Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia phải có tính mở

Đăng lúc: Thứ tư - 01/06/2016 16:38 - Người đăng bài viết: admin

PGS. TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc 
Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia 
Lọc hóa dầu.
Có nhiều yếu tố đem lại thành công của Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia Lọc hóa dầu (Viện Hóa học công nghiệp - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), trong đó quan trọng nhất là thực hiện tốt việc nghiên cứu khoa học, làm ra những sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh theo đặt hàng của doanh nghiệp và thiết lập một mạng lưới giữa các nhà khoa học trong và ngoài phòng thí nghiệm. Đó là quan điểm của PGS. TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm.

Theo chị, để đánh giá một phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia cần căn cứ trên những tiêu chí nào?

Để trở thành một phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia hoạt động hiệu quả, theo tôi phòng thí nghiệm đó cần phải đạt những tiêu chí chặt chẽ, tập trung ở bốn điểm cơ bản: 1. Tạo ra những công trình nghiên cứu mang tính mới, đạt trình độ khu vực và quốc tế, được công bố trên các tạp chí ISI hoặc tương đương; 2. Tạo ra những sáng chế, công nghệ có thể triển khai được trong thực tiễn và được các cơ quan chức năng trong nước hoặc quốc tế công nhận và cấp bản quyền; 3. Xây dựng và tập hợp được một đội ngũ, lực lượng các nhà nghiên cứu khoa học đảm bảo cho sự phát triển của phòng thí nghiệm. 4. Đó là phòng thí nghiệm mở. 

 

Mỗi năm chúng tôi thường công bố khoảng 4 đến 5 bài ISI; đăng ký khoảng 10 sở hữu công nghiệp trong và ngoài nước và được cấp khoảng 3 đến 4 chứng nhận; đào tạo khoảng 8 nghiên cứu sinh; đưa vào áp dụng thực tiễn nhiều kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, mang lại hiệu quả cao.
Với Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về Công nghệ lọc hóa dầu, các nhiệm vụ công bố ISI, đăng ký sáng chế và triển khai ứng dụng công nghệ được thực hiện song song, tùy theo tính chất của từng nhiệm vụ KH&CN cụ thể. Để thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra, ngay từ khi đi vào hoạt động, năm 2008, chúng tôi đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ tạo ra đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn cao, có khả năng phát huy các thế mạnh về trang thiết bị để thực hiện thành công các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ.

Chị có thể nói cụ thể hơn về tiêu chí phòng thí nghiệm mở.

Sự khác biệt giữa phòng thí nghiệm thường với phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, theo tôi phòng thí nghiệm đó có thực sự là phòng thí nghiệm mở hay không. Nếu nhà nước thiết lập hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm và tập trung nguồn lực đầu tư thì mục tiêu của nó phải là tạo ra đột phá để đem lại sự phát triển cho một lĩnh vực nghiên cứu hay thậm chí là một ngành. Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia không thể “đóng cửa” chỉ để phục vụ nội bộ mà cần phải được mở cửa cho những nhà khoa học khác ngoài biên chế đơn vị cũng như của cả các doanh nghiệp có nhu cầu đến khai thác các thiết bị của phòng thí nghiệm, phục vụ cho đề tài nghiên cứu của mình. Vì vậy, đây chính là nét đặc thù của một phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.

Vậy tính mở của Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia Lọc hóa dầu là gì?

Tính mở của phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia cũng tùy thuộc vào tính chất của từng ngành, từng lĩnh vực. Với phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia Lọc hóa dầu (PTNTĐLHD), chúng tôi đã ít nhiều đạt được tiêu chí này với cơ chế hợp tác rất cởi mở và rộng rãi với các cơ quan nghiên cứu khác trong chuyên ngành của mình, ví dụ như Viện Hóa học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Khoa Hóa Đại học KHTN (ĐHQGHN), Viện Kỹ thuật Hoá học và Viện Cơ khí động lực - ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng, ĐH Mỏ Địa chất… Cán bộ nghiên cứu của các đơn vị này khi cần sử dụng thiết bị mà bản thân phòng thí nghiệm họ thường sử dụng không có đã chủ động đến đặt vấn đề hợp tác với chúng tôi. Hai bên sẽ cùng thống nhất phương thức làm việc phù hợp bởi có những đề tài hai bên cùng xây dựng nội dung nghiên cứu, có thể thực hiện hoàn toàn hoặc một phần ở phòng thí nghiệm này. 

Việc thực hiện quy chế mở này đem lại nhiều thuận lợi cho chính PTNTĐLHD, đơn cử là qua những hoạt động nghiên cứu chung như vậy, chúng tôi đã tập hợp được một đội ngũ cán bộ nghiên cứu không thường xuyên và hình thành một mạng lưới nghiên cứu, tạo ra được nhiều cơ hội thực hiện những đề tài nghiên cứu mang tính liên ngành và liên vùng.

Ngoài ra, hoạt động hợp tác quốc tế của PTNTĐLHD rất đa dạng, luôn mang lại hiệu quả cao và liên tục phát triển.

Thời gian gần đây, người ta nói nhiều đến sự lãng phí trong việc mua sắm trang thiết bị hiện đại và đắt tiền cho phòng thí nghiệm do thiếu người đủ khả năng vận hành hoặc khi có máy móc lại không có được nhiệm vụ nghiên cứu phù hợp. Vậy PTNTĐLHD đã giải quyết vấn đề này như thế nào?

Trong quá trình lập dự án và thực hiện dự án đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm, chúng tôi đã được mời tham gia ngay từ đầu, ý kiến mà chúng tôi đề xuất về việc nên mua máy móc gì, trang thiết bị nào là cần thiết trong lĩnh vực lọc hóa dầu đều được cơ quan chủ trì lắng nghe, tôn trọng và coi là yếu tố quan trọng trong quá trình đấu thầu, mua sắm, chứ không phải chỉ để tham khảo. Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc, ngoài những thứ được trang bị ban đầu, việc mua sắm máy móc còn được tiến hành theo nhu cầu và tiến độ công việc, nhiệm vụ nghiên cứu của phòng thí nghiệm. Song song với công việc này, chúng tôi tiến hành đào tạo nhân lực trên cơ sở tính toán hệ thống máy móc đi kèm, coi đó là một trong những phương thức hiệu quả để duy trì sự đồng bộ giữa máy móc và đội ngũ cán bộ. Vì vậy, khi máy được nhập về phòng thí nghiệm là đội ngũ cán bộ của chúng tôi có thể sẵn sàng tiếp quản. Về lâu dài, để đảm bảo việc khai thác hiệu quả máy móc, chúng tôi tìm kiếm đơn đặt hàng của nhà nước cũng như của doanh nghiệp và thực hiện các đơn đặt hàng đó trên trang thiết bị mà phòng thí nghiệm quản lý. 

Trên thực tế, việc đào tạo đội ngũ cán bộ của phòng thí nghiệm đủ về số lượng và năng lực khai thác máy móc thiết bị một cách hiệu quả là thách thức lớn với PTNTĐLHD bởi nó liên quan đến vấn đề lương bổng, khen thưởng, chế độ đãi ngộ… Nếu không lường trước được vấn đề như vậy thì bất cứ phòng thí nghiệm nào cũng đứng trước nguy cơ “vỡ trận” khi thu không đủ bù chi, nhất là trong trường hợp áp dụng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm như PTNTĐLHD. 

Chị đã có giải pháp chủ yếu nào để không bị “vỡ trận”?

Bên cạnh những đơn đặt hàng của các cơ quan quản lý, chúng tôi phải tự tìm nguồn thu thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai xuất phát từ những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, do doanh nghiệp đặt hàng. Một câu hỏi đặt ra: làm thế nào có được đơn đặt hàng của doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp vẫn còn chưa hẳn tin tưởng vào kết quả nghiên cứu của nhà khoa học trong nước? Đến nay, chúng tôi chỉ có một cách giải quyết là làm ra công nghệ hoàn chỉnh, một cách nhanh nhất, kịp thời ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn sản xuất. Muốn có được điều này, khi tiến hành nghiên cứu một đề tài, dù kéo dài 5 hay 7 năm và trải qua nhiều công đoạn, tầng nấc từ cấp cơ sở đến quốc gia thì chúng tôi vẫn phải xác định rõ mục đích nghiên cứu và địa chỉ của kết quả nghiên cứu, tránh trường hợp nghiên cứu nửa vời, làm ra rồi cất ngăn kéo. Một trong những ví dụ thành công là chúng tôi đã hợp tác với công ty Cổ phần Hóa chất Phúc Lâm (Lào Cai), giúp họ hoàn thiện công nghệ, tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu đã giúp công ty tiết kiệm được từ 50 đến 100 tỷ đồng chi phí sản xuất mỗi năm.  

PTNTĐLHD trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, vậy trong quá trình vận hành, chắc hẳn PTN sẽ nhận được sự đầu tư và hỗ trợ lớn từ cơ quan chủ quản?

Trên thực tế thì không hẳn như vậy. Tuy trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhưng PTNTĐLHD chỉ nhận được sự hỗ trợ của cơ quan chủ quản thông qua việc giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ phục vụ sự phát triển của tập đoàn. Do không phải là nơi ra quyết định thành lập phòng thí nghiệm nên Tập đoàn không phải chịu trách nhiệm hỗ trợ về đầu tư. Trong khi đó, theo quy định về cơ chế tài chính ở các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, những phòng thí nghiệm thuộc các tập đoàn kinh tế sẽ không được nhận hỗ trợ về đầu tư trang thiết bị từ ngân sách nhà nước. PTNTĐLHD thuộc nhóm đối tượng này và do đó, không được phép nhận kinh phí của nhà nước đầu tư cho công tác duy tu, bảo dưỡng hoặc mua sắm trang thiết bị mới như với các phòng thí nghiệm trọng điểm thuộc các viện, trường. 

Vậy là để tạm giải quyết vấn đề, trong những năm qua, PTNTĐLHD phải tự “giật gấu vá vai”, nếu thiết bị hỏng thì trích chi phí từ tiền thực hiện đề tài liên quan, từ hợp đồng dịch vụ. Tuy nhiên về lâu dài, chúng tôi không thể tự cáng đáng được việc mua thiết bị mới hoặc đầu tư nâng cấp phòng thí nghiệm do kinh phí quá lớn. Một trong những nguyên nhân khiến PTNTĐLHD gặp khó về cơ chế là do trong quá trình xây dựng thông tư liên tịch về cơ chế tài chính cho phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia giữa Bộ KH&CN và Bộ Tài chính, các nhà quản lý vẫn chưa lường hết được những vấn đề thực tiễn nảy sinh. Việc thay đổi thông tư là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những đơn vị trực thuộc tập đoàn kinh tế như PTNTĐLHD.

Với tình hình hiện tại, nếu PTNTĐLHD có trông chờ vào một điều gì khác thì cũng chỉ mong có một cơ chế phù hợp, khuyến khích được sự phát triển và tạo cơ hội thuận lợi cho các hoạt động của phòng thí nghiệm.

Cám ơn chị. 

Thanh Nhàn (thực hiện)

 

 


Nguồn tin: Tia Sáng

Share/Save/Bookmark
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 9
  • Hôm nay: 176
  • Tháng hiện tại: 85922
  • Tổng lượt truy cập: 25636504