Bảng xếp hạng đại học Việt Nam: Chỉ là “một lát cắt”

Đăng lúc: Thứ hai - 11/09/2017 01:15 - Người đăng bài viết: admin
Chỉ nên coi bảng xếp hạng như một lát cắt tham khảo, và càng có nhiều lát cắt thì cái nhìn về giáo dục đại học sẽ càng chi tiết và toàn diện hơn, Nhóm Xếp hạng Đại học Việt Nam chia sẻ quan điểm tại buổi công bố Bảng xếp hạng đại học Việt Nam đầu tiên do nhóm tiến hành.

Chỉ nên coi bảng xếp hạng như một lát cắt tham khảo, và càng có nhiều lát cắt thì cái nhìn về giáo dục đại học sẽ càng chi tiết và toàn diện hơn, Nhóm Xếp hạng Đại học Việt Nam chia sẻ quan điểm tại buổi công bố Bảng xếp hạng đại học Việt Nam đầu tiên do nhóm tiến hành.


TS Lưu Quang Hưng, chủ biên báo cáo xếp hạng, cũng là diễn giả chính của buổi tọa đàm. Ảnh: Thu Quỳnh

Nhìn chung, cho đến nay, đại học Việt Nam chưa được xếp hạng một cách định lượng:  trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới như Times Higher Education (THE), World University Rankings (QS), Webometrics..., Việt Nam chưa có trường đại học nào lọt vào danh sách Top 1000; trong khi đó, bảng xếp hạng phân tầng đại học thành ba hạng theo Nghị định do Chính phủ ban hành từ năm 2015 cũng chưa thấy được công bố. Trong bối cảnh đó, Nhóm Xếp hạng Đại học Việt Nam[1], một nhóm chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý nhà nước, đã tiến hành đề án xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với kỳ vọng, báo cáo xếp hạng sẽ trở thành nguồn tham khảo khả tín cho xã hội, tạo ra động lực cải cách cho các trường, đồng thời mở ra phương pháp và tiền lệ đánh giá xếp hạng đại học cho các năm tới.

Không thể rập khuôn cách làm của các bảng xếp hạng quốc tế

Tại buổi tọa đàm công bố bảng xếp hạng nói trên diễn ra chiều 6/9/2017 do Nhóm Xếp hạng Đại học Việt Namphối hợp cùng Tạp chí Tia Sáng cùng tổ chức, TS Lưu Quang Hưng, chủ biên báo cáo xếp hạng, nhận định sẽ không khả thi nếu chỉ áp dụng một cách rập khuôn toàn bộ các tiêu chí của những tổ chức xếp hạng đại học danh tiếng thế giới như Times Higher Education, Quacquarelli Symond (QS), hay Đại học Giao thông Thượng Hải. Chẳng hạn, phần lớn các tiêu chí do Đại học Giao thông Thượng Hải xây dựng, như: số cựu sinh viên đạt giải Nobel hay Fields; số các nhà nghiên cứu có tỷ lệ trích dẫn cao trong 21 nhóm ngành; và chất lượng nghiên cứu dựa trên số bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới như Nature hay Science ... là điều rất khó tìm thấy ở Việt Nam. Do đó, việc áp dụng các tiêu chí này sẽ không có tác dụng phân hạng với các trường, chí ít là trong tương lai gần.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu của TS Hưng đã tự xây dựng một hệ thống những tiêu chí khác, dựa trên các nguyên tắc: phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, định lượng được, khả tín, khách quan và hướng tới chuẩn mực quốc tế. Để đảm bảo yêu cầu về tính định lượng, nhóm cũng loại bỏ hơn một nửa số cơ sở giáo dục đại học (cung cấp dữ liệu không đầy đủ), chỉ chọn ra 49 trong tổng số hơn 100 trường được khảo sát, vì việc thiếu, dù chỉ một phần số liệu của các trường, cũng sẽ ảnh hưởng tới kết quả xếp hạng. Nhóm nghiên cứu cho biết họ thực hiện công việc hoàn toàn độc lập, không chịu sự ràng buộc, không nhận tài trợ, cũng như không chịu những tác động từ các đơn vị được đánh giá hay bên ngoài trong quá trình xây dựng tiêu chí.

Các tiêu chí xếp hạng, bao gồm ba thước đo: hoạt động nghiên cứu khoa học, chất lượng giáo dục và đào tạo, cơ sở vật chất và quản trị. Cụ thể, với thước đo thứ nhất, nhóm nghiên cứu đã sử dụng số liệu về các công trình nghiên cứu khoa học xuất bản trên những tạp chí quốc tế, chuyên ngành, nguồn dữ liệu duy nhất được tiếp cận là các tạp chí thuộc danh mục ISI. Với  thước đo thứ hai, nhóm chọn khảo sát dữ liệu về số lượng cán bộ giảng dạy và nghiên cứu viên có trình độ tiến sĩ, cùng với số lượng sinh viên đang theo học và chất lượng thi đầu vào của sinh viên. Trong thước đo thứ ba, diện tích giảng đường và số lượng đầu sách trong thư viện trường, bên cạnh việc đo chất lượng quản trị bằng chỉ số minh bạch thông tin là hai yếu tố được tính để xếp hạng. Như nhóm nghiên cứu thừa nhận trong báo cáo, chất lượng quản trị là một nhân tố rất quan trọng nhưng rất khó có thể lượng hóa, vì có quá nhiều cách tiếp cận đánh giá: như việc tuân theo các tiêu chuẩn ISO, ứng dụng CNTT và nền tảng trực tuyến trong quản lý, hay việc áp dụng hệ thống đào tạo theo tín chỉ, v.v … Tuy nhiên, để có số liệu của những yếu tố đó, đòi hỏi một khảo sát chi tiết và chuyên sâu, nằm ngoài khả năng của nhóm thực hiện trong báo cáo lần này. 

Bảng xếp hạng được thực hiện cho 49 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước, bao gồm 5 đại học cấp quốc gia và cấp vùng, 5 học viện và 39 trường đại học công lập và tư thục. Danh sách này không đưa vào cơ sở giáo dục thuộc khối an ninh, quân đội, chính trị (Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện Quốc phòng, v.v..), các cơ sở giáo dục đại học mới thành lập, một số trường liên kết với nước ngoài, một số cơ sở giáo dục đại học địa phương, chủ yếu vì thiếu số liệu công khai hoặc không đáng tin cậy; ngoài ra các trường cao đẳng và tương đương cũng chưa được xếp hạng. Số liệu đầu vào được lượng hóa từ các nguồn khả tín nhất mà nhóm nghiên cứu có được. Theo TS Nguyễn Ngọc Anh, khi thu thập, ngoài việc lưu thông tin, nhóm còn lưu lại cả nguồn thông tin để đảm bảo có thể kiểm chứng trực tiếp. Nhờ đảm bảo công khai số liệu thu thập được và có so sánh, kiểm tra chéo với các trường, nhóm kỳ vọng hạn chế tối đa sai sót trong khảo sát, lấy mẫu, qua đó tránh thiên lệch, chủ quan, thiếu minh bạch cũng như việc phải đầu tư nguồn tài chính lớn. Để chuẩn hóa các tiêu chí xếp hạng, nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp chuẩn hóa tham số được áp dụng bởi tổ chức QS cho bảng xếp hạng World University Rankings. 

Những mảnh ghép còn thiếu


Ba đại diện của Nhóm Xếp hạng Giáo dục Việt Nam tại tọa đàm. Từ trái qua: TS Giáp Văn Dương, TS Lưu Quang Hưng, TS Nguyễn Ngọc Anh. Ảnh: Thu Quỳnh.

Nhận xét chung, các đại học quốc gia và đại học vùng có thứ hạng rất cao như Đại học Quốc gia Hà Nội (xếp hạng 1), Đại học Đà Nẵng (hạng 4), Đại học Quốc gia TPHCM (hạng 5), Đại học Huế (hạng 8) và Đại học Thái Nguyên (hạng 17). Các cơ sở giáo dục này được biết tới với quy mô đào tạo lớn, đội ngũ cán bộ có trình độ và đầu tư nhiều cho nghiên cứu khoa học. Trong top 10 cũng không thể thiếu vắng sự hiện diện của những đại học lớn như Học viện Nông nghiệp (hạng 3), Đại học Cần Thơ (hạng 6), Đại học Bách khoa Hà Nội (hạng 7) và Đại học Sư phạm Hà Nội (hạng 10). Đây cũng là những cơ sở có quy mô đào tạo lớn, đội ngũ cán bộ đông đảo và nhiều nghiên cứu khoa học có chất lượng. Điều ngạc nhiên lớn nhất là một số trường đại học trẻ, ít danh tiếng lại chiếm vị trí rất cao trong bảng xếp hạng, như Đại học Tôn Đức Thắng (hạng 2) và Đại học Duy Tân (hạng 9). Thành tích này có được là nhờ vào những nỗ lực vượt trội trong công bố quốc tế, phản ánh thành quả của chính sách khuyến khích các tác giả trong và ngoài nước tham gia hợp tác để có ấn phẩm quốc tế đứng tên trường.

Trong phần trao đổi giữa diễn giả và cử tọa, nhiều ý kiến thắc mắc xoay quanh việc các trường đại học thuộc khối kinh tế rất có danh tiếng lại chỉ được xếp hạng ở mức trung bình, mặc dù những trường này đều có điểm thi đầu vào luôn nằm trong top 10-30% của phổ điểm, sinh viên năng động, ra trường dễ kiếm được việc làm và được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Cụ thể, Đại học Ngoại thương chỉ đứng hạng 23, cao hơn một chút so với Đại học Thương mại (hạng 29), Đại học Kinh tế Quốc dân (hạng 30), Học viện Tài chính (hạng 40), và Học viện Ngân hàng (hạng 47). Nguyên nhân chủ yếu, theo TS Nguyễn Ngọc Anh, là do sự hiện diện của những trường này trên các ấn phẩm khoa học quốc tế còn mờ nhạt, đồng thời có thể do tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên tổng số sinh viên của những trường này chưa cao. Tuy nhiên, TS Lưu Quang Hưng cũng thừa nhận, việc xếp các đại học theo chuyên ngành hẹp (theo mô hình Liên Xô) như Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, Quan hệ quốc tế đều thuộc khối KHXH... với những đại học tổng hợp đa ngành (như Đại học Quốc gia) thuộc khối khoa học tự nhiên và công nghệ khiến các trường này bị thiệt thòi và bị đẩy xuống vị trí thấp hơn (do quy mô đào tạo bé hơn, lợi thế về công bố quốc tế cũng thấp hơn). Chưa kể, dữ liệu về việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp chỉ hiện diện ở rất ít trường nên nhóm chưa thể đưa tiêu chí về khả năng tìm được việc của sinh viên vào bảng xếp hạng. Đây là một tiêu chí mà nếu được đưa vào sẽ giúp những trường như Ngoại thương, Quan hệ quốc tế cải thiện đáng kể thứ hạng.

TS Giáp Văn Dương khẳng định, thứ hạng trong bảng xếp hạng trên chưa thể phản ánh 100% thực tế chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam, vì vậy không nên lấy nó làm kết quả tham chiếu duy nhất. Nói cách khác, bảng xếp hạng như một lát cắt, càng có nhiều lát cắt thì xã hội càng có cái nhìn chi tiết và toàn diện hơn về nền giáo dục đại học. Báo cáo của Nhóm là một nỗ lực nhằm thử xây dựng một bộ tiêu chí xếp hạng cho các cơ sở giáo dục đại học và đánh giá kết quả của nó từ những phản hồi xã hội. Bộ tiêu chí được lựa chọn sao cho có thể đo lường được, khả thi trong thu thập số liệu, tự kiểm chứng được một cách độc lập, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và điều quan trọng nhất là có thể thực hiện được trong điều kiện sẵn có. Nhóm nghiên cứu thừa nhận, báo cáo này còn rất nhiều hạn chế liên quan đến việc lựa chọn tiêu chí và thiếu số liệu, và họ kỳ vọng trong tương lai sẽ hoàn thiện phương pháp, cũng như có thêm nguồn lực để thu thập được nhiều số liệu hơn, nhằm đưa ra những đánh giá đầy đủ, toàn diện, chi tiết hơn về chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, đặc biệt là theo các chuyên ngành đào tạo.

Tham dự tọa đàm, Tiến sĩ, chuyên gia về giáo dục đại học Phạm Thị Ly chia sẻ, mặc dù bản thân là một người “chống xếp hạng đại học” vì xếp hạng nào cũng là phiến diện, chưa kể đến khả năng nhiều trường chạy theo xếp hạng mà xa rời sứ mệnh chính là đào tạo con người và làm ra tri thức mới phục vụ cộng đồng, nhưng bà cho rằng những nỗ lực vô vị lợi của nhóm nhằm cung cấp cho xã hội thông tin tham khảo về một số trường đại học là rất đáng trân trọng. Bà cũng đề xuất, nếu Nhóm còn tiếp tục tiến hành bảng xếp hạng cho những năm tới thì nên cân nhắc tiêu chí phục vụ cộng đồng của các trường.

Xem đầy đủ Báo cáo Xếp hạng đại học Việt Nam tại đây: http://www.xephangdaihoc.org/2017/


[1] Nhóm nghiên cứu xếp hạng đại học Việt Nam 2017 gồm sáu thành viên: Lưu Quang Hưng (chủ biên), Nguyễn Ngọc Anh (đồng chủ biên), Giáp Văn Dương, Ngô Đức Thế, Trần Thanh Thủy, và Nguyễn Thị Thu Hiền.

Tác giả bài viết: Hải Đăng
Nguồn tin: Tia Sáng

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

xếp hạng, đại học

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 40
  • Hôm nay: 4166
  • Tháng hiện tại: 82482
  • Tổng lượt truy cập: 25633064