Tuyên bố San Francisco về đánh giá nghiên cứu

Đăng lúc: Thứ hai - 13/10/2014 16:01 - Người đăng bài viết: admin
Sau khi giới thiệu quan điểm của một số nhà khoa học về những cách thức mới không lệ thuộc vào hệ số ảnh hưởng (IF) để đánh giá công trình khoa học, xuất phát từ lời kêu gọi của Tuyên bố San Francisco về Đánh giá Nghiên cứu (DORA) ra đời cuối năm 2012, Tia Sáng xin giới thiệu nội dung chính của văn bản nổi tiếng này.
Một nhóm các biên tập viên, các nhà xuất bản tạp chí khoa học đã gặp gỡ trong khuôn khổ phiên họp thường niên của Hội Sinh học tế bào Mỹ (ASCB) tại San Francisco, California, ngày 16-12-2012, để thảo luận về một vấn đề cấp bách là cải thiện phương thức đánh giá của các cơ quan tài trợ, các tổ chức khoa học, và các bên liên quan khác, đối với các công trình nghiên cứu khoa học. 

Nhóm đã đưa ra một loạt các đề xuất về cách đánh giá nghiên cứu mang tên Tuyên bố San Francisco.

Những sản phẩm đầu ra từ các nghiên cứu khoa học là rất phong phú và đa dạng, bao gồm: những công bố về những kiến thức khoa học mới, các dữ liệu, hóa chất, phần mềm; các tài sản sở hữu trí tuệ; những nhà khoa học trẻ được đào tạo chuyên sâu. Trong khi đó, các tổ chức tài trợ, các viện nghiên cứu, và bản thân các nhà khoa học, tất cả đều có chung mong muốn và nhu cầu đánh giá chất lượng và ảnh hưởng của các công trình khoa học. Do đó các công trình khoa học cần được đánh giá một cách chính xác và sáng suốt.
Hệ số ảnh hưởng của tạp chí (The Journal Impact Factor), tính theo kiểu của Thomson Reuters, vẫn thường được sử dụng như tham số chính để so sánh chất lượng công bố khoa học của các cá nhân và các viện nghiên cứu, vốn được tạo ra như một công cụ để giúp đỡ các thư viện xác định được những tạp chí cần mua, chứ không phải là sự đánh giá chất lượng khoa học trong nghiên cứu của một bài báo. Với ý nghĩa đó, cần phải hiểu rằng, trong vai trò là công cụ đánh giá chất lượng công trình nghiên cứu, hệ số ảnh hưởng của tạp chí có những khiếm khuyết: A). Những trích dẫn trong các tạp chí thường được phân bổ một cách khá thiên lệch; B). Các tính chất của hệ số ảnh hưởng của tạp chí thường mang đặc thù lĩnh vực: đó là tập hợp của nhiều loại bài báo khác nhau, bao gồm trước tiên là các bài nghiên cứu và cả những bài tổng quan; C). Các hệ số ảnh hưởng của tạp chí có thể bị thao túng (hoặc “bị lèo lái”) bởi ý đồ biên tập của tạp chí; và D). Dữ liệu được sử dụng để tính toán hệ số ảnh hưởng của tạp chí không minh bạch và cũng không công bố rộng rãi trước công luận.

Một số đề xuất 

Các sản phẩm khác ngoài các bài báo khoa học, sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn khi đánh giá hiệu quả nghiên cứu trong tương lai, nhưng những bài báo đã qua hệ thống bình duyệt (peer-reviewed) vẫn sẽ giữ vai trò chính trong đánh giá các công trình nghiên cứu. Vì vậy, những đề xuất của chúng tôi tập trung vào các hoạt động liên quan đến những tạp chí có hệ thống bình duyệt, nhưng có thể và nên được mở rộng bằng cách xét đến những sản phẩm nghiên cứu quan trọng khác, như hệ thống các cơ sở dữ liệu. 

Những đề xuất này là dành cho các tổ chức tài trợ, các viện nghiên cứu hàn lâm, các tạp chí khoa học, các tổ chức cung cấp số liệu đánh giá, và cả cá nhân các nhà nghiên cứu, bao gồm:

- Sự cần thiết loại bỏ việc sử dụng các chỉ số dựa trên tạp chí, như hệ số ảnh hưởng của tạp chí, trong việc tài trợ, bổ nhiệm hay các đề bạt;

- Sự cần thiết của việc đánh giá nghiên cứu dựa trên bản thân giá trị của các công trình khoa học, thay vì trên uy tín tạp chí đăng tải nghiên cứu đó; và

- Sự cần thiết của việc tận dụng cơ hội từ các tạp chí xuất bản online (như loại bỏ sự giới hạn không cần thiết đối với số lượng chữ, số liệu, tài liệu tham khảo, và khám phá những chỉ số mới phản ánh ý nghĩa và ảnh hưởng của công trình nghiên cứu).

Những điều chỉnh trong phương thức đánh giá nghiên cứu


Hệ số ảnh hưởng của tạp chí (The Journal Impact Factor), tính theo kiểu của Thomson Reuters, vẫn thường được sử dụng như tham số chính để so sánh chất lượng công bố khoa học của các cá nhân và các viện nghiên cứu, vốn được tạo ra như một công cụ để giúp đỡ các thư viện xác định được những tạp chí cần mua, chứ không phải là sự đánh giá chất lượng khoa học trong nghiên cứu của một bài báo.
Chúng tôi nhận thấy nhiều tổ chức tài trợ, viện nghiên cứu, nhà xuất bản và các nhà nghiên cứu đã và đang khuyến khích các phương thức tiếp cận tinh tế hơn và nhiều ý nghĩa hơn trong đánh giá nghiên cứu mà ngày nay ta có thể dựa vào đó để tiếp tục phát triển. 

1. Những người ký Tuyên bố San Francisco về đánh giá nghiên cứu kiến nghị không sử dụng các chỉ số dựa trên tạp chí, ví dụ như hệ số ảnh hưởng của tạp chí, như một chỉ số tiêu chuẩn phản ánh chất lượng của từng bài báo nghiên cứu, để đánh giá đóng góp của cá nhân các nhà nghiên cứu, hoặc trong những quyết định tuyển dụng, đề bạt hoặc xét tài trợ.

Với các tổ chức tài trợ

2. Hãy minh bạch về tiêu chuẩn được sử dụng trong đánh giá hiệu suất khoa học của những ứng viên xin tài trợ và nêu rõ, đặc biệt đối với những người mới bắt đầu nghiên cứu, rằng nội dung khoa học của một bài báo quan trọng hơn nhiều những chỉ số hoặc danh tính của tạp chí xuất bản nó.

3. Để đánh giá nghiên cứu, bên cạnh các công bố khoa học, cần xem xét đến giá trị và ảnh hưởng của tất cả các sản phẩm nghiên cứu (bao gồm cả hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm), cũng như cần xem xét nhiều loại ảnh hưởng khác nhau, như các chỉ tiêu định tính, ảnh hưởng tới chính sách và thực tiễn.

Với các viện nghiên cứu

4. Hãy minh bạch về tiêu chuẩn được sử dụng trong đánh giá hiệu suất khoa học của những ứng viên xin tài trợ và luôn nêu rõ, đặc biệt là trong những giai đoạn điều tra ban đầu, rằng nội dung khoa học của một bài báo là điều quan trọng hơn nhiều so với những chỉ số hoặc danh tính của tạp chí xuất bản nó.

3. Vì những mục đích của đánh giá nghiên cứu, hãy xem xét đến giá trị và tác động của tất cả các sản phẩm nghiên cứu (bao gồm cả hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm) bên cạnh các công bố nghiên cứu, và hãy xem xét một phạm vi rộng các ảnh hưởng khác nhau, bao gồm cả những chỉ tiêu định tính, như tác động tới chính sách và các hoạt động thực tiễn.

Với giới xuất bản

6. Hãy giảm thiểu sự chú trọng vào hệ số ảnh hưởng tạp chí như là một công cụ quảng bá, tốt nhất là bằng cách ngừng quảng bá chỉ số ảnh hưởng hoặc bằng việc giới thiệu bổ sung những chỉ số khác  (ví dụ như, chỉ số ảnh hưởng trong năm năm, chỉ số EigenFactor, chỉ số SCImago, chỉ số h, thời gian biên tập và xuất bản, v.v) để có căn cứ đầy đủ hơn khi đánh giá chất lượng các tạp chí.

7. Hãy xây dựng những thước đo dựa trên các bài báo để khuyến khích sự thay đổi theo hướng đánh giá dựa trên nội dung khoa học của một bài báo thay vì dựa trên các thước đo liên quan tới xuất bản của tạp chí công bố bài báo đó.

8. Khuyến khích thực thi tinh thần trách nhiệm của tác giả và cung cấp thông tin về những đóng góp cụ thể của mỗi tác giả trong công trình nghiên cứu.

9. Cho dù là với một tạp chí truy cập tự do hay tạp chí đặt mua, hãy loại bỏ những hạn chế trong việc sử dụng lại danh sách tài liệu tham khảo trong các bài báo nghiên cứu và phát hành chúng theo khuôn khổ giấy phép Cống hiến cho Phạm vi Công cộng (Creative Commons Public Domain Dedication). 

10. Loại bỏ hoặc giảm thiểu những giới hạn về số lượng tài liệu tham khảo trong các bài báo nghiên cứu, và, bất kỳ lúc nào có thể, yêu cầu trích dẫn công trình khoa học gốc thay vì trích dẫn tài liệu tổng thuật, qua đó ghi nhận công lao cho nhóm (các nhóm) tác giả thực sự của các công bố khoa học. 

Với các tổ chức cung cấp số liệu

11. Hãy công khai và minh bạch thông qua việc cung cấp dữ liệu và các phương pháp dùng để tính toán tất cả các số liệu.

12. Cung cấp dữ liệu dưới dạng cho phép tái sử dụng không hạn chế và cung cấp khả năng truy cập tính toán dữ liệu, nếu có thể.

13. Nêu rõ rằng việc thao túng một cách không phù hợp với số liệu sẽ không được chấp nhận; hãy nêu rõ như thế nào là thao túng một cách không phù hợp và những biện pháp sẽ được thực hiện để phản bác lại điều này.

14. Xem xét đến sự đa dạng của các loại bài báo (ví dụ, những bài so với các bài báo nghiên cứu), và của các những lĩnh vực chuyên môn khác nhau khi sử dụng, tổng hợp, hoặc so sánh các chỉ số đánh giá. 

Đối với các nhà nghiên cứu 

15. Khi tham gia vào các ủy ban đưa ra các quyết sách về tài trợ, tuyển dụng, bổ nhiệm, hoặc đề bạt, cần có những đánh giá dựa trên nội dung khoa học hơn là những số liệu xuất bản. 

16. Bất cứ lúc nào có thể, hãy trích dẫn công bố gốc thay vì trích dẫn các bài tổng quan, qua đó ghi nhận công lao của những người là tác giả thực sự của công trình nghiên cứu. 

17. Hãy sử dụng nhiều loại chỉ số đánh giá dựa trên bài báo và những khẳng định, ủng hộ cá nhân, như là bằng chứng về ảnh hưởng của từng công bố và những sản phẩm nghiên cứu khác. 

18. Hãy phản đối việc đánh giá nghiên cứu dựa trên những hệ số ảnh hưởng của tạp chí một cách không phù hợp, thúc đẩy và giảng dạy những phương pháp hữu hiệu nhất tập trung vào giá trị và ảnh hưởng của từng sản phẩm nghiên cứu cụ thể. 

Đọc thêm:

Hãy ủng hộ sự công khai
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=7991

Giải phóng khỏi nỗi ám ảnh hệ số ảnh hưởng
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&ctl=EditArticle&mid=525&News=7991&CategoryID=36&Insert=1


Thanh Nhàn dịch

(Nguồn: http://www.ascb.org/dora)

----------------------------

Tài liệu tham khảo:

Adler, R., Ewing, J., and Taylor, P. (2008) Các trích dẫn thống kê. Một báo cáo từ Hiệp hội toán học quốc tế (International Mathematical Union) www.mathunion.org/publications/report/citationstatistics0

Seglen, P.O. (1997) Tại sao hệ số ảnh hưởng của các tạp chí không nên được sử dụng để đánh giá nghiên cứu. BMJ 314, 498–502.

Bài xã luận (2005) Tác động không quá sâu sắc. Nature 435, 1003–1004.

Vanclay, J.K. (2012) Hệ số ảnh hưởng: Sản phẩm lỗi thời hay bàn đạp để được cấp giấy chứng nhận của tạp chí. Scientometric 92, 211–238

Các biên tập viên tạp chí Y khoa PLoS (2006). Trò chơi hệ số ảnh hưởng. PLoS Med 3(6): e291 doi:10.1371/journal.pmed.0030291.

Rossner, M., Van Epps, H., Hill, E. (2007). Hãy cho tôi thấy dữ liệu. Tạp chí Sinh học tế bào J. Cell Biol. 179, 1091–1092.

Rossner M., Van Epps H., and Hill E. (2008). Những kết quả không thể tự chế: Một phản hồi tới Thomson Scientific. Tạp chí Sinh học tế bào J. Cell Biol. 180, 254–255.

http://www.eigenfactor.org/ ; http://www.scimagojr.com/

http://opencitations.wordpress.com/2013/01/03/open-letter-to-publishers

http://altmetrics.org/tools/

Nguồn tin: Tia Sáng

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 6
  • Hôm nay: 245
  • Tháng hiện tại: 77022
  • Tổng lượt truy cập: 25627604