Hành xử của một nhà khoa học

Đăng lúc: Thứ ba - 24/02/2015 16:18 - Người đăng bài viết: admin
Từ lâu, phần lớn công chúng chỉ biết đến GS. Nguyễn Văn Huyên là người giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục lâu nhất Việt Nam, nhưng những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (được khánh thành cuối năm 2014), cho thấy ông còn là một nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc, một nhân cách lớn.
 

GS.TS Nguyễn Văn Huyên thời trẻ.
Một nhà khoa học

Khi gia đình giáo sư Nguyễn Văn Huyên gửi hồ sơ của ông tới hội đồng xét duyệt giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một (1996), nhiều thành viên trong hội đồng cho rằng, ông là nhà chính trị chứ không phải là một nhà khoa học. Công chúng biết đến GS. Nguyễn Văn Huyên với vai trò Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục hơn là một nhà khoa học đặt nền móng cho nghiên cứu về văn hóa, văn minh ở Việt Nam. Thời gian 10 năm nghiên cứu của GS. Nguyễn Văn Huyên (1936-1945) bị che phủ bởi 29 năm ông giữ vai trò của một người Bộ trưởng. Hơn nữa, đa số các nghiên cứu của ông đều viết bằng tiếng Pháp và đến năm 1996 mới được dịch đầy đủ sang tiếng Việt.

Trưởng thành vào những năm 1920 khi công cuộc thực dân hóa của Pháp đã hoàn thành, những nền tảng văn hóa truyền thống bắt đầu lung lay trước sự xâm thực của văn minh phương Tây, không lạ khi GS. Nguyễn Văn Huyên lựa chọn hướng nghiên cứu về lịch sử văn hóa dân tộc. Ông từng viết trong bản tự thuật: “Lấy đó là chỗ ẩn thân […] và giành một cương vị khoa học cho nước nhà”. Năm 1934, ông tốt nghiệp Tiến sĩ văn khoa loại xuất sắc tại Đại học Sorbonne, Paris với luận án chính: “Hát đối đáp của thanh niên nam nữ Việt Nam” và luận án phụ “Nhập môn nghiên cứu về nhà sàn Đông Nam Á”. Paul Valéry, nhà thơ cuối cùng đại diện cho chủ nghĩa biểu tượng của Pháp và một trong những người có ảnh hưởng lớn đến văn hóa thế giới trong thế kỉ 20, khi nhận được bản in luận án chính của ông đã viết thư trả lời: “Nhờ những gì anh viết về các nhà thơ Việt Nam, tôi lấy làm vui lòng được đọc những gì mà tôi tin là đúng đối với mọi thơ ca, nhưng ở đất nước chúng tôi lại rất ít biết đến hoặc hiểu thấu.”

Những công trình nghiên cứu sau đó của GS. Nguyễn Văn Huyên chủ yếu ra đời trong thời kỳ ông làm việc tại Viện Viễn đông Bác cổ (là một viện hàn lâm của Pháp chuyên nghiên cứu về xã hội châu Á, được thành lập từ đầu thế kỷ 20 có trụ sở tại Paris và có hơn 10 trung tâm tại khắp các thành phố lớn ở châu Á, trong đó có Hà Nội). Ông là người Việt Nam duy nhất trở thành một trong năm thành viên khoa học thường trực của viện khoa học này cho đến năm 1945. George Coedès, giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ (một trong những nhà sử học và khảo cổ học nổi tiếng vào thế kỷ 20 chuyên nghiên cứu về lịch sử, xã hội Đông Nam Á) cho rằng “ông Nguyễn Văn Huyên có ưu thế vô song là nắm được các sự kiện xã hội Việt Nam bằng kinh nghiệm bản thân và bẩm sinh, có khả năng tiếp cận trực tiếp với chất liệu xã hội học và có thể đi sâu tiến hành những khảo sát mà những nhà nghiên cứu châu Âu không thể nào thực hiện nổi”. Khi làm việc tại viện Viễn đông Bác cổ, GS. Nguyễn Văn Huyên đi sâu vào nghiên cứu “Lịch sử văn minh Việt Nam” và công trình này được hoàn thành vào năm 1939. Cùng với tác phẩm “Việt Nam văn hóa sử cương” (xuất bản năm 1938) của học giả Đào Duy Anh, nó đã trở thành nền tảng nghiên cứu về văn hóa, văn minh Việt Nam và cho đến những năm 1950, 1960, tác phẩm này vẫn là “đầu mối” quan trọng để các học giả trên thế giới tìm hiểu về văn hóa nước ta.
 


Bài viết về Tết Thanh minh đăng trên tạp chí Indochine của GS. Nguyễn Văn Huyên.




Bài viết về Tết Trung Thu đăng trên tạp chí Indochine của GS. Nguyễn Văn Huyên.


Các tư liệu được GS. Nguyễn Văn Huyên vẽ lại để phục vụ cho nghiên cứu về Văn minh Việt Nam



Các bùa được sử dụng trong lễ giải hạn của dân tộc vùng cao được GS. Nguyễn Văn Huyên sưu tập.


Một trí thức

 

Trong 10 năm nghiên cứu, ông cho xuất bản 46 công trình nghiên cứu khoa học; trong đó, các hiện tượng văn hóa được ông soi chiếu và phân tích kết hợp dưới nhiều góc độ về dân tộc học, địa lý học, sử học và xã hội học, khác với những nhà dân tộc học bây giờ, chỉ thiên về mô tả thuần túy những gì quan sát được. Những kỷ vật và bút tích ông để lại phản ánh một thái độ nghiên cứu khoa học nghiêm túc và cẩn trọng: trong nghiên cứu về lễ giải hạn của các dân tộc vùng cao, ông ký họa lại toàn bộ các đạo cụ được sử dụng trong việc hành lễ, mỗi lá bùa được ông kẹp với một trang giấy, tự mình chú giải rõ ràng về nội dung và nguồn gốc của từng hiện vật; trong nghiên cứu về Đạo giáo, với mỗi bức tranh về chủ đề này, ông đều chụp và vẽ lại sơ đồ mô tả vị trí, ghi rõ họ tên của từng vị thần trong bức tranh và giải thích họ đóng vai trò gì trong quan niệm của người dân. Con trai ông, PGS. Nguyễn Văn Huy, thành thật coi việc sưu tầm ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam của mình so với quá trình thu thập tư liệu nghiên cứu của cha chỉ là công việc “hời hợt”. Với lý do sợ xâm phạm quyền tác giả1, sau hai kì, GS. Nguyễn Văn Huyên đã từ chối tiếp tục đăng tải nghiên cứu “Lược khảo về khoa thi Hội Quý Sửu, Duy Tân thứ 7” (những khoa thi thời Duy Tân bị dư luận phê phán không còn là kỳ thi Nho học đơn thuần nữa mà đã thêm kỳ thi tiếng Pháp và luận quốc ngữ) trên tạp chí Thanh Nghị (một tạp chí phản biện xã hội của giới trí thức thời kỳ 1939-1945). Ông tự nhận mình đã “nông nổi quên hẳn mất vấn đề cá nhân quan hệ với pháp luật và luân lý. Khoa Quý Sửu tôi đương khảo cứu cách đây chưa được 30 năm…” Từ khi học ở Pháp, khi nghiên cứu, ông đã sử dụng phương pháp “điền dã” (tức là đến tận nơi khảo sát, quan sát và trò chuyện với người dân), về nước, ông cũng đi tới các tỉnh lẻ, sẵn sàng sống cuộc sống của người nông dân và dân tộc thiểu số để tìm hiểu về văn hóa và cách sinh hoạt của họ. Tác phẩm “Sưu tập các bài hát đám cưới của người Tày” của ông được tổng hợp từ những cuộc điền dã được xuất bản bằng tiếng Nôm Tày, phiên âm tiếng Tày bản dịch tiếng Việt và tiếng Pháp. Đến nay, chưa có một nhà khảo cứu về dân tộc học nào có thể làm tỉ mỉ như vậy.

Với hầu hết các nghiên cứu được viết bằng tiếng Pháp, GS. Nguyễn Văn Huyên đã khiến thế giới chú ý tới văn hóa Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo một giáo sư nổi tiếng ở Đại học Canberra (Úc), GS. Nguyễn Văn Huyên là người đã đưa khái niệm South East Asia (Đông Nam Á) trở thành một thuật ngữ khoa học trên thế giới. Điều đáng nói là trong thời kì 10 năm nghiên cứu khoa học, ông cũng đấu tranh đòi quyền tự do học thuật: tác phẩm Văn minh Việt Nam của ông được hoàn thành vào năm 1939 nhưng phải đấu tranh với Nha học chính Đông Dương để có thể xuất bản vào năm 1944 do trong nghiên cứu này có nhiều mô tả về sự nghèo khổ của nông dân Việt Nam cũng như chính sách cai trị kém cỏi của chính quyền. Ông còn yêu cầu để các học sinh, sinh viên được học Hán Văn cổ khi nhận ra sự hẫng hụt về văn hóa của một thế hệ trẻ do không đọc được các di cảo cha ông để lại. Cùng đồng nghiệp Trần Văn Giáp, ông tự tay thảo đề xuất gửi lên Nha học chính Đông Dương và toàn quyền Pháp một chương trình cụ thể cần học, trong đó, ông yêu cầu đưa vào chương trình phổ thông một danh sách các tác phẩm kinh điển về sử và văn học Việt Nam như: Khâm định lịch sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Việt Điện U linh, Lĩnh Nam chích quái, Truyền kỳ mạn lục, Ức Trai thi tập… và sau một năm đấu tranh (1941-1942) thì đề xuất của ông được chấp thuận.

Đúng người, đúng chỗ

Trước khi từ Pháp về Việt Nam, ông từng tâm sự với luật sư Nguyễn Mạnh Tường rằng: “…sẽ không ra làm quan, chỉ dạy học và nghiên cứu khoa học”. Chức danh Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam với ông có vẻ như một sự tình cờ nhưng trong những năm đầu xây dựng nền Đại học Việt Nam, ông đã thu hút được những giáo sư “là những vị có nhiệm vụ tối cao dẫn đạo cho các bạn thanh niên, trí thức tân tiến”.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, các trường đại học đều chuyển lên Việt Bắc. Cũng giống như Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, những giáo sư hỗ trợ Bộ Giáo dục từ những ngày đầu tiên như GS. Lê Văn Thiêm, GS. Đặng Văn Ngữ, GS. Trần Đức Thảo… là những nhà khoa học vô tư, sẵn sàng hi sinh cuộc sống sung túc hiện tại để vào vùng kháng chiến và trước đó, họ không hề bận tâm việc phải từ bỏ địa vị và môi trường làm việc đầy hứa hẹn ở châu Âu và Nhật Bản để trở về nước. Như GS. Lê Văn Thiêm, là tiến sĩ Toán đầu tiên của Việt Nam, tốt nghiệp Đại học Munich, ông từ bỏ việc nghiên cứu tại Đức, theo đường bay từ Paris tới Bangkok, Thái Lan rồi đi bộ từ Campuchia về miền Đông Nam Bộ. Có lẽ, GS. Nguyễn Văn Huyên chỉ cần gửi công hàm tới Phó Thủ tướng điều động GS. Lê Văn Thiêm ra Bắc giúp Bộ Quốc gia Giáo dục là ông sẽ vui vẻ nhận lời và tình nguyện lên đường. Nhưng GS. Nguyễn Văn Huyên còn đề nghị Bộ Tài chính ấn định số tiền phụ cấp cho ông. Khi ra tới Việt Bắc, GS.Lê Văn Thiêm còn lưu lại khá lâu trong các gia đình của GS. Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di và Tôn Thất Tùng.

Cũng giống như GS. Lê Văn Thiêm, GS. Đặng Văn Ngữ cũng từ bỏ công việc nghiên cứu tại Nhật Bản trở về nước vào năm 1949, “chẳng có một tổ chức nào giới thiệu, móc nối. Ông làm việc đó như một lẽ tự nhiên, chỉ vì một động cơ duy nhất: Lòng yêu nước” – con trai ông, đạo diễn Đặng Nhật Minh viết. Đầu năm 1950, GS. Nguyễn Văn Huyên cũng gửi công điện cho Phó Thủ tướng yêu cầu để GS. Đặng Văn Ngữ tới Việt Bắc để dạy và lập phòng thí nghiệm tại Đại học Y khoa. Tuy nhiên, không chỉ yêu cầu Bộ Tài chính hỗ trợ hào phóng để ông có thể lên đường ngay mà sau đó còn giúp đỡ người ở phòng thí nghiệm cả việc vận chuyển sách vở và dụng cụ làm việc của GS. Đặng Văn Ngữ từ Hà Tĩnh ra Bắc. Khi GS. Đặng Văn Ngữ không thể đón vợ lên Việt Bắc, GS. Nguyễn Văn Huyên cũng báo cho bà: “Rồi chính phủ sẽ tổ chức đưa ra, không cần lo về sinh hoạt và tài chính sẽ có giải pháp. Cứ tin tưởng ở Chính phủ và các bạn ở Liên khu 4”. Gia đình bác sĩ Đặng Văn Ngữ cũng từng sống cùng gia đình GS. Nguyễn Văn Huyên ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang.

Bản thân là một nhà khoa học trong sáng, tiếp xúc với nhiều nhà khoa học tân tiến cùng thời như Trần Huy Giáp, Trần Đức Thảo, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng…; từng phiêu du châu Âu với những trí thức Tây học nổi tiếng thời đó như Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Hãn nên ông hiểu, đồng cảm và trân trọng những trí thức tinh hoa cùng thời. Không chỉ quan tâm đến điều kiện sống của gia đình họ mà điều quan trọng là ông hiểu được, nên ứng cử ai vào vị trí nào thích hợp nhất.

Như khi còn nằm trong tổ chức Văn hóa Cứu quốc, GS. Nguyễn Văn Huyên đã can thiệp vào việc sắp xếp vị trí trong Chính phủ Lâm thời của Đảng ủy Việt Minh. Lúc đầu, học giả Nguyễn Văn Tố (nghiên cứu viên tại Viện Viễn đông Bác cổ) được phân công làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục và ông Vũ Đình Hòe (khi đó là chủ bút của tờ Thanh Nghị) làm Bộ trưởng Cứu tế xã hội (chịu trách nhiệm đảm bảo y tế, lương thực, lao động). Nhưng khi bổ nhiệm chính thức, lại có sự hoán vị giữa hai người này.

GS. Ngụy Như Kon Tum khi biết chuyện này chẳng thấy ngạc nhiên: “Dễ hiểu quá còn gì nữa, anh Huyên biết rõ hơn ai hết khả năng, “vốn liếng” của cả hai ông bạn. ‘The right man in the right place’.” 

Hảo Linh

-----------

1 Luật của pháp và nhiều nước quy định quyền tác giả kéo dài 50 năm sau khi tác giả chết.


Nguồn tin: Tia Sáng

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 9
  • Hôm nay: 1998
  • Tháng hiện tại: 76701
  • Tổng lượt truy cập: 25627283