Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam: Giữ vàng ký ức
Đăng lúc: Chủ nhật - 13/09/2020 06:02
- Người đăng bài viết: admin
Kho báu ký ức Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam có được sau hơn 10 năm miệt mài và bền bỉ sưu tầm, lưu giữ mới chỉ hé lộ một phần rất nhỏ giá trị của mình qua trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam”.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí, chủ tịch MedGroup, nơi quản lý Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, và khách tham quan trước khu trưng bày về giáo sư Nguyễn Văn Đạo. Ảnh: Mỹ Hạnh.
Cuộc trưng bày do Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức khai trương vào ngày 29/8/2020 tại tòa nhà Cuốn sách mở, nơi được hứa hẹn sẽ trở thành điểm hội tụ nhiều cuộc triển lãm và trưng bày về khoa học sau này. Giữa không gian khoáng đạt và xanh ngát cây lá, trong những ngày này, tòa nhà Cuốn sách mở tự nó đã trở thành một “di chỉ” khoa học mới với những hiện vật độc nhất vô nhị về 14 nhà khoa học từng đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cao quý của nhà nước về khoa học, văn học nghệ thuật, trong đó có những cái tên được nhiều người biết đến như các giáo sư Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ (y học), Đỗ Tất Lợi (dược học), Nguyễn Văn Đạo (cơ học), Nguyễn Đình Tứ (vật lý hạt nhân), Đào Văn Tiến (sinh học), Hoàng Tụy (toán học)...
“Thông qua 14 công trình, cụm công trình của các nhà khoa học, chúng tôi mong muốn kể về những đóng góp có giá trị cao của các nhà khoa học với đất nước, qua đó phần nào giới thiệu một phần bức tranh khoa học Việt Nam sau năm 1945, phần nào cũng cố gắng lý giải các nguyên nhân thành công của các nhà khoa học Việt Nam… Một chiếc kính hiển vi, một chiếc máy đánh chữ, những chiếc máy ảnh hay những bức thư, cuốn sổ ghi chép, nhật ký… đều ẩn chứa những câu chuyện về không gian lịch sử xã hội ở những thời điểm khác nhau”, phó giáo sư Nguyễn Văn Huy, giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học, nhấn mạnh đến ý nghĩa của cuộc trưng bày.
Bẵng những nỗ lực của mình, trong vòng bảy đến tám tháng lên khung nội dung và gặp gỡ, trao đổi với người thân, cộng sự của các nhà khoa học, ông và những người trong Trung tâm đã phần nào tái hiện “những câu chuyện về không gian lịch sử xã hội ở những thời điểm khác nhau” đó, từ giữa núi rừng Việt Bắc, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, những năm kháng chiến chống Mỹ đến thời kỳ chịu sự cấm vận đầy khó khăn và những năm đất nước đổi mới…
Những dòng chảy ký ức
Lễ khai trương cuộc trưng bày đã thu hút những khách tham quan đặc biệt – những người thân hoặc bạn bè, cộng sự của 14 nhà khoa học bậc thầy. Hiếm có cuộc trưng bày nào của Trung tâm lại quy tụ được đủ đầy những người như vậy, dù đâu đó còn thiếu vắng một số người thân của giáo sư Nguyễn Đình Tứ và một hai gương mặt khác. Không gian cuộc trưng bày, một gian phòng rộng trên tầng hai của tòa nhà Cuốn sách mở, không chỉ đầy ắp những khách tham quan đặc biệt đó mà còn nồng ấm cảm xúc mà họ hướng về “những người muôn năm cũ”. Sự hiện diện của họ khiến cho không gian này thêm ý nghĩa bởi không có mấy cuộc trưng bày mà người tham dự lại có thể thuyết minh về hiện vật còn hay và cuốn hút, hơn thế lại thấm đẫm tình cảm hơn cả hướng dẫn viên chuyên nghiệp.
Không giấu nổi nỗi niềm bên bức ảnh đen trắng khổ to giới thiệu một chuyến thỉnh giảng của giáo sư Hoàng Tụy tại Trung Quốc vào những năm 1960, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng – con trai lớn của ông, thoáng nghẹn ngào nhớ về hình ảnh người cha, “một người rất nghiêm túc trong khoa học. Tôi nhớ hồi đi sơ tán, ông ngày đi dạy, tối lại cặm cụi bên sách vở. Tuy rất nghiêm khắc với học trò nhưng ông cũng rất độ lượng, khi học trò chưa làm được bài thì ông lại chỉ bảo tận tình”. Ở góc độ một người con, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng luôn nhận thấy người cha là điểm tựa “có những lúc chúng tôi gặp khó khăn trong cuộc sống, thấy nản trong công việc thì ba tôi luôn động viên để vượt qua được. Có giai đoạn tôi học ở nước ngoài rồi về đi làm, thấy tôi hơi buồn buồn vì theo truyền thống gia đình thì phải học lên tiếp, ba tôi bảo ‘mỗi người có một con đường riêng trong cuộc sống, miễn là phải tâm huyết, luôn luôn làm việc thì ai cũng đáng được trân trọng, không nhất thiết phải cứ học lên bằng cấp cao hơn mới được’”.
Trong số 14 nhà khoa học được giới thiệu trong cuộc trưng bày, giáo sư Hoàng Tụy là một trong những người hiếm hoi được người đương thời biết đến nhiều nhất. Ông mới tạ thế hơn một năm và những kỷ vật gắn liền với cuộc đời nghiên cứu của ông đã được gia đình gửi tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học như một cách chuyển tải đến thế hệ sau những ký ức sống động về một nhà khoa học từng có công “khai sơn phá thạch”, mở ra một lĩnh vực toán mới, góp phần xây dựng ngành toán học Việt Nam và có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết với nền khoa học, giáo dục nước nhà… “Đây là cái mũ nồi mà ba tôi vẫn gọi là mũ be rê. Từ những năm 1960, chúng tôi đã thấy ông đội rồi. Nó gần như gắn liền với ba tôi từ hồi chiến tranh, lúc nào ai cũng thấy nó nằm trên mái đầu bạc trắng của ông… Những kỷ vật tôi gửi tới Trung tâm không phải là cái gì cao xa cả, nó rất gần gũi đời thường như chính cuộc sống giản dị của ba tôi”, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng chia sẻ.
Những câu chuyện như vậy đã đi theo những người con hay cộng sự của các nhà khoa học đó suốt cuộc đời, bởi nó không đơn thuần là câu chuyện của riêng một gia đình, một nhóm nghiên cứu mà còn gói ghém cả những trăn trở của các nhà khoa học trong suốt quá trình nghiên cứu. “Tôi học ngành Hóa, có chút liên quan đến ngành Dược nên được bố tôi ‘nhờ’ đánh máy tài liệu để soạn cuốn sách ‘Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam’. Bản thân tôi lúc đó cũng chưa hình dung ra được tầm vóc cuốn sách quý, chỉ cảm thấy niềm say mê ông truyền cho mình. Ông là người vô cùng say mê khoa học, dường như nó đã ăn vào máu rồi nên mỗi khi đọc đến cây thuốc nào là cũng có thể nói luôn danh pháp khoa học, thành phần hợp chất chính…”, kỹ sư Đỗ Thanh Bình (Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) – con gái út của giáo sư Đỗ Tất Lợi, kể về người cha nổi tiếng của mình.
Thành viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam giới thiệu về hiện vật tại cuộc trưng bày. Ảnh: Mỹ Hạnh.
Sự cẩn trọng và tỉ mỉ của giáo sư Đỗ Tất Lợi trong quá trình làm việc đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng để ông và cộng sự hoàn thành cuốn dược điển này, không chỉ vì ông đã tham khảo tới 38 cuốn sách tiếng Việt, 28 cuốn sách tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, 40 cuốn sách tiếng Trung, 26 cuốn sách tiếng Nga cùng nhiều tạp chí chuyên ngành mà còn vì “chỉ riêng việc ghi lại tên các loại dược liệu thôi, ông đã phải cất công lặn lội tới vùng này vùng khác để sưu tầm các tên thông dụng của nó”, bà Đỗ Thanh Bình nói. Ngay ở thời điểm hiện tại thì những công việc như vậy, cũng không dễ thực hiện bởi cùng một cây thuốc mà mỗi nơi, mỗi vùng lại có một tên gọi khác nhau, thạc sĩ Nguyễn Võ Thanh Hoàng (ĐH Quốc tế, ĐHQGTPHCM), một trong những tác giả của nghiên cứu “VIETHERB: A Database for Vietnamese Herbal Species” (VIETHERB: Một cơ sở dữ liệu về các loài thảo dược Việt Nam), nhận xét khi đề cập đến những khó khăn anh và cộng sự gặp phải khi thống kê, sắp xếp danh mục các loại cây quý. Do đó, “đến khi nghỉ hưu rồi, đọc kỹ cuốn sách tôi mới thấy hết giá trị, cả về chiều sâu khoa học lẫn sức phổ cập của nó”, bà Đỗ Thanh Bình cho biết thêm.
Từng được các chuyên gia Liên Xô đánh giá “vừa mang tính khoa học hiện đại, vừa nêu được những giá trị của y học cổ truyền phương Đông”, kể từ những năm 1960 đến nay, bộ sách của cả cuộc đời nghiên cứu đó đã được tái bản tới lần thứ 20 với giá bìa 560.000 đồng, một mức khiêm tốn so với giá trị dẫn đường của nó. “Nhiều nhà khoa học coi mỗi cây thuốc, vị thuốc đó như một gợi mở về đề tài nghiên cứu của mình, khi còn làm ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tôi biết”, bà Đỗ Thanh Bình bộc bạch. “Khi nhận làm sách cho bố, tôi có hỏi ông về giá thì ông dặn là không được bán sách giá cao để mọi người đều có thể tiếp cận cuốn sách, thậm chí biết sách bị in lậu mà ông cũng bảo đừng kiện vì để cho người ít tiền cũng có thể tiếp cận được sách”, bà hồi tưởng về những lời dặn dò của một nhà khoa học luôn nghĩ đến ích lợi của cuốn dược điển mang lại hơn là số tiền bản quyền thu được từ đó.
Bà mở cuốn sổ tay cất trong túi xách và đọc lên lời tâm sự mà bà đã cẩn thận ghi lại từ cha mình. “Mỗi người yêu nước bằng mỗi cách khác nhau nhưng tôi nghĩ rằng tôi đã yêu khoa học qua tình yêu Tổ quốc”.
Nỗ lực của những người giữ “vàng ký ức”
Cuộc trưng bày lần này tuy mới ra mắt nhưng theo phó giáo sư Nguyễn Văn Huy, linh hồn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học, đó là một phần kết quả mới nhìn thấy được từ những gì gom góp sưu tầm và lưu giữ trong hơn 10 năm qua của một doanh nghiệp xã hội “tự nhận lấy trách nhiệm phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học. Xuất phát từ con số không, Trung tâm xây dựng quan điểm về di sản các nhà khoa học, bắt đầu từng bước xác định phương pháp nghiên cứu tiểu sử cuộc đời các nhà khoa học và đa dạng hóa các hoạt động gắn với di sản”. Nếu vào năm 2010, Trung tâm mới tiếp cận được trên 100 nhà khoa học, thực hiện gần 2.000 phút video, 10.000 phút ghi âm và có hàng nghìn trang tư liệu thì đến nay “Trung tâm đã thu thập và bảo quản hơn 800.000 hiện vật gắn liền với cuộc đời của gần 1.800 nhà khoa học” để phục vụ cho ba hướng phát triển chính của mình là bảo tàng, lưu trữ và thư viện, ông giới thiệu tại lễ khai trương cuộc trưng bày.
“Trung thực là đức tính quan trọng nhất trong cuộc sống và trong khoa học”. (GS Hoàng Tụy). “Nghiên cứu là một sự vươn lên không ngừng của trí tuệ với các hiểu biết công việc”. (GS Tôn Thất Tùng). “Kinh nghiệm cho thấy không ít những nghiên cứu lớn đều bắt nguồn từ những vấn đề nhỏ”. (GS Nguyễn Văn Đạo) “Bọn đế quốc thần thánh hóa khoa học, nhưng người trí thức mới cần đại chúng hóa khoa học. Càng gặp khó khăn gian khổ, chúng ta càng phát huy sáng kiến để phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân”. (GS Đặng Văn Ngữ) “Ba vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) nghiên cứu trong 4 tháng và thấy có thể sản xuất được thuốc để tiêm phòng sốt rét. Ba sẽ đi B để sản xuất thuốc ấy trên một quy mô lớn hơn”. (Thư GS Đặng Văn Ngữ gửi con gái, 2-1967) “Đừng quá tin vào máy móc; chẩn đoán phải dựa trên những dấu hiệu sát thực, chính xác, đầy đủ nhất; không được dựa trên cảm giác, cảm tính, phải bám sát theo dõi bệnh nhân đến cùng. (GS Đặng Văn Chung)
Có lẽ, đây là một khối tư liệu lớn mà ít viện nghiên cứu hoặc bảo tàng nhà nước nào cũng may mắn có được. “Nhiều nhà khoa học thuộc ngành bảo tàng và lưu trữ đều chia sẻ là Trung tâm đang giữ vàng, nếu xét về tính chất, ý nghĩa của tài liệu, hiện vật và ký ức của các nhà khoa học mà Trung tâm đang có trong tay”, ông nói, không hẳn không tự hào.
Không chỉ là những thiết bị, công cụ gắn liền với công việc hoặc những băng ghi âm ghi lại những “ký ức sống” của các nhà khoa học, Trung tâm còn được họ hoặc gia đình và học trò, cộng sự của họ tin cậy trao gửi hàng chục ngàn sổ nhật ký, số tay công tác, sổ cá nhân, các bản thảo sách, các bài giảng… Vậy Trung tâm có thể khai thác được gì từ mỏ quặng quý này? “Đặc biệt chỉ riêng gần 40.000 thư của các nhà khoa học và những người liên quan mà chúng tôi đang giữ đã cho thấy những câu chuyện về hai cuộc cách mạng, những vấn đề về giáo dục, về hợp tác đào tạo giữa Việt Nam với Liên Xô và các quốc gia Đông Âu, kể cả các nước Tây Âu sau này, thực trạng tình hình kinh tế xã hội đất nước ở những thời đoạn rất khác nhau. Đó là nguồn sử liệu không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu về cuộc đời của các nhà khoa học, lịch sử phát triển của từng nhà khoa học cũng như lịch sử của nước nhà”.
Mặc dù cùng các thành viên của Trung tâm đang “bơi” trong việc nghiên cứu, phân loại và biên tập khối tài liệu lớn này nhưng với một người nhiều tâm huyết và dự định như phó giáo sư Nguyễn Văn Huy, Trung tâm vẫn còn thiếu rất nhiều tư liệu khác. “Tôi luôn có một nỗi sợ là sẽ để lỡ cơ hội có được một tư liệu quý nào đó, nếu không kịp tìm đến họ thì chúng ta sẽ mất đi ký ức bởi có thể họ sẽ mang ký ức của họ đi. Có trường hợp con cái của họ do không hiểu biết về giá trị của tư liệu đã vất hết những tư liệu quý đi. Lúc ấy sẽ mất hết… Các nhà khoa học thế hệ trước người thì đã ra đi vĩnh viễn, người còn thì đều ở ngưỡng 80, 90 tuổi rồi. Nếu chúng tôi không đến gặp gỡ họ, ghi lại những ký ức của họ thì đến khi họ không nói được nữa, không nghe được nữa, ký ức sẽ không còn”, ông nói.
Đây không phải là lần đầu tiên, ông chia sẻ nỗi sợ không kịp có tư liệu. Trong nhiều cuộc làm việc với Tia Sáng và trong lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm vào tháng 9/2018, ông từng nhắc đến điều này. Đôi khi do may mắn, Trung tâm đã kịp ghi lại một phần ký ức về hoạt động nghiên cứu âm nhạc của giáo sư Trần Văn Khê chỉ một tháng trước khi ông qua đời ở tuổi 95 vào tháng 6/2015 hay việc ghi hình lễ sinh nhật lần thứ 85 của giáo sư Hoàng Tụy tại tòa soạn Tia Sáng với sự tham gia của giáo sư Pierre Darriulat, một người bạn thân thiết của ông. Tuy nhiên, không phải bao giờ may mắn cũng đến. Phó giáo sư Nguyễn Văn Huy nói, “Chúng tôi thiếu nhiều chứ. Ngay ở cuộc trưng bày lần này, tiêu chí lựa chọn chính ra không phức tạp lắm bởi vì điều quan trọng nhất là Trung tâm xem mình có được những hiện vật nào, những gì mình có thì mình trưng bày. 14 nhà khoa học mà Trung tâm giới thiệu là những nhà khoa học Trung tâm có nhiều tư liệu hiện vật nhất, nhiều câu chuyện diễn giải nhất”.
Với mong muốn có được tư liệu về các nhà khoa học, ở bất cứ thời điểm nào, ông cũng có ý thức tìm kiếm, lựa chọn. Ngay trong lễ khai trương, dù tất bật chào hỏi khách khứa, ông vẫn không quên trao đổi và chia sẻ về mục tiêu của Trung tâm. Vừa dứt lời trao đổi với giáo sư Trương Đình Dụ, nhà khoa học đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 4 năm 2012 về cụm công trình Ngăn sông đập trụ đỡ và đập sà lan, ông lại quay sang trò chuyện với một vị khách dự tham quan về giáo sư viện sĩ Trần Đại Nghĩa, một trong những nhà khoa học xuất sắc của Việt Nam và được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1. Sau khi nghe ông chia sẻ “giáo sư Trần Đại Nghĩa là nhà khoa học thuộc nhóm nhà khoa học đầu tiên mà chúng tôi phải thu thập và sưu tầm tư liệu nhưng tiếc là chưa được như ý; chúng tôi từng vào TPHCM, nơi ông sinh sống cho đến khi ra đi, nhưng không hiệu quả” thì vị khách tự nhận là người quen biết của gia đình giáo sư phản hồi “nếu Trung tâm cần sưu tầm tư liệu thì tôi sẽ làm cầu nối, giới thiệu với một người con trai ông từng làm ở đài truyền hình Việt Nam. Trước đây, tôi từng nói với người nhà giáo sư là nên quy tụ lại những kỷ vật của ông, đừng để tản mát”...
Giữa quá khứ, hiện tại và tương lai
Dĩ nhiên trưng bày không chỉ để trưng bày, hàm ý của những nhà tổ chức là “muốn mọi người hiểu được giá trị của lao động khoa học và sáng tạo. Điều đó khiến chúng tôi phải cân nhắc lựa chọn đi lựa chọn lại những chi tiết trưng bày”, phó giáo sư Nguyễn Văn Huy nói. Chưa dứt khỏi những suy nghĩ của mình về 14 nhà khoa học và những đóng góp của họ với đất nước, ông đề cập đến trách nhiệm của Trung tâm là kể và lý giải những sáng tạo đó thật thuyết phục và dễ hiểu cho ai cũng có thể hiểu được. “Với những công trình có nhiều ứng dụng trực tiếp trong đời sống thì còn có thể dễ giới thiệu chứ còn những công trình thuộc về nghiên cứu cơ bản thì thật khó, nhất là khi những công trình đó lại ảnh hưởng đến một số lĩnh vực khoa học ở Việt Nam như công trình của giáo sư Hoàng Tụy, Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Văn Đạo…”, ông nói.
Do đó, cuộc trưng bày lần này đã cố tìm ra một cách giải thích về đóng góp của các nhà khoa học thông qua những lời nói của người trong cuộc, ví dụ như góc giới thiệu về giáo sư Hoàng Tụy có trích dẫn một câu nói của ông về công trình nghiên cứu của mình “Năm 1960, trước nhu cầu đưa toán học ứng dụng vào thực tế, tôi đi vào ngành vận tải, nảy ra bài toán cước phí lõm. Xem lại trong sách vở quốc tế, họ nói rõ đây là bài toán cực khó. Tôi thắc mắc sao bài toán có vẻ đơn giản thế này mà lại khó thế. Quyết tâm suy nghĩ và cuối cùng tôi đã tìm ra”.
Không phải lúc nào các nhà tổ chức cũng thành công, vẫn có những trường hợp giới thiệu còn sơ sài, đơn giản như góc trưng bày của giáo sư Đào Văn Tiến, người được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 cho Tập hợp các công trình điều tra cơ bản về động vật học ở Việt Nam (1957-1980), dù theo quan điểm của giáo sư Đào Tiến Khoa – con trai ông, mọi người cũng cần thể tất cho các nhà tổ chức. Hơn ai hết, Trung tâm hiểu được giới hạn của mình. Trao đổi bên lề buổi lễ, phó giáo sư Nguyễn Văn Huy cho rằng, trong những cuộc trưng bày và triển lãm trong tương lai, Trung tâm sẽ cố gắng đa dạng hóa cách thể hiện theo nhiều phương thức truyền tải hiện đại để có thể phát huy giá trị của những tư liệu quý mà Trung tâm có. Mặt khác, “mục đích của Trung tâm là không chỉ nghiên cứu về các nhà khoa học nổi tiếng mà quan niệm các nhà khoa học đều có đóng góp và là nhân chứng lịch sử của ngành đó. Điều đó tạo cho Trung tâm một phạm vi rất rộng để sưu tầm, triển lãm và xuất bản”. Do vậy, với mỗi hoạt động đó, Trung tâm sẽ cố gắng “kể và lý giải những câu chuyện khác nhau để bật ra những bài học của quá khứ nhưng vẫn còn giá trị với chúng ta ngày nay và cả tương lai”, ông hi vọng. □
Ý kiến bạn đọc