Xúc tiến hợp tác viện/trường-doanh nghiệp: Thành công đến từ hai phía

Đăng lúc: Thứ sáu - 12/12/2014 19:59 - Người đăng bài viết: admin
Được chính phủ hỗ trợ nguồn lực và vận hành một cách chủ động, linh hoạt - đó là hai lý do quan trọng đưa Trung tâm Xúc tiến Hợp tác Viện/Trường - Doanh nghiệp (Executive Operation Center for Industry - Academia Cooperation - EOCIA) trở thành một trong những trung tâm thành công nhất về thương mại hóa công nghệ ở Đài Loan.

Đại học Trung Nguyên

Bắt đầu từ chuyển giao kiến thức

Vào những năm 2000, Đại học Trung Nguyên (Chung Yuan Christian University) thành lập Văn phòng Chuyển giao công nghệ (Technology Licensing Office) và Trung tâm ươm tạo (Incubation Center). Đến năm 2009, để đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học với doanh nghiệp, hai trung tâm này được sáp nhập thành Trung tâm Xúc tiến Hợp tác Viện/Trường – Doanh nghiệp EOCIA - lúc đó, chỉ vỏn vẹn có bốn nhân viên và được Chính phủ hỗ trợ kinh phí sự nghiệp.

Giám đốc EOCIA, Ông Vương Thế Minh, người đã phác thảo một kế hoạch dài hạn cho EOCIA, trong cuộc trò chuyện với Tia Sáng tại Hà Nội mới đây cho biết, khi đó, các nhân viên của ông nghĩ rằng, một khi chính phủ ngừng đầu tư thì trung tâm cũng đóng cửa và họ sẽ mất việc nên họ coi công việc ở trung tâm chỉ mang tính tạm thời. Ông thuyết phục và cam kết với họ rằng, trong vòng ba năm, trung tâm sẽ có doanh thu, hoàn toàn tự chủ, và họ sẽ có mức lương thưởng xứng đáng.

Nhưng nhân viên không phải là những người duy nhất cần thuyết phục. Ông còn phải đến từng khoa trong trường, gặp gỡ các giáo sư, đề nghị họ cho phép nhân viên của mình được đại diện đàm phán và thỏa thuận với doanh nghiệp; sau mỗi thương vụ thành công, các giáo sư được hưởng 85% giá trị thương vụ, 11% đóng góp cho Đại học Trung Nguyên và 4% còn lại thuộc về trung tâm.

Trong những năm đầu, việc chuyển giao công nghệ không đáng kể, phần lớn doanh thu đến từ các dịch vụ tư vấn, đào tạo doanh nghiệp nhằm quảng bá kiến thức về sáng chế, sở hữu trí tuệ, và chuyển giao công nghệ.

Tìm thị trường trước khi tìm công nghệ

Đến nay, EOCIA đã có 26 cán bộ và bốn trung tâm chính: Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khởi nghiệp, Trung tâm Gieo mầm, và Vườn ươm Sáng tạo. EOCIA đã tạo dựng, phát triển nhiều công ty và thực sự trở thành một trong những trung tâm thành công nhất về thương mại hóa công nghệ và hợp tác với doanh nghiệp tại Đài Loan.

GS Minh cho rằng, một trong những yếu tố chính dẫn đến thành công của Trung tâm là đội ngũ “nòng cốt” tinh nhuệ, bao gồm các nhân viên marketing, hợp tác quốc tế, và quản lý công nghệ. Trong đó, người quản lý công nghệ được đào tạo bài bản về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, chính sách KH&CN và hiểu nhu cầu của thị trường chính là cầu nối giữa các giáo sư đại học với doanh nghiệp.

Những người quản lý công nghệ không chỉ cập nhật kết quả nghiên cứu mới nhất trong trường đại học, phạm vi và khả năng áp dụng vào sản xuất mà còn nắm rõ nhu cầu của các doanh nghiệp trên thị trường và biết lựa chọn doanh nghiệp nào để “tiếp thị” các công nghệ mới. Theo GS Vương Thế Minh, họ là người đầu tiên tiếp cận doanh nghiệp, đồng thời có thể định giá các thương vụ với doanh nghiệp sao cho “vừa lòng” các giáo sư để họ sẵn lòng đồng hành với doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai kết quả nghiên cứu. Quan trọng hơn, những người quản lý công nghệ góp phần đem đến một hướng chuyển giao công nghệ đặc thù của EOCIA.

Các trung tâm chuyển giao công nghệ khác thường cố gắng dùng những kết quả nghiên cứu có sẵn từ trường đại học để “chào mời” doanh nghiệp. Chúng tôi tiếp cận theo hướng ngược lại, những người quản lí công nghệ sẽ tìm hiểu thị trường trước, tiếp cận doanh nghiệp và thu thập tất cả những yêu cầu của họ rồi tới gặp những giáo sư và đề xuất họ điều chỉnh hướng nghiên cứu để phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. –      GS Vương Thế Minh, Giám đốc EOCIA

“Các trung tâm chuyển giao công nghệ khác thường cố gắng dùng những kết quả nghiên cứu có sẵn từ trường đại học để ‘chào mời’ doanh nghiệp. Nhưng đó là hướng đi sai lầm. Chúng tôi tiếp cận theo hướng ngược lại, những người quản lí công nghệ sẽ tìm hiểu thị trường trước, tiếp cận doanh nghiệp và thu thập tất cả những yêu cầu của họ rồi tới gặp các giáo sư và đề xuất họ điều chỉnh hướng nghiên cứu để phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp,” GS. Vương Thế Minh nói.

EOCIA xây dựng ở Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, Trung Quốc mỗi nước một trung tâm ươm tạo và các trung tâm này đã hỗ trợ nhau một cách hiệu quả. Ví dụ, khi Đài Loan có dự án hỗ trợ nghiên cứu nguyên liệu sinh khối (biomass), EOCIA đã hợp tác với Khoa Hóa của Đại học Trung Nguyên phát triển công nghệ này, đồng thời liên hệ với trung tâm ươm tạo ở Indonesia để trồng cây dầu mè - nguyên liệu chính cho việc sản xuất biomass - và thành lập công ty phát triển công nghệ biomass tại đây.

EOCIA trực thuộc Đại học Trung Nguyên, vốn là một đại học tư nên không chịu quá nhiều ràng buộc và can thiệp như đối với các đại học công lập nên ngay từ những ngày đầu, Trung tâm đã được toàn quyền quyết định chiến lược phát triển, việc tuyển dụng, chế độ lương - thưởng và giờ làm việc như một tổ chức kinh doanh độc lập. Nhờ vậy, Trung tâm có thể hình thành một số bộ phận tiến hành xây dựng nhiều dịch vụ giá trị gia tăng (chủ yếu là tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng KH&CN) để dần tự chủ.

Định hướng của Chính phủ

Sau khi Luật KH&CN Cơ bản được ban hành năm 1999, tất cả các trường đại học ở Đài Loan đều được Chính phủ khuyến khích và hướng dẫn thiết lập trung tâm chuyển giao công nghệ và vườn ươm thông qua các dự án khác nhau do các Bộ tài trợ: Bộ Kinh tế hỗ trợ việc thành lập các vườn ươm, Bộ KH&CN đầu tư cho những dự án thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ.

Đồng thời, Chính phủ Đài Loan gửi những người giàu kinh nghiệm về chuyển giao công nghệ, đăng kí sáng chế và am hiểu Luật KH&CN đến các trường đại học chia sẻ kiến thức; hỗ trợ kinh phí cho những người muốn ra nước ngoài học tập các mô hình tương tự; thiết lập liên minh giữa các tổ chức trong trường đại học nhằm tạo ra một hệ sinh thái các trung tâm với lĩnh vực nghiên cứu đa dạng, có thể giải quyết những khúc mắc liên ngành. Một điều không kém phần quan trọng nữa là, các trung tâm trực thuộc trường đại học đều không phải đóng thuế.

Đến năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo có các chính sách và dự án hỗ trợ các trường đại học huy động mọi nguồn lực, sáp nhập trung tâm chuyển giao công nghệ và vườn ươm trong mỗi trường thành trung tâm xúc tiến hợp tác giữa viện/trường với doanh nghiệp. Tuy vậy, đến nay chỉ 15 trường đại học với tiềm năng nghiên cứu mạnh mẽ, điều hành thành công các tổ chức vườn ươm và chuyển giao công nghệ mới được chọn tham gia vào dự án sáp nhập này. Trong số đó, chỉ có hai trường được tham gia vào dự án thành lập các trung tâm tăng tốc khởi nghiệp (accelerator) để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp của trường.

Ngoài việc lựa chọn các trung tâm phù hợp, Chính phủ còn có trách nhiệm lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu tiên tiến phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của quốc gia, nhờ vậy phát triển được một số lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, làm cơ sở cho việc thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ. Những dự án phục vụ các lĩnh vực nghiên cứu tiên tiến sẽ được nhận khoảng 70-75% kinh phí thực hiện từ Chính phủ để giảm rủi ro và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.

Trả lời câu hỏi “Có thể xây dựng một trung tâm như EOCIA mà không có sự trợ giúp của chính phủ được không?”, GS. Vương Thế Minh khẳng định: “không bao giờ”. Ông cho rằng, điều mà Chính phủ Đài Loan làm được là có chính sách, định hướng đúng, tạo điều kiện để các trường đại học phát triển tiềm năng trong chuyển giao công nghệ. “Cách đây 15 năm, họkhông biết gì về những khái niệm này, cũng giống như tôi, không hề biết tới sáng chế. Nhưng bây giờ, tôi đã có 40 cái,” ông nói.

Hoàng Tuấn Anh

Trung tâm Gieo mầm (Germination Center) và Trung tâm khởi nghiệp (Entrepreneurship Center) là hai trung tâm được mở về sau của EOCIA. Trung tâm Gieo mầm lựa chọn những kết quả nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng nhất của Đại học Trung Nguyên và trao đổi với các doanh nghiệp cùng các giáo sư để kiểm nghiệm khả năng thương mại hóa của chúng. Sau đó, với mỗi kết quả nghiên cứu, họ sẽ lập một dự án trình lên Chính phủ. Sau từ một đến hai năm, nếu được phê duyệt, họ sẽ nhận được vốn đầu tư từ chính phủ và bắt tay vào thành lập công ty, triển khai dự án trên thị trường. Trong khi đó, Trung tâm khởi nghiệp là dành cho những sinh viên muốn thành lập startup. Họ tuy không có nhiều thành quả nghiên cứu như các giáo sư nhưng có những ý tưởng sáng tạo như viết các phần mềm và ứng dụng. Trung tâm có một loạt khóa đào tạo, các hoạt động thực nghiệm, chương trình liên kết với sinh viên khởi nghiệp nước ngoài, các cuộc thi khởi nghiệp… để họ có thể học hỏi và cọ xát.

 


Nguồn tin: Tia Sáng

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 21
  • Khách viếng thăm: 20
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 1167
  • Tháng hiện tại: 75870
  • Tổng lượt truy cập: 25626452