|
|||||||
Công ty châu Âu: Rót nhiều tiền hơn vào R&D ở Trung QuốcĐăng lúc: Thứ năm - 23/06/2022 23:00 - Người đăng bài viết: admin
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, các công ty châu Âu đang tiếp tục rót ngày một nhiều hơn các khoản đầu tư cho R&D ở Trung Quốc, bất chấp chính sách cô lập vì đại dịch và căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc với châu Âu và Mỹ.
Đó là kết quả rút ra từ báo cáo của Phòng Thương mại châu Âu ở Trung Quốc công bố vào đầu tháng 6/2022, “China’s Innovation Ecosystem: Right For Many, But Not For All” (Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Trung Quốc: Đúng cho nhiều bên nhưng không phải cho tất cả). “Gần như tất cả các phản hồi đều chỉ dấu là họ gia tăng đầu tư vào cơ sở R&D của họ đặt tại Trung Quốc từ năm 2020 đến năm 2021, và sẽ gia tăng hơn trong năm tới”. Báo cáo này được thực hiện trên cơ sở khảo sát 32 người tham gia và phỏng vấn 11 công ty, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, tự động hóa, chế tạo thiết bị trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022 trước khi diễn ra đợt bùng phát COVID mới nhất và sự đóng cửa một số trung tâm kinh tế chính ở Trung Quốc. Với một Trung Quốc chiếm 20% tổng đầu tư vào R&D của toàn cầu và một nước Mỹ đang tung ra những chính sách để các công ty Mĩ rút khỏi thị trường Trung Quốc, những người thực hiện báo cáo đặt câu hỏi là liệu có cơ hội nào dành cho các công ty EU ở Trung Quốc không? “Đây là một câu chuyện hết sức thu hút trên tuyến đầu của thương mại toàn cầu”, Mikko Huotari, một trong số các tác giả trả lời DW. “Chúng ta cần cân nhắc vấn đề rủi ro và lợi ích”. Tận dụng hệ sinh thái đa dạng và hiệu quả của Trung Quốc Từ lâu, Trung Quốc ôm ấp tham vọng lớn là trở thành một siêu cường công nghệ, do đó họ muốn hướng tới đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và đạt được những đột phá trong công nghệ lõi. Điều này ảnh hưởng đến chính sách đầu tư cho R&D của họ. Ở tầm quốc gia, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 2,79 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 418 tỉ UD) vào R&D trong năm 2021, tương đương 2,44% GDP, gần với mức 2,47% GDP của các quốc gia thuộc khối OECD ở thời điểm trước COVID. Mặc dù kinh phí đầu tư cho R&D của các công ty EU suy giảm ở châu Âu kể từ khi bắt đầu đại dịch, nhưng sự gia tăng ngân sách của Trung Quốc cũng góp phần thúc đẩy nhiều công ty EU tăng thêm kinh phí dành cho R&D tại quốc gia này: năm 2020, các công ty EU tăng 18.1% kinh phí R&D cho cơ sở ở Trung Quốc trong khi cắt giảm 2,2% cơ sở chính ở châu Âu. Ngoài ra, để khuyến khích các công ty đầu tư cho R&D, Trung Quốc áp dụng chính sách giảm thuế doanh nghiệp từ 25% xuống 15% đối với những công ty chứng minh được sản phẩm của mình có liên quan đến công nghệ mới và công nghệ cao. Hầu hết các công ty EU tham gia khảo sát và phỏng vấn đều ghi nhận Trung Quốc có một hệ sinh thái đa dạng và hiệu quả, vì vậy có nhiều lợi điểm so với nhiều quốc gia trên thế giới. Điểm nổi bật của nó là có rất nhiều công ty khởi nghiệp đang phát triển lớn mạnh và một đội ngũ các nhà nghiên cứu nhiều sáng tạo. Các công ty EU đều nhận thấy có sự liên hệ rõ ràng giữa các hoạt động đổi mới sáng tạo ở Trung Quốc với những gì đang thực hiện trên thị trường quốc tế. Về bản chất, các hoạt động R&D ở Trung Quốc đều nhằm vào gia tăng năng lực đổi mới sáng tạo ở địa phương để có thể nâng cấp được chất lượng sản phẩm hiện có cũng như tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới bên cạnh những mô hình kinh doanh và cải thiện cách vận hành hiệu quả. Vì vậy việc lập các trung tâm R&D ở Trung Quốc, đặc biệt là các thành phố lớn, giúp các công ty EU tận dụng được lực lượng tài năng hùng hậu, tích hợp hoạt động của mình với các chiến lược công nghệ mới của Trung Quốc và có tiềm năng kết hợp sự xuất sắc ở phần cứng của châu Âu với chuyên gia phần mềm của Trung Quốc. Mặt khác, các nguồn lực thị trường đã định hướng các công ty lớn của EU đặt các trung tâm R&D vào những thành phố lớn để tận dụng môi trường kinh doanh mở, ví dụ như Thâm Quyến, Thượng Hải, cũng như thêm gần gũi với khách hàng tiềm năng. Nếu phần lớn các công ty lớn của EU thì có sự độc lập nhất định với các chính sách khuyến khích của chính quyền nhưng các công ty vừa và nhỏ thì lưu ý là điều này lại có nhiều ảnh hưởng đến quyết định của họ về đầu tư cho R&D, thậm chí họ cũng nhận được nhiều ưu đãi, lợi thế hơn khi tận dụng được môi trường ở các đặc khu kinh tế. Vẫn có rất nhiều điểm chung lợi ích trong việc đầu tư vào R&D ở Trung Quốc của các công ty châu Âu và nếu loại bỏ sự đầu tư khỏi nơi này có thể dẫn đến bất lợi, theo chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc Joerg Wuttke. “Với các công ty EU, định hướng đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm mới là việc tạo ra sự khác biệt và có ý nghĩa. Nếu trên thực tế tự rút khỏi thị trường Trung Quốc, anh có thể tự loại chính mình khỏi quá trình phát triển sản phẩm, gia tốc và hiệu quả ở đây”, ông trả lời phỏng vấn của Minh báo. “Hơn nữa, các công ty EU thực sự thấy Trung Quốc nỗ lực giữ được khả năng cạnh tranh với những sản phẩm như vậy. Vì vậy theo một nghĩa nào đó thì Trung Quốc và EU là những người anh em, có cùng số phận. Chúng tôi cần Trung Quốc và Trung Quốc cần chúng tôi. Trên thực tế, việc công ty EU rút lui khỏi Trung Quốc không chỉ khiến Trung Quốc tụt hậu về đổi mới sáng tạo mà còn ảnh hưởng đến chính năng lực của các công ty EU”. Các công ty EU được khảo sát ngày càng có xu hướng “Trung Quốc hóa” chuỗi giá trị của mình cũng như năng lực đổi mới sáng tạo của mình. Phần lớn số công ty EU đều cho rằng quyết định đầu tư vào R&D ở Trung Quốc của mình không chỉ phụ thuộc vào định hướng riêng của công ty mà còn phụ thuộc vào chính sách khuyến khích và áp lực của chính phủ. Vì vậy các công ty EU cần phải hiểu bối cảnh để tối đa hóa giá trị của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Trung Quốc. Hai chiến lược đầu tư vào R&D ở Trung Quốc Các công ty EU có xu hướng chấp thuận hai chiến lược để sẵn sàng ứng xử với một nơi có nhiều chính sách quản lý khác biệt với châu Âu như Trung Quốc. “Với các công ty châu Âu, hiểu về cách gia tăng tối đa giá trị của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đầy sinh lực của Trung Quốc không chỉ là điều tối thượng mà còn là cách để giảm bớt rủi ro bị mất bí quyết công nghệ”, báo cáo nhận định. Báo cáo lưu ý Trung Quốc vẫn đang muốn tách hoàn hoàn khỏi ảnh hưởng của các công ty Mĩ nhưng liệu châu Âu có thể hưởng lợi ích nào từ đó hay không. “Chắc chắn là không bởi họ không muốn bị phụ thuộc vào bất cứ đối tác nào, dẫu cho họ cũng nhận được lợi thế khi mời được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào quốc gia họ”, theo nhận định của Jeroen Groenewegen-Lau, người đứng đầu chương trình Nhóm Chính sách KH&CN và đổi mới sáng tạo tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS). Điều đó có nghĩa là, báo cáo đề xuất, các công ty EU cần thiết lập lại chiến lược R&D tại Trung Quốc. Hiện tại, các công ty nước ngoài thường có xu hương chấp thuận một trong hai chiến lược phát triển: hoặc đánh cược tất cả hoặc có phương án phòng ngừa. Phản hồi của các công ty EU tham gia khảo sát cho thấy Trung Quốc đang có xu hướng khuyến khích đầu tư và nội địa hóa nhiều lĩnh vực như hóa chất, thiết bị công nghiệp, tự động hóa nên các công ty trong lĩnh vực này đều chủ yếu sử dụng chiến lược đầu tư thứ nhất, nghĩa là dồn toàn lực, gia tăng đầu tư cho R&D ở Trung Quốc và tối đa hóa giá trị mà họ có thể nhận được từ thị trường cho những đơn đặt hàng ở lục địa cũng như toàn cầu. Trong chiến lược này cũng có hai phần khác biệt, phần thứ nhất thấy điểm mạnh của hệ sinh thái R&D của Trung Quốc nên đặt rất nhiều đầu tư vào đó, bất chấp khả năng rủi ro về việc mất bản quyền sở hữu trí tuệ. Họ chấp nhận rủi ro và quản lý rủi ro bằng cách nhận về những lợi ích lớn nhất từ tinh thần kinh doanh của doanh nghiệpTrung Quốc, sự phong phú của lực lượng nhân sự tài năng, năng lực thương mại hóa sản phẩm đổi mới sáng tạo nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Với nhiều công ty, môi trường này cho phép họ phát triển sản phẩm ở Trung Quốc sau đó có thể tung ra thị trường toàn cầu. Nhánh thứ hai của chiến lược này có xu hướng đầu tư vào các ngành công nghiệp quan trọng nhưng không nằm trong nhánh công nghệ cao, theo quan điểm của chính phủ Trung Quốc. Một số công ty EU khác thì áp dụng chiến lược đầu tư thứ hai, có phương án phòng ngừa, nghĩa là tận dụng thị trường mở và chính sách “trải thảm đỏ ưu đãi”, với việc tối đa hóa giá trị từ việc R&D tại Trung Quốc nhưng vẫn giữ các công nghệ lõi và đổi mới sáng tạo công nghệ của mình ở EU để hạn chế tới mức thấp nhất khả năng bị rò rỉ công nghệ. Họ không muốn từ bỏ một thị trường quá lớn ở Trung Quốc nhưng vẫn đủ khôn ngoan để hiểu rõ khả năng rủi ro trong R&D quá lớn và công nghệ lõi của họ chỉ đủ an toàn khi được bảo vệ trên thị trường EU. Do đó, họ thường tập trung vào việc sử dụng công nghệ Trung Quốc để tăng cường các sản phẩm bán tại Trung Quốc và ở toàn cầu. Rủi ro về quyền sở hữu trí tuệ Tuy nhiên, dù áp dụng chiến lược đầu tư như thế nào thì các công ty EU cũng vẫn có nhiều khả năng phải đối diện với rủi ro ở thị trường Trung Quốc. Ví dụ không đơn giản để đón nhận khuyến khích về thuế bởi khó đạt đủ các điều kiện và quá phức tạp để làm theo nên chỉ 19% công ty cho biết là có thể tận dụng được các ưu đãi về đổi mới sáng tạo và R&D của chính phủ Trung Quốc. Một trong những điều mà báo cáo lưu ý là cần bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ. Điều này ngày càng trở nên vô cùng quan trọng khi một số lượng lớn các công ty ở nhiều lĩnh vực công nghiệp không còn đủ duy trì khoảng cách cách biệt từ một đến hai thế hệ công nghệ với sản phẩm cùng loại của công ty Trung Quốc. Bản thân các công ty Trung Quốc cũng đang tiếp cận việc làm ra sản phẩm mới bằng công nghệ tiên tiến của thế giới. Hệ thống bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc cũng đang ngày một nhận được nhiều hơn các bằng sáng chế và bảo hộ độc quyền. Việc bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ của các công ty EU cũng gặp phải trở ngại trong việc giữ bí mật thương mại, nhất là khi các nhà nghiên cứu và kỹ sư làm việc cho công ty chuyển sang các đối thủ cạnh tranh. Để hạn chế phần nào điều này, báo cáo lưu ý các công ty cần phân loại các dạng bản quyền sở hữu trí tuệ từ kết quả R&D của mình, trong đó chú ý loại nào có khả năng nhận được sự bảo hộ của câc cơ quan thực thi pháp luật, loại nào không. Trong số các công ty EU, doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ bị tổn thương trước rủi ro về sở hữu trí tuệ nhất. Một doanh nghiệp SME cho biết trong một cuộc phỏng vấn riêng “nếu một doanh nghiệp lớn bị mất bản quyền sở hữu trí tuệ một sản phẩm về tay đối tác thì chỉ duy nhất một tác động cụ thể vào hồ sơ sản phẩm của họ nhưng nếu một SME rơi vào trường hợp này thì có nghĩa là sẽ mất năng lực lõi và phải loại bỏ một trong số ít sản phẩm có thể bán ra thị trường”. Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng nhấn mạnh đến khả năng rủi ro về chính sách, ví dụ như khả năng rút ưu đãi vào bất cứ lúc nào. “Họ sẽ không còn quan tâm nhiều đến công ty nước ngoài khi các công ty Trung Quốc đã rút ngắn khoảng cách về công nghệ với công ty phương Tây”, Jeroen Groenewegen-Lau nói. Nhưng thậm chí là rủi ro về chính sách có thể đến từ bên ngoài. Jacob Gunter, một nhà phân tích chính của Nhóm nghiên cứu kinh tế tại MERICS, trao đổi với hãng thông tấn DW khi đề cập đến chính sách kiểm soát hàng hóa xuất nhập nhẩu của Mỹ. “Sự bất định và nghi ngờ về R&D của các công ty đang ngày một gia tăng. Các công ty nước ngoài đang tích hợp phần Trung Quốc vào chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc có thể phải xem xét lại phần nào đó các tham vọng R&D toàn cầu của mình”. Anh Vũ tổng hợp Nguồn: https://sciencebusiness.net/news-byte/european-companies-are-putting-more-money-rd-china https://news.yahoo.com/china-r-d-key-part-093000297.html? Báo cáo “China’s Innovation Ecosystem: Right For Many, But Not For All” Nguồn tin: Tia Sáng
Từ khóa:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
|
Thống kê truy cập Website
|
||||||
Ý kiến bạn đọc