, thỉnh thoảng, Khodadoust lại đứng dậy, rời khỏi ghế một cách thận trọng để dẫn chúng tôi trở lại hành lang. Đó là nơi mà ông có thể thuyết trình về những bức ảnh vốn đã mờ dần nhưng được đóng khung cẩn thận.

Chúng giúp ông hồi tưởng lại công việc ngày xưa tại Đại học Yale, Viện Johns Hopkins cũng như ở Shiraz, một thành phố Iran nơi mà Khodadoust được sinh ra. Ông đã quay lại để xây dựng một bệnh viện mắt ở đó. Thế nhưng, tất cả đã buộc phải dừng lại sau một biến cố 4 năm về trước...

"Tôi đang làm việc trong phòng mổ vào ngày thứ sáu và thứ bảy tôi dành thời gian chạy bộ", Khodadoust nói. "Vào cuối buổi hôm đó, tôi cảm thấy hơi thở của mình có vẻ ngắn và nông bất thường. Cả hai anh em trai tôi có tiền sử đau tim, bởi vậy, tôi muốn kiểm tra xem liệu đó có phải vấn đề".

Không ngoài dự đoán, Khodadoust cuối cùng phải đi đến một phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Các đồng nghiệp đã vá cho ông một phần động mạch chủ. Toàn bộ ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ và Khodadoust được phép trở về nhà hồi phục.

Tưởng chừng sẽ là một kết quả tốt, nhưng mọi thứ sau đó chuyển biến xấu rất nhanh chóng. Trong 48 giờ, Khodadoust bị sốt nặng và phải vội vàng trở lại bệnh viện. Khi các bác sĩ phẫu thuật quyết định mở lồng ngực của ông một lần nữa, họ phát hiện ra một ổ nhiễm trùng đã phá hủy tới tận xương ức của Khodadoust. Khoang ngực của ông lúc đó rất khủng khiếp, tràn ngập máu trộn lẫn với mủ nhiễm khuẩn.

Bác sĩ Deepak Narayan là một thành viên trong kip phẫu thuật tại bệnh viện Yale New Haven ngày hôm ấy. Khi chứng kiến cảnh tượng, ông biết chính xác chuyện gì đã xảy ra với Khodadoust. Có một mảng màu rêu xanh trên động mạch chủ của ông ấy. Đó là một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn, loại vi khuẩn rất phổ biến và có tên gọi là trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa). "Bạn chỉ cần nhìn qua, và bạn sẽ nhận diện được chúng", bác sĩ Narayan cho biết.

Thế nhưng, việc cấp bách lúc ấy không phải tìm cách chiến đấu với trực khuẩn. Narayan và các bác sĩ khác phải làm mọi cách để kéo lại được tính mạng của Khodadoust, càng lâu càng tốt. "Bệnh của ông ấy nặng quá – trái tim thực sự như muốn vỡ tung ra bàn mổ", Narayan tưởng tượng lại giờ phút ấy.

Ông và các đồng nghiệp đã phải lấy một mảnh mô phổi để vá lại tim cho Khodadoust. Công việc tiếp theo đó dường như là "cọ rửa" lại toàn bộ khoang ngực. Cuối cùng, khi nó đã khô lại, họ bọc trái tim Khodadoust với một màng chất béo được lấy từ chính bụng ông. Vết mổ được đóng lại, nhưng các bác sĩ đều hoài nghi về tiên lượng mà Khodadoust có thể chịu đựng được.

Trực khuẩn mủ xanh, thứ đã hiện diện trong lồng ngực bác sĩ Khodadoust.
Trực khuẩn mủ xanh, thứ đã hiện diện trong lồng ngực bác sĩ Khodadoust.

Giờ đây, mỗi khi hồi tượng lại khoảng thời gian này, thứ mà Khodadoust nhớ lại được chỉ là một không gian đen kịt. "Có một sợi dây mảnh căng dài níu giữ tôi với một thứ gì đó ở vô tận", ông nói. Khodadoust cảm giác rằng ông đã được ai đó đưa cho hai lựa chọn. "Ông có muốn trở lại hay không? Sống hay không sống? Tôi hình dung ra các con tôi, vợ tôi. Những ánh nước long lanh trong mắt họ".

Khodadoust quyết định trở lại cuộc sống từ không gian đen kịt ấy. "Làm sao mà tôi có thể?", Khodadoust nhiều khi vẫn tự hỏi. Ông đã trở lại để bắt đầu một cuộc chiến 4 năm đầy đau đớn, với những vi khuẩn kháng thuốc ngay trong chính lồng ngực mình.

4 năm sống một cuộc sống không phải của con người

Khodadoust vượt qua ca phẫu thuật. Nhưng bây giờ, Narayan và các bác sĩ tiếp tục phải giúp ông chiến đấu lại căn bệnh nhiễm trùng của mình. Trực khuẩn mủ xanh là loại vi khuẩn vô hại đối với người khỏe mạnh. Nhưng trớ trêu thay, nó lại lây nhiễm trong ca phẫu thuật, lúc mà hệ miễn dịch của Khodadoust đang suy yếu.

Khodadoust có vẻ như đã nhiễm trực khuẩn mủ xanh từ miếng ghép động mạch chủ mà các bác sĩ đã cấy cho ông. Khi đó, trực khuẩn mủ xanh gần như là cái chết. Nó chẳng khác nào nỗi khiếp sợ của những bệnh nhân xơ nang, nhiễm trực khuẩn mủ xanh có thể dẫn đến viêm phổi và tử vong không lâu sau đó.

Để tránh khả năng xấu nhất, như thường lệ Narayan và các bác sĩ đã áp dụng một phác đồ điều trị dày đặc kháng sinh giúp Khodadoust chống lại nhễm trùng. Nhưng vi khuẩn lúc này đã trở nên cực kì kháng thuốc và không thể bị đánh bại. Chúng tàn phá cơ thể Khodadoust, khoét hẳn một lỗ rò rỉ ra bên ngoài ngực của ông. Bạn có thể thấy trực khuẩn đã chiếm trọn bên trong lồng ngực rồi tràn cả ra ngoài từ lỗ rò rỉ đó.

Khodadoust đã chiến đấu ngoan cường suốt 3 tháng trong bệnh viện, dĩ nhiên là với những đợt kháng sinh ngày càng nặng hơn. Ông được phép về nhà khi tình hình đã ổn định, nhưng với một ổ nhiễm trùng lớn vẫn còn tồn tại bên trong cơ thể. Khodadoust phải giữ một cổng truyền dịch trong lồng ngực, đó là con đường mà cứ 3 lần mỗi ngày, một liều kháng sinh cực nặng được bơm trực tiếp vào trong chỉ với hi vọng giữ cho vi khuẩn không lây lan thêm nữa. Thế đã là tốt lắm rồi.

Bác sĩ nhãn khoa Ali Khodadoust, người đã phải chiến đấu 4 năm với ổ nhiễm khuẩn trong lồng ngực mình.
Bác sĩ nhãn khoa Ali Khodadoust, người đã phải chiến đấu 4 năm với ổ nhiễm khuẩn trong lồng ngực mình.

Nhưng điều gì đến cũng sẽ vẫn phải đến, vi khuẩn có khả năng kháng thuốc cực kì nhanh chóng. Qua thời gian, chúng đã học được cách đánh bại những liều kháng sinh cực nặng được chỉ định cho Khodadoust. Ông nhanh chóng bị nhiễm trùng máu và phải trở lại bệnh viện.

Bác sĩ Narayan và các đồng nghiệp quyết định, họ không thể làm gì với lồng ngực của Khodadoust nữa. Nó giờ đã trở thành một đặc khu bất khả xâm phạm của vi khuẩn. Nếu họ có ý định đóng lỗ rò rỉ, hoặc hơn nữa là mở thành ngực để lấy mảnh cấy ghép động mạch bị nhiễm trùng ra, chẳng may thôi, ổ nhiễm khuẩn có thể vỡ và ngay lập tức sẽ giết chết Khodadoust.

"Họ còn chẳng dám chạm vào tôi", Khodadoust nói. "Tôi cũng không trách họ được".

Khodadoust rơi vào trạng thái "lấp lửng" giữa thiên đường và trần thế, theo cách nói nhẹ đi của các bác sĩ. Còn thực sự thì ông đang sống dở chết dở trong đau khổ. "Cuộc sống không có ý nghĩa gì nữa với một đường ống bên trong ngực của tôi. Mỗi 8 giờ đồng hồ, có 8 gam kháng sinh sẽ được truyền qua đó", Khodadoust xúc động chia sẻ. "Đây không phải là cuộc sống của một con người".

Vũ khí của y học đã từng bị lãng quên

Nếu mỗi người trên thế gian này đều có một thiên thần hộ mệnh xuất hiện trong những giây phút sinh tử, thiên thần ấy của Khodadoust hẳn là Benjamin Chan, một nhà khoa học trẻ đến từ Đại học Yale. Trong một dịp đến gặp bác sĩ Narayan, anh đề nghị rằng liệu ông có muốn cho Khodadoust thử một "thứ vũ khí" đã bị lãng quên bởi y học hiện đại. Virus có thể được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn, khi mà kháng sinh mất tác dụng, đó chính xác là những gì mà Chan đang theo đuổi trong sự nghiệp nghiên cứu của anh.

Được biết đến với cái tên liệu pháp thể thực khuẩn, nó đã từng được phát triển cách đây hơn 1 thế kỷ và tạo nên cả một thời đại hoàng kim khác trong điều trị nhiễm khuẩn ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Ở đó, thuốc kháng sinh là thứ bị cấm vận và trở nên cực kì khan hiếm trong thời kì Chiến tranh lạnh.

Khởi đầu vào năm 1915, khi Fredetick Twort, một nhà vi khuẩn học người Anh, quan sát được hiện tượng virus lây nhiễm trên vi khuẩn. Sau đó, Félix d'Herelle, một bác sĩ Canada nhận thấy rằng ông có thể sử dụng hiện tượng này để chữa trị những ca nhiễm trùng.

Những con virus lây nhiễm trên vi khuẩn và cướp đi quá trình sinh hóa của chúng. Virus sau đó nhân lên hàng loạt bên trong vi khuẩn, đến độ đầy tràn và khiến vi khuẩn chết vì nổ tung. Những virus được phát tán sau quá trình này lại thực hiện lây nhiễm trên vi khuẩn mới và giết chết chúng theo cơ chế tương tự.

Liệu pháp thể thực khuẩn làm việc khá hiệu quả, nhưng các bác sĩ luôn luôn phải đề phòng và hoài nghi sự an toàn của nó. Họ sử dụng virus để diệt vi khuẩn, nhưng virus cũng là thứ không thể đặt sự tin tưởng, chúng có thể cũng gây bệnh.

Đó là thời điểm đòi hỏi một thứ gì đó mới ra đời để giải quyết vấn đề. Và giữa những năm 1940, Alexander Fleming là người đã tìm ra điều đó. Ông phát hiện ra penicillin, loại kháng sinh đầu tiên của nhân loại.

Kháng sinh là những chất hóa học, chúng vô tri thực sự, không sống, không tiến hóa như virus và được thí nghiệm nghiêm ngặt để kiểm soát hiệu quả và tác dụng phụ trong điều trị nhiễm khuẩn. Kháng sinh chứ không phải virus là thứ mà các bác sĩ có thể đặt niềm tin tưởng.

Thế là liệu pháp thể thực khuẩn hầu như biến mất tại hầu hết các quốc gia một khi họ đã sở hữu kháng sinh. Chỉ còn một khu vực duy nhất tiếp tục nghiên cứu và sử dụng virus để điều trị nhiễm khuẩn là Liên Xô và các nước Đông Âu. Trong suốt thời kì chiến tranh thế giới thứ II, liệu pháp thể thực khuẩn đã được sử dụng để cứu sống hàng triệu binh sĩ của Stalin, trong khi bên kia chiến tuyến, những viên thuốc kháng sinh đang làm nhiệm vụ tương tự.

Hình ảnh chụp từ một kính hiển vi điện tử, khi các thể thực khuẩn tấn công một vi khuẩn.
Hình ảnh chụp từ một kính hiển vi điện tử, khi các thể thực khuẩn tấn công một vi khuẩn.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, với sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nước Đông Âu, các quốc gia mới được tiếp cận với kháng sinh, họ cũng hiển nhiên nhận thấy sự ưu việt của những viên thuốc hóa học và từ bỏ liệu pháp thể thực khuẩn. Chỉ còn một nhóm nhỏ các nhà nghiên cứu tiếp tục duy trì hoạt động của họ trong lĩnh vực thể thực khuẩn, tiêu biểu là tại Viện nghiên cứu vi sinh Eliava tại Tbilisi, thủ đô Gruzia.

Công việc đó được duy trì trên quy mô nhỏ, bởi vậy, liệu pháp thể thực khuẩn chỉ được truyền tai như một phương pháp trị liệu bị lãng quên. Cho đến thế kỷ 21, khi tình trạng kháng kháng sinh đã trở nên cực kì phổ biến và gây ra hàng loạt ca kháng thuốc vô phương cứu chữa, Hoa Kỳ và Châu Âu mới tìm trở lại liệu pháp thể thực khuẩn. Đã có những bệnh nhân đáp những chuyến bay từ Mỹ tới Gruzia để chữa nhiễm trùng. Đã có những dự án của Mỹ và Châu Âu tài trợ nghiên cứu thể thực khuẩn.

Tuy nhiên, từ đó đến nay mới chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi, các nhà nghiên cứu còn rất nhiều hoài nghi: Liệu virus có thể làm việc cùng cách trên nhiều bệnh nhân khác nhau? Liệu vi khuẩn có thể phát triển khả năng kháng virus như cách mà nó đã kháng thuốc kháng sinh?

"Bạn lại tạo ra điểm xuất phát ban đầu của vấn đề", Paul Turner, một nhà virus học tại Đại học Yale cho biết. Ông đã nghiên cứu thể thực khuẩn trong hơn 20 năm nay và bước đầu tìm ra được những kết quả khả quan.

Năm 2013, với những phát hiện hứa hẹn của mình Turner mở rộng quy mô nghiên cứu. Chính ông đã thuê Chan vào làm cùng dự án. Công việc của anh được giao là đi khắp nơi để săn lùng những loài virus mới, thứ mà họ có thể sử dụng để điều trị nhiễm trùng trong khi thuốc kháng sinh đã bị vô hiệu hóa.

Một kế hoạch táo bạo

Săn lùng những con virus, hay thể thực khuẩn, nói là dễ thì cũng rất dễ. Chúng ở khắp nơi trên hành tinh này, ước tính có tới 10.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000 loài thể thực khuẩn.

Nhưng thứ mà Chan muốn tìm kiếm không phải là một loại virus bất kỳ, anh muốn đó phải là một loài có thể tấn công những vi khuẩn nhiễm trùng cơ hội, dạng trực khuẩn mủ xanh. Anh cũng muốn đó là một loài virus ôn hòa có thể cộng tác được với kháng sinh và hỗ trợ chúng.

Logic mà Chan sử dụng rất đơn giản: Trực khuẩn mủ xanh là một loại vi khuẩn kháng kháng sinh bằng cách tạo ra các kênh bơm, đào thải kháng sinh ra khỏi môi trường nội bào của chúng. Thế thì Chan và Turner muốn tìm ra một loại virus có thể lây nhiễm trực khuẩn mủ xanh bằng cách chui qua các kênh bơm, rồi tiêm vật chất di truyền của chúng vào bên trong để chiếm lấy cơ chế điều khiển vi khuẩn. Điều tiếp theo là những gì mà bạn đã biết. Chúng nhân lên và giết chết vi khuẩn.

Nếu một virus như vậy tồn tại, nó có thể chiến thắng trực khuẩn mủ xanh trong bệnh nhiễm trùng. Cách duy nhất để vi khuẩn tồn tại là nó phải tiến hóa để đóng các kênh bơm. Khi đó thì chúng ta có thể sử dụng lại kháng sinh và giết chết chúng một lần nữa.

Nói tóm lại, liệu pháp thể thực khuẩn và kháng sinh sẽ bổ sung cho nhau. Trực khuẩn mủ xanh không chết vì kháng sinh thì phải chết vì thể thực khuẩn và ngược lại.

Chan đã bắt đầu cuộc tìm kiếm tỉ mẩn của anh bằng cách thu thập các mẫu đất, nước thải và thậm chí là phân. Anh khéo léo tách các virus từ đó và đưa chúng vào môi trường thí nghiệm với trực khuẩn mủ xanh có sẵn. Lần lượt các virus đều lây nhiễm và giết chết vi khuẩn, nhưng chúng lại không đột nhập qua kênh bơm và đóng nó lại.

Chan liên tục tìm kiếm các virus mới, lặp lại thí nghiệm, thất bại và rồi lại tiếp tục tìm kiếm. Anh đơn giản là không bao giờ từ bỏ công việc của mình.

Vào một đêm, Chan bất ngờ nhớ đến một mẫu nước mà anh đã nhận từ hồ Dodge Pond một tháng trước đó. Anh tìm thấy một vài thể thực khuẩn trong đó. "Giữa đêm, tôi vẫn cố gắng làm thí nghiệm và đã thành công", Chan nói. Thể thực khuẩn tấn công trực khuẩn mủ xanh, chính xác qua kênh bơm của nó. Anh đặt tên gọi có loại virus là OMKO1, viết tắt của "short for outer-membrane-porin M knockout dependent phage #1".

Turner được thông báo về phát hiện, họ ngay lập tức thử nghiệm OMKO1 trong môi trường giả định. Nó làm việc, nhưng bước tiếp theo là thử nghiệm trên người. Turner còn muốn OMKO1 nhận được cấp phép bởi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Điều họ cần bây giờ là một bệnh nhân đồng ý điều trị thử nghiệm nhân đạo, trong trường hợp mà bệnh của họ đã vô phương cứu chữa.

"Anh biết đấy", Narayan nói với Chan. "Tôi có một bệnh nhân như vậy".

Cơ chế mà OMKO1 làm việc trong trường hợp nhiễm khuẩn kháng kháng sinh.
Cơ chế mà OMKO1 làm việc trong trường hợp nhiễm khuẩn kháng kháng sinh.

Bác sĩ Narayan cung cấp cho Chan mẫu trực khuẩn lây nhiễm trong ngực của Khodadoust. Chan lây nhiễm nó với OMKO1 và đúng như mong đợi, nó đã làm việc để giết chết hầu hết các vi khuẩn. Ngay cả khi anh kiểm tra lại những con trực khuẩn sống sót, kênh bơm chống lại kháng sinh của chúng cũng đã bị đóng lại. Anh sử dụng lại đúng loại kháng sinh đã thất bại trong điều trị cho Khodadoust, lần này, kháng sinh đã làm việc.

Bác sĩ Narayan đã rất vui mừng, ông cùng với Khodadoust hoàn thành các thủ tục xin sự chấp thuận từ FDA cho một ca điều trị thử nghiệm nhân đạo. Trong khi đó, Chan phát triển các virus OMKO1 đặc hiệu để tác dụng mạnh mẽ hơn vào các vi khuẩn của Khodadoust. Anh sàng lọc ra những cá thể tốt nhất để tạo ra cả một thế hệ virus mới tinh khiết.

Lượng virus này được kiểm tra chặt chẽ bởi một phòng thí nghiệm khác. Để rồi tháng 1 năm 2016, Chan tới Bệnh viện Yale New Haven với một ống tiêm được bảo quản vô cùng cẩn thận, chứa trong đó các virus OMKO1 trộn với kháng sinh ceftazidime và cả niềm hi vọng.

Chỉ một ống tiêm nhỏ, nhưng nó đã khiến Chan căng thẳng tới phát ốm. Anh đã làm mọi thứ có thể để đảm bảo quy trình điều trị cho Khodadoust diễn ra tốt đẹp. Nhưng bởi nó chưa từng diễn ra trước đây, kết quả vẫn là một ẩn số. Thử nghiệm có thể đi sai hướng. Các virus có thể không tìm thấy vi khuẩn, chúng có thể bị cuốn trôi. Trong trường hợp chúng tìm thấy các trực khuẩn và giết chết chúng, liệu Khodadoust có thể chết vì sốc phản vệ?

"Tôi nhớ như in chiếc kệ đẩy mà họ chuyển vào trong phòng. Trên đó là tất cả các thiết bị sẵn sàng cho trường hợp xấu nhất, trường hợp chúng tôi phải níu giữ mạng sống cho người đàn ông này", Chan hồi tưởng. "Ôi anh bạn, điều này sẽ không thể tệ hơn được".

Narayan đẩy mũi kim vào ngực Khodadoust và nó từ từ ngập sâu, ngập sâu, rồi ngập sâu hơn nữa. Ông thông báo mũi kim đã chạm tới động mạch chủ. Tuy nhiên, các bác sĩ bất ngờ phát hiện thành mạch của Khodadoust đã phát triển thành một lớp sẹo dày. Ca điều trị bị rời lịch 1 tiếng đồng hồ chỉ để thăm dò xem liệu họ có vị trí nào trên ngực Khodadoust mà các bác sĩ có thể đưa virus và kháng sinh vào ổ nhiễm trùng. Kết quả là con số không. "Đó là một khoảng thời gian cực kì căng thẳng", Chan nói.

Lúc này, bác sĩ Narayan và đội phẫu thuật của ông phải mạo hiểm với kế hoạch B. Họ quyết định mở lỗ rò rỉ trên ngực Khodadoust và đưa virus cộng thêm kháng sinh vào trong theo đó. Nếu may mắn, thể thực khuẩn có thể gặp các vi khuẩn ở đây và tìm đường tấn công đến vị trí nhiễm trùng ở động mạch chủ.

Thủ thuật kết thúc, nhưng sự thành công của nó được đặt trong một chiếc hộp đen kín. Khodadoust trở về nhà, tiếp tục sử dụng kháng sinh của mình. Ông đóng gói đồ đạc, đặt một chuyến bay trở về Shiraz. Đó có thể là những tháng ngày cuối cùng của Khodadoust và ông muốn ở bên người thân của mình, trên chính quê hương Iran của mình.

Khodadoust đã có 5 tuần, trước khi một đoạn nhỏ xương chọc vào lỗ rò trên ngực khiến ông chảy máu nặng. Các bác sĩ Iran đã bất chấp mọi rủi ro để phẫu thuật mở lồng ngực của Khodadoust ra một lần nữa. "Họ không có nhiều sự lựa chọn – Khodadoust đã chết lâm sàng trong 2 phút", Narayan cho biết.

Đã là 4 năm kể từ khi lồng ngực Khodadoust được đóng lại. Lần cuối cùng nó được mở ra đã để lại một cảnh tượng kinh hoàng với đầy máu và mủ, động mạch chủ có một ổ nhiễm trùng màu xanh rêu. Nhưng lần này, các bác sĩ Iran hoàn toàn ngạc nhiên khi thấy bên trong đã hoàn toàn sạch sẽ. Họ chữa trị những tổn thương trong ngực Khodadoust và thay thế mảnh ghép động mạch mới cho ông.

Sợi dây mỏng manh đến vô tận một lần nữa đưa Khodadoust trở lại cuộc sống. Cẩn thận hơn, các bác sĩ đã lấy mô từ ngực Khodadoust để mang đi thử nghiệm với trực khuẩn mủ xanh. Bất ngờ tiếp đó, kết quả hoàn toàn âm tính.

"Bạn đang ở trong mắt bão và bạn không tìm thấy bất kể một con trực khuẩn mủ xanh nào. Vậy rõ ràng, có thứ gì đó đã giết sạch chúng", bác sĩ Narayan nói.

Giữa những ngày hè năm 2016, Khodadoust rời Iran và trở lại phòng khám của Narayan. Lúc này, ông không còn mang một cổng truyền nào nữa trong lồng ngực, cũng không phải sử dụng kháng sinh để tiếp tục điều trị. Nói một cách khác, Khodadoust đã hoàn toàn bình phục khỏi bệnh nhiễm trùng trong suốt 4 năm của mình.

"Tôi không thể tin được", Narayan thốt lên. "Ông ấy trông thật khỏe mạnh".

Con đường phía trước

Tiến sĩ Turner (ngoài cùng bên trái hàng sau cùng) và Benjamin Chan (thứ hai từ phải sang hàng sau cùng) và các đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm.
Tiến sĩ Turner (ngoài cùng bên trái hàng sau cùng) và Benjamin Chan (thứ hai từ phải sang hàng sau cùng) và các đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm.

Câu chuyện vô cùng xúc động, về quá trình chiến đấu thần kì của Khodadoust với nhiễm trùng vô phương cứu chữa, được Narayan trình bày giữa một hội nghị y tế cách đây vài tháng. Ông và các đồng nghiệp cũng xuất bản một nghiên cứu báo cáo về OMKO1 và riêng trường hợp của Khodadoust.

Narayan, Turner và Chan rất vui mừng vì Khodadoust đã sống và chiến đấu để vượt qua tất cả. Nhưng họ cũng chưa muốn đặt một hứa hẹn quá lớn với liệu pháp thể thực khuẩn, khi mới chỉ có một trường hợp thử nghiệm duy nhất.

"Chỉ vì chúng tôi đã phát hiện ra điều đó, không có nghĩa là chúng tôi sẽ cứu cả thế giới", Turner nói. "Tôi chưa thể bị thuyết phục 100%. Tôi muốn xem thêm nhiều dữ liệu".

Mặc dù vậy, xu hướng nghiên cứu thể thực khuẩn thực sự đã nhận được nhiều sự chú ý, đó là những dấu hiệu cho thấy trong tương lai, nó có thể trở thành một liệu pháp được sử dụng thường xuyên trong y học. Đầu năm 2016, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) công bố một loạt các tài trợ cho nghiên cứu liệu pháp thể thực khuẩn. Các nhà nghiên cứu tại chính NIH cũng sẽ thử nghiệm OMKO1 trên động vật.

Họ sẽ lên kế hoạch để dùng nó chống lại nhiễm trùng từ trực khuẩn mủ xanh trên chuột và kết quả sẽ được công bố chính thức vào năm sau. Nếu kết quả tiếp tục khả quan, một thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ sẽ được tiến hành trên người. OMKO1 có thể được sử dụng với bệnh nhân xơ nang, để xem trực khuẩn mủ xanh gây nhiễm trùng phổi có thể bị đánh bại.

Khodadoust là người đàn ông đã mạo hiểm đi trước tất cả các bước ấy, sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình cho y học. Đổi lấy điều đó là một tia hi vọng nhạt nhòa như ông đã miêu tả: Một sợi dây mỏng manh trong một không gian đen kịt, một đầu nối ông với đầu kia là đâu đó trong vô tận.

"Tôi đã không hối tiếc về quyết định ấy", Khodadoust nói. Ông biết ơn tất cả những bác sĩ như Narayan, những nhà nghiên cứu như Turner và cả những người trẻ như Chan đã không quản ngại khó khăn để tỉ mẩn đi săn lùng những thể thực khuẩn nhỏ bé trong hàng tỷ tỷ loài virus trên hành tinh này.

Ngày hôm nay, công việc của họ đã thực sự cứu sống Khodadoust. Nhưng ngày mai, nó có thể là cánh cửa hi vọng mới cho hàng triệu người khác nữa, những người đang bị đe dọa tính mạng bởi nhiễm trùng kháng kháng sinh sớm muộn sẽ không còn thuốc chữa.


Nguồn tin: genk.vn

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 2
  • Hôm nay: 5
  • Tháng hiện tại: 87307
  • Tổng lượt truy cập: 25637889