|
|||||||
“Chúng tôi muốn kể lịch sử một cách chân thực”Đăng lúc: Thứ năm - 26/11/2015 16:39 - Người đăng bài viết: adminPGS.TS Nguyễn Văn Huy giới thiệu một số hiện vật trong kho tư liệu khối của TTDS. Ảnh: Hảo Linh. Có thể còn quá sớm để bàn về thành công hay thất bại, nhưng không thể phủ nhận Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam là ý tưởng chưa có tiền lệ ở Việt Nam, buộc người ta phải suy nghĩ lại cách làm bảo tàng và lưu trữ trong nước lâu nay. Tạp chí Tia Sáng trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện với PGS. TS Nguyễn Văn Huy, “kiến trúc sư trưởng” của công trình đầy tính nhân văn và khoa học này. PV: Thưa ông Nguyễn Văn Huy, có thể nói, những thành công bước đầu của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đều có dấu ấn của ông. Xin được hỏi, điều gì đưa ông đến với Trung tâm? Ông Nguyễn Văn Huy: Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam là khởi xướng của GS.TS Nguyễn Anh Trí và các cộng sự từ Công ty Công nghệ và Xét nghiệm y học (Medlatec) gần một thập kỷ trước, với ý tưởng ban đầu chỉ là xây dựng một trung tâm có chức năng lưu trữ, bảo tồn những bản luận án tiến sĩ với ý kiến đóng góp, sửa chữa của người hướng dẫn để tri ân những người thầy. Như chị biết đấy, nếu chúng ta nghiên cứu lịch sử cuộc đời các nhà khoa học từ di sản của họ một cách hệ thống, chúng ta sẽ thấy được lịch sử các ngành khoa học Việt Nam dưới nhiều góc độ khác nhau, có thể hiểu được các thế hệ trí thức đã được đào tạo, rèn luyện và cống hiến như thế nào cho đất nước. Đồng thời từ những sử liệu sống động về cuộc đời của từng nhà khoa học có thể ghép lại thành bức tranh toàn cảnh về lịch sử phát triển của khoa học Việt Nam nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung. Là người gắn bó nhiều năm với công tác di sản, bảo tàng, tôi đã nhìn thấy sự mất mát các sử liệu, đặc biệt là di sản văn hóa của các cá nhân. Mất mát này không chỉ là của những người ấy, mà còn khiến cho lịch sử của đất nước ta trở nên nghèo nàn hơn và đơn điệu hơn, làm cho tầng sâu văn hóa trở nên nông cạn. Vì vậy, khi ban lãnh đạo Medlatec mời tôi tham gia xây dựng Trung tâm Di sản các nhà khoa học, tôi nghĩ đây là một cơ hội tuyệt vời để “cứu vớt” các tài liệu, hiện vật cũng như những câu chuyện, ký ức của cá nhân các nhà khoa học mà cho đến nay còn rất ít được quan tâm, bảo tồn. Thế giới đã có mô hình nào giống mô hình Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam chưa, thưa ông? Tôi chưa đi được nhiều nơi trên thế giới và tôi cũng chưa đọc đủ nhiều tài liệu nhưng từ những gì tôi biết, hiện nay vẫn chưa ở đâu có mô hình hoạt động có điểm độc đáo như Trung tâm của chúng tôi, đó là đồng hành cả ba lĩnh vực: bảo tàng, lưu trữ và thư viện. Một mô hình mà chúng tôi học hỏi được khá nhiều là Trung tâm Lưu trữ về phụ nữ Bắc Mỹ. Tuy nhiên, nhìn chung ở đa số các nơi khác trên thế giới, những nhà khoa học nổi tiếng khi về già thường để lại di chúc rằng: sau khi họ qua đời sẽ hiến tặng di sản (tức các tư liệu, tài liệu nghiên cứu, thư viện của mình) cho trường đại học, viện nghiên cứu hay một thư viện nào đó mà họ tâm đắc, hoặc thậm chí lưu giữ tại gia, vì vậy di sản của họ nằm khá rải rác, chứ không tập trung. Có thể thấy mô hình Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam không giống các bảo tàng mà ông đã từng ghi dấu ấn. Vậy điều gì khiến việc làm bảo tàng giới thiệu về cuộc đời một cá nhân khác với làm bảo tàng về một vấn đề, một sự kiện hay một tập thể? Hồi còn làm ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, năm 2005 chúng tôi đã tổ chức trưng bày về cuộc đời nhà dân tộc học Nguyễn Đức Từ Chi, một nhà khoa học lại có những suy nghĩ và hành động khác biệt, một cuộc đời vừa là minh chứng cho một thời đại, vừa thể hiện cá tính một con người với bản sắc riêng dám vượt qua những rào cản của thời đại ấy. Quyết định trưng bày về ông là điều chưa từng có tiền lệ. Ở thời điểm đó, nếu trưng bày giới thiệu một cá nhân cụ thể nào đó, thì theo suy nghĩ thông thường, trước hết phải là một nhà lãnh đạo cao cấp hay anh hùng, liệt sĩ rất đặc biệt. Chúng tôi chỉ muốn kể lại những câu chuyện thật, kể một cách khách quan nhất, bởi tôn trọng sự thật là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của việc bảo tồn và phát huy di sản. Tôi luôn nói với các đồng nghiệp: khi nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu về các nhà khoa học thì phải thu thập một cách toàn diện, có mặt tốt, mặt chưa tốt, có thành công và cả thất bại gắn với những bối cảnh xã hội đương thời. Cố gắng không bỏ một chi tiết nào, kể cả những điều mà thường người ta nghĩ là không quan trọng trong cuộc đời của nhà khoa học. Có như vậy mới khắc họa chân thực, sinh động về một cá nhân, về con đường sự nghiệp mà họ đã trải qua trong các khoảnh khắc khác nhau của lịch sử. Trong thực tiễn, không phải nhà khoa học nào cũng thuận buồm xuôi gió trong sự nghiệp của mình. Cuộc đời của nhiều nhà khoa học Việt Nam rất gập ghềnh. Thậm chí, từng có lúc, có những người đã phải chịu sự hà khắc từ những sự hẹp hòi, đố kỵ, ghen ghét hay định kiến giai cấp. Đúng như ông nói. Con đường của các nhà khoa học luôn rất gập ghềnh. Một số nhà khoa học đã gặt hái thành công, nhưng cũng nhiều khi nếm mùi thất bại, thậm chí có những công trình sau một thời gian ứng dụng, thực tiễn đã chứng minh đó là những sai lầm nghiêm trọng… Liệu rằng Trung tâm có lưu giữ cũng như thuyết phục các nhà khoa học chia sẻ điều đó không? Trong thực tế, nhiều công trình nghiên cứu, nhất là khoa học xã hội và nhân văn, do nhiều nguyên nhân như thiếu thông tin, phương pháp tiếp cận, nhãn quan, bản lĩnh, hay nghiên cứu nhằm minh họa ý tưởng của lãnh đạo, nên thường chỉ có tính thời điểm. Có những công trình có thể được chấp nhận trong giai đoạn này, nhưng lại trở nên lỗi thời ngay khi tư duy thay đổi, khi cách tiếp cận mới được thực hành. Thực tế cho thấy, nhiều công trình chẳng những không có giá trị lâu dài mà còn ghi dấu ấn những hạn chế của lịch sử. Chúng tôi nghĩ rằng, các nhà khoa học không ngại chia sẻ những sai lầm như nói trên đâu. Bởi vì đó là lịch sử, lịch sử phát triển của nhận thức khoa học và của ngành khoa học mình theo đuổi. Nhiều nhà khoa học đã gửi vào Trung tâm những bản thảo, tư liệu của họ một cách đầy đủ mà ở đó sau này các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu, khám phá về sự hình thành và phát triển các ý tưởng của nhà khoa học. Ví dụ, chúng tôi đang lưu giữ nhiều bản thảo của các giáo sư Phong Lê, Hà Minh Đức, Phạm Đức Dương… Trong đó có những bản thảo được sửa chữa, gạch xóa chi chít. Chúng tôi giữ lại tất cả, để sau này, nếu nghiên cứu lại, các nhà sử học hay nhà nhân học tương lai sẽ có cơ hội tìm hiểu, đánh giá tại sao nhà khoa học lại xóa chữ này, thêm chữ kia. Điều đó giúp người ta hiểu rõ về lao động khoa học cũng như bối cảnh hình thành mỗi ý tưởng, mỗi câu chữ... Cứ phải lưu giữ lại tất cả những bản thảo ở các dạng khác nhau của nhà khoa học, kể cả những chi tiết nói nôm na là phải “lách”. Cứ lưu lại để hậu thế hiểu rằng lúc đó người ta phải xử lý thế nào với suy nghĩ của mình để được chấp nhận. Tôi cũng đồng tình rằng, các nhà khoa học chính là chứng nhân lịch sử. Các câu chuyện của họ sẽ kể lại những gì đã xảy ra trong các giai đoạn phát triển của xã hội, của đất nước có đúng không, thưa ông? Một trong những triết lý cho hoạt động của chúng tôi là: lịch sử luôn bắt đầu từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Lịch sử của đất nước sẽ được nhìn phong phú hơn, đa dạng hơn nếu bắt đầu từ rất nhiều cá nhân, rất nhiều gia đình. Trong khi đó, hệ thống bảo tàng lịch sử quốc gia hay bảo tàng của các địa phương, dù lớn đến đâu thì cũng chỉ có thể kể lịch sử một cách rất cô đọng, khái quát. Cho dù họ muốn cũng không thể kể mọi cuộc đời một cách chi tiết được. Đó là một điểm khuyết, một điểm trống cần khỏa lấp. Chính vì thế, mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi dòng tộc nếu có điều kiện và biết cách kể câu chuyện của mình thì sẽ góp phần làm cho lịch sử của đất nước, văn hóa của đất nước phong phú hơn, đa dạng hơn. Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam phát hiện được điểm trống đó và đang tìm cách khỏa lấp. Chẳng hạn, nghiên cứu di sản của GS Đỗ Xuân Hợp, một bác sĩ nổi tiếng về giải phẫu của nước ta trong những thập niên đầu của nửa cuối thế kỷ 20, chúng ta sẽ phần nào thấy được nền y học Việt Nam một thời non trẻ đã phải bước chập chững như thế nào để được như hôm nay. Ông là giáo sư đầu tiên giảng bằng tiếng Việt trên bục giảng trường Đại học Y và viết giáo trình bằng tiếng Việt. Nghiên cứu di sản của ông cũng giúp chúng ta phần nào thấy được giá trị của khoa học trong thời khắc mới giành lại nền độc lập. Người Nga tự hào với Bảo tàng Pushkin. Người Đức thuyết phục chúng ta bằng Bảo tàng Goethe ở Frankfurt am Main… Người Mỹ có trưng bày về nhà bác học Albert Einstein vô cùng hấp dẫn. Các nước người ta lưu giữ từ bản nhạc viết nháp, mẩu giấy viết tay…, những chi tiết tưởng chừng vụn vặt của nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ... Họ lưu giữ và trân trọng, vì đó là văn hóa, là lịch sử, là tinh thần của dân tộc. Quay lại nhìn xem, chúng ta có gì? Chúng ta chẳng có gì để mà khoe với thế giới ngoài một số bản thảo viết tay của một số lãnh tụ cách mạng. Làm gì còn di cảo của Lê Quý Đôn, Nguyễn Du. Ngay những nhà văn hóa đầu thế kỷ 20 như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu… chúng ta cũng không giữ được gì. Di sản của các nhà khoa học thế hệ vàng thời chống Pháp, chống Mỹ đang mất dần. Nhìn di sản của cha ông cứ mai một, mất dần, rồi biến mất trên thế giới này, tôi tiếc lắm! Bảy năm vừa rồi được xem là giai đoạn cấp cứu khẩn cấp của Trung tâm chúng tôi. Không cấp cứu ngay thì mất hết, mất sạch. Có những gia đình lưu giữ được chu đáo di sản của nhà khoa học, nhưng do không biết cách và không có đủ điều kiện bảo quản, nên nhiều tài liệu bị gián nhấm, mối xông, trong nhà ẩm thấp đến giấy cũng bị mủn, ảnh bị ố vàng hay dính vào nhau…; có những nhà khoa học do phải chuyển nhà nhiều lần nên đành vứt bỏ dần các kỷ vật của mình. Đâu là tiêu chí dành cho các nhà khoa học được gửi di sản, công trình nghiên cứu vào Trung tâm? Chúng tôi không có sự phân biệt nào đáng kể giữa các nhà khoa học. Cứ có năm bài đăng trên tạp chí khoa học là chúng tôi chấp nhận như một nhà khoa học và là đối tượng nghiên cứu – sưu tầm của mình. Có sự ưu tiên nào không, thưa ông? Chúng tôi đang cấp tập thu thập di sản của các nhà khoa học Việt Nam từ năm 1945 trở lại đây, đặc biệt là các giáo sư, phó giáo sư được phong những năm 1980-1990. Nhóm này nhiều người đã mất hay cao tuổi nên cần nghiên cứu trước, mang tính “cấp cứu”. Những nhà khoa học trước nữa thì chúng tôi chưa dám đụng tới, mà dù có đụng được vào cũng khó vì họ mất lâu quá rồi, gần như chẳng còn gì. Các nhà khoa học khu vực phía Nam trước 1975 và Việt kiều thì chúng tôi cũng chưa làm được. Nhưng đó là hướng cần phải làm trong tương lai, bởi có nghiên cứu thì mới thấy hết được bức tranh toàn cảnh khoa học của nước nhà. Hiện nay vấn đề tranh chấp bản quyền giữa các nhà khoa học là chuyện không hiếm trên các mặt báo. Liệu rằng nếu như có một nhà khoa học nào đó gửi vào đây một công trình đang có tranh chấp thì làm sao? Rồi còn chuyện nhà khoa học thật, nhà khoa học tự phong nữa chứ! Chuyện tranh chấp bản quyền các công trình khoa học không phải phần việc của Trung tâm chúng tôi. Chúng tôi cũng không có chức năng phán xét, thẩm định. Chúng tôi chỉ lưu giữ tất cả những tư liệu, tài liệu của cá nhân nhà khoa học, những ký ức với các câu chuyện đã xảy ra của họ. Nếu lịch sử bỏ đi những câu chuyện qua ký ức của mỗi con người thì còn gì là lịch sử nữa! Việc lưu lại tất cả tư liệu lịch sử do các cá nhân tạo ra sẽ giúp mai sau có cái nhìn chân thực những gì đã diễn ra. Thực tế hôm nay sẽ là lịch sử của mai sau. Có rất nhiều người đã đóng góp quan trọng cho nền khoa học nước nhà, nhưng lại không/chưa được phong học hàm, học vị, vậy Trung tâm có lưu giữ di vật, tư liệu của họ hay không? Chúng tôi không bỏ qua những người không có học vị, học hàm. Trước thập niên 1980, chúng ta có rất nhiều người không có học vị nhưng lại có đóng góp quan trọng cho xã hội và khoa học. Nhiều người trong số họ, như Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, những người vẫn được gọi là “tứ trụ” của nền sử học hiện nay, còn là thầy của các nhà khoa học, của các tiến sĩ khoa học. Khác với ngày xưa, khi mà các nhà khoa học rất ít và hiếm, ngày nay ai cũng có điều kiện tiếp cận các bậc học cao. Thực tế cho thấy số lượng các nhà khoa học đang ngày càng đông đảo. Trung tâm đã tính đến điều này như thế nào? Chúng tôi đang ở bước khởi đầu, cứ thu thập, cấp cứu được càng nhiều dữ liệu càng tốt, càng nhiều nhà khoa học gửi tài liệu hiện vật của mình vào Trung tâm càng hay. Chúng ta cũng có thể học Trung tâm Lưu trữ về phụ nữ Bắc Mỹ. Họ hoạt động từ năm 1942 đến giờ. Hiện nay họ trở thành nơi lưu trữ phong phú nhất về phụ nữ trên thế giới, với hàng triệu đầu mục tài liệu giấy và phim ảnh. Việc vận hành với khối lượng công việc đồ sộ như Trung tâm đang thực hiện cần một nguồn tài chính dồi dào và bền vững. Đã có chưa một khoản ngân sách được dành riêng cho hoạt động của Trung tâm hay các ông vẫn phải chờ phân bổ hằng năm? Vẫn là nguồn tài chính phân bổ hằng năm từ Medlatec. Tôi tin ở hoạt động của Medlatec, tôi tin vào cam kết của lãnh đạo Medlatec, họ thực hành tài trợ văn hóa giống như cách tiếp cận của các nước tiên tiến nhất. Đó là một mô hình tiến bộ mà các tổ chức xã hội dân sự ở nước ta nên hướng tới. Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian cho Tia Sáng. Thu Hà thực hiện.
Nguồn tin: Tia Sáng
Từ khóa:
nguyễn văn, giới thiệu, một số, tư liệu, có thể, thành công, thất bại, trung tâm, di sản, các nhà, khoa học, việt nam, người ta, suy nghĩ, làm bảo, lưu trữ, trân trọng, công trình, dấu ấn, xây dựng, là một, những bản, đóng góp, những người, chúng ta, nghiên cứu, lịch sử, cuộc đời, của họ, một cách, thấy được, khác nhau, như thế, đất nước, từ những, phát triển, bảo tàng, văn hóa Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
|
Thống kê truy cập Website
|
||||||
Ý kiến bạn đọc