Cách đây không lâu, tôi có nhìn thấy Perelman. Khi đang ngồi trong quán café “Chaynikoff” tại Kupchino và ngắm phố qua khung cửa sổ thì thấy ông xuất hiện. Perelman đi vội vã. Người đàn ông dáng cao, xanh xao, đầu hói với bộ râu bay lất phất và chiếc túi nhựa trong tay. Tôi không nhìn rõ những móng tay dài huyền thoại của ông.
Perelman có lí do đạo đức để từ chối huy chương Fields và không nhận số tiền một triệu đô.
Tôi trả tiền, bước vội ra khỏi quán và chỉ kịp nhìn thấy ông phía sau lưng và chiếc áo vét nhàu nhĩ. Perelman bước những bước dài, vượt ngã tư và đột nhiên biến mất như thể con đường nhựa ẩm ướt đã nuốt mất ông, hay ông biến vào ảo ảnh của chính mình.
Không phải ma nhưng Grigory Perelman thực sự đã trở thành nhân vật của Gogol: “Perelman ngu ngốc”. Một trong những nhà toán học thiên tài của đương đại đang bước đi trong khu dân cư của Piter (St. Peterburg-ND) với một tấm áo vét nhàu nát và cái túi nhựa trong tay. Với những người như vậy, tiếng Nga vĩ đại đã tìm cho một từ mới “kẻ thất bại”.
Perelman phạm hai sai lầm lớn mà cả nước Nga lẫn nhân loại không thể tha thứ. Sai lầm thứ nhất là ông đã chứng minh được giả thuyết Poincaré, bài toán mà các nhà toán học trên thế giới tìm mãi không ra lời giải. Sai lầm thứ hai còn tồi tệ hơn: ông từ chối nhận số tiền một triệu đô la được trao từ quỹ của Mỹ cho người giải được “bài toán thiên niên kỉ”.
Vấn đề không phải là người ta không hiểu và ghét Perelman, không nằm ở chỗ các ống kính truyền hình luôn bám trực ông như đeo bám người tuyết vừa trốn khỏi sở thú, hay việc Masha Gessen, nhà báo có tiếng của giới báo chí tự do Moscow, đã say mê xứng tầm với nền báo chí lá cải Anh trong việc mô tả cái mùi khó ngửi của tấm đệm mà Perelman từng ngủ. Và vấn đề cũng không phải là việc ông đã dùng đôi giày lạc mốt của mình đạp lên đồng tiền - cái giá trị tối thượng của không gian hậu Xô viết.
Vấn đề nằm ở chỗ Grigory Perelman chính là gương mặt đại diện cho số phận của nền khoa học Nga đương đại. Ông đã thành biểu tượng của cả một thế hệ các nhà khoa học trưởng thành từ nhà trường Xô viết, những người mà sau đó phương Tây tìm cách thu hút, mời chào nhưng họ quyết trung thành với Tổ quốc. Nhưng ngược lại, Tổ quốc đã không quan tâm đến họ, những đứa con của mình, cả tài năng lẫn sự trung thành.
Đầu những năm 90, nhà toán học trẻ Perelman đã từng sống một số năm ở Mỹ, nơi mà tài năng của ông được đánh giá tại nhiều trường đại học. Thế nhưng Perelman đã từ chối mọi lời mời và quay về St. Peterburg. Và ở đó ông đã tạo nên kì tích. Năm 2002 ông công bố chứng minh giả thuyết Poincaré trên trang web khoa học tương đối khiêm tốn http://www.archive.org .
Nhưng câu chuyện lại tiếp tục chính tại phương Tây. Năm 2004, các đồng nghiệp người Mỹ đã xác nhận chứng minh của ông là đúng đắn và đầy đủ. Ông chính là người đã giải quyết thành công “bài toán thiên niên kỉ”. Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì mà giới cầm trịch của làng toán học thế giới không vội chính thức chúc mừng người chiến thắng. Ngược lại, tại Mỹ xuất hiện một nhóm các nhà toán học Trung-Mỹ trơ trẽn tự cho mình chứ không phải Perelman mới chính là người tạo ra bước quyết định trong việc chứng minh giả thuyết Poincaré. Công bằng mà nói, nhiều nhà toán học Trung Quốc và Mỹ khác đã bảo vệ Perelman và âm mưu đó bị sụp đổ. Nhưng chỉ đến năm 2006, người ta mới trao cho ông huy chương Fields, giải thưởng toán học cao nhất trên thế giới. Và để trao tặng ông số tiền một triệu đô như đã hứa cho người giải được bài toán Poincaré, người Mỹ mất thêm đúng bốn năm. Trong câu chuyện này, ta dễ cảm nhận được sự thiếu tôn trọng.
Perelman có lí do đạo đức để từ chối huy chương và không nhận số tiền một triệu đô.
Thế còn Tổ quốc đã làm gì cho Perelman? Trong những năm đó ai, trong số những nhà khoa học Nga có uy tín đã đứng ra bảo vệ nhà toán học thiên tài? Nước Nga đã trao tặng ông giải thưởng gì? Ông có được mời đến điện Kremli để nhận lời cám ơn vì chiến thắng huy hoàng mà ông đã đem lại cho Tổ quốc? Và tại sao Viện Hàn lâm Khoa học Nga phải mất đến chín năm mới đưa ra được quyết định kết nạp ông vào đội ngũ ưu tú của mình?
Chính quyền của các bạn, xã hội của các bạn lúc nào cũng thích phàn nàn là phương Tây luôn tìm cách lôi kéo và ăn cắp những cái đầu thông minh nhất của nước Nga. Nhưng nước Nga đã làm gì cho những người ở lại?
Số người ở lại không ít. Ví dụ như Sergey Ruksin, nhà toán học và nhà sư phạm, người đã đào tạo cậu bé Perelman tại câu lạc bộ của mình. Ruksin là nhà giáo nổi tiếng thế giới. Ngoài Perelman, học trò của ông còn là Stanislav Smirnov - người cũng được huy chương Fields, Alexander Khalifman – nhà vô địch cờ vua thế giới và hơn 80 người đoạt huy chương Olympic toán học quốc tế (trong số đó có hơn 40 huy chương vàng),…
Còn Tổ quốc đã đánh giá thế nào về những đóng góp của ông? Ruksin, tiến sỹ khoa học Toán học, nhận được lương tháng 14.000 rúp (ND: 14.000 rúp tương đương với 450USD, thấp hơn nhiều lần so với lương của nhân viên bình thường làm tại doanh nghiệp). Nhưng không buồn, ông có thể kiếm tiền ở những nơi khác. Ngoài ra ông còn dẫn dắt câu lạc bộ huyền thoại của mình trên cơ sở thiện nguyện, công ích.
Vẫn như 30 năm trước đây, hai lần mỗi tuần, mỗi lần bốn tiếng, Ruksin và những cộng sự trẻ nhiệt huyết của mình tham gia giảng dạy cho các học sinh tài năng của thành phố Piter. Có hơn 200 học sinh theo học tại trung tâm toán học của ông. Nhà nước không ngăn cản, thậm chí đôi khi còn giúp đỡ, cho học sinh phiếu đi trại hè. Nhưng nói chung là nhà nước không quan tâm đến họ. Ruksin không hề được nhận giải thưởng hay huy chương nào. Và tất nhiên, sau năm năm kể từ ngày trao giải Fields cho Perelman, cả Tổng thống cũng như Thủ tướng đều không thể dành chút thời gian để chúc mừng người thầy hay trung tâm toán học của ông với những thành tựu kiệt xuất của các học trò.
Mà câu lạc bộ hoạt động miễn phí, theo phương pháp Xô viết cổ điển của Ruksin. Phương pháp mà ông tuyên bố là dựa trên những giá trị nhân văn về giáo dục của Humboldt. Học trò của ông giải các định lý từ các lĩnh vực toán học khác nhau. Ngoài ra Ruksin còn gợi tạo sự hứng thú của trẻ đối với các môn sinh học, thơ ca, âm nhạc và lịch sử. Ông dạy cho chúng tìm kiếm các mối quan hệ từ các sự kiện, hiện tượng và ý tưởng khác nhau.
Trẻ em trong câu lạc bộ của ông thông minh và say mê như chính thời Perelman theo học. Ruksin không loại trừ là trong số họ sẽ xuất hiện một Perelman mới. Nhưng ông nghi ngờ là mình và mọi người vẫn sẽ trung thành với Tổ quốc như trước. “Giới trẻ hoặc sẽ bỏ đi hoặc sẽ chuyển sang kinh doanh”.
Điều này dễ hiểu. Liệu có thể mong đợi họ làm hết mình trong trường đại học với tư cách là nghiên cứu sinh, phó giáo sư hay giáo sư với lương tháng không bằng số tiền hối lộ mà một cảnh sát giao thông Moscow kiếm được trong một đêm? Đừng mong đợi ở thế hệ trẻ sự khắc khổ của Perelman hay sự nhiệt tình của Ruksin. Ở nước ngoài, họ được chào đón tại những bộ môn danh giá của các trường đại học Mỹ, Âu và Đông Nam Á, hay tại các trung tâm nghiên cứu của Microsoft và Apple. Còn trên quê hương mình, họ chỉ nhận được tiếng cười khinh bỉ: “Xem kìa, đồ thất bại!”
Ở nước Nga, mỗi thằng ngốc đều có thể mua được tấm bằng đại học hay danh hiệu phó tiến sĩ tại các đường hầm qua đường. Phần lớn các chỗ làm thơm ngon được dành không phải cho những người tài năng mà cho kẻ đục khoét. Chính phủ Nga có tiền để mua tàu chiến Pháp, để xây những thành phố nano sáng tạo và chào mời người Nga quay về, những người đã trở thành ngôi sao khoa học thế giới. Nhưng họ thậm chí không thèm thử kiếm tiền để trả cho những nhà khoa học trẻ của mình một mức lương có tính cạnh tranh.
Hãy thử tưởng tượng một câu lạc bộ bóng đá mà ban huấn luyện đã đào tạo hết cầu thủ siêu tài này đến cầu thủ siêu tài khác nhưng lãnh đạo không thích phong cách lỗi thời của các huấn luyện viên trẻ và không coi trọng học trò của họ. Ban lãnh đạo tiếc rẻ mà không đưa ra những hợp đồng xứng đáng với các cầu thủ. Những cầu thủ này bỏ sang Anh, Tây Ban Nha. Và khi thành siêu sao, câu lạc bộ ruột thịt của chính họ mới sẵn sàng chi số tiền khổng lồ để mời họ quay lại. Đây chính là chính sách khoa học-nhân sự theo kiểu Nga. Nhưng điều buồn nhất là người huấn luyện viên cuối cùng cũng sắp thôi việc.
Còn Perelman? Nghe nói ông là người cực đoan về đạo đức, không công nhận giải thưởng từ những bàn tay không sạch. Nhưng ít ra là ông làm những gì mà ông muốn. Một cách nhất quán. Như vậy, không phải Perelman là người thất bại, mà có vẻ như đất nước mới chính là kẻ thất bại, siêu thất bại.
Người dịch: Boristo Nguyễn
Ý kiến bạn đọc