Xét công nhận chức GS, PGS nhìn từ các nước Anh, Mỹ, Hàn

Đăng lúc: Chủ nhật - 09/04/2017 15:20 - Người đăng bài viết: admin
Ở các quốc gia như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, các trường ĐH tự chủ xét công nhận chức danh GS, PGS theo những tiêu chuẩn riêng. Nhìn chung, tiêu chuẩn xét khá giống nhau về định tính, chỉ số từng tiêu chuẩn được định lượng cụ thể tùy thuộc xếp hạng trường, chuyên ngành, lĩnh vực…

Anh Quốc: Có 2 cách để xét công nhận chức danh GS

TS. Lê Đức Tùng (công tác tại ĐH London, Vương Quốc Anh) cho rằng: “Để nâng cao chất lượng cán bộ nghiên cứu nói chung và GS, PGS nói riêng, Việt Nam nên lập ra những bộ quy chuẩn riêng phù hợp với thực trạng hiện tại của đất nước hơn là chạy theo khuôn mẫu của một nước tiên tiến nào đó”.

Với những hiểu biết về Việt Nam, TS. Lê Đức Tùng nhận định những đề xuất của Viện Toán học (tách khoa học tự nhiên, bỏ viết sách, đào tạo số lượng tiến sĩ, bỏ yêu cầu về tính liên tục, GS phải có bài báo ISI) là có tính tích cực, phù hợp với xu thể điều kiện cụ thể của Việt Nam, tiến tới bước đầu nâng cao trình độ GS, PGS ít nhất bằng với khu vực.

Đối sánh với cái gọi là “chuẩn mực” phong hàm GS, PGS quốc tế, ông Tùng lưu ý, “chuẩn mực quốc tế” thực tế không phải khuôn mẫu cứng nhắc mà linh động giữa các trường ĐH xếp thứ hạng khác nhau và trong từng ngành, từng khoa. Tựu chung, chuẩn mực công nhận chức danh GS, PGS ở nhiều nước tiên tiến khá giống nhau về định tính, khác nhau về định lượng.

“Theo tôi thấy (ít nhất theo mô hình Anh Quốc) cái gọi là chuẩn mực phong GS đối với các trường, các khoa là giống nhau về định tính nhưng khác nhau về định lượng.

Các chuẩn mực để phong GS cho các trường đều được công bố (có trường để riêng tư chỉ cán bộ mới đọc được, có trường để công khai). Chẳng hạn có 2 cách khác nhau để được xét công nhận chức danh GS:

1/ Có nghiên cứu xuất sắc cùng với đóng góp tốt trong giảng dạy, chuyển giao công nghệ, trao đổi kiến thức, và các hoạt động khác mang lại lợi ích cho trường như công tác quản lý, tham gia vào các hoạt động bên ngoài trong xã hội, đóng góp là thành viên hội đồng trong các ủy ban tài trợ nghiên cứu, ủy ban chính phủ...

2/ Có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong giảng dạy cộng với khả năng nghiên cứu đạt yêu cầu; có thành tích trong chuyển giao công nghệ, trao đổi kiến thức, và các hoạt động khác mang lại lợi ích cho trường như công tác quản lý, tham gia vào các hoạt động bên ngoài trong xã hội, đóng góp là thành viên hội đồng trong các ủy ban tài trợ nghiên cứu, ủy ban chính phủ.

Đi theo cách 1 là thiên về nghiên cứu nhìn chung sẽ khó hơn cách 2 (thiên về giảng dạy) và cách 1 sẽ đòi hỏi các yêu cầu cụ thể cao hơn.

Ở đây, cái định tính “nghiên cứu xuất sắc” hoặc “đóng góp đặc biệt xuất sắc trong giảng dạy” - giống nhau cho các trường, nhưng về mặt định lượng sẽ là khác nhau khi đi qua các trường ĐH Oxford, UCL đến Liverpool, Glasgow...

Thậm chí ngay trong bản thân một trường thế nào là “nghiên cứu xuất sắc” hoặc “đóng góp đặc biệt xuất sắc trong giảng dạy” sẽ là khác nhau với các khoa và điều này sẽ được cụ thể hóa bởi trưởng khoa và các thành viên trong hội đồng.

Nói thêm là ở đây người ta sẽ không đưa ra các điểm số khô khan, mà hội đồng sẽ dựa vào hồ sơ ứng viên cân nhắc vào từng đóng góp. Lấy một ví dụ cụ thể khi một ứng viên có nghiên cứu đặc biệt xuất sắc hơn các hồ sơ khác thì họ hoàn toàn có thể “châm trước” cho ứng viên này khi mà các đóng góp khác chưa đạt yêu cầu”.

 

 Ở một số nước tiên tiến, tiêu chuẩn xét công nhận GS, PGS do các trường tự đặt ra, khác nhau về định lượng các tiêu chí ở từng nhóm trường, lĩnh vực, chuyên ngành… (Ảnh minh họa)

Ở một số nước tiên tiến, tiêu chuẩn xét công nhận GS, PGS do các trường tự đặt ra, khác nhau về định lượng các tiêu chí ở từng nhóm trường, lĩnh vực, chuyên ngành… (Ảnh minh họa)

 

TS. Lê Đức Tùng cho biết thêm, ở Anh, việc xét công nhận GS, PGS thường có 2 bước: bước đầu tiên là lên hội đồng khoa, sau đó là hội đồng trường. Qua được hội đồng khoa là khó nhất vì các khoa ở đây đều phải tự cân đối thu chi, phong thêm một GS là phải trả thêm lương.

Cho nên, nếu bạn làm ở một khoa mà ít tiền, ngân sách thất thu, thì ngoài các cái tiêu chuẩn ra, việc lên GS cũng sẽ khó hơn những khoa có nhiều tiền. Qua được hội đồng khoa lên được hội đồng trường thì khả năng thành công là có lẽ 80-90%.

Mỹ: Nâng cấp việc phong GS để cạnh tranh

GS. Trương Nguyện Thành (cựu GS Hóa học tại ĐH Utah, Hoa Kỳ) cho biết: “Việc phong PGS, GS ở Mỹ là phân cấp trong đào tạo và cũng từ nhu cầu xây dựng thương hiệu của trường. Do đó tiêu chuẩn là do mỗi trường ĐH tự đặt ra và áp dụng”.

“Trường Cao đẳng cộng đồng thì tiêu chuẩn thấp, trường Đại học nghiên cứu thì tiêu chuẩn cao. Trường càng nổi tiếng thì tiêu chuẩn càng cao. Nếu một trường ĐH muốn nâng cấp thì việc phong GS (các tiêu chuẩn cụ thể) cũng phải nâng cấp so sánh với các trường cạnh tranh”, ông Trương Nguyện Thành cho hay.

Hàn Quốc: Bắt buộc GS, PGS phải có giảng dạy

GS. Vũ Ngọc Hải (ĐH Myongji, Hàn Quốc) cho hay, ở Hàn Quốc các tiêu chuẩn xét công nhận chức danh GS, PGS cũng được định lượng khác nhau ở các ngành, chuyên ngành.

Cụ thể, mỗi trường ĐH đều có hệ thống tính điểm xét công nhận GS, PGS: 80 điểm cho 1 công bố trên SCI, 50 điểm cho SCIE, 30 điểm cho Scopus, hội thảo quốc tế hoặc báo nội địa được 10 điểm. Tùy ngành sẽ có điểm chuẩn để duy trì vị trí hoặc được thăng cấp.

Ở Hàn Quốc, các trường bắt buộc GS, PGS phải có giảng dạy nhưng không quá khắt khe là phải hướng dẫn nghiên cứu sinh, dù hướng dẫn nghiên cứu sinh được điểm nhiều hơn dạy đại học.

“Tóm lại, các tiêu chí đều được quy ra tính điểm. Thang điểm đánh giá các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cũng khác nhau. Ngay cả bản thân ngành khoa học tự nhiên cũng khác nhau. Ví dụ ngành Sinh học dễ có báo hơn thì điểm yêu cầu gấp đôi ngành IT. Bên khoa học xã hội thì báo ít, yêu cầu điểm giảng dạy cao hơn...”, ông Vũ Ngọc Hải chia sẻ.

Góp ý về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS mới đây, TS. Lê Đức Tùng đề xuất, Việt Nam có thể đề ra một tiêu chí chung về định tính tiêu chuẩn GS, PGS theo chuẩn Việt Nam (có tham khảo thế giới).

Về mặt định lượng để cụ thể hóa thì để các chuyên ngành riêng tự quyết định (chẳng hạn với GS Toán học thì cần 8 bài ISI, Lý 10 bài… các chuyên ngành khoa học xã hội thì tự định lượng theo hoàn cảnh nhu cầu của riêng ngành đó. Đồng thời, xem xét việc áp dụng hạn ngạch cho từng ngành, từng trường theo từng năm, điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng GS, PGS và giảm đi về số lượng.

Tác giả bài viết: Lệ Thu
Nguồn tin: Dân trí

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

tiêu chuẩn

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 6
  • Hôm nay: 908
  • Tháng hiện tại: 79224
  • Tổng lượt truy cập: 25629806