Dân tộc học số: Một không gian vô hạn cho dữ liệu dân tộc học

Đăng lúc: Chủ nhật - 14/01/2018 19:40 - Người đăng bài viết: admin
Dân tộc học số (còn gọi là Nhân học số) là một nhánh của ngành Dân tộc học - nhân học, mới được phát triển trong những năm gần đây. Khác với dân tộc học truyền thống – người nghiên cứu là nhà sản xuất tri thức duy nhất, người dân chỉ là người sử dụng thì dân tộc học số đã xoá đi ranh giới giữa người nghiên cứu và người dân trong việc sản xuất thông tin; đồng thời tạo ra một nguồn dữ liệu mở về dân tộc học vô cùng phong phú mà không nhà nghiên cứu nào có thể thực hiện được.

 


Một người phụ nữ Dao đứng cạnh bức ảnh giới thiệu kết quả nghiên cứu do một nhóm những người phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện trong dự án đồng nghiên cứu của viện ISEE. Nguồn ảnh: ISEE.

Người dân trở thành đồng tác giả nghiên cứu

Ít có ai ở tuổi 80 lại tham gia vào “đời sống số” bằng cách dùng facebook, đọc ebook thường xuyên như bà Miwa Roi, một người Kachin (tộc người thiểu số ở Myanmar) di cư từ Myanmar tới Singapore. Từ năm 2012, bà cũng thường xuyên ghi âm kể chuyện đời, chụp ảnh để con gái chia sẻ trên mạng xã hội về cuộc sống của bà. Và những chia sẻ đó đã được in thành sách, trở thành niềm cảm hứng kêu gọi những người Kachin khác tham gia vào một dự án dân tộc học số nhằm xây dựng và chia sẻ dữ liệu về cộng đồng người Kachin. Khác với những chủ thể văn hóa khác được/ bị nghiên cứu bởi các nhà dân tộc học đến từ những nền văn hóa khác, bà Miwa Roi và những người Kachin khác đang trở thành đồng tác giả trong nghiên cứu về người Kachin và đang mở ra một chương mới trong nghiên cứu về người Kachin và nghiên cứu dân tộc học nói chung.

Trong ngành dân tộc học, câu chuyện cuộc đời gần như là thứ duy nhất mà các nhà nghiên cứu tìm kiếm khi thiết kế các chương trình điền dã, từ đó, họ xây dựng các bài viết, báo cáo phân tích về nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống của cộng đồng tộc người. Toàn bộ quá trình thiết kế nghiên cứu và phân tích đó (dưới các khía cạnh lý thuyết, khung quy chiếu nào đó) là “độc quyền” của nhà nghiên cứu, hay nói cách khác, mặc dù người dân là người “kể chuyện” - đóng góp nguyên liệu để xây dựng các báo cáo về chính mình, nhưng lại hầu như không biết chính xác hình ảnh của mình trong các báo cáo dân tộc học.

Cho đến gần đây, dân tộc học số ra đời và về cơ bản đã xoá đi ranh giới giữa người nghiên cứu và người dân trong việc sản xuất thông tin. Nếu trước đây, người nghiên cứu là nhà sản xuất tri thức duy nhất – producer, người dân chỉ là người sử dụng – user, thì nay có một khái niệm mới mà các nhà dân tộc học đưa ra là produser (vừa sản xuất, vừa sử dụng thông tin), theo TS. Stan BH Tan - Tangbau, ĐH Quốc gia Singapore*, chủ nhiệm dự án dân tộc học số “Các câu chuyện cuộc đời như là một sự tăng quyền: Câu chuyện cuộc đời của người Kachin” (Số 24682009 do quỹ Japan Society for Promotion of Science KAKENHI tài trợ từ năm 2009). “Phương pháp này đã ‘trao quyền’ cho người dân kể chuyện về những trải nghiệm hoàn toàn có tính cá nhân một cách rất sâu sắc (bạn nên hiểu rằng, khi người dân đã lựa chọn để kể ra chuyện gì thì đó là những vấn đề của đời sống, họ đã bị ám ảnh bởi điều đó). Theo lý thuyết hậu hiện đại trong nghiên cứu KHXH, thì chính các câu chuyện đó tự nó nói lên vấn đề chứ không cần ai phải phân tích, bởi vì anh có thể giải thích theo quan điểm của anh, cái nhìn của anh chứ không phải của người trong cuộc”, PGS.TS Nguyễn Văn Chính, ĐH KHXH&NV Hà Nội, người không tham gia nghiên cứu trên đánh giá về phương pháp nghiên cứu mới mẻ này.

Dự án nghiên cứu dự án dân tộc học số đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á trên do TS Stan thực hiện là một minh họa rất rõ cho việc dân tộc học số đã thay đổi ngành học này như thế nào. Cụ thể, dự án này đã tạo ra một cơ sở dữ liệu dân tộc học số về người Kachin được phát triển bởi chính người Kachin, là một “cánh cổng” cho phép người Kachin xây dựng các tài liệu về đời sống của cộng đồng tộc người dưới dạng văn bản và siêu văn bản, sau đó chia sẻ trên các hệ thống mạng xã hội chính (SNS) và các nền tảng điện tử (eBooks) với Hashtag #kachinlifestories. Cho đến nay, có hàng nghìn người Kachin giống như bà Miwa Roi ở khắp Myanmar và khu vực Đông Nam Á đã tiếp cận và tham gia vào dự án này: ghi chép, quay video, chụp ảnh … kể chuyện về đời sống của mình.

Kết quả là, sau 7 năm thực hiện dự án, cho đến hiện nay, có khoảng 30.000 câu chuyện cuộc đời qua ảnh video, ghi âm và văn bản đã được chính người Kachin xây dựng, đăng tải và đây trở thành nguồn tư liệu phong phú nhất từ trước đến nay về văn hoá, lối sống của người Kachin. Và điều quan trọng hơn cả là những tri thức về tộc người Kachin được sản xuất ra là “trực tiếp”, không có lăng kính phân tích của nhà khoa học đằng sau những câu chuyện đó (còn sau đó, nhà nghiên cứu phân tích những câu chuyện đó như thế nào là… việc của nhà nghiên cứu, và phương pháp này cũng không phủ nhận việc nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục đến thực địa ở cùng người dân theo cách thức truyền thống).

Dữ liệu “mở” và “sống”

Toàn bộ nguồn tư liệu do cộng đồng người Kachin tạo ra này không thuộc sở hữu của duy nhất nhà nghiên cứu, mà thuộc sở hữu của cộng đồng tộc người tham gia dự án và của chính người Kachin ở bất kỳ nơi đâu - khi họ cũng muốn tìm hiểu về truyền thống dân tộc và thậm chí muốn đóng góp nguồn tư liệu của chính mình vào nguồn tài nguyên chung về truyền thống dân tộc Kachin. Điều quan trọng hơn cả, là dự án đã tạo ra một nguồn dữ liệu mở, được cập nhật liên tục bởi người Kachin. Bằng phương pháp tiếp cận mới này, dân tộc học số chính là dân tộc học sống - tiếp tục diễn ra, xoay quanh, vận động, cập nhật với sự biến đổi xã hội, biến động của người dân. Ví dụ, khi bà Miwa Roi chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình, từ những ngày thơ bé ở Myanmar, cho đến cuộc sống hiện tại hay hàng loạt các tri thức bản địa trong chăm sóc bà mẹ trẻ em của người Kachin, đã được rất nhiều người Kachin khác chia sẻ, thảo luận và tiếp tục đóng góp thêm thông tin.

Nhìn chung, phương pháp này đã hướng đến các khả năng to lớn khi chúng ta tích hợp các công cụ và phương pháp luận kĩ thuật số nhằm tạo ra các dự án cộng đồng có tính toàn diện, tăng tính tham gia và tăng quyền hơn. “Tôi còn nhớ mãi, một người Kachin đã nói với tôi rằng: ‘Khi anh giới thiệu về dự án này, thì dường như anh đã giao cho tôi một cái bút mới và tờ giấy trắng vô hạn, tức là mỗi người Kachin đã có một cái bút mới, cứ viết, cứ vẽ riêng câu chuyện của mình, cuối cùng hình thành bức tranh vô hạn về dân tộc Kachin” TS. Stan nói.

Vậy trong dân tộc học số, vai trò của nhà dân tộc học là gì? Về cơ bản, nhiệm vụ của nhà khoa học lúc này là phải giúp “khoa học hóa” cách người dân xây dựng dữ liệu. Cụ thể là hướng dẫn người dân cách lựa chọn chủ đề để xây dựng thành tư liệu dân tộc học, cách thức viết tư liệu, cách quay phim, chụp ảnh, sử dụng các thiết bị kỹ thuật số để đăng tải các tư liệu đó lên mạng xã hội, theo TS. Stan. “Những điều tưởng chừng đơn giản nhất lại khó khăn nhất, như chọn chủ đề nào để làm tư liệu? Đa phần người Kachin và nhiều tộc người khác đều nghĩ phải có lễ hội mới ghi chép lại hoặc quay phim để làm tư liệu về tộc người mình, nhưng trên thực tế, cuộc sống thường ngày là những điều vô cùng quan trọng. Ví dụ người ta nghĩ những chuyến di cư từ nơi này sang nơi khác của họ không quan trọng, nhưng đối với chúng tôi, đó lại là chìa khóa để hiểu được tính di động, ảnh hưởng, giao lưu văn hóa giữa người Kachin với những tộc người khác, vùng đất khác”, TS. Stan nói.

Tiềm năng ứng dụng ở Việt Nam

Dân tộc học số đã xuất hiện ở Việt Nam dưới những hình thức căn bản nhất, khởi đầu với một số dự án nghiên cứu sử dụng phương pháp Photovoice của UNESCO kết hợp với Bảo tàng dân tộc học và một số cơ quan nghiên cứu văn hóa khác ở Việt Nam từ năm 2007. Photovoice là phương pháp trao máy ảnh cho người dân, đồng thời trao quyền cho chính các chủ thể văn hóa, tạo cho họ cơ hội để kể những câu chuyện của mình và có tiếng nói của mình. Sản phẩm của những dự án này sẽ là hàng nghìn bức ảnh, thước phim do chính người dân thực hiện dưới sự hướng dẫn của các nhà nghiên cứu dân tộc học. Kết quả nghiên cứu không chỉ được thể hiện trong các báo cáo khoa học của các nhà khoa học, mà thường được tổ chức thành các triển lãm nhằm đưa thông tin kết quả nghiên cứu đến công chúng và quay trở lại phục vụ chính cộng đồng nơi đã sản xuất ra các tư liệu photovoice đó. Gần đây, Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường (ISEE), không chỉ áp dụng phương pháp photovoice mà còn áp dụng hình thức “đồng nghiên cứu” (co-researcher) để người dân cùng tham gia vào các nghiên cứu với tư cách là người tổ chức, thiết kế nghiên cứu về các chủ đề liên quan tới đời sống tộc người.

Đánh giá về tiềm năng áp dụng dân tộc học số cũng như khả năng sử dụng phương pháp này ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Chính cho biết: “Người Việt Nam thường không nhìn nhận ra vai trò của phương pháp này, nhưng phương pháp này mang lại là một thứ tiếng nói (voice) của chủ thể văn hóa, chứ không phải thông qua sự phân tích của một người khác, bằng cái đầu của người khác, từ một nền văn hóa khác. Khi áp dụng, phương pháp này sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong dân tộc học (chứ không phải chỉ là cách mạng trong tạo ra và lưu trữ một nguồn tư liệu khổng lồ về dân tộc học) về việc làm thay đổi hẳn khái niệm người sử dụng và người sản xuất tri thức dân tộc học. Và bản thân người dân - người viết ra thông tin đó cũng không viết ra cho nhà nghiên cứu đọc, mà viết ra để họ hiểu về chính văn hóa của họ, để nhằm hiểu về chính họ. Mặt khác, phương pháp này cũng tạo điều kiện cho những nghiên cứu ở những khu vực mà nhà khoa học không hoặc rất khó tiếp cận được. Như đối với vùng sâu vùng xa hoặc những nhóm người bị phân biệt đối xử, thì nhà khoa học vẫn có mối tương tác với người được nghiên cứu, để người được nghiên cứu nói lên câu chuyện của mình, vấn đề của mình. Đó là những thông tin không có biên giới, không ai có thể kiểm soát được, bằng bất kỳ ảnh hưởng vũ lực hoặc chính trị nào”.
  ---------
* Hiện nay, TS. Stan là Điều phối viên tại Hà Nội của ĐH RMIT Việt Nam.

Tác giả bài viết: Thu Quỳnh
Nguồn tin: Tia Sáng

Share/Save/Bookmark
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 6
  • Hôm nay: 3130
  • Tháng hiện tại: 85669
  • Tổng lượt truy cập: 25636251