|
|||||||
Nhà khoa học Việt được Pháp phong hàm giáo sưĐăng lúc: Thứ hai - 15/07/2024 19:34 - Người đăng bài viết: admin
TS Nguyễn Nhật Nguyên (tên Pháp là Arthur Nguyen) vừa được Nhà nước Pháp phong hàm giáo sư cấp quốc gia ngành khoa học quản trị đợt tháng 6-2024, khi mới ở tuổi 34.Trước đó, anh từng được Nhà nước Pháp phong hàm phó giáo sư năm 30 tuổi.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, GS.TS Nguyễn Nhật Nguyên cho hay: "Tôi may mắn được xếp hạng thứ 12 trên tổng số 83 người đăng ký dự thi ban đầu và là thí sinh trẻ tuổi nhất được chọn ở đợt thi này.
GS.TS Nguyễn Nhật Nguyên tại lễ trao bằng tốt nghiệp của Học viện Kinh doanh Trường Lyon III - Ảnh: NVCC Tôi được phân bổ vào Học viện Kinh doanh của Rouen (IAE de Rouen) trực thuộc Trường ĐH Rouen Normandie với vị trí giáo sư các trường đại học ngành khoa học quản trị.Bắt đầu từ ngày 1-9, tôi sẽ cùng với hội đồng quản trị xây dựng các chương trình học cho học viện và tham gia quản lý viện nghiên cứu của vùng Normandie, phân viện Rouen". Vượt qua 4 vòng thi * Các ứng viên làm như thế nào để được phong hàm giáo sư cấp quốc gia Pháp, thưa anh? - Khác với chức vụ giáo sư được công nhận bởi hiệu trưởng của một trường đại học công hoặc một trường kinh doanh tư nhân, giáo sư cấp quốc gia (hoặc dịch đúng nghĩa từ tiếng Pháp - giáo sư các trường đại học) là một chức vụ xã hội được công nhận và phê chuẩn từ tổng thống Pháp. Người được phong hàm giáo sư cấp quốc gia là người phải trải qua một quá trình thi tuyển cấp quốc gia được tổ chức hai năm một lần. Tùy vào nhu cầu của Nhà nước mà số giáo sư cấp quốc gia thay đổi theo từng mùa thi.Trước đây, cuộc thi cấp quốc gia này là bắt buộc để một phó giáo sư lên giáo sư ở hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên hiện nay chỉ có ba ngành còn duy trì hệ thống thi này là luật, khoa học chính trị và khoa học quản lý. Tôi tham dự vào mùa thi 2023 - 2024, kéo dài từ tháng 9-2023 và kết thúc vào tháng 6-2024 với bốn vòng thi. Trong đó, vòng thứ ba khó nhất đối với tất cả thí sinh.Với tôi, vòng thi này đặc biệt khó vì tôi không được đào tạo chính thống tại Pháp và tiếng Pháp cũng không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ. Ở vòng này, sau khi bốc thăm chủ đề, thí sinh vào phòng kín không Internet, có thư viện sách và được yêu cầu thiết kế một bài giảng trong vòng 8 giờ đồng hồ. Sau đó phải giảng bài trước hội đồng.Thí sinh sẽ bị loại nếu bài có dung lượng ít hơn hoặc nhiều hơn 30 phút hay bị lạc đề.Sau vòng thi thứ tư, thí sinh được xếp hạng dựa theo số lượng vị trí giáo sư cấp quốc gia mở ra trên toàn nước Pháp. Tùy vị trí xếp hạng của mình, thí sinh sẽ chọn trường đại học để làm việc trong danh sách các trường có vị trí giáo sư được mở ra cho mỗi kỳ thi. * Anh được biết đến trong cộng đồng học thuật ngành quản trị tại Pháp với nhiều bài viết về Việt Nam, phim và âm nhạc Hàn Quốc. Trong khi anh từng tốt nghiệp ngành kinh doanh quốc tế tại ĐH Kinh tế TP.HCM. Sau đó, anh sang Pháp học và bảo vệ luận án tiến sĩ cũng với vấn đề về văn hóa. Vì sao anh chọn hướng nghiên cứu này? - Nhờ vào bài khóa luận tốt nghiệp cử nhân viết về hoạt động tiêu dùng mỹ phẩm ở nam giới tại TP.HCM và tốt nghiệp loại giỏi nên tôi được Hiệp hội Pháp ngữ AUF cấp học bổng theo học một năm thạc sĩ tại Pháp vào năm 2011. Đầu năm 2012, tôi nhận được học bổng của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để làm tiến sĩ. Tôi bảo vệ luận án tiến sĩ của mình vào năm 2016. Luận án tiến sĩ của tôi về toàn cầu hóa được Trường ĐH Lille nơi tôi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ đề cử để tranh giải luận án tốt nhất ngành marketing năm 2016.Trong luận án, tôi đã kết hợp tư tưởng triết học phương Tây và phương Đông (nhất là tư tưởng thiền tông) để giải thích hiện tượng giao lưu văn hóa ở góc độ vi mô. Có lẽ vì thế mà luận án của tôi được chọn để đi tranh giải.Các hoạt động nghiên cứu của tôi xoay quanh chủ đề (1) văn hóa tiêu dùng ở các nước đang phát triển, (2) toàn cầu hóa, và (3) chiến lược thương hiệu quốc gia.Tôi sử dụng phim và âm nhạc Hàn Quốc như một ngữ cảnh để tìm hiểu về văn hóa tiêu dùng của giới trẻ Việt Nam trong quá trình đổi mới, chiến lược thương hiệu quốc gia của Hàn Quốc, chiến lược xuất khẩu văn hóa của các công ty giải trí Hàn Quốc tại Việt Nam, các nước Đông Nam Á và châu Âu. Thực hành tiếng Pháp hàn lâm mỗi ngày * Anh từng giảng dạy tại Trường ĐH công lập Jean Moulin Lyon III. Sau một năm thử thách, anh được Nhà nước Pháp phong hàm phó giáo sư. Anh vượt qua những thử thách thế nào? - Tại Trường ĐH công lập Jean Moulin Lyon III, tôi được yêu cầu giảng dạy các môn trong và ngoài chuyên môn của mình từ bậc cử nhân đến thạc sĩ. Ngoài ra, tôi còn được yêu cầu có hoạt động nghiên cứu một cách đều đặn và tham gia hoạt động quản lý chương trình. Đây là một điều không đơn giản. Đối với một người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, quản lý sinh viên Pháp là một việc còn khó hơn. Nó đòi hỏi tính tò mò đủ lớn để hiểu cách thức làm việc, hoạt động và văn hóa làm việc của giới trẻ Pháp. Có lẽ vì tôi nghiên cứu về văn hóa giới trẻ và đọc nhiều nghiên cứu về giới trẻ phương Tây mà tôi có thể quản lý sinh viên Pháp một cách hiệu quả theo đánh giá của đồng nghiệp.Tôi cho rằng thay vì tập trung vào chính sách thu hút nhân tài, chống chảy máu chất xám, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam có thể tập trung xây dựng mạng lưới chia sẻ kiến thức giữa cộng đồng học thuật Việt Nam trên toàn thế giới và các nhà khoa học ở Việt Nam.Từ đó phát triển mô hình quốc gia khởi nghiệp như cách Hàn Quốc và Israel đã làm. * Một trong những đòi hỏi các nhà nghiên cứu, giảng viên của lĩnh vực khoa học xã hội đó là sự thuần thục trong việc sử dụng ngôn ngữ để có khả năng giảng dạy. Để có thể sử dụng được tiếng Pháp hàn lâm, anh đã làm thế nào? - Khác với ngành kinh tế, lĩnh vực khoa học quản lý đòi hỏi mức độ sử dụng tiếng Pháp hàn lâm một các thành thạo.Ngoài ra, vì chuyên môn của tôi là về các phương pháp nghiên cứu định tính, để phân tích các chủ đề văn hóa, tôi thường đọc sách báo hàn lâm và nghe các chương trình hàn lâm hằng ngày.Mỗi ngày tôi đều nghe các chương trình biện luận xã hội và các chương trình văn hóa trên radio và trên truyền hình.Tôi cũng thường tham gia những câu lạc bộ về văn học và triết học để trau dồi tiếng Pháp hàn lâm của mình.Một trong những may mắn mà tôi có được trong môi trường làm việc ở Pháp đó là các đồng nghiệp xung quanh tôi cũng rất thích bàn về những chuyện văn hóa và xã hội. Thông qua những cuộc đối thoại hằng ngày với họ, tôi rèn thêm vốn tiếng Pháp của mình. Tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam * Thực tế rất nhiều người Việt ra nước ngoài học xong không trở về Việt Nam, từ trải nghiệm của bản thân, anh lý giải việc này ra sao? - Tôi thường xuyên đi và về giữa Việt Nam và Pháp để giảng dạy và làm nghiên cứu. Điều này một phần giúp tôi phổ biến tư duy quản trị kiểu Pháp ở Việt Nam và một phần khác nắm bắt được sự chuyển động của thị trường và văn hóa tiêu dùng ở quê nhà.Tôi quan niệm rằng mỗi người sẽ chọn cho mình môi trường sống và làm việc phù hợp với tính cách của người đó. Dù sống ở Việt Nam hay nước ngoài, những người bạn mà tôi biết đều có cách đóng góp cho quê hương.Với cương vị là phó giáo sư tại Trường ĐH Lyon III và là giám đốc một số chương trình thạc sĩ ở trường, tôi đã tạo điều kiện cho các sinh viên Việt Nam sang học chương trình chất lượng cao với mức học phí phải chăng. Tôi cũng tham gia xét duyệt học bổng Eiffel - một trong những học bổng danh giá bậc nhất của du học Pháp…Nhiều người Việt tôi quen biết cũng góp sức giúp các bạn trẻ ưu tú đạt được ước mơ trau dồi kiến thức ở những trường đại học danh giá, được tuyển vào nghiên cứu sinh ở các đại học lớn và xây dựng mạng lưới chia sẻ kiến thức hàn lâm cho cộng đồng học thuật Việt Nam.
Tác giả bài viết: TRẦN HUỲNH
Nguồn tin: Tuổi Trẻ
Từ khóa:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
|
Thống kê truy cập Website
|
||||||
Ý kiến bạn đọc