khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo

Đăng lúc: Thứ tư - 15/02/2017 16:06 - Người đăng bài viết: admin
Nếu năm 2016 là năm thể hiện quyết tâm cao nhất ở cấp Chính phủ về định hướng phát triển thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, thì năm 2017 rất nên là năm các trường đại học thể hiện vai trò tiên phong của mình để thực hiện sứ mệnh đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo (Entrepreneurship & Innovation) để cung cấp cho xã hội những tài năng được trang bị tư duy và kỹ năng cần thiết cho công cuộc đó.


BKUP – co working space tận dụng không gian trong trường Đại học Bách khoa, HN  do công ty Up cùng đầu tư và hỗ trợ. Ảnh: Up Co working space.

Sáng tạo lại vai trò của trường đại học trong nền kinh tế tri thức- Đổi mới sáng tạo

Trong cuốn sách Innovation 2.0 – Reinventing University Roles in a Knowledge Economy (Đổi mới sáng tạo 2.0- Sáng tạo lại vai trò của trường đại học trong nền kinh tế tri thức) nghiên cứu về 12 trường hợp là những trường đại học đổi mới sáng tạo về công nghệ hàng đầu của Mỹ, hai tác giả Louis G. Tornatzky và Elaine C. Rideout đã chỉ ra năm vấn đề mà các trường đại học muốn đổi mới sáng tạo phải đối mặt. Nó cũng lý giải tại sao một số trường đại học đổi mới sáng tạo thành công, còn một số trường lại gặp khó khăn trong đổi mới sáng tạo. Năm vấn đề đó là (1) Văn hóa của trường đại học, (2) Vai trò của lãnh đạo, (3) Tinh thần khởi nghiệp, (4) Thiết lập mối quan hệ đối tác với doanh nghiệp và cộng đồng, (5) Chuyển giao công nghệ.

Trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp

Lấy câu chuyện hệ sinh thái khởi nghiệp làm trọng tâm, Founder Institute1 xây dựng một mô hình đi theo ba giai đoạn phát triển chính của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, trường đại học đóng vai trò quan trọng trong cả ba giai đoạn chính: Hình thành ý tưởng; phát triển sản phẩm và tăng trưởng.

Trong giai đoạn đầu tiên, nhà trường mà cụ thể là giảng viên và các đơn vị hỗ trợ đóng vai trò là những người truyền cảm hứng, cung cấp thông tin, giới thiệu những thành công, điển hình, kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển đội nhóm thông qua thúc đẩy hợp tác liên ngành trong sinh viên.

Khi doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ, nhà trường cần cung cấp những kiến thức cơ bản cần thiết về kinh doanh như luật pháp, thuế, kế toán cho đến những hỗ trợ về nơi làm việc cho các nhà sáng lập doanh nghiệp.



Đối với giai đoạn thứ ba khi hệ sinh thái có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển tốt, trường đại học cần đóng vai trò tiên phong cung cấp những tài năng kinh doanh, nguồn lực chất lượng tốt với tư duy, kỹ năng và trải nghiệm hữu ích để doanh nghiệp tăng trưởng bền vững. Như vậy, trường đại học vừa trang bị cho người học những kỹ năng, kiến thức và trải nghiệm để sẵn sàng khởi nghiệp khi có hướng đi đổi mới sáng tạo thực sự vừa thực thi tốt vai trò của mình trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Nếu cách tiếp cận về vai trò trường đại học trong nền kinh tế nhấn vào yếu tố nội lực của trường đại học để đổi mới sáng tạo, thì cách tiếp cận về vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp cho thấy tính hiệu quả khi đưa sản phẩm dịch vụ từ trường đại học ra bên ngoài và thương mại hóa. Trong khi cách tiếp cận thứ nhất chỉ rõ, để chuyển giao tốt sản phẩm của mình ra bên ngoài, các trường đại học cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ và hợp tác với khu vực tư nhân, cách tiếp cận thứ hai nhấn mạnh vai trò của trường đại học rất lớn trong truyền cảm hứng, hỗ trợ thẩm định ý tưởng và phát triển đội nhóm trong các trường đại học. Cả hai cách tiếp cận đều toát lên những điểm chính về vai trò của trường đại học trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp: (1) Tinh thần doanh nhân và truyền cảm hứng; cung cấp nhân lực chất lượng cao (2) Hợp tác với doanh nghiệp và nắm bắt nhu cầu thị trường. Từ đó có thể thấy, một số yếu điểm rõ nhất của các trường đại học Việt Nam hiện nay như sau:

Nguồn nhân lực và khoảng cách giữa nhà trường và thị trường

Cách đây 20 năm, House Care - một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sửa chữa mọi thiết bị, đồ đạc trong một ngôi nhà từng rất thành công trên thị trường vì sản phẩm dịch vụ được người tiêu dùng đón nhận, mô hình kinh doanh được vận hành trơn tru hiệu quả do những người quản lý đều có kinh nghiệm, trải nghiệm trong và ngoài nước, nhưng công ty không thể lớn hơn quy mô 40 người. Lý do rất đơn giản: không thể đào tạo theo chuẩn đối với người lao động do các trường gần như đều đào tạo lý thuyết, việc chuẩn hóa nhân sự không thể thực hiện được, chi phí đào tạo lại quá lớn. Công ty buộc phải ngừng kinh doanh không phải vì không có lãi mà nhận thấy rằng, nếu tiếp tục duy trì, mô hình sẽ không thể lớn lên được. 20 năm sau, trong thời đại công nghệ như vũ bão, nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ phát triển được những sản phẩm tốt, có tiềm năng bước chân ra thị trường nước ngoài, nhưng tìm kiếm nhân sự marketing, tài chính, nhân sự trở thành vấn đề đau đầu nhất của chủ doanh nghiệp. Sinh viên ra trường vừa thiếu vừa yếu kỹ năng kinh nghiệm, ngoại ngữ thực hành yếu. Không tìm được người đáp ứng nhu cầu, doanh nghiệp dậm chân tại chỗ và rất khó có bứt phá.

Câu chuyện của 20 năm và bây giờ có một điểm tương đồng: Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đôi khi không chết, nhưng không thể lớn được vì không có những con người tài năng và phù hợp để phát triển mô hình kinh doanh ở những giai đoạn mới. Điều đó chứng minh các trường đại học đang không nắm bắt chặt chẽ xu hướng của thị trường lao động để từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Trong tương lai không xa, khi ASEAN trở thành thị trường không biên giới, luồng lao động tự do di chuyển từ các quốc gia Đông Nam Á khác đến Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn hơn về nguồn nhân lực nhưng nhân lực Việt Nam có nguy cơ thua ngay trên sân nhà. Khi đó, bản thân các trường đại học và những quyết sách về đào tạo sẽ không thực thi được sứ mệnh phục vụ xã hội của mình. Thậm chí, thiếu động lực đổi mới sáng tạo, các trường đại học có nguy cơ bị mua lại, thâu tóm sáp nhập một khi thị trường giáo dục có những độ mở nhất định. Đó là câu chuyện của chiến lược tồn tại của các trường đại học trong một hai năm tới, bởi lẽ là một cấu phần của nền kinh tế, trường đại học cũng nằm trong không tránh khỏi áp lực cạnh tranh.

Động lực đổi mới sáng tạo từ giảng viên

Trong một bài phân tích lý do tại sao, trong lòng châu Âu, nước Đức được coi là một trong những đất nước đổi mới sáng tạo bậc nhất vẫn đặt ra câu hỏi, nước Đức học gì từ Silicon Valley, một trong số những câu trả lời là “Ở Stanford, không giáo sư kinh tế nào mà lại không đặt chân vào lĩnh vực kinh tế, họ có thể tự lập một startup hay tham gia với tư cách cố vấn”. Ngẫm lại Việt Nam, sự kết nối lỏng lẻo giữa nhà trường và thị trường đang khiến giảng viên - gạch nối quan trọng giữa nhà trường và doanh nghiệp - thiếu đi sự tiếp xúc thực tiễn, số ít vừa tham gia giảng dạy vừa kinh doanh hoặc tư vấn khởi nghiệp, phần đông hơn hiểu biết về kinh doanh chung chung và rất khó đưa ra những định hướng tốt cho sinh viên về vấn đề thực tiễn cần giải quyết trong kinh doanh. Cũng chính vì thiếu sự tương tác với thị trường và kinh doanh thực tiễn, việc giảng viên truyền cảm hứng để sinh viên khởi nghiệp và hỗ trợ kết nối các nguồn lực để các ý tưởng kinh doanh trong sinh viên có thể phát triển vươn xa không hiệu quả. Đó là chưa kể đến, việc cải tiến giáo trình giảng dạy diễn ra chậm chạp, đang đẩy nhà trường, giảng viên vào thế “không nói chung một ngôn ngữ với thị trường”. Chẳng hạn, trào lưu khởi nghiệp tinh gọn được đào tạo tại rất nhiều trường trên thế giới thì hiện nay mới lác đác được đưa vào một số trường đại học ở Việt Nam từ nỗ lực ban đầu của dự án Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam Phần Lan (IPP).


Chỉ khi lợi ích của cả người học và người dạy nhận được là ngoài lương thì mới thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Có nhiều cách lý giải cho sự chậm trễ này, song trong bài viết, chúng tôi muốn nhấn mạnh quan điểm về kỳ vọng đầu ra là một trong những nguyên nhân cốt lõi. Quan điểm này được Jan-U. Sandal - một giáo sư nổi tiếng người Na Uy nghiên cứu về Đổi mới sáng tạo, người cố vấn cho rất nhiều quyết sách về giải quyết nạn thất nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở châu Âu giới thiệu. Trong một xã hội, nếu lợi ích của người đào tạo và lợi ích đầu ra của việc học hành chỉ là LƯƠNG, hay nói một cách dễ hiểu là cả người học và người dạy đều ở một trạng thái tĩnh, người dạy mong dạy để kiếm đồng lương để ổn định, người học cũng chỉ mong học xong ra có đồng lương, thì việc dạy và học đơn thuần chỉ là chuyển giao tri thức. Bằng nhiều ngôn từ khác nhau, người ta có thể gọi đây là tình trạng lười biếng, sự cam phận, mong muốn ổn định, hoặc sự bảo thủ. Đó là sự bất động. Động cơ LƯƠNG đang giết chết sự sáng tạo trong giáo dục và hủy hoại sự năng động sáng tạo của nền kinh tế và của cả xã hội.

Nếu trong trường hợp một giảng viên được lợi vật chất ngoài lương “profit” từ sự đổi mới phương pháp dạy của mình hoặc một sinh viên đổi mới cách học mà kiếm được lợi vật chất ngoài mục đích kiếm đồng lương, tức là sự đổi mới sáng tạo diễn ra từ một phía, quá trình này gọi là “bán tĩnh”, tức là chỉ một bên hưởng lợi.

Chỉ khi cả hai cùng hưởng lợi và đặt việc dạy và học cao hơn mục tiêu chỉ kiếm đồng lương ổn định, khi đó mới tồn tại mối quan hệ chia sẻ tri thức để cùng hưởng lợi, hợp tác và đổi mới sáng tạo một cách năng động vì những “profit” lớn hơn. Lúc này những lợi ích về mặt vật chất không còn là duy nhất.

Hợp tác với doanh nghiệp

Một trong những lý do khiến chi phí khởi nghiệp ở nhiều thành phố lớn trên thế giới thấp và có khả năng cạnh tranh là do các trường đại học mạnh dạn sử dụng hết công suất không gian trống của mình để hợp tác với khu vực tư nhân. Mục đích của việc này là vừa để làm nơi ươm mầm cho các dự án kinh doanh đổi mới sáng tạo tiềm năng, vừa là nơi hút những tài năng đến để tăng trải nghiệm cọ xát với môi trường kinh doanh thực tiễn cho sinh viên trong trường. Hiện nay ở Việt Nam đã có một số trường đại học đang tự phát triển những vườn ươm riêng và dành quỹ đất cho việc ươm mầm, đó là một tín hiệu tốt. Tuy vậy, tư duy tự làm khiến các trường đại học cáng đáng tất cả các nội dung trong việc ươm mầm các dự án khởi nghiệp tiềm năng mà thiếu vắng sự tham gia của các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các đơn vị chuyên nghiệp đang đặt ra nhiều vấn đề. Ở Việt Nam, việc hợp tác mới bắt đầu manh  nha, ví dụ BKHoldings – một công ty trong lòng Đại học Bách khoa Hà Nội hợp tác với UP- Coworking Space để phát triển không gian làm việc chung BKHUP là một ví dụ.

Tuy nhiên, nếu các tập đoàn tham gia vào phát triển hạ tầng cho các trường đại học chỉ để thu hút nhân lực và phục vụ mục tiêu marketing – coi sinh viên, giảng viên như những khách hàng tiềm năng là chưa đủ. Đại học và khu vực tư nhân cần hợp tác theo chiều sâu hơn để thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên thế mạnh của cả hai bên, đưa nhà trường đến gần hơn với những vấn đề của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đầu ra cho những sản phẩm nghiên cứu của trường. Tất nhiên, khi nói đến nỗ lực hợp tác, cũng không thể không kể đến những khó khăn từ cơ chế quản lý các trường đại học hiện tại đang phải đối mặt. Ví dụ, trong khi ở Vương Quốc Anh: nhiều trường đại học thành lập các công ty (sở hữu một phần hoặc toàn bộ) để đầu tư nghiên cứu, thực hiện thí nghiệm, sản xuất thử, khai thác quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích từ việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu thì việc phát triển các công ty trong trường đại học ở Việt Nam mới dừng ở mức thí điểm. Việc đặt hàng và hợp tác từ phía các doanh nghiệp khó có thể diễn ra suôn sẻ nếu không có cơ chế thuận lợi cho thúc đẩy cho việc hợp tác này.

Trường đại học, một chủ thể quan trọng của khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sẽ phát huy được mạnh mẽ thế mạnh và thực thi sứ mệnh của mình hiệu quả khi ở tầm vĩ mô, các nhà quản lý nhìn nhận ra vấn đề đổi mới sáng tạo và cơ chế chính sách cho đổi mới sáng tạo ở trường đại học là nhân tố sống còn cho phát triển một xã hội đổi mới sáng tạo và chủ động sáng tạo giá trị. Khi đó, bản thân các trường chủ động nâng cao nội lực thông qua quyết tâm thay đổi, đặt đổi mới sáng tạo vào nhiệm vụ trọng tâm để tự đổi mới chính mình và xác định kỳ vọng đầu ra một cách rõ ràng minh bạch, bằng chiến lược hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả với khu vực tư nhân và thị trường.
-----------------
Tài liệu tham khảo:
Silicon Valley hơn Đức ở điểm nào? Nguồn: http://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Silicon-Valley-hon-Duc-o-diem-nao—10131
Innovation 2.0 – Reinventing University Roles in a Knowledge Economy. http://www.innovation-u.com/InnovU-2.0_rev-12-14-14.pdf
Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và liên hệ với Việt Nam: Nguồn: http://nistpass.gov.vn:81/tin-chien-luoc-chinh-sach/1241-lien-ket-giua-truong-dai-hoc-va-doanh-nghiep-kinh-nghiem-quoc-te-va-lien-he-voi-viet-nam.html

1 Vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp được thành lập năm 2007, có văn phòng ở 90 thành phố trên thế giới với tỉ lệ các doanh nghiệp tốt nghiệp vẫn hoạt động đến nay là 89%.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đặng Tuấn Minh
Nguồn tin: Tia Sáng

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

sáng tạo

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 5
  • Hôm nay: 694
  • Tháng hiện tại: 79010
  • Tổng lượt truy cập: 25629592