|
|||||||
Dùng thuốc cũ trị Covid-19Đăng lúc: Thứ tư - 10/03/2021 06:59 - Người đăng bài viết: admin
Tái sử dụng những thuốc đã được phê duyệt, có sẵn, giá rẻ, giúp rút ngắn nỗ lực tìm kiếm phương pháp điều trị Covid-19.
Tái sử dụng thuốc để điều trị bệnh mới không phải hiếm gặp trong lịch sử y khoa. Cuối những năm 1950, Thalidomide từng được kê như thuốc giảm ốm nghén ở phụ nữ mang thai, song nhanh chóng bị thu hồi do gây dị tật thai nhi. Năm 1998, thalidomide trở lại thị trường dược, dùng điều trị bệnh phong. Năm 2006, thuốc được chấp thuận điều trị đa u tủy xương. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát cuối năm 2019, giới khoa học nhanh chóng bước vào cuộc đua tìm kiếm phương pháp điều trị "căn bệnh lạ". Các chuyên gia tìm cách phát triển phương pháp mới hoàn toàn, nhắm vào nCoV, trong đó có kháng thể đơn dòng. Song, cách làm này cần thời gian, đòi hỏi nhiều quy trình, gồm nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, xin cấp phép. Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu tìm cách tái sử dụng những thuốc hiện có tại các bệnh viện, nhà thuốc. "Lợi thế của việc tái sử dụng thuốc là loại thuốc đó đã được phê duyệt. Nếu phát hiện một tác dụng mới, bạn có thể yên tâm về độ an toàn. Nhiệm vụ còn lại là kết hợp đúng thuốc với bệnh", tiến sĩ David Fajgenbaum, nhà miễn dịch học tại Đại học Pennsylvania, nhận định. Ngoài ra, nhiều thuốc có sẵn thuốc gốc giá rẻ do đã hết hạn bản quyền. Ông cho biết tới nay, có hơn 2.000 sản phẩm đã được FDA chấp thuận, trong đó nhiều loại có thể tái sử dụng để điều trị bệnh lý. Fajgenbaum đã dành nhiều năm miệt mài nghiên cứu tái sử dụng thuốc cho những bệnh "không có cách điều trị cụ thể". Niềm đam mê bắt nguồn từ trải nghiệm của chính ông bên bờ cửa tử. Năm 2010, khi còn là sinh viên y, Fajgenbaum mắc bệnh castleman (tăng sản hạch bạch huyết) – một rối loạn tự miễn hiếm gặp gây tổn thương mô và các cơ quan. Căn bệnh từng 5 lần suýt cướp mạng Fajgenbaum trước khi ông tự tìm ra cách điều trị cho mình bằng việc tái sử dụng một thuốc điều chế trước đó 30 năm. Khi Covid-19 lây lan toàn cầu, Fajgenbaum biết mình phải làm gì. Ông lập nhóm tình nguyện xem xét một cách hệ thống và lưu trữ dữ liệu của "tất cả các loại thuốc từng kê cho bệnh nhân Covid-19". Nhóm thống kê có hơn 400 loại thuốc khác nhau được sử dụng trên hơn 270.000 người. Cách hiệu quả nhất để tìm ra loại thuốc phù hợp tái sử dụng là thử nghiệm trên người. Song đây là công việc khó khăn. Fajgenbaum giải thích xác định đúng thời gian cho bệnh nhân uống thuốc rất quan trọng. Thuốc dexamethasone - dòng steroid giá rẻ điều trị viêm khớp, các bệnh về da, mắt, hô hấp trong nhiều năm - cứu mạng hơn 30% bệnh nhân Covid-19 phải trợ thở, giúp bệnh nhân nhẹ không cần trợ thở. Song, nó có thể gây hại nếu kê cho bệnh nhân quá sớm. Xác định sai thời gian sẽ khiến kết quả nghiên cứu không thuyết phục hoặc mâu thuẫn. Các nghiên cứu sử dụng thuốc tocilizumab cho kết quả khác nhau về tác dụng điều trị Covid-19. Giới chuyên gia sau đó kết luận cần kê thuốc trong 24 giờ kể từ khi bệnh nhân được đưa vào khu hồi sức tích cực. "Chưa có loại thuốc duy nhất nào hiệu quả với tất cả các giai đoạn của Covid-19. Cần có nhiều thuốc khác nhau kê vào những thời điểm khác nhau", Fajgenbaum nhấn mạnh. Ông cho hay giúp bệnh nhân nguy kịch sống sót, giảm tốc độ bệnh chuyển nặng ở người mới nhiễm virus là một phần quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm thuốc tái sử dụng. Thuốc điều trị trầm cảm fluvoxamine hiện là "ứng viên" triển vọng giảm tỷ lệ nhập viện ở bệnh nhân Covid-19. Những thuốc khác được tái sử dụng tới nay gồm thuốc chữa viêm khớp dạng thấp baricitinib, thuốc trị gout colchicine, thuốc làm loãng máu heparin, thuốc dexamethasone. "Đây là những sản phẩm giá rẻ có sẵn. Đó là lý do chúng ta nên tiếp tục nghiên cứu điều trị Covid-19", tiến sĩ David Boulware, giáo sư y khoa tại Đại học Minnesota, phát biểu. Song ông cho biết cũng có những thách thức nhất định. Một số thử nghiệm, như với thuốc fluvoxamine, cần tuyển nhiều bệnh nhân mới nhiễm nCoV trong thời gian ngắn nhất. "Tới nay mới có 300 người tình nguyện tham gia, trong khi chúng tôi cần 1.000 bệnh nhân mới có kết quả thuyết phục", ông nói. Bên cạnh đó, nguồn tài trợ cho các thử nghiệm - chủ yếu đến từ các nguồn tư nhân và tổ chức từ thiện - còn hạn chế cũng cản trở nỗ lực thử nghiệm điều trị Covid-19.
Tác giả bài viết: Lê Hằng (Theo CNN)
Từ khóa:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
|
Thống kê truy cập Website
|
||||||
Ý kiến bạn đọc