|
|||||||
Kỳ vọng gì ở Trung tâm vật lý quốc tế?Đăng lúc: Chủ nhật - 03/11/2019 12:00 - Người đăng bài viết: admin
Ở tuổi 50, Viện Vật lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đang trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất với tổng kinh phí đầu tư 140 tỷ đồng để có được hạ tầng và điều kiện làm việc hiện đại, bao gồm Trung tâm Vật lý quốc tế, trung tâm dạng II đã được UNESCO công nhận và chính thức ký thỏa thuận thành lập vào năm 2017.
Viện Vật lý đã có hai nhà nghiên cứu giành giải Tạ Quang Bửu là PGS. TS Nguyễn Bá Ân và PGS. TS Phùng Văn Đồng. Ảnh: Nhà nghiên cứu Phùng Văn Đồng nhận giải trẻ Tạ Quang Bửu. Nguồn: baomoi Tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Vật lý (1969-2019), diễn ra vào ngày 22/10/2019, theo đánh giá của Viện Vật lý, với sự bảo trợ của Bộ KH&CN và UNESCO, Trung tâm Vật lý quốc tế là cơ hội lớn cho quá trình hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế của ngành Vật lý Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Trung tâm đã đi vào hoạt động từ tháng 3/2018 và đến nay đã tạo được động lực mới trong nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học và hợp tác quốc tế thông qua hàng loạt hội thảo, lớp học quốc tế được tổ chức, thu hút đông đảo các nhà khoa học, các học viên quốc tế, đặc biệt là trong khu vực ASEAN đến tham dự. Trong tương lai, Trung tâm Vật lý quốc tế sẽ còn tham gia vào các dự án nghiên cứu quốc tế với sự hợp tác của Chương trình khoa học cơ bản quốc tế (IBSP), Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP), những cơ sở cũng trực thuộc UNESCO và các tổ chức khoa học khác. Có thể quãng thời gian chưa đầy hai năm chưa đủ để có được cái nhìn toàn diện và chuẩn xác về thành công của một cơ sở nghiên cứu khoa học, đặc biệt là một cơ sở quốc tế, nhưng theo đánh giá ban đầu của Viện Vật lý thì “hoạt động của Trung tâm cũng góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, gia tăng số lượng các công bố quốc tế có chất lượng của Viện”. Bản thân năng lực nghiên cứu của Viện cũng ở mức tốt so với nhiều viện nghiên cứu khác của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Ví dụ theo thông tin từ Quỹ NAFOSTED, các nhà nghiên cứu của Viện Vật lý là chủ trì đề tài do Quỹ tài trợ đều có kết quả công bố trên những tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao và được Hội đồng khoa học ngành đánh giá xuất sắc. Trong năm 2018, các cán bộ nghiên cứu của Viện Vật lý đã công bố 55 bài báo quốc tế trong danh mục tạp chí quốc tế ISI. Tuy nhiên từ một góc nhìn khác thì có thể Trung tâm Vật lý quốc tế chưa phải là giải pháp tốt để nâng cao năng lực chuyên môn của Viện Vật lý. Một nhà vật lý giấu tên phân tích, khi được UNESCO công nhận và bảo trợ thì Trung tâm cũng cần phải có các hoạt động chuyên ngành phù hợp với những chính sách và chiến lược của UNESCO để góp phần thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển của UNESCO; mặt khác, UNESCO chỉ công nhận và bảo trợ về mặt chuyên môn còn kinh phí hỗ trợ hoạt động từ Chính phủ Việt Nam. Con số kinh phí hằng năm là khoảng 4 tỷ đồng, nghĩa là chỉ đủ chi trả cho việc tổ chức các hội nghị, khóa học ngắn hạn. Nếu Trung tâm muốn tổ chức các dự án nghiên cứu quốc tế lớn, quy tụ được nhiều nhà nghiên cứu xuất sắc của khu vực và thế giới tới Việt Nam tham gia, cần có những khoản đầu tư riêng. Dĩ nhiên, với điều kiện hiện nay ở Việt Nam nói chung và Viện Vật lý nói riêng, nếu tổ chức được các dự án nghiên cứu quốc tế lớn thì cũng chỉ là trong lĩnh vực vật lý lý thuyết, còn vật lý thực nghiệm gần như rất khó. “Ngay cả Thái Lan gần đây cũng đầu tư rất mạnh cho vật lý với nhiều thiết bị hiện đại, trong đó có cả thiết bị cỡ lớn như máy gia tốc, nhờ vậy họ đã thu hút được nhiều đồng nghiệp quốc tế tới làm việc”, PGS. TS Trần Minh Tiến (Trung tâm Vật lý lý thuyết, Viện Vật lý) cho biết. Do vậy, Trung tâm Vật lý quốc tế sẽ trở thành nơi tạo ra những chuyển biến như kỳ vọng khi nó quy tụ được những nhà nghiên cứu quốc tế tới Việt Nam làm việc và thực hiện các dự án nghiên cứu chung, qua đó bổ trợ cho các hoạt động đào tạo, tổ chức hội thảo.
Tác giả bài viết: Anh Vũ
Nguồn tin: Tia Sáng
Từ khóa:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
|
Thống kê truy cập Website
|
||||||
Ý kiến bạn đọc