Thầy giáo hơn 20 năm dạy tiếng Mông

Đăng lúc: Thứ tư - 26/11/2014 17:21 - Người đăng bài viết: admin
Vẫn đứng lớp, nhưng khác với đồng nghiệp dạy tiếng phổ thông, thầy Lâm dạy chính tiếng Mông cho học trò nơi vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái).

Năm 1991, thầy Vũ Cảnh Lâm tốt nghiệp Trung học Sư phạm rồi về huyện Mù Cang Chải, nơi còn nhiều khó khăn của tỉnh Yên Bái để dạy học. Sau nhiều năm dạy tại các điểm trường Púng Luông, Nậm Khắt, thầy dừng chân ở Tiểu học & THCS Dế Xu Phình, gắn bó với những học trò người Mông suốt 15 năm nay.

Những tháng ngày đầu tiên đi dạy, bản ở xa, đường đi khó, người dân còn nghèo, thầy Lâm phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào để dạy học. Khi đó, thầy không chỉ dạy chữ cho học trò ở trên lớp mà còn tham gia cấy cày, đi làm nương, làm rẫy cùng dân bản.

Tiếp xúc nhiều với họ, thầy dần dần nói được tiếng Mông, hiểu phong tục tập quán như người bản địa. "Thứ tiếng ấy cứ ngấm dần vào người như lẽ tự nhiên phải ăn cơm, uống nước ở đời", thầy tâm sự.

IMG-20141125-083022-4216-1416913535.jpg

Thầy Vũ Cảnh Lâm được biết đến là một trong những giáo viên có thâm niên dạy tiếng Mông ở Mù Cang Chải. Ảnh: Hải Nguyễn.

Đứng lớp được vài năm, thầy Lâm bắt đầu tham gia dạy lớp tiếng Mông cho học sinh. Trường có hơn 400 em, nhưng chỉ 2 em người dân tộc Kinh, còn lại là người Mông. Học sinh ở đây khi lên lớp 3 sẽ được học một môn tự chọn là tiếng Mông. Dù các em phát âm tốt tiếng bản địa nhưng khi đọc, viết thì còn khá ngượng ngùng.

"Về căn bản, các em dùng toàn bộ hệ chữ Latinh để ghi lại âm vần, chỉ có một số từ khác tiếng Việt. Vì vậy, học tiếng Mông vừa giúp các em củng cố thêm nền tảng vững chắc khi học tiếng Việt, vừa giúp giữ gìn được bản sắc văn hóa, chữ viết của dân tộc mình", thầy nói.

Ngoài dạy tiếng Mông, thầy Lâm còn làm công tác quản lý với cương vị Phó hiệu trưởng nhà trường, đồng thời hướng dẫn cho giáo viên học, đọc tiếng Mông để dễ dàng giao tiếp với học sinh. Thầy Lâm chia sẻ, điều khó nhất đối với giáo viên khi học và dạy tiếng Mông không chỉ là cách phát âm, ghép vần mà còn phải am hiểu về phong tục, tập quán của người dân, gần gũi với học trò thì mới có thể dễ dàng truyền đạt trong khi giảng dạy.

Tiếng Mông được đưa vào chương trình học ở Mù Cang Chải đã nhiều năm. Trải qua thời gian, nhiều giáo viên không còn ưa thích công việc dạy tiếng Mông nữa nên việc dạy tiếng dân tộc cũng mai một dần. Hiện, môn học tiếng Mông hầu như không còn được dạy ở điểm trường lẻ mà chỉ được dạy ở một vài điểm chính trong huyện.

6-6532-1416913536.jpg

Giáo viên trường Tiểu học và THCS Dế Xu Phình (Mù Cang Chải, Yên Bái) học tiếng Mông để giao tiếp dễ dàng hơn với học sinh. Ảnh: Hoàng Phương.

Nhiều năm gắn bó với Mù Cang Chải, điều khiến thầy gắn bó nhất là nghĩa tình cùng sự thật thà của người vùng cao. Ngày Tết thầy cô, có học sinh ở xa nhà đi bộ cả chục km đến thăm, tình cảm ấy không tiền bạc nào mua được. Những lứa học trò đầu tiên thầy dạy, giờ hầu hết đã trưởng thành, có người đi làm, đi học xa, có học sinh lớn lên rồi lại trở thành đồng nghiệp, về thực tập, giảng dạy tại chính ngôi trường Dế Xu Phình năm xưa. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó phòng Giáo dục huyện Mù Cang Chải cho biết, hiện nay trên địa bàn chỉ còn một số trường tiểu học duy trì môn học tiếng Mông. Số giáo viên dạy môn tiếng Mông cũng rất ít, vì muốn dạy được môn học này cần yêu thích và phải có quá trình gắn bó lâu dài với người dân. Phòng Giáo dục huyện đang hướng tới công tác dạy tiếng Mông cho giáo viên, để họ có thể giao tiếp tốt với học sinh, nhằm truyền thụ kiến thức dễ dàng hơn.

Hoàng Phương


Nguồn tin: VNExpress

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 4
  • Hôm nay: 108
  • Tháng hiện tại: 71715
  • Tổng lượt truy cập: 25622297