|
|||||||
Khi DNA cổ đại bị chính trị hóaĐăng lúc: Thứ tư - 11/09/2019 16:50 - Người đăng bài viết: admin
Những năm gần đây, các nhà khảo cổ học đã chứng kiến một số phát hiện DNA thời cổ đại bị hiểu sai, hoặc cố tình bị đưa thông tin sai lệch để phục vụ mục đích chính trị hoặc gây ra những tranh luận về chủng tộc và sắc tộc.
Hài cốt được tìm thấy tại khu nghĩa trang Philistines ở Ashkelon, Israel. Ảnh: Melissa Aja. Đầu tháng 7/2019, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, hoặc ai đó trong Chính phủ chịu tránh nhiệm quản lý tài khoản Twitter của ông, đã đăng tải thông tin trên mạng xã hội này về một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances. Nghiên cứu đã phân tích DNA từ hài cốt của 10 người được chôn tại Ashkelon, một thành phố ven biển ở Israel, có niên đại giữa thời kỳ đồ đồng và đồ sắt. Kết quả cho thấy đặc điểm di truyền của bốn trong số các cá thể trùng khớp với những thay đổi trong hồ sơ khảo cổ học liên quan đến sự xuất hiện của người Philitines tại Israel hơn 3.000 năm trước đây. Cụ thể, đặc điểm di truyền nói trên có sự tương đồng với những người cổ đại sống ở khu vực là Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha ngày nay. Nhóm nghiên cứu kết luận, phát hiện mới ủng hộ ý kiến cho rằng người Philitines – một nhóm người nổi tiếng được ghi chép trong Kinh Thánh Hebrew là kẻ thù của người Do Thái – ban đầu di cư đến Levant [khu vực rộng lớn ở phía Đông Địa Trung Hải] từ một nơi nào đó ở miền Nam châu Âu, nhưng nhanh chóng trộn lẫn với cư dân địa phương. Bình luận về nghiên cứu này, Thủ tướng Benjamin Netanyahu viết rằng: “Không có mối liên hệ nào giữa người Philitines cổ đại và người Palestine hiện đại – những người mà tổ tiên có nguồn gốc từ Bán đảo Ả Rập đã đến Vùng đất Israel hàng nghìn năm sau. Mối liên hệ giữa người Palestine với Vùng đất Israel không là gì so với mối liên hệ 4.000 năm của người Do Thái đối với vùng đất này”. Chỉ với vài dòng đăng trên Twitter, mười bộ xương cổ đại đã trở thành những con tốt về địa chính trị. Logic ở trên đối với những người đã đọc nghiên cứu khá khó hiểu. Bởi vì nghiên cứu mới không nói gì về lịch sử di truyền của người Do Thái và người Palestine, hoặc sự kết nối của những cư dân hiện đại này với Israel. “Thật khó để đổ lỗi cho các tác giả, bởi vì cách diễn giải của Thủ tướng Benjamin Netanyahu không nhất quán, đột nhiên rời xa chủ đề của nghiên cứu nhằm mục đích chế giễu người Palestine”, Michael Press, một học giả chuyên thu thập các bằng chứng khảo cổ ở Israel và các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine, nhận định. Trên thực tế, một số nghiên cứu trước đây đã chứng minh người Do Thái và người Palestine có liên quan chặt chẽ về mặt di truyền. Tom Booth, nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm gene cổ đại của Viện Francis Crick (Anh), tỏ ra không đồng tình với những điều Thủ tướng Israel đã viết. Nhưng Booth cho biết, giả sử ở trong một hoàn cảnh khác, khi mà lý lẽ của ngài Thủ tướng nghe có vẻ khoa học, ông ấy có thể sử dụng những nghiên cứu tương tự để hỗ trợ cho những tuyên bố liên quan đến chủ quyền của người Palestine. “Bạn chỉ cần lên án bất kỳ nỗ lực nào sử dụng một nghiên cứu trong quá khứ theo cách này”, Booth nói. Vụ việc này đã làm lộ ra những căng thẳng gần đây trong lĩnh vực khảo cổ học, kể từ khi các nghiên cứu DNA cổ đại bắt đầu thu hút sự chú ý của công chúng khoảng một thập kỷ trước. Những tiến bộ công nghệ đã giúp giới khoa học tách chiết và phân tích DNA từ xương, răng,…của các bộ hài cốt thời cổ đại, và họ đã đưa ra nhiều kết luận không thể kiểm chứng một cách chắc chắn. Ví dụ: người hiện đại và người Neanderthal từng hoà huyết với nhau; các quần thể người cổ đại ở châu Phi di cư và bị lai giống nhiều hơn so với suy nghĩ trước đây; tổ tiên của những người đầu tiên đặt chân đến Bắc Mỹ có thể đã phải tạm dừng 10.000 năm trên tuyến đường di cư của họ ở vùng đất hiện nay bị nhấn chìm dưới biển giữa Siberia và Alaska…“Chúng ta có khả năng hiểu nhầm những gì đang xảy ra trong hồ sơ khảo cổ học”, Booth nói. Trong vài năm gần đây, các nhà khảo cổ học và các nhà di truyền học đã chứng kiến những phát hiện DNA cổ xưa bị hiểu sai, đôi khi là kết quả của sự đơn giản hóa hoặc để phục vụ những tranh luận ác ý về chủng tộc và sắc tộc. Đầu năm 2019, Booth và các đồng nghiệp công bố một nghiên cứu cho thấy những người nông dân đầu tiên của Anh có tổ tiên đến từ vùng Aegean, nằm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ngày nay. Một số tờ báo lá cải đã cải biến câu chuyện này thành nội dung có vẻ gần gũi hơn với người đọc: “Hậu duệ của người di cư Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng Bãi đá cổ Stonehenge ở Anh”. Một nghiên cứu khác công bố trên tạp chí Nature năm 2017 cho thấy sự tương đồng giữa DNA của người Hy Lạp hiện đại và những người cổ đại được chôn cất tại các khu định cư của người Mycenaean và Minoan. Họ kết luận rằng người Hy Lạp hiện đại thực sự là hậu duệ của người Mycenaean giống những gì được ghi chép trong các câu truyện thần thoại. Một số người Hy Lạp theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tuyên bố rằng “tính liên tục về chủng tộc của người Hy Lạp trong thời gian 4.000 năm đã được chứng minh.” Susanne Hakenbeck, nhà khảo cổ học tại Đại học Cambridge (Anh), tin rằng các nhà di truyền học [dù vô tình hay hữu ý] đã góp phần tạo ra những cuộc tranh luận về chủng tộc bằng cách khơi dậy ý tưởng cũ về các cuộc xâm lược và truyền bá văn hóa mà nhiều nhà khảo cổ học đưa ra trong thập niên 1960. Khi đề cập đến tiến trình lịch sử của con người, các nhà khảo cổ học có thâm niên có xu hướng nghĩ về các nền văn hóa khác nhau như những thực thể bị ràng buộc rõ ràng. Nếu họ nhận thấy sự thay đổi xảy ra trong các loại đồ gốm hoặc đồ tạo tác khác tại một địa điểm khảo cổ, họ thường nghĩ rằng đó là bằng chứng của một cuộc xâm lược. Ngược lại, các thế hệ nhà khảo cổ học trẻ hơn có xu hướng hướng ủng hộ cách giải thích liên quan đến phát minh, sáng chế của người dân tại địa phương và sự truyền bá các ý tưởng sang khu vực lân cận. Điều đáng lo ngại là một số nhà nghiên cứu di truyền học có thể bóp méo dữ liệu khảo cổ nhằm đưa ra các kết luận phục vụ mục đích chính trị. “Những người xấu có thể dựa vào những quan điểm này để truyền bá các tư tưởng sai lệch và chủ nghĩa dân tộc cực đoan”, Booth cho biết. Để hạn chế rủi ro, các nhà nghiên cứu di truyền cần phải cẩn thận hơn về ngôn từ mà họ sử dụng khi viết về các khám phá mới, đặc biệt là những nội dung nói về chủng tộc và văn hóa. Hoặc ít nhất họ cũng phải chủ động đối phó với những lời lẽ xuyên tạc về công trình nghiên cứu của mình. Các nhà khảo cổ và các nhà di truyền học cần hợp tác với nhau để đưa ra những diễn giải và trình bày tốt hơn về những kết quả liên quan đến DNA cổ đại. Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/kham-pha/khi-dna-co-dai-bi-chinh-tri-hoa/20190905104245158p1c879.htm Nguồn tin: Tia Sáng
Từ khóa:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
|
Thống kê truy cập Website
|
||||||
Ý kiến bạn đọc