Vai trò của Nhân học đối với KHXH&NV hiện nay

Đăng lúc: Thứ năm - 10/03/2016 22:57 - Người đăng bài viết: admin

Những huyền thoại quanh cái chết của con rùa 
hồ Gươm đã “đốt nóng” báo chí và các diễn đàn 
xã hội
Trong bối cảnh của Việt Nam, ở một giai đoạn “tranh tối tranh sáng” giữa vật chất và tinh thần, giữa nghèo đói và bệnh sĩ, giữa khoa học và sự mù quáng tâm linh, giữa một đám đông với niềm tin bất định, nhân học dường như là một trong những hướng tiếp cận khả dĩ nhất để nhận thức rõ hơn các vấn đề của xã hội và con người Việt Nam hiện nay

Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ trong thời gian gần đây, khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) trên thế giới đã có những bước chuyển mình đáng kể để thích nghi với một không gian mới trong kỷ nguyên công nghệ. KHXH&NV ở Việt Nam cũng không năm ngoài dòng chảy nói trên. Đời sống và xã hội của loài người hiện nay không chỉ tồn tại trong những không gian hiện hữu mà còn tồn tại trong cả những không gian ảo cùng nhiều chiều kích mới và hiện tượng mới. Vì vậy, việc tiếp cận các nghiên cứu về KHXH&NV hiện nay cần phải thay đổi cả về nhận thức, quan niệm và phương pháp thì mới có thể giải quyết được các vấn đề xã hội khó hoặc mới nảy sinh.

Chẳng hạn như tội phạm mạng (hacker), khủng bố công nghệ, thậm chí những đám cưới ảo của những cặp tình nhân ảo hay những vũ khí ảo nhưng được mua bằng tiền thật chính là những vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm một cách nghiêm túc. Vì đó không còn là những trò chơi (games) thuần túy mà đã trở thành những hiện tượng xã hội phổ biến. Hoặc như vấn đề thu hồi đất đai không chỉ liên quan đến tiền đền bù mà điều quan trọng hơn là sinh kế và các vấn đề xã hội có liên quan đến những người mất đất. Trộm cắp, giết người, mại dâm,… ở những nơi bị thu hồi đất ít nhiều đều có liên quan đến vấn đề sinh kế và xã hội chưa được giải quyết thỏa đáng.

Thậm chí, với một vấn đề tưởng chừng như vô cùng đơn giản là một con rùa chết nhưng những huyền thoại bao quanh cái chết của nó đã “đốt nóng” báo chí các diễn đàn xã hội tới mức một số báo nước ngoài cũng phải đưa tin về sự cả tin của người Việt! Trong khi tai nạn giao thông mỗi ngày làm chết vài chục người (hơn cả chiến tranh ở Lybia, Syria, Iraq) hay thuốc độc tràn lan trong thực phẩm khiến hàng trăm nghìn người ung thư mỗi năm hoặc hàng trăm nghìn tỷ đồng đang bất động ở những “dự án đắp chiếu” nhiều năm qua thì chẳng mấy tờ báo đưa tin. Đó chính là những vấn đề xã hội cần phải tìm cách giải quyết. 

Đối mặt với những cái mới, khó và nóng như trên, các nhà quản lý dường như đang gặp khó khăn khi phải tìm một hướng tiếp cận thực sự hiệu quả bởi đó không thuần túy là yếu tố có liên  quan đến công nghệ, kỹ thuật, kinh tế hay y tế,… mà đó là các vấn đề xã hội nảy sinh từ con người và đều có liên quan đến con người. Trên thế giới, các hiện tượng tương tự được các nhà nhân học (anthropologists) tìm hiểu, đánh giá và tư vấn cho các tổ chức xã hội hay cơ quan quản lý.

Ở Việt Nam, nhân học đã được một số nhà khoa học nổi tiếng như Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Khoan, Nguyễn Văn Tố,… cùng các nhà khoa học nước ngoài nghiên cứu một cách có hiệu quả ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, do hậu quả của chiến tranh và ý thức hệ, nhân học Việt Nam mới chỉ được tiếp nối trở lại trong hơn một thập niên qua. Thực tế cho thấy, nhân học chính là một trong những hướng tiếp cận đầy triển vọng để có thể giải quyết những vấn đề vô cùng nan giải mà các phân ngành khác chưa giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng.

Ví dụ như để tập trung vào vấn đề đói nghèo (một trọng tâm trong những Mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ), năm 2012, Ngân hàng Thế giới (WB) đã bầu ông Jim Yong Kim (một nhà nhân học) làm Chủ tịch. Năm 2013, ông được Tạp chí Forbes bầu chọn là một trong 50 người quyền lực nhất thế giới. Một ví dụ khác là giải Nobel kinh tế năm 2015 được trao cho một nhà khoa học Mỹ là Angus Deaton do các nghiên cứu của ông giúp đo lường mức nghèo đói hay thống kê về chất lượng cuộc sống ở các nước nghèo để từ đó giải ngân dòng vốn hỗ trợ xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả nhất,...

Có thể nói, các nhà nhân học hay các phương pháp nghiên cứu của nhân học đã chứng tỏ và đang dần khẳng định tính hiệu quả của bộ môn khoa học này. Không chỉ ở bình diện quốc tế, như đã nêu ở trên, mà ở phạm vi quốc gia, các nghiên cứu nhân học cũng đã thể hiện rõ tính khoa học và thực tiễn của bộ môn này đối với xã hội Việt Nam. Xin lấy một số nghiên cứu nhân học của Nguyễn Văn Huyên về tình trạng đói nghèo (cách đây gần một thế kỷ nhưng tới nay vẫn chưa hết tính thời sự) và nghiên cứu của Từ Chi về văn hóa và tôn giáo như một trong những cách thức tiếp cận khả dụng nhất về xã hội và con người Việt Nam xưa và nay.

Trong Vấn đề nông dân Việt Nam ở Bắc kỳ, Nguyễn Văn Huyên đã tiến hành một nghiên cứu bao quát từ điều kiện tự nhiên và địa lý đến thành phần đất đai và dân cư của châu thổ Bắc bộ. Từ đó, ông đi sâu tìm hiểu chi tiết đến đời sống của từng hộ dân với các mức thu nhập hết sức khác nhau. Qua đó ông phát hiện ra sự nghèo khổ của người dân có căn nguyên từ việc thiếu đất đai canh tác nhưng có một căn nguyên sâu xa hơn mà chưa ai phát hiện đó là thói cờ bạc và bệnh sĩ.” 1  Rõ ràng, tình trạng thiếu đất đai là một vấn đề tự nhiên nhưng nếu con người chăm chỉ và có tri thức thì vẫn có thể khắc phục được. 2 Ngược lại, với đất đai trù phú và “rừng vàng biển bạc” mà con người lười biếng, chỉ thích “ăn xổi,” lại nghiện cờ bạc thì đó phải chăng là kết quả của tư duy cố hữu của “bác thằng bần” trong xã hội Việt Nam cả xưa và nay?

Và nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên đã chỉ rõ thực trạng này: “trong xã hội Việt Nam, từ kẻ cao sang nhất cho đến kẻ cùng đinh, mọi người, đàn ông, đàn bà, trẻ con, đều đánh bạc. Tôi đã đếm được ở một hội làng tới 22 lối cờ bạc và 150 chiếu chơi xóc đĩa. Ở nông thôn chúng ta, những trò cờ bạc này đã gây ra nhiều thảm kịch. Các tội ác, các vụ trộm cướp, những hành vi phạm pháp mà các tòa án phải xử, thường chỉ là do tệ nạn cờ bạc mà ra. Người ta đánh bạc với hy vọng làm cho hoàn cảnh của mình khấm khá hơn. Đôi khi điều đó dẫn đến những hậu quả khôn lường.” 3

Để có được những nghiên cứu với các số liệu cụ thể và chính xác như trên, nhà nhân học phải thực sự “lăn lộn” nơi thực địa, phải linh động và nhạy bén trong tiếp cận đối tượng nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhà nhân học phải thực sự nắm vững các phương pháp nghiên cứu của nhân học thì mới có thể áp dụng nó một cách hiệu quả. Những công việc này cũng đã được Từ Chi thực hiện một cách hết sức hiệu quả và được khẳng định trong các công trình nghiên cứu của ông.

Chẳng hạn, “với các công trình nghiên cứu về hoa văn cạp váy của người Mường. Thông qua các hoa văn được thể hiện trên hoa văn cạp váy của người Mường, Từ Chi đã tìm được những mối quan hệ cội nguồn giữa người Việt với người Mường trong không gian văn hoá Đông Sơn.” 4 Hoặc thông qua những nghi lễ trong tang ma của người Mường, ông đã tìm được những đặc trưng sơ khai của tôn giáo, tín ngưỡng bằng một nhận xét hết sức xác đáng:

 “Nếu quả thực, như chúng tôi nghĩ, khái niệm “linh hồn” là hạt nhân của mọi tư tưởng tôn giáo, thì tang lễ ắt phải là biểu hiện rõ nét nhất của khái niệm ấy. Vì ma chay là gì nếu không phải là giải pháp cao nhất và cuối cùng - giải pháp tối chung – mà một cộng đồng người sống đưa ra để khuôn xếp số phận của linh hồn một thành viên... Theo dõi diễn biến của tang lễ, thông qua đường đi nước bước của hồn người chết, cũng có thể biết được một số vùng thuộc vũ trụ ấy.”  Để đi đến những nhận xét mang tính “quy luật” như vậy, Từ Chi đã thực sự sống trong lòng bản Mường với phương châm “3 cùng” trong một khoảng thời gian dài.

Để làm tốt được cả về phương pháp luận và thao tác luận như Từ Chi đã làm, nhà nhân học buộc phải dấn thân trên con đường khoa học đầy khó khăn, lắm chông gai và cũng có vô vàn trắc trở. Bù lại, những công trình nghiên cứu của họ sẽ mãi là những cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ, không chỉ riêng các nhà nhân học mà còn là các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực KHXH&NV nói chung. Trong bối cảnh của Việt Nam, ở một giai đoạn “tranh tối tranh sáng” giữa vật chất và tinh thần, giữa nghèo đói và bệnh sĩ, giữa khoa học và sự mù quáng tâm linh, giữa một đám đông với niềm tin bất định, nhân học dường như là một trong những hướng tiếp cận khả dĩ nhất để nhận thức rõ hơn các vấn đề của xã hội và con người Việt Nam hiện nay.

-----------------------------------------------------------

Chú thích:

1. Đinh Hồng Hải (2015), Những tri thức bác học của Nguyễn Văn Huyên về dân tộc học và nhân học: Dẫn liêu từ bộ sách “Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam.” Tham luận tại hội thảo quốc tế: Nhân học ở Việt Nam: lịch sử, hiện trạng và triển vọng, tổ chức tại Hà Nội tháng 9/2015.

2. “Quốc gia khởi nghiệp” Israel hiện nay là một minh chứng tiêu biểu cho việc sử dụng tri thức vào nông nghiệp ở một trong những vùng đất khô cằn và khắc nghiệt để trở thành một quốc gia có nền nông nghiệp tiến tiến nhất trên thế giới.

3. Nguyễn Văn Huyên (1996), Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tập 2, tr.37.

4.  Từ Chi (1974), “Hoa văn cạp váy, Hoa văn hình học,” trong Nghiên cứu Văn hoá nghệ thuật, số 3- 4.

 

 

Tác giả bài viết: Đinh Hồng Hải
Nguồn tin: Tia Sáng

Share/Save/Bookmark
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 8
  • Hôm nay: 3009
  • Tháng hiện tại: 85548
  • Tổng lượt truy cập: 25636130