Rembrandt, họa sĩ vĩ đại và…một nhà công nghệ bậc thầy

Đăng lúc: Thứ sáu - 06/12/2019 08:55 - Người đăng bài viết: admin
Danh họa Hà Lan Rembrandt nổi danh toàn thế giới không chỉ về tài hội họa thiên bẩm, ông còn là bậc thầy trong kĩ thuật tranh khắc kim loại và là một trong những nhà in ấn hoàn hảo nhất mọi thời đại. Danh tiếng cũng như thành quả về thể loại tranh in của ông cũng vĩ đại không kém cạnh hội họa.

                                                                        

 

 

 

 

     Rembrandt Harmenszoon van Rijn (15 July 1606  – 4 October 1669).

     chân dung tự họa của Rembrandt năm 1639, tranh in khắc kim loại. 

 

 

 

 

 

Ngoài các tác phẩm hội họa và tranh vẽ phong phú của mình, Rembrandt còn sản xuất khoảng 290 bản in tranh khắc họa. Rất nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng không phải chỉ tranh vẽ, mà là chính các bản khắc họa của Rembrandt đã tạo dựng danh tiếng quốc tế trong suốt cuộc đời của ông. Các tác phẩm khắc họa có thể được sao chép, cho nên đã được biết đến rộng rãi hơn nhiều so với các bức tranh vẽ của ông. Ông thường được công nhận là một trong những nghệ sĩ khắc họa tuyệt vời, nếu không nói là vĩ đại nhất mọi thời đại.
Rembrandt dành rất nhiều tâm sức cho thể loại nghệ thuật độc đáo này. Tất cả 290 bản khắc họa đều là những tác phẩm nghệ thuật xuất xắc. Chỉ trong chưa đầy bốn thập kỷ, ông đã sáng tạo và phát triển tranh khắc kim loại (a) thành một nghệ thuật đỉnh cao. Đặc biệt là ông đã đưa kỹ thuật ăn mòn nét (b) lên đến mức hoàn hảo. Không chỉ kỹ thuật ăn mòn nét, Rembrandt sử dụng thành thạo cả kỹ thuật ngòi khô (c) và chạm trổ (d). Trong một số tranh, ông sử dụng đồng thời cả 3 phương pháp khắc khác nhau. Không có gì so sánh được với đường khắc màu đen sắc nét của ông. Màu đen độc đáo trong nhiều bản in khắc của ông đã trở thành nổi tiếng ngay cả khi ông còn sống. Các họa sĩ khắc, các nhà in sau đó cố gắng cải biên, thay đổi quy trình, dùng các công cụ mới và vật liệu mới. Nhưng chẳng ai đạt được kết quả hiệu quả hơn Rembrandt, trong khi ông chỉ sử dụng tấm đồng và kim khắc. Rembrandt cũng thử nghiệm các tấm khắc kim loại khác nhau, nhưng rồi ông chỉ sử dụng tấm đồng. Rembrandt đôi khi dành nhiều năm làm việc trên một tấm duy nhất, khắc họa nhiều bản khác nhau, hoặc làm thay đổi các cảnh, vì các tấm đồng tương đối mềm và có thể được mài đánh bóng lại.

Bản khắc kim loại chân dung Jan Lutma, Goldsmith (1584-1669) do Rembrandt khắc năm 1656, sử dụng cả 3 kỹ thuật khắc khác nhau.

Bản khắc kim loại chân dung Jan Lutma, Goldsmith (1584-1669) do Rembrandt khắc
năm 1656, sử dụng cả 3 kỹ thuật khắc khác nhau. 

Trong suốt sự nghiệp của ông, các bản khắc của ông được trả giá cao hơn rất nhiều so với các bức tranh sơn dầu. Các bản in tranh khắc họa của ông được thị trường thế giới rất ưa chuộng. Remdrandt tạo khoảng 80 chân dung tự họa, cả vẽ và khắc. Chân dung tự họa là cách thức quảng cáo rất hiệu quả. Hơn nữa, bản in chân dung tự họa còn có thị trường lớn hơn (vì in được nhiều bản). Nó làm Rembrandt đã rất nổi tiếng lại trở nên nổi tiếng hơn. Rất nhiều nhà sưu tập in ấn thời đó tìm kiếm các bản khắc của ông.
Nghệ thuật khắc của ông đạt tới đỉnh cao khó ai sánh được. Rất ít người có thể thuần thục kỹ thuật vẽ khắc họa một cách điêu luyện và toàn vẹn như Rembrandt. Ví dụ như ông đã tạo ra bản khắc trên bảng đồng cỡ rất lớn với nhiều cảnh rất phức tạp bao gồm 40 nhân vật trong đó. Sau đó ông lại xóa đi 11 người, thay vào đó là hai cổng vòm tối để làm nổi bật nhóm nhân vật trung tâm.

Tranh khắc kim loại cỡ lớn sau khi Rembrandt đã xóa bớt 11 trong số 40 nhân vật
và thay vào đó là hai cổng vòm tối.

Không chỉ tự mình tiến hành và sử lý toàn bộ quá trình khắc họa bản in, ông còn làm chủ cả kỹ thuật in ấn. Ông đã được công nhận là một trong những nhà in ấn hoàn hảo nhất mọi thời đại. Ông đã tạo ra các tác phẩm với chi tiết phức tạp.
Rembrandt chỉ dùng mực đen để in. Nên bản in của ông là một thế giới chỉ với hai màu đen trắng. Một đường nét hoặc chỉ là màu đen hoặc chỉ là màu trắng (hay nói cách khác là không có đường nét nào cả). Nó dường như là một sự hạn chế lớn. Nhưng Rembrandt lại coi đó là một thách thức. Và ông đã tạo ra được những bức tranh muôn vẻ chỉ bằng ánh sáng, bóng đen và tất cả những gì giữa hai giới hạn này. Điều phi thường về kỹ thuật in của Rembrandt là cách ông thử nghiệm mực và giấy để tạo ra sự khác biệt của các bản in. Thông thường, mực được phủ lên bản khắc sẽ lắng xuống các đường khắc và vết lõm. Sau đó phần mực thừa (không lắng xuống các đường khắc) sẽ bị lau sạch hoàn toàn khỏi bề mặt tấm khắc kim loại. Tuy nhiên Rembrandt lại chủ ý để lại một phần mực trên các tấm khắc. Điều này cho phép ông tạo dựng các độ tương phản và tông màu khác nhau mà thay đổi theo từng bản in.
Rembrandt cũng khảo sát các thuộc tính khác nhau của các loại giấy. Ông đặc biệt thích giấy Nhật Bản do màu vàng của nó và độ ẩm thích hợp, khá lý tưởng cho các bản in phong cảnh. Thông thường khi dùng kỹ thuật ngòi khô, các đường rãnh tạo ra có gờ cao (gọi là burr) giúp giữ thêm mực để tạo ra kết cấu mờ trong bản in. Nhưng burr dễ bị mòn nhanh chóng trong quá trình in, khiến nó không phù hợp để in hàng loạt. Tuy nhiên, Rembrandt đã nhận ra rằng, do kết cấu mịn của giấy Nhật Bản, các kết cấu tạo ra bằng phương ngòi khô trong bản in của ông dễ phân biệt hơn và không bị hao mòn nhanh.
Bộ sưu tầm lớn nhất về thể loại in khắc kim loại của Rembrandt là bộ sưu tầm của Nhà bảo tàng Rembrandt tại Amsterdam (e). Khi tới đây, không những được tiếp cận thông tin về kỹ thuật khắc và in của Rembrandt, khách tham quan còn có cơ hội được trải nghiệm chứng kiến qui trình in ấn. Nhân viên bảo tàng, vào những khoảng giờ nhất định trong ngày, sẽ mở cửa chính căn phòng in của Rembradnt, thao diễn kỹ thuật khắc trên kim loại cũng như quá trình phủ mực, lau mực và qui trình in áp suất cao mà Rembrandt sử dụng trong thế kỷ 17.

 

Phòng in của Rembrandt trong nhà bảo tàng Rembrandt tại Amsterdam và thành quả in ra trên giấy được đặt lên bản khắc và nén bằng áp suất cao trong buổi trình diễn kỹ thuật khắc in. 


Những bức tranh nổi tiếng thế giới của ông như „Phiên tuần tra đêm” (Night Watch) sẽ mãi mãi được nghiên cứu và ngưỡng mộ. Nhưng có thể nói rằng thành tựu đặc sắc của Rembrandt trong lĩnh vực in ấn, đặc biệt là khắc họa mới làm ông trở nên bất tử.


Tài liệu tham khảo: Internet.
Ảnh: của tác giả, chụp tại nhà bảo tàng Rembrandt tại Amsterdam.

Chú dẫn:
a) Tranh in khắc kim loại: bản khắc có dạng lộn trái so với bản in. Mực được phủ đều lên bản khắc rồi lau đi, chỉ còn mực ở các rãnh khắc. Giấy được đặt lên bản khắc, được ép dưới áp suất cao bằng con lăn. Giấy phải đủ ẩm để hút mực từ các rãnh chìm/lõm trên bản khắc.
b) Kỹ thuật ăn mòn nét (etching, hay kỹ thuật khắc axit): bản kim loại được phủ một lớp trơ với axit (vecni hay sáp) gọi là lớp nền. Một cây kim khắc chuyên biệt tạo đường khắc, tức là cạo đi lớp nền, làm lộ bề mặt kim loại theo ý tưởng bản vẽ. Khi nhúng tấm kim loại vào bể axit, những đường khắc (bề mặt kim loại kg có lớp sáp phủ) bị ăn mòn, để lại những rãnh chìm, Lớp sáp sau đó sẽ được tẩy đi. Độ sâu (và độ tối trên bản in) của các khe nứt phụ thuộc vào thời gian kim loại tiếp xúc với axit.
c) Kỹ thuật ngòi khô (drypoint): dùng kim nhọn sắc tạo những đường khắc trực tiếp trên tấm kim loại. Kim tạo nên những đường rãnh có gờ cao (burr). Burr không bị cạo xóa đi như trong kỹ thuật chạm trổ (engraving). Burr giúp giữ thêm mực để tạo ra kết cấu mờ trong bản in. Kỹ thuật drypoint dễ dàng thành thạo hơn bởi vì sử dụng kim khắc khá giống như sử dụng bút.
d) Kỹ thuật chạm trổ (engraving): khắc bằng cách sử dụng công cụ chuyên dụng gọi là chôn khắc để cắt các đường trực tiếp trên bề mặt. Chôn khắc có thanh kim loại được mài vát đầu có hình chữ V. Các gờ của đường khắc thường bị cạo hoặc bị xóa đi.
e) Rembrandt house museum, Jodenbreestraat 4, 1011 NK Amsterdam.

 

 

 

Tác giả bài viết: Nhữ-Tarnawska Hoa Kim Ngân

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 3
  • Hôm nay: 870
  • Tháng hiện tại: 79186
  • Tổng lượt truy cập: 25629768