|
|||||||
Giải pháp ngăn chặn chảy máu chất xám: Phải được triển khai ở tầm quốc giaĐăng lúc: Thứ bảy - 02/11/2019 21:56 - Người đăng bài viết: admin
Vấn đề đặt ra không còn là cứ nhắc đi nhắc lại làm gì để ngăn chặn chảy máu chất xám, điều chúng ta đã biết từ vài thập kỷ nay, mà là lý giải vì sao chưa tìm ra được những giải pháp triển khai có hiệu quả..
Sinh viên chúng ta hằn sâu ý nguyện du học ngay cả khi đã bước chân vào giảng đường đại học trong nước. Nguồn: USTH Gần đây, chúng ta đọc các câu chuyện trên báo chí, nhắc nhở chúng ta về sự trì trệ này. Năm ngoái là câu chuyện về giáo sư Trương Nguyện Thành của đại học Hoa Sen ở TP HCM, người trở về từ nước Mỹ để cống hiến cho giáo dục đại học ở Việt Nam; ông được Hội đồng quản trị của trường bầu chọn (16 phiếu ủng hộ, 2 phiếu trắng) làm hiệu trưởng; người ta chú ý đến ông bởi hành xử đôi khi khác thường, và sự khuyến khích sinh viên tư duy độc lập thay vì chỉ nghe lời một cách thụ động; thế rồi cơ quan quản lý giáo dục không đồng ý việc bổ nhiệm hiệu trưởng của ông, với lý do là ông “chưa đủ kinh nghiệm”. Hằng năm chúng ta nghe về chương trình truyền hình Đường lên đỉnh Olympia, và phàn nàn rằng tốt hơn nên gọi đó là Đường đến Australia, khi mà mười lăm người trong số mười sáu quán quân đi du học Australia mà không trở về. Bản thân chúng tôi biết rõ vấn đề này: năm nào chúng tôi cũng tham gia giúp bồi dưỡng đội tuyển Việt Nam tranh tài tại giải Olympiads Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế. Quả là vui khi được góp phần rèn luyện những học sinh mạnh mẽ đầy tâm huyết như vậy. Nhưng khi chúng tôi hỏi về nguyện vọng tiếp theo của bản thân, tất cả đồng thanh trả lời rằng mong muốn đi du học. Như thường thấy, có quá nhiều điều cần thay đổi, hay ít nhất cần cải thiện, khiến khó để biết đâu là điểm xuất phát, đâu là những việc cần ưu tiên. Tất cả chúng liên quan mật thiết đến nhau. Chúng ta không thể chống tham nhũng mà không cải thiện chế độ lương và đãi ngộ trong khu vực công; hay ngược lại. Vậy nên chúng ta tự bằng lòng với những thay đổi vừa phải, mỗi ngày từng chút một. Nhưng với giáo dục đại học chúng ta không thể quản trị theo cùng một cách như quản lý dự án Metro Hà Nội, theo kiểu trì hoãn hết lần này tới lần khác. Với giáo dục đại học, chúng ta đang lãng phí không chỉ hàng tỷ đô la, mà là trí não của thanh niên, thứ tài sản quý báu nhất của quốc gia. Như tôi thường viết trên Tia Sáng, ưu tiên hàng đầu là làm sao để thế hệ trẻ ý thức được rằng tương lai đang nằm trong tay họ: sẽ chẳng có thay đổi nào nếu họ không quyết tâm tự thay đổi. Mà muốn vậy thì họ phải được khuyến khích tự thay đổi, điều không xảy ra trên thực tế. Không lâu sau khi đến Việt Nam, tôi có cơ hội gặp lãnh đạo Khoa Vật lý Trường Đại học Khoa học tự nhiên của Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi tôi dạy vật lý thiên văn. Ông bày tỏ niềm tự hào rằng một phần đáng kể sinh viên của mình, sau khi tốt nghiệp đã ra nước ngoài để học lên cao hơn. Tôi bảo ông rằng tốt hơn nên phấn đấu để có thể tiếp nhận nhiều sinh viên quốc tế đến học ở Khoa. Ông nhìn tôi như thể gặp người từ Sao Hỏa. Gốc rễ của vấn đề là người Việt nhìn nhận đầy bi quan về các đại học trong nước cũng như sự thiếu quyết tâm của các cơ quan hữu quan nhằm giải quyết vấn đề một cách có trách nhiệm. Điều nghịch lý là người Việt thích gửi con em đi du học vì tin tưởng hơn vào chất lượng giáo dục và học thuật của nước ngoài, nhưng về phía các cơ quan quản lý lại xem nhẹ việc lắng nghe những tư vấn chuyên môn từ các chuyên gia quốc tế. Chẳng ai có chút tin tưởng nào, rằng học sinh, sinh viên Việt Nam cũng thông minh chẳng kém quốc tế, và đã đến lúc vận dụng tài năng của họ để phát triển nền tri thức cùng năng lực trong nước. Hậu quả sinh viên chúng ta hằn sâu ý nguyện du học ngay cả khi đã bước chân vào giảng đường đại học trong nước. Chúng tôi chứng kiến trực tiếp điều này do có quan hệ gần gũi với trường USTH, còn gọi là “Đại học Việt – Pháp”. Sinh viên theo học ở đây vì đó là cơ hội để rời khỏi đất nước; họ sẽ tự thấy mình thất bại nếu phải tham gia một nhóm làm thạc sỹ trong nước trong khi chúng bạn tìm được học bổng du học. Sự bất bình đẳng trên thế giới ngày nay hiển hiện rõ ràng đến tất cả chúng ta với những vấn nạn to lớn, khi người từ các nước nghèo tìm cách di cư trong khi các nước giàu tìm cách dựng lên những bức tường chắn, nền dân chủ bị đe dọa bởi trào lưu dân túy. Khi Donald Trump phát biểu tại phiên họp đại hội đồng Liên hiệp quốc rằng “mỗi quốc gia có mặt trong hội trường này có một lịch sử, văn hóa và di sản quý báu xứng đáng được bảo vệ và ca tụng, điều mang đến cho mỗi chúng ta một tiềm năng và sức mạnh độc nhất”, thì liệu ông ta có nhận thức rằng lịch sử, văn hóa và di sản của đất nước Thụy Sỹ là ngồi ôm két sắt nắm giữ của cải trên toàn thế giới, trong khi Bangladesh phải gồng mình chống chịu những cơn lũ lụt ở châu thổ Ganges? Nếu muốn thế hệ trẻ nắm lấy tương lai trong tay, chúng ta phải khuyến khích họ làm điều ấy. Đây không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Như Phạm Văn Đồng từng nói: tiến hành một cuộc chiến tranh có thể đơn giản, nhưng vận hành một đất nước rất khó. Vinh quang và niềm tự hào của đất nước là đã giành thắng lợi trong nhiều cuộc chiến; nhưng thách thức ngày nay là làm sao giành thắng lợi trong thời bình. Nhìn thấy cỏ phía bên kia xanh hơn, nhưng giới trẻ cần ý thức rằng mình có trách nhiệm tưới tắm cho bờ cỏ của mình xanh tốt hơn, thay vì tìm cách nhảy qua hàng rào. Họ cần ý thức rằng vì tương lai con em mình sau này, cần đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân. Họ cần có một ý thức trách nhiệm chung để thấy rằng tương lai của đất nước nằm trong tay mình, để có dũng khí và lòng quyết tâm đấu tranh cho sự tiến bộ. Điều đó đòi hỏi nâng cao ý thức công dân, một nguồn cảm hứng mà chỉ những người lãnh đạo đất nước mới có thể khơi dậy; không một cá nhân riêng lẻ nào, dù dũng cảm và bao dung đến đâu, có thể tự mình đối diện với nhiệm vụ lớn lao đến vậy; giải pháp cho vấn đề đặt ra phải được triển khai ở tầm quốc gia. Thanh Xuân dịch
Tác giả bài viết: Pierre Darriulat
Từ khóa:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
|
Thống kê truy cập Website
|
||||||
Ý kiến bạn đọc