Giải mật một hồ sơ phóng xạ hơn 40 năm trước

Đăng lúc: Thứ năm - 11/11/2021 10:54 - Người đăng bài viết: admin
Sau 1975, đồng đen được đồn đại như món hàng cực đắt ở nước ta. Không phải là đồng đen đúc tượng, vốn được lưu truyền từ lâu trong dân gian. Nhưng đồng đen này là gì, công thức thế nào, từ đâu ra, dùng vào mục đích gì…, tất cả đều rất tù mù. Chỉ nghe đồn thổi là một số đường dây nước ngoài có thể mua với giá đắt hơn vàng. Người ta săn lùng đồng đen. Có người tìm được còn cất giấu cẩn thận cạnh giường ngủ, chờ mối bán.

 

 


Giáo sư Phạm Duy Hiển. Ảnh Thanh Nhàn.

Lực lượng an ninh đã sớm vào cuộc. Năm 1978, ba sĩ quan an ninh đã đến phòng thí nghiệm Vật lý hạt nhân, Viện Vật lý, thận trọng mở chiếc hộp đựng mấy viên kim loại màu đen, to bằng ngón chân cái:


“Người ta bảo đây là đồng đen, nhờ các đồng chí kiểm định”.


Vật lạ rất nặng, tỷ trọng 19, suýt soát vonfram và vàng, nhưng rắn hơn vàng. Cũng không phải vonfram vì có phóng xạ có thể phát hiện bằng máy dò thông thường. Vậy chỉ có thể là urani. Nhưng urani gì, nghèo hay giàu, hay urani tự nhiên? Phải căn cứ trên hai đồng vị số 235 (235U) và 238 (238U) mới biết.

Urani trong tự nhiên chứa 0,7% 235U, 99,3% còn lại là 238U. Để chế tạo bom nguyên tử cần phải làm giàu nhiên liệu sao cho thành phần đồng vị 235 lên đến 90%. Bã thải của nhà máy làm giàu còn chứa một ít đồng vị 235U, nên gọi là urani nghèo.


Cần phải cưa dũa ra bột vụn mới đo được các đồng vị, nhưng “đồng đen” quá rắn, cưa dũa cứ tóe lửa. Khó nhọc lắm chúng tôi mới bóc ra được một ít bột vụn (sau khi cạo đi lớp phủ ô xit màu đen bên ngoài), đem đo đồng vị bằng phổ kế gamma với detecto bán dẫn Ge-Li được đặt trong buồng chì chống phông phóng xạ, một hệ thống thiết bị chuyên dụng phân tích đồng vị phóng xạ độc nhất thời bấy giờ ở nước ta. Phân tích đồng vị là việc nằm ngoài khả năng của các phương pháp hóa học cổ điển ở nước ta lúc bấy giờ.


Phổ gamma rất sạch, chỉ xuất hiện hai đồng vị urani số 235 và 238. Nhưng 235U chỉ có 0.22%. Đích thực là urani nghèo rồi! Hóa ra ‘đồng đen” mà người ta đồn đại chính là bã thải từ các nhà máy làm giàu urani để chế tạo bom nguyên tử. Đã thế, nó không thể đắt hơn vàng, vì urani nghèo đầy ắp trong kho nhiên liệu hạt nhân của Mỹ và Liên Xô.

Nhưng loại bã thải này cũng khá đặc biệt, và có thể có giá trị nhất định đối với các nước muốn chế tạo bom nguyên tử. Đem urani nghèo chiếu xạ trong lò phản ứng để thu hồi plutoni sẽ ưu việt hơn chiếu xạ urani tự nhiên. Một lượng lớn urani nghèo cũng đã được sử dụng làm thành phản xạ (tamper) trong các bom hạt nhân. Đây có thể là lý do khiến “đồng đen” được các đường dây nước ngoài mua với giá rất đắt, nếu chuyện đồn đại này là có thật.


Song tại sao urani nghèo lại có mặt trên đất Việt Nam? Lại không phải từ các kho quân cụ của Mỹ như Long Thành, mà được tìm thấy gần những nơi có máy bay rơi, theo lời kể của những chủ tang vật với các sĩ quan an ninh. Từ một số thông tin khoa học rất hiếm hoi thời bấy giờ, chúng tôi biết rằng nhờ có tỷ trọng rất lớn nên urani nghèo đã được Mỹ sử dụng làm đối trọng cho một số bộ phận trên máy bay. Trên thực tế, urani nghèo đã được sử dụng trên hơn 550 chiếc Boeing 747 sản xuất từ 1968 đến 1983. Mỗi chiếc đã sử dụng đến nửa tấn urani nghèo để làm đối trọng cho đuôi máy bay. Sau sự cố Boeing bị rơi năm 1981 gây ô nhiễm phóng xạ, urani nghèo không còn được phép dùng nữa, mà phải thay bằng vonfram.     


Tuy có phóng xạ yếu, nhưng nếu mảnh vụn hay bột urani nghèo xâm nhập vào cơ thể thì độc tố kim loại nặng và phóng xạ do tia alpha sẽ rất nguy hiểm. Độc tố kim loại urani có thể gây hoại tử gan. Do đó, tuy không phải là nhiên liệu hạt nhân, urani nghèo vẫn được xem là vật liệu hạt nhân có phóng xạ và phải được bảo quản theo các quy chế đặc biệt.


Sau khi báo cáo đầy đủ những phát hiện và nhận định trên đây lên Bộ Nội vụ, chúng tôi đề nghị Bộ tìm cách thu hồi toàn bộ và bảo quản urani nghèo theo quy chế phóng xạ và vật liệu hạt nhân, sớm chấm dứt nguy cơ người dân bị chiếu xạ khi cưa cắt để buôn bán. Ngày 9/1/1980, Chính phủ đã ra Chỉ thị Tuyệt mật Về việc tìm kiếm, phân tích và bảo quản một số kim loại URANI do Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp ký.        




Mặc dù có Chỉ thị của Chính phủ, các vụ “áp phe đồng đen” vẫn tiếp diễn cho đến hết thập kỷ 1990. Thậm chí có người còn kiện lên Chính phủ đòi cơ quan an ninh bồi thường thiệt hại sau khi tang vật bị tịch thu. Mãi đến 2003, với những cố gắng của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Bộ Nội vụ, urani nghèo mới được thu gom đưa về bảo quản trong khu lò phản ứng Đà Lạt. Mãi đến 2012, vẫn còn 10 kg urani nghèo đã được chuyển từ Quảng Bình đến Đà Lạt. Rất nhiều mẫu vật chỉ nặng vài trăm gam, chứng tỏ urani nghèo đã được cưa gọt và trao đổi trong dân chúng.


Tuy urani nghèo thu gom được khá nhiều, song chắc chắn chỉ là một phần nhỏ so với những gì đã từng nằm rải rác trên đất nước ta sau chiến tranh. Vậy toàn bộ urani nghèo là bao nhiêu, có phải tất cả đều liên quan đến máy bay rơi hay còn có nguồn gốc nào khác, vũ khí chẳng hạn? Bao nhiêu người bị nhiễm xạ, nhiễm độc? Những câu hỏi này chưa được nghiên cứu.


Và cũng vì hồ sơ phóng xạ này là tuyệt mật nên các kết quả nghiên cứu khoa học đầu tiên trên thế giới về ô nhiễm phóng xạ do urani nghèo được Mỹ sử dụng trong chiến tranh không được công bố.


Sau hơn 10 năm, trong cuộc chiến vùng Vịnh “Bão táp sa mạc”, hơn 780.000 đầu đạn urani nghèo đã được liên quân Mỹ - Anh sử dụng cho các trọng pháo chống tăng. Đạn urani khoét thủng vỏ thép xe tăng, để lại trên chiến trường rác và bụi khí phóng xạ. 

Tác giả bài viết: Phạm Duy Hiển
Nguồn tin: Tia Sáng

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

đồng đen

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 9
  • Hôm nay: 583
  • Tháng hiện tại: 75286
  • Tổng lượt truy cập: 25625868