Các nhà khoa học mới đây đã xác định chính xác những biến động trong quần thể người Neanderthal ở châu Âu – từ dấu vết của máu và phân mà họ để lại trong một hang động ở Tây Ban Nha cách đây 100.000 năm.
Mô hình người Neanderthal tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London. Ảnh: Malcolm Park editorial/Alamy Stock Photo
Phát hiện này là minh chứng quan trọng đầu tiên cho thấy tiềm năng của một kỹ thuật mới, cho phép các nhà khoa học nghiên cứu DNA có trong trầm tích hang động. Không cần hóa thạch hoặc công cụ đá, chỉ những dấu vết nhỏ của vật liệu di truyền tích tụ trong bụi của một tầng hang động cũng đủ để vén lên bí mật quá khứ. Một nhà khoa học ví von sức mạnh của việc phân tích DNA từ cát bụi trong hang động hệt như “chiết xuất bụi vàng từ không khí”, và cho rằng phương pháp này có thể thay đổi hiểu biết về cách tổ tiên của chúng ta đã sống và sinh hoạt. GS. Chris Stringer thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, London, cho biết: “Bạn không cần phải có công cụ bằng đá hay xương hóa thạch để tìm hiểu xem người cổ đại đã sống hoặc làm việc tại một địa điểm bất kỳ hay chưa. Tất cả những gì bạn cần là DNA mà họ để lại trong đống đá vụn của ngôi nhà hang động họ từng sống. Điều đó có ý nghĩa to lớn đối với tất cả những nghiên cứu khám phá”.
Trong thời gian tới, các nhà khoa học dự định sẽ phân tích DNA từ cát bụi trong hang động của người Denisovan - một nhánh thuộc họ người (hominin) đã tuyệt chủng, sống ở Đông Á cách đây hàng chục nghìn năm. Thông qua việc nghiên cứu trầm tích trong các hang động và những địa điểm khác ở Ấn Độ, Trung Quốc và các khu vực khác ở châu Á, họ có thể khám phá bức tranh toàn cảnh những nơi mà người Denisovan đã sống trước khi tuyệt chủng.
Trước đây, các nhà khoa học thường không có được bằng chứng cụ thể. Mãi cho đến năm 2017, Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck (Đức) đã phát triển kỹ thuật này và công bố một bài báo trên tạp chí Science, trong đó tiết lộ có thể xác định DNA của người Neanderthal giữa vô số các vật liệu di truyền khác có trong những hang động.
Giờ đây, bằng công cụ này, họ có thể xác định danh tính di truyền chính xác của người Neanderthal từng sống trong hang động Galería de las Estatuas ở miền Bắc Tây Ban Nha và công bố trên Science. “Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng hang động Galería de las Estatuas, và có được bằng chứng rõ ràng về việc người Neanderthal đã sống ở đó hàng chục nghìn năm”, Benjamin Vernot, tác giả chính của nghiên cứu, cho hay. “Chúng tôi không nghĩ là họ chôn người chết ở đó, nhưng chúng tôi tin rằng họ đã mổ thịt con mồi ở đó. Đôi khi, họ vô tình cắt trúng tay mình và chảy máu xuống nền hang. Tương tự, những đứa trẻ để lại phân ở đó, và do vậy, DNA của chúng cũng sẽ bị để lại theo”.
Điểm mấu chốt là các nhà cổ sinh vật học và khảo cổ học đã xem xét kỹ lưỡng Galería de las Estatuas, từ đó đưa ra những phân tích chính xác về niên đại. “Điều đó có nghĩa là chúng tôi có thể đưa ra thời điểm chính xác cho các mẫu DNA mà chúng tôi tìm thấy”, Vernot cho biết. Và nó dẫn đến một khám phá bất ngờ. Họ phát hiện ra, khoảng 100.000 năm trước, nhóm người đã sống trong hang động suốt hàng thiên niên kỷ đã bị thay thế bởi một nhóm người Neanderthal hoàn toàn khác.
Tuy thừa nhận không biết liệu đây là một sự thay thế bạo lực hay là một quá trình diễn ra từ từ nhưng Vernot chỉ ra, vào khoảng thời gian này khí hậu Trái đất có những thay đổi đáng kể. “Có thể là nhóm người đầu tiên không thể chịu đựng hoặc sống sót qua cái lạnh ở khu vực Galería de las Estatuas và họ đã chết, hoặc quyết định rời đi. Sau đó, khi thời tiết ổn hơn, một quần thể mới – với một dấu hiệu di truyền khác – đã chuyển đến”, Vernot nói thêm.
“Rất khó để có được một bức tranh toàn cảnh về cách quần thể người cổ đại, chẳng hạn như người Neanderthal, di chuyển quanh các khu vực, nếu chỉ dựa trên những mẩu xương và công cụ đá”, ông nói. “Tuy nhiên, với kỹ thuật phân tích DNA này, nó sẽ mở ra một cơ hội hoàn toàn mới để hiểu về thời tiền sử của tổ tiên ta”. □
Anh Thư dịch
Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2021/may/16/tiny-traces-of-dna-found-in-cave-dust-may-unlock-secret-life-of-neanderthals#_=
Ý kiến bạn đọc