GS Phan Huy Lê - Một trí thức công

Đăng lúc: Chủ nhật - 08/07/2018 08:56 - Người đăng bài viết: admin
Đã có nhiều bài viết về GS Phan Huy Lê, một trí thức lớn của đất nước, người “dẫn dắt sự phát triển của sử học”, một người “tổng kết lịch sử” và “đổi mới sử học” Việt Nam. Bài viết này góp thêm một góc nhìn về vai trò của GS Phan Huy Lê với tư cách là một trí thức công (public intellectual) và những đóng góp to lớn của ông vào quá trình phát triển và bảo tồn di sản văn hóa và lịch sử của đất nước.

 


Cố GS Phan Huy Lê đi khảo sát tại Cổ Loa. Nguồn ảnh: Trịnh Hoàng Hiệp. 

Ở Việt Nam hiện nay vẫn đang tồn tại một cách hiểu thô sơ nhưng khá khổ biến cho rằng “trí thức là người lao động trí óc, có trình độ đại học và tương đương trở lên”. Cách hiểu như vậy còn tương đối phiến diện vì nó chỉ xem xét người trí thức ở các khía cạnh nghề nghiệp và học vấn. Cách hiểu “trí thức là người lao động trí óc” và “giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.”1 khá đơn giản, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ phủ nhận vai trò và trách nhiệm xã hội của giới trí thức. Cũng có những ý kiến khác nhìn nhận thực trạng của giới trí thức nước ta hiện nay như một nhóm công dân ngại đụng chạm, sợ ảnh hưởng quyền lợi cá nhân và không ý thức được trách nhiệm của mình với xã hội.2

Trong một công trình nghiên cứu nổi tiếng được trích dẫn nhiều của nhà kinh tế học Marxist người Mỹ Paul Baran “Sứ mạng của người trí thức”3 đã cho rằng cần phải phân biệt bằng một lằn ranh giữa hai khái niệm người lao động trí óc và người trí thức. Theo ông, người lao động trí óc có thể là người trí thức, nhưng sự khác nhau căn bản giữa hai khái niệm này là ở thái độ của họ đối với toàn bộ quá trình lịch sử. Người trí thức thực sự không chỉ khát khao nói lên sự thật, mà còn phải can đảm, phải dám suy nghĩ đến cùng sự việc. Trong khi đó, những người lao động trí óc thông thường chỉ là hình ảnh điển hình của những đầy tớ trung thành, của một nhân viên thừa hành, thường “bị nhốt cứng trong các ngăn kiến thức”, và hay “thoái thác trách nhiệm” để lo lấy phần của mình.  

Nhắc lại quan điểm của Baran ở đây để thấy rằng có một cách nhìn phổ quát trên thế giới về khái niệm trí thức trong đó cho rằng lao động trí óc chỉ mới là điều kiện cần để làm một trí thức. Một người được xem là trí thức còn phải làm được hơn thế. Người trí thức cũng giống như “con mắt của thế giới”, quan tâm đến các vấn đề của xã hội với một tinh thần phê phán, phổ biến các tri thức mà mình tạo ra cho xã hội, và có ý thức về bổn phận tham gia tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề xã hội.

Trở lại với trường hợp của GS Phan Huy Lê, có thể thấy toàn bộ quá trình sáng tạo tri thức và hoạt động xã hội của ông đã thể hiện đầy đủ vai trò và sứ mạng của một trí thức công, một bản lĩnh khoa học và một tấm lòng đau đáu với hiện tình đất nước.

Các đồng nghiệp của GS Phan Huy Lê khi còn ở Khoa Sử (Đại học Tổng hợp Hà Nội) thường gọi GS Phan Huy Lê bằng cái tên âu yếm rằng thầy là một “sử quan”. Cách gọi như vậy có ngụ ý rằng thầy quan tâm đến chính sử và thường được nhà nước giao cho biên soạn những bộ sử kiểu “tập đại thành”, phản ánh quan điểm chính thống, toàn diện về lịch sử dân tộc. Điều đó đúng, nhưng không có nghĩa thầy chỉ viết sử để làm thỏa mãn thái độ tự tôn hay ý thích của những người lãnh đạo, mà viết sử bằng thái độ của một sử quan, nghĩa là trung thành với sử liệu đã có. Lý thuyết “tiếp cận bộ phận” xuất bản gần đây của GS đã tổng kết quan điểm nghiên cứu của mình, trong đó ông tập trung nghiên cứu sâu các trung tâm văn minh, các nhà nước đã từng hình thành và tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam, các cộng đồng cư dân, các mối liên hệ vùng, liên vùng và xuyên quốc gia để từ đó hiểu được toàn bộ lịch sử dân tộc. Thực ra, cách tiếp cận như vậy không hề dễ dàng. Câu chuyện biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (xuất bản 1985) cho thấy trung thành với sử liệu đã đành, đưa sử liệu vào chính sử là một chuyện khác. Lần đầu tiên GS Phan Huy Lê với tư cách chủ biên bộ Lịch sử Việt Nam (1985), đã đưa vào chính sử một chương hoàn toàn mới về Vương quốc Chăm Pa, gây ra lo ngại rằng thừa nhận Vương quốc Chăm Pa, cũng như các nhà nước Lâm Ấp, Phù Nam, văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo là thừa nhận quá trình xâm thực của người Việt và có thể gây hiểu lầm và chia rẽ. GS Phan Huy Lê đã trung thành với quan điểm “lịch sử là sự thật”, và không ngại ngần trao đổi với những ý kiến thiển cận phi sử học về lịch sử Việt Nam. Những quan điểm như vậy đang được GS tiếp tục vận dụng vào biên soạn bộ quốc sử mới gồm 25 tập với tư cách là một tổng chủ biên. Đã có những phản hồi tiêu cực về việc bổ sung những sự kiện lịch sử còn thiếu trong quốc sử, như cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới 1979, hay cách nhìn nhận mới về các chế độ xã hội khác nhau từng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng GS vẫn kiên trì thuyết phục các đồng nghiệp để đảm bảo sự tôn trọng tuyệt đối với các sự kiện, không cắt xén, bàng quan và coi thường các sự kiện trong toàn bộ quá trình lịch sử của dân tộc.      

Trong các buổi thảo luận về Thời đại Hùng vương ở Khoa Sử trước đây, GS Phan Huy Lê đã nêu nhận xét rằng các bộ chính sử của các triều đại trước thường không đưa thời đại các vua Hùng vào chính sử, mà chỉ để ở phần ngoại kỷ như một nguồn tham khảo bởi thiếu sử liệu chính thức. Các nhà nghiên cứu theo quan điểm dân tộc hẹp hòi muốn đẩy lịch sử dân tộc xa hơn. Tuy nhiên, GS Phan Huy Lê, trong khi thừa nhận các nguồn tư liệu khác như truyền thuyết dân gian, khảo cổ học, ngôn ngữ học, cổ nhân học như những nguồn tài liệu tham khảo quan trọng, song vẫn trung thành với quan điểm cho rằng không thấy những sử liệu ghi chép xác thực về thời đại Hùng vương. Cách nhận xét như vậy cho thấy khi viết sử, ông trung thành với sử liệu chứ không chạy theo lối tư duy cảm tính, chủ quan và áp đặt.

GS Phan Huy Lê đã nghiên cứu và cho xuất bản một số chuyên khảo về khởi nghĩa Lam Sơn chống lại sự đô hộ của Nhà Minh và phong trào nông dân Tây Sơn chống quân xâm lược Mãn Thanh, thống nhất đất nước. Trong bối cảnh những năm chiến tranh, việc đề cao lòng yêu nước và ý chí quật cường dân tộc có tầm quan trọng to lớn dẫn dắt nhân dân đi vào cuộc kháng chiến giữ nước thần thánh. Nhưng ông cũng là người đòi sự công bằng trong cách nhìn nhận vai trò của các triều đại Hồ, Mạc và Nguyễn đối với lịch sử dân tộc. Ông chủ trương đề cao tư tưởng cải cách của triều đại Hồ Quý Ly, minh định lại vai trò của Nhà Mạc và cá nhân Thái tổ Mạc Đăng Dung trong lịch sử. Đặc biệt, hội thảo về nhà Nguyễn năm 2008 của Hội Sử học mà ông làm Chủ tịch đã thực sự làm một cuộc đột phá để nhìn sâu hơn, khách quan hơn vào các nhân vật và vương triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc, đồng thời mở ra một bầu không khí học thuật cởi mở, cố gắng thoát khỏi những định kiến và các khung lý thuyết đậm chất ràng buộc chính trị dẫn đến những nhận xét thiếu công bằng. Ông cho rằng “nhận thức lịch sử là một quá trình tiến tới tiếp cận lịch sử một cách càng ngày càng khách quan, trung thực, gần với sự thật lịch sử nhất trong khả năng của các nhà sử học”4. Ông thẳng thừng phê phán những sai lầm của chủ nghĩa giáo điều, công thức, máy móc trong việc vận dụng lý thuyết hình thái kinh tế xã hội vào việc đánh giá tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Ông viết:

“Áp dụng lý thuyết hình thái kinh tế xã hội và đấu tranh giai cấp một cách giáo điều đã dẫn đến những hệ quả đưa ra những phân tích và đánh giá lịch sử thiếu khách quan, không phù hợp với thực tế lịch sử. Không riêng các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn mà những nhân vật lịch sử liên quan, và rộng ra cả vương triều Mạc trước đó, đều bị đánh giá theo quan điểm chưa được khách quan, công bằng như vậy.”5

Một sự kiện gần đây gây ồn ào giới truyền thông là việc GS Phan Huy Lê công khai viết bài và phát biểu trên nhiều kênh thông tin chính thức khẳng định một sự thật là nhân vật Lê Văn Tám không có thật. Đó chỉ là một tượng đài được tạo dựng và nhào nặn. Phản ứng lại thái độ này, đã có những quan điểm nghi ngờ động cơ đằng sau sự kiện. Tuy nhiên ông đã điềm tĩnh nhưng mạnh mẽ đáp lại:

“Theo quan điểm của tôi, mọi biểu tượng hay tượng đài lịch sử chỉ có sức sống bền bỉ trong lịch sử và trong lòng dân tộc khi được xây dựng trên cơ sở khoa học, khách quan và chân thực”.6

Không chỉ là những quan điểm trong học thuật, GS Phan Huy Lê cũng là nhà sử học đã phản biện mạnh mẽ và nhiệt thành các dự án phát triển có nguy cơ làm tổn hại đến di sản văn hóa và lòng tự hào về lịch sử dân tộc. Còn nhớ hồi những năm 1970, trong khi nhiều lãnh đạo nhà nước lập kế hoạch và miệt mài “đi tìm điểm cao” để di chuyển thủ đô về Xuân Mai, GS Phan Huy Lê đã cùng với GS đồng nghiệp Trần Quốc Vượng, và nhiều nhà khoa học khác, đã thẳng thắn góp ý không nên di chuyển thủ đô. Ý kiến tâm huyết của các nhà sử học và kiến trúc có trách nhiệm xã hội đã được nhìn nhận, để hôm nay, ta còn có được một “thành phố sông hồ” với lớp lớp văn hóa ngàn năm của một thủ đô cổ kính, một thành phố hòa bình và tươi đẹp, niềm tự hào của một đất nước có lịch sử ngàn năm. Tinh thần phản biện và trách nhiệm xã hội của trí thức đã dẫn dắt GS Phan Huy Lê ngay từ đầu tham gia và sáng lập Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (2007-2009), cùng với các trí thức nổi danh khác như Hoàng Tụy (Chủ tịch Hội đồng Viện), Nguyễn Quang A (Viện trưởng), Phạm Chi Lan (Viện phó),  Lê Đăng Doanh, Chu Hảo, Tương Lai, Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương, Vũ Quốc Huy, Nguyên Ngọc, Nguyễn Trung, Phan Đình Diệu, Vũ Kim Hạnh, Phạm Duy Hiển, Huỳnh Sơn Phước. Viện IDS dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng tư tưởng độc lập, tư duy khoa học và tinh thần phản biện của nó vẫn mãi mãi được xem là một tượng đài cho lòng nhiệt huyết của các trí thức với đất nước, muốn mang tri thức của mình ra phục vụ xã hội và nhân dân. Họ đã ý thức được một cách rõ rệt, trí thức không chỉ là người lao động bằng trí óc, mà phải là người thức tỉnh dân tộc.

Nhìn vào đội ngũ các “hiền tài” đã mang tri thức giàu có của mình tận tâm phụng sự nhân dân và dân tộc, ta thấy trong số họ có GS Phan Huy Lê. Ông không chỉ dẫn dắt công cuộc nghiên cứu lịch sử dân tộc trong hơn nửa thế kỷ qua mà còn là người mở đường cho lớp lớp học trò đi theo con đường mà ông đã khai mở. Với nguồn tri thức sáng tạo vô tận và sức truyền cảm lay động lòng người của mình, ông xứng đáng là một nhà sử học lỗi lạc, một bậc thầy và một trí thức sống mãi trong lòng công chúng.  
----------
*PGS.TS Nguyễn Văn Chính, chủ nhiệm Bộ môn Nhân học phát triển, Khoa Nhân học, ĐH KHXH&NV, vốn được GS Phan Huy Lê trực tiếp dìu dắt và là người đầu tiên sau chiến tranh được gửi sang ĐH Amsterdam, Hà Lan đào tạo tiến sỹ về KHXH. Trong những năm 1990 - 2004, TS Nguyễn Văn Chính là trợ lý khoa học-đối ngoại của GS Phan Huy Lê tại Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu và Giao lưu Quốc tế.

Chú thích:
1 Ý kiến của GS Ngô Bảo Châu, đăng trên Tuổi Trẻ, ngày 20/1/2012.
2 Ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết, Kiến Thức, ngày 31/1/2012.
3 Paul Baran, 1961. ”The Commitment of the Intellectual”, In: Monthly Review, May 1961.
4 Phan Huy Lê:” Khách quan, trung thực, công bằng về triều Nguyễn”. Bài đăng trên Trí Thức, ngày 26/6/2018.
5 Phan Huy Lê, bài đăng trên Trí Thức, đã dẫn.
6 Phan Huy Lê, 2009. “Trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám” in trong Tạp chí Xưa & Nay, số tháng 10 / 2009.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Chính

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 11
  • Hôm nay: 2897
  • Tháng hiện tại: 85436
  • Tổng lượt truy cập: 25636018