Linus Pauling - người nhận giải Nobel trước khi nhận…bằng tốt nghiệp phổ thông

Đăng lúc: Thứ năm - 13/02/2020 08:31 - Người đăng bài viết: admin
Linus Carl Pauling được trao tặng hai giải thưởng Nobel: giải thưởng Nobel về hóa học năm 1954 và giải Nobel Hòa bình năm 1962. Ông rời trường trung học năm 1917, nhưng chỉ nhận được bằng tốt nghiệp phổ thông vào năm 1962, sau khi đã nhận giải Nobel. Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Pauling, chúng ta xem lại câu chuyện lịch sử rất khác lạ này.

Người duy nhất nhận được trọn vẹn hai giải Nobel
Linus Carl Pauling là người duy nhất cho đến hiện tại trong lịch sử được trao tặng trọn vẹn hai giải thưởng Nobel: giải thưởng Nobel về hóa học năm 1954 và giải Nobel Hòa bình năm 1962. Ông thuộc danh sách "20 nhà khoa học vĩ đại nhất của mọi thời đại." Ông đã xuất bản hơn 1200 bài báo và 11 quyển sách. Ông là một trong những người sáng lập Hoá học lượng tử hiện đại, là cha đẻ của Sinh học phân tử. Ông nhận được 47 bằng tiến sĩ danh dự và khoảng 50 giải thưởng và huy chương danh giá bao gồm tất cả những giải thưởng quan trọng cho một nhà hóa học.
Ông được công chúng biết đến nhiều nhất về việc bổ xung sử dụng vitamin C cho phòng chống bệnh hay điều trị bệnh.
Năm 1954 Pauling được trao tặng trọn giải Nobel hóa học về  „Nghiên cứu bản chất của liên kết hoá học và áp dụng nó vào việc xác định cấu trúc các phức chất” (a). Sau khi giành giải thưởng Nobel hóa học, Pauling tập trung vào hoạt động nhân đạo vì hòa bình. Chiến dịch kéo dài sáu năm không ngừng của Pauling chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân đã mang lại kết quả: một hiệp ước đã được ký kết bởi ba cường quốc hạt nhân lúc đó là Mỹ, Anh và Liên xô về việc cấm thử nghiệm hạn chế vũ khí hạt nhân. Ông được trao tặng giải Nobel hòa bình năm 1962 (b) Ông là một trong hai nhà khoa học được nhận giả Nobel Hòa bình (c).

Giải Nobel năm 1962
Một điểm lạ thường là trong khi các giải Nobel thường niên khác được trao tặng trong năm 1962, thì Ủy Ban xét chọn giải Nobel hòa bình lại không trao giải Nobel hòa bình năm 1962 cho ai cả, và cũng chẳng đưa ra bất kỳ lời giải thích nào. Chỉ đến tháng 10 năm 1963, Ủy ban này quyết định trao giải Nobel hòa bình bảo lưu của năm 1962 cho Pauling.
Có một điều khá lý thú về năm 1962 là giải Nobel Y học năm 1962 được trao cho James Watson, Francis Crick và Maurice Wilkins về phát hiện cấu trúc xoắn kép của DNA (d). Và chính mô hình DNA sai lầm của Pauling lại trở thành chất xúc tác để James Watson và Francis Crick đưa ra cấu trúc đúng của DNA.
Cuối năm 1952, dựa trên tính toán lý thuyết, Pauling đã đề xuất một mô hình DNA bao gồm 3 chuỗi xoắn ốc đan xen. Mo hình này đã đăng trong bài báo được xuất bản trong Kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (Proceedings of the National Academy of Sciences, USA) cũng như trong một thông báo ngắn trên tạp chí Tự Nhiên (Nature) vào tháng 2 năm 1953 (e). Đây là một thất bại của Linus Pauling. Với mô hình xoắn ba chuỗi, các chuỗi phốt phát không bị iôn hóa tạo thành lõi xoắn ốc với các nhóm cơ sở sẽ hướng ra ngoài, hoàn toàn phi thực tế. Pauling đã gửi bản thảo bài báo của mình cho con trai là Peter Pauling khi đó là sinh viên tại Cambrige. James Watson đã đọc bài báo và nhận thấy ngay là mô hình của Pauling là sai. Watson hồi tưởng lại „Tối hôm đó, khoảng sáu giờ, chúng tôi đã ra quán Đại bàng (ỏe Cam brie) uống ít nhiều để mừng sự thất bại của Linus (Pauling). Chúng tôi cũng nghĩ rằng mô hình đề xuất có thể không đúng. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể từ chối nó ngay lập tức như thế. Vì vậy, chúng tôi một mặt hài lòng, mặt khác hơi sợ hãi khi nghĩ đến cảnh tệ hại là khi có ai đó ở Caltech đọc bản thảo rồi nói với Linus là mô hình đó rất vô lý về mặt hóa học. Cũng chẳng biết được là liệu có ai ở Caltech có can đảm để nói với Linus điều đó không. Linus giống như Giáo hoàng. Không dễ gì làm việc đó. Linus không quen với chuyện mọi người nói rằng ông đã sai”. Trong quyển sách của mình về phát hiện cấu trúc DNA, Watson viết: „Tôi không thể xác định được đâu là sai lầm của Pauling, cho đến khi tôi nhìn vào hình minh họa. Tôi nhận ra rằng các nhóm phốt phát trong mô hình Linus không bị ion hóa, mỗi nhóm chứa một nguyên tử hydro liên kết và do đó không có điện tích ròng. Theo một nghĩa nào đó, axit nucleic của Pauling không phải là một axit. Hơn nữa, các nhóm phốt phát không tích điện như thế không phải là ngẫu nhiên. Các hydrogens là một phần của các liên kết hydro giữ ba chuỗi đan xen vào nhau. Không có các nguyên tử hydro, các chuỗi này sẽ ngay lập tức rời ra và cấu trúc DNA sẽ biến mất”.

Mô hình DNA với cấu trúc xoắn kép của James Watson và Crick, là mô hình đúng được trao tặng giải Nobel Y học năm 1962 (trái) và mô hình DNA với cấu trúc ba chuỗi xoán kép của Pauling, là mô hình sai (phải).

Tại sao Pauling có thể phạm sai lầm như vậy? Có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau, nhưng về cơ bản thì chỉ có hai lý do: vội vàng và kiêu ngạo. Pauling đã không để tâm thực sự vào nghiên cứu DNA mãi cho đến tháng 11 năm 1952. Sau đó ông cũng chỉ dành một tháng vào vấn đề này. Thêm vào đó, Pauling muốn trở thành người đầu tiên giành giải thưởng về cấu trúc DNA, đánh bại các đối thủ người Anh. Ông đã quá tự tin và tự hào về khả năng của mình.
Tháng 4 năm 1953, Watson và Crick đã đưa ra được mô hình mô tả chính xác về cấu trúc xoắn kép phức tạp của phân tử DNA (f).

Nhận giải Nobel trước khi nhận bằng tốt nghiệp phổ thông
Pauling theo học ở trường trung học Washington (Washington High School) ở Portland, bang Oregon. Nhưng do ông không hoàn thành hai môn học bắt buộc về lịch sử Mỹ, nên trường đã không trao bằng tốt nghiệp cho ông vào tháng 6 năm 1917. Tuy nhiên, ông vẫn đạt đủ tín chỉ để được nhận vào trường đại học. Tháng 9 năm 1917 ông nhập học tại trường Nông nghiệp bang Oregon (Oregon Agricultural College), nay là trường Đại học quốc gia Oregon (Oregon State University). Ông đạt bằng kỹ sư hóa năm 1922. Ông đạt bằng tiến sĩ tại Viện kỹ thuật California (California Institute of Technology (Caltech)) năm 1925.
Tháng 6 năm 1962, 45 năm sau khi rời trường trung học và sau khi đã đạt giải Nobel hóa học, ông mới được trao bằng tốt nghiệp phổ thông. Thực ra đây chỉ là một việc thừa, không cần thiết. Nhưng Pauling đã rất vui khi nhận được tấm bằng danh dự này. Ông đánh giá rất cao những kết quả giáo dục ở trường, nhiều đóng góp của các giáo viên trong trường, đặc biệt các thầy cô đã dạy những khóa học khoa học đầu tiên cho ông. Ý tưởng trao bằng tốt nghiệp trung học danh dự cho Pauling tại trường trung học Washington được khởi xướng bởi Jerry Ross, một nhà báo của tờ báo Washington. Ross đã tham dự một cuộc họp báo do Pauling tổ chức vào ngày 4 tháng 5 năm 1962 tại Portland State College, trong đó Pauling nói về thời thơ ấu của mình và đã đề cập rằng ông là một cựu học sinh tại trường trung học nhưng không tốt nghiệp. Ross đã liên lạc với Harold A. York, hiệu trưởng trường Washington thời đó và hối thúc York viết thư cho Pauling về vấn đề này. Trong lá thư gửi Pauling, York đã viết: “Chúng tôi đã tiến hành tất cả các bước để sửa hành động đáng xấu hổ này. Trường trung học Washington rất tự hào rằng ông là một trong số những cựu học sinh lừng lẫy nhất của trường”. Cùng với thư, York gửi kèm bằng tốt nghiệp danh dự, một bản sao của bài báo của Pauling khi vẫn còn ở trường, một bản sao bảng điểm của Pauling ở trường trung học.


Pauling và bằng tốt nghiệp phổ thông danh dự ông nhận được vào tháng 6 năm 1962
từ trường trung học Washington ở Portand, Bang Oregon, sau 45 năm rời trường trung học và sau khi đã có bằng tiến sĩ cũng như được trao giải Nobel.  


York cũng mời Pauling đến dự lễ tốt nghiệp tổ chức vào ngày 13 tháng 6 năm 1962. Nhưng Pauling đã có lịch hẹn từ trước nên không tham dự được. Ngày 22 tháng 2 năm 1966, Pauling đã đến tham dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường trung học Washington.
Sau khi Pauling nhận bằng tốt nghiệp phổ thông, tờ báo “Người Washington” (The Washingtonian) đã đăng bài báo với tiêu đề “Tiến sĩ Pauling đã tốt nghiệp phổ thông!” Tờ báo Thời đại New York (The New York Times) cũng đăng tin ”Pauling cuối cùng cũng đã nhận được bằng tốt nghiệp trung học!” Tờ báo tại Connecticut đăng trong bài với tiêu đề “Bằng tốt nghiệp muộn mằn” ngày 2 tháng 7 1962 là “Tiến sĩ Pauling đã thực hiện được điều đó một cách rất khó khăn, nhưng rồi ông cũng đã nhận được bằng tốt nghiệp của mình”.

Tài liệu tham kháo và chú dẫn:
Trang DNA learning center, cold spring Harbor Laboratory: https://dnalc.cshl.edu/
Trang Oregon State University:
http://scarc.library.oregonstate.edu/coll/pauling/awards/1954h2.1.html
Trang Linus Pualing institute: https://lpi.oregonstate.edu/about/linus-pauling-biography
Trang: https://paulingblog.wordpress.com/2012/06/20/an-honorary-diploma-from-washington-high-school/

(a) Giải Nobel hóa học năm 1954 trao cho Pauling “for his research into the nature of the chemical bond and its application to the elucidation of the structure of complex substances”.
(b) Giải Nobel hòa bình năm 1962 trao tặng Pauling cho các hoạt động chống lại sự thử nghiệm và phổ biến vũ khí hạt nhân.
(c) Andrei Dmitrievich Sakharov, nhà Vật Lý, viện sĩ Hàn Lâm Liên xô, là nhà khoa học thứ hai được trao giải Nobel hòa bình năm 1975 về thành tựu đấu tranh vì quyền con người.
(d) Giải Nobel Y học năm 1962 trao tặng James Watson, Francis Crick và Maurice Wilkins cho „những khám phá liên quan đến cấu trúc phân tử của axit nucleic (DNA) và tầm quan trọng của DNA đối với việc truyền thông tin di truyềntrong vật sống” ("for their discoveries concerning the molecular structure of nucleic acids and its significance for information transfer in living material").
(e) Mô hình sai DNA-mô hình ba chuỗi xoắn đăng trong: Linus Pauling and Robert B. Corey, A Proposed Structure For The Nucleic Acids, Proceedings of the National Academy of Sciences of USA (PNAS) số 39 (2)  (xuất bản 1 tháng 2 1953) trang 84-97 (nộp ngày 31 tháng 12 năm 1952). Linus Pauling and Robert B. Corey, Structure of the Nucleic Acids, Nature 171 (đăng ngày 21 tháng 2 năm 1953) trang 346.
(f) Mô hình đúng DNA-mô hình chuỗi xoắn kép: J.D. Waston, F.H.C. Crick, Molecular Structure of Nucleic Acids: A Structure for Deoxyribose Nucleic Acid, Nature số 171 (xuất bản ngày 25 tháng 4 năm 1953) trang 737–738.
DNA (từ viết tắt thuật ngữ tiếng Anh Deoxyribose nucleic acid) là phân tửmang thông tin di truyền mã hóa. ADN được tạo thành từ các phân tử nucleotide. Mỗi nucleotide chứa 1 nhóm phosphate, 1 nhóm đường và 1 cơ sở (base) nitơ. Các nucleotide liên kết 2 mạch ADN lại với nhau theo hình xoắn ốc tạo thành cấu trúc gọi là chuỗi xoắn kép. Nếu tưởng tượng cấu trúc xoắn kép như một cái thang với phần bên từ nhóm phosphate và các phân tử đường, thì các cơ sở là các bậc thang.
Xem trang: http://www.lequydon.org/vi/news/Khoa-hoc/Bi-mat-cua-cuoc-song-cau-truc-xoan-kep-DNA-4470/

 

Tác giả bài viết: Nhữ-Tarnawska Hoa Kim Ngân

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 10
  • Hôm nay: 429
  • Tháng hiện tại: 78745
  • Tổng lượt truy cập: 25629327