|
|||||||
Quyền riêng tư trên mạngĐăng lúc: Thứ tư - 05/12/2018 17:26 - Người đăng bài viết: admin
Nhân dịp Bộ Công an lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định một số điều chi tiết của Luật An ninh mạng, Giáo sư ngành mật mã học, Đại học Limoges, Pháp, Phan Dương Hiệu đã có cuộc trao đổi với Tia Sáng về việc cân bằng giữa an ninh quốc gia và quyền riêng tư.
Việc theo dõi hay truy cập dữ liệu của bất kì cá nhân nào, kể cả của đối tượng nghi phạm nguy hiểm nhất định phải được thông qua một quá trình tường minh, chặt chẽ ở mức rất cao. Nguồn: Reflex.cz Trong một thế giới nhiều biến động, thì “lòng tin” là một yếu tố vô cùng quan trọng, là cơ sở thiết yếu cho sự phát triển. Việc trợ giúp bảo vệ thông tin cá nhân, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải đạt chuẩn bảo mật cao, cho phép người dùng được quyền quyết định xử lý dữ liệu liên quan đến cá nhân (như truy vết những nơi lưu trữ, hay yêu cầu xóa vĩnh viễn dữ liệu cá nhân) là những biện pháp Chính phủ có thể làm để gây lòng tin cho người dân, cho doanh nghiệp, cho các đối tác nước ngoài để tạo một môi trường phát triển lành mạnh.
An ninh quốc gia (public safety) và quyền riêng tư (privacy) Việc đảm bảo đồng thời an ninh quốc gia và quyền riêng tư cho công dân và cho các tổ chức, doanh nghiệp luôn là một thách thức không nhỏ đối với các chính phủ.
Các chuẩn bảo mật giúp bảo vệ quyền riêng tư
Tại châu Âu, đã có những chuẩn bảo mật mới được ban hành để đảm bảo tốt hơn quyền riêng tư của dân, thậm chí các công ty còn phải cam kết xoá bỏ mọi thông tin về người dùng nếu người dùng yêu cầu. Những quy định này nghiêm ngặt hơn Mỹ. Trong quan hệ xuyên lục địa Âu – Mỹ, uỷ ban Châu Âu từng đánh giá là “US Privacy Act” của Mỹ không đủ điều kiện để bảo vệ dữ liệu riêng của công dân châu Âu. Do đó, châu Âu và Mỹ đã thống nhất đưa ra “Privacy Shield”5 yêu cầu tất cả các doanh nghiệp cần tuân thủ các yêu cầu bảo mật ở mức độ rất cao để bảo vệ dữ liệu riêng tư của người dùng. Mới đây châu Âu cũng đưa ra các quy định bảo mật dữ liệu (GDPR)6 nhằm bảo vệ dữ liệu cho công dân. Quy định này thực sự nhằm hướng đến bảo vệ dữ liệu công dân, không yêu cầu dữ liệu phải đặt trên đất châu Âu mà có thể đặt tại bất kỳ quốc gia nào đạt chuẩn đảm bảo an toàn dữ liệu của họ. Đó là những bước đi mà các chính phủ châu Âu làm để bảo vệ dữ liệu riêng tư cho công dân, và từ đó tạo lòng tin cho dân.
Các biện pháp đưa ra cần đồng bộ và phù hợp với chuẩn quốc tế Điều cần chú trọng là các biện pháp chúng ta đưa ra cần phải đồng bộ, phù hợp với các quy chuẩn thế giới mà chúng ta đã cam kết, tránh việc làm doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp khó khăn và mâu thuẫn trong việc tuân thủ đồng thời các thủ tục trong nước và cam kết quốc tế. Về mặt kỹ thuật, việc yêu cầu dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải được lưu trữ tại Việt Nam không có tính khả thi cao và cũng không có hiệu quả thật sự. Thường các công ty quốc tế lưu trữ nhiều bản sao dữ liệu tại nhiều địa điểm khác nhau nhằm đảm bảo an toàn. Để tránh bị mất dữ liệu khi một địa điểm bị tấn công thì dữ liệu có thể được lưu một cách phân tán sao cho chỉ khi tất cả các địa điểm bị tấn công thì dữ liệu mới bị mất. Việc yêu cầu tập trung dữ liệu về mặt kỹ thuật là đi ngược lại với việc đảm bảo an toàn dữ liệu. Ngoài ra, các công ty đạt chuẩn bảo mật đều chỉ lưu dữ liệu dạng mã hoá. Do vậy ngay cả khi chúng ta có dữ liệu thì cũng chỉ có dữ liệu dạng mã hoá, muốn giải mã cần phải có chìa khoá giải mã. Mật mã phân tán đang được áp dụng rộng rãi cho phép khoá giải mã được phân tán làm nhiều phần và có thể lưu tại nhiều địa điểm, chỉ khi tập hợp đủ các phần này thì mỡi giải mã được. Nếu tại các nước lưu các phần khoá mà luật không cho phép công ty làm lộ thông tin (khi không có yêu cầu của toà án) thì dù có ép dữ liệu lưu trữ tại Việt Nam cũng không giải mã được. Về mặt thực tế vận hành các hệ thống, nhân bài viết này, tôi đã hỏi ý kiến và được anh Nguyễn Quốc Khánh đồng ý góp ý kiến. Anh hoàn thành tiến sỹ mật mã ở Úc, đã có kinh nghiệm làm bảo mật trong các tập đoàn lớn của thế giới như Gemalto, và nay về công tác trong nước tại trung tâm công nghệ thông tin của ngân hàng Vietcombank. Với những kinh nghiệm thực tế, anh chia sẻ : “Luật An ninh mạng quy định không gian mạng là mạng lưới kết nối con người sử dụng CNTT mọi lúc mọi nơi. Phạm vi điều chỉnh của luật như vậy là rất rộng. Đối với dịch vụ liên quan tới ngành ngân hàng, có 2 lĩnh vực luật sẽ ảnh hưởng trực tiếp là dịch vụ thanh toán và thương mại điện tử. Với dịch vụ thanh toán, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam và trên thế giới đều sử dụng SWIFT, VISA và Mastercard là trung gian thanh toán cho các giao dịch quốc tế và thẻ quốc tế. Các trung gian thanh toán này hoạt động rất tập trung. Swift chỉ có 3 trung tâm dữ liệu trên thế giới (tại Mỹ, Thuỵ Sỹ và tại 1 địa điểm bí mật). Trường hợp các tổ chức trung gian thanh toán này không thể đáp ứng yêu cầu tại Điều 24 (lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam) của dự thảo nghị định có thể ảnh hưởng tới khả năng cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Đối với thương mại điện tử, hiện tại rất nhiều đơn vị trên thế giới cung cấp các dịch vụ trực tuyến trong nhiều lĩnh vực (giáo dục, y tế, sức khoẻ , khoa học, công nghệ, bán lẻ… ) trên không gian mạng. Rất nhiều các đơn vị sẽ không thể đặt văn phòng tại Việt Nam (do quy mô kinh doanh và các lý do khác), trường hợp áp dụng Luật với các đơn vị này sẽ ảnh hưởng to lớn tới khả năng tiếp cận các dịch vụ này với người sử dụng tại Việt Nam.” Xử lý khối lượng dữ liệu lớn nhưng không truy xuất đến thông tin cá nhân
Chúng ta biết rằng, sự phát triển của điện toán đám mây cho phép việc các phương pháp học máy, trí tuệ nhân tạo được áp dụng rộng rãi nhằm đưa đến nhiều ứng dụng tiện lợi cho người dùng. Tuy nhiên, việc thực hiện phương pháp này hiện nay đang nằm trong tay của những nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn và sở hữu chủ yếu dữ liệu của chúng ta, và họ hoàn toàn có thể khai thác dữ liệu riêng của ta hoặc làm lộ nó dù là theo cách bị động hay chủ động. Trong bài phát biểu mới tại hội nghị CRYPTO 2018 vừa qua, Shafi Goldwasser - người đoạt giải Turing (được coi như giải Nobel của Tin học) và hai giải Godel (giải thưởng cho bài báo xuất sắc nhất trong lĩnh vực lý thuyết khoa học máy tính) - cho rằng: “thách thức lớn nhất tiếp theo của mật mã là đảm bảo tính bảo mật thông tin trong việc thực hiện các phương pháp học máy”. Nhiệm vụ của mật mã trong tương lai là làm sao vẫn sử dụng công nghệ điện toán đám mây nhưng vẫn đảm bảo được dữ liệu, mà không phụ thuộc vào đạo đức của những nhà cung cấp dịch vụ. Rất nhiều nghiên cứu nằm trong hướng đi này, và một trong các nghiên cứu mà tác giả tham gia, trong một dự án của châu Âu, là nhằm đảm bảo quyền bảo mật dữ liệu riêng trong những ứng dụng liên kết giữa nhiều người mà không cần đặt sự tin tưởng vào bất cứ nhà cung cấp trung gian nào sao cho ngay cả khi nhà cung cấp bị lộ dữ liệu thì người dùng vẫn có thể đảm bảo thông tin riêng7. Đảm bảo an toàn dữ liệu ngay cả khi các nhà cung cấp dịch vụ bị tấn công hay tự ý lộ thông tin là yêu cầu tương lai của bảo mật.
Lời kết
Quyền riêng tư là một trong các quyền con người cơ bản và ta cần nhất thiết bảo vệ nó. Trong thời đại kỹ thuật số với dữ liệu cá nhân được lưu trữ và khai thác khắp nơi, chúng ta cần tập trung nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật và các chuẩn bảo mật phù hợp với các chuẩn quốc tế nhằm bảo vệ dữ liệu cho người dân. Trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, các cơ quan điều tra có thể được truy xuất dữ liệu cá nhân của nghi phạm, nhưng rất cần tránh sự lạm dụng và sự truy xuất đó cần phải được phê chuẩn bởi toà án hoặc bởi Thủ tướng theo một quy trình chặt chẽ, minh bạch.
Nguồn dẫn: 1 https://eu.usatoday.com/story/news/politics/2015/06/02/patriot-act-usa-freedom-act-senate-vote/28345747/ 2 https://en.wikipedia.org/wiki/PRISM_(surveillance_program 3 http://masssurveillance.info/) 4 https://www.nytimes.com/2018/06/28/technology/california-online-privacy-law.html 5 https://ec.europa.eu/info/law/law-topic/data-protection/data-transfers-outside-eu/eu-us-privacy-shield_en 6 https://ec.europa.eu/commission/priorities/justice-and-fundamental-rights/data-protection/2018-reform-eu-data-protection-rules_en 7 http://www.fentec.eu/content/paper-decentralized-multi-client-functional-encryption-inner-product 8 https://www.iacr.org/misc/statement-May2014.html
Tác giả bài viết: Phan Dương Hiệu
Từ khóa:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
|
Thống kê truy cập Website
|
||||||
Ý kiến bạn đọc