|
Tàu Trung Quốc phong tỏa giàn khoan 981 trong thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển. |
Hội thảo này do Đại học Đà Nẵng và Đại học Phạm Văn Đồng phối hợp tổ chức, quy tụ nhiều nhà nghiên cứu lâu năm về Biển Đông từ Mỹ, Australia, Pháp..., thông cáo của hội thảo cho hay.
Với hai phiên thảo luận chính, các học giả sẽ tập trung thảo luận về thực tế tranh chấp hiện nay tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền của Việt Nam, tác động của tranh chấp với hòa bình và an ninh khu vực, triển vọng giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế.
Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu nước ngoài sẽ công bố những tư liệu cho thấy Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền tại Biển Đông từ lâu, cái nhìn toàn cảnh về tham vọng của các nước ở hai quần đảo này, so sánh giải pháp quân sự và pháp lý...
Ngày 21/6, các đại biểu sẽ tham dự buổi tọa đàm về sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Cùng ngày, Triển lãm với chủ đề “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” cũng khai mạc tại Bảo tàng Đà Nẵng. Triển lãm trưng bày các tư liệu, hiện vật lần đầu tiên được công bố, là những bằng chứng lịch sử khẳng định Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, liên tục từ nhiều thế kỷ nay.
Hội thảo diễn ra sau khi Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đến thăm Việt Nam để bàn về hợp tác song phương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp ông Dương Khiết Trì đã nhấn mạnh tính nghiêm trọng và tác động rất tiêu cực của việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam.
Tổng Bí thư khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan 981 khi trao đổi với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Ý kiến bạn đọc