|
|||||||
Lý do bệnh nhân Covid-19 hồi phục xét nghiệm dương tínhĐăng lúc: Thứ bảy - 02/05/2020 16:15 - Người đăng bài viết: admin
Các chuyên gia cho rằng một số bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại do những đoạn xác virus lưu lại trong tế bào chết.
Hơn 260 bệnh nhân ở Hàn Quốc dương tính với nCoV sau khi hồi phục, làm dấy lên lo ngại virus có thể "tái kích hoạt" hoặc lây nhiễm nhiều lần ở một người. Nhưng các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho rằng cả hai khả năng này rất khó xảy ra. Phương pháp phổ biến dùng để phát hiện nCoV là phản ứng chuỗi polymerase (PCR), không thể phân biệt giữa vật liệu di truyền (ARN hoặc ADN) từ virus lây nhiễm và những đoạn xác virus có thể lưu lại trong cơ thể một thời gian dài sau khi người bệnh hồi phục, tiến sĩ Oh Myoung-don, bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, chia sẻ trong buổi họp báo hôm 30/4. Xét nghiệm PCR rất đơn giản, theo Carol Shoshkes Reiss, giáo sư Sinh vật học và Khoa học thần kinh ở Đại học New York. "Dù một người có thể hồi phục và không còn lây nhiễm, họ vẫn có thể mang những đoạn ARN của virus bất hoạt dẫn tới kết quả xét nghiệm dương tính", Reiss giải thích. Đó là vì khi nCoV bị kiểm soát, có những tế bào chết do virus cần được dọn dẹp. Bên trong số tế bào đó có các đoạn của hạt virus đã mất khả năng lây nhiễm. Để xác định một người có mang virus lây nhiễm hoặc tái nhiễm virus hay không, chúng ta cần một loại xét nghiệm hoàn toàn khác ít khi được thực hiện. Thay vì xét nghiệm virus, kỹ thuật viên sẽ phải nuôi cấy nó trong phòng thí nghiệm, hoặc đặt virus vào đĩa cạn ở điều kiện lý tưởng để xem nó có thể nhân lên hay không. Bệnh nhân tái dương tính ở Hàn Quốc gần như không có khả năng lây lan virus, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch của nước này. Báo cáo về bệnh nhân hai lần dương tính không chỉ giới hạn ở Hàn Quốc mà còn xuất hiện ở nhiều nước khác, bao gồm Trung Quốc và Nhật Bản. Nhưng nhìn chung, cộng đồng khoa học đều thống nhất những người đã hồi phục không tái nhiễm virus mà chỉ bị dương tính giả. Ngoài ra, quá trình tạo ra hạt nCoV mới chỉ xảy ra ở bộ máy tế bào vật chủ và không xâm nhập vào nhân tế bào, theo Myoung-don. Một số virus như HIV và đậu mùa có thể tự hợp nhất vào hệ gene của vật chủ bằng cách tiến vào nhân tế bào, nơi chúng có thể tồn tại tiềm ẩn trong nhiều năm và sau đó tái kích hoạt. Nhưng nCoV không phải loại virus như vậy. Nó ở bên ngoài nhân tế bào của vật chủ, nhanh chóng thoát ra sau quá trình nhân lên và xâm nhập tế bào tiếp theo. Điều này có nghĩa nCoV không lây nhiễm mạn tính hay tái diễn. Nó có rất ít khả năng tái kích hoạt trong cơ thể. Nhưng giới nghiên cứu không thể loại trừ khả năng ai đó có thể tái nhiễm virus trong tương lai. Hiện nay, nCoV đang trải qua những thay đổi di truyền rất nhỏ để có thể lẩn trốn hệ miễn dịch của những người đã hồi phục. Thay đổi di truyền chỉ được xem là đủ lớn khi kháng thể nCoV ở người từng nhiễm không còn hiệu quả với biến thể mới.
Tác giả bài viết: An Khang (Theo Live Science)
Từ khóa:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
|
Thống kê truy cập Website
|
||||||
Ý kiến bạn đọc