TS Nguyễn Công Đức đoạt giải thưởng Tuổi trẻ Sáng tạo năm 2024

Đăng lúc: Thứ ba - 19/11/2024 12:55 - Người đăng bài viết: admin
TS Nguyễn Công Đức, Silesian University of Technology, Gliwice, Ba Lan đã đoạt giải thưởng Tuổi trẻ Sáng tạo năm 2024 của Hội Khoa học & Công nghệ Việt Nam tại Ba Lan do những đóng góp về khả năng giám sát trạng thái của cầu đường bằng mô hình tự động kết hợp với xử lý tín hiệu và học máy.

Anh Nguyễn Công Đức sinh năm 1985 tại huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên. Anh xuất thân trong một gia đình thuần nông nghiệp, mặc dù vậy gia đình anh luôn tạo điều kiện tốt nhất để anh và hai người em được học tập đầy đủ. 

Quá trình học tập và nghiên cứu: 

Từ năm 2003 đến năm 2010, anh đã tốt nghiệp kỹ sư và hoàn thành chương trình Thạc sĩ tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh. 

Từ năm 2010 đến nay anh là giảng viên tại Khoa Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Miền Trung (trực thuộc Bộ Xây dựng, thành phố Tuy Hòa, Việt Nam). Về thành tích cá nhân, anh đã nhận được nhiều bằng khen cho những đóng góp trong công tác xã hội như việc tham gia chiến dịch mùa hè xanh và trong công tác giảng dạy tại trường Đại học Xây dựng Miền Trung. 

Từ năm 2020 đến 2024, anh Nguyễn Công Đức trở thành ứng viên hệ tiến sĩ trong chương trình học bổng Hiệp định giữa Cơ quan trao đổi học thuật Ba Lan (viết tắt là NAWA) và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Trong thời gian khoá học dự bị tiếng Ba Lan 1 năm tại trường Đại học Công nghệ Crakow (viết tắt là CUT), anh cũng chính thức trở thành Nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Công nghệ Silesian, và nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn liên ngành của GS. TSKH. Marek Salamak (Khoa Xây dựng, Đại học Công nghệ Silesian) và PGS. TSKH. Andrzej Katunin (Khoa Cơ khí, Đại học Công nghệ Silesian).

Hướng nghiên cứu chính của anh là về ứng dụng AI và học máy trong việc xử lý dữ liệu đo thực nghiệm hiện trường từ thí nghiệm kiểm định và giám sát sức khỏe cho kết cấu xây dựng, đặc biệt ứng dụng cho kết cấu cầu đường bộ và đường sắt cao tốc. Và đây cũng là nội dung chính của đề tài luận án trong thời gian anh làm nghiên cứu sinh: "Giám sát sức khỏe cầu sử dụng mô hình hiệu chuẩn phần tử hữu hạn tự động hóa, xử lý tín hiệu và máy học". Cũng trong thời gian này, nhờ sự hướng dẫn tận tâm, chu đáo và nhiệt tình của các giáo sư và thông qua sự hợp tác với các đồng nghiệp tại Ba Lan và Anh, anh đã xuất bản 3 bài báo và được công bố trên các tạp chí uy tín thế giới. Bên cạnh đó anh đã tham gia báo cáo tại 3 hội nghị quốc tế chuyên ngành, và xuất bản thêm 2 bài báo đăng trên tạp chí tại Ba Lan. Và trong năm nay (2024) anh Đức đã xuất sắc đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ của mình tại trường Đại học Công nghệ Silesian và với luận án này anh đã được Hội đồng chuyên ngành giao thông, trắc địa và xây dựng đề cử luận án xuất sắc. Hiện tại luận án tiến sĩ của anh Nguyễn Công Đức cũng đã được xuất bản dưới dạng sách chuyên khảo phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu chuyên ngành xây dựng.

Các công trình nghiên cứu của anh tập trung vào việc đề xuất các giải pháp tin cậy và hiệu quả trong việc xử lý dữ liệu tín hiệu từ hệ thống giám sát sức khỏe dài hạn cho kết cầu đường sắt cao tốc ở Ba Lan. Việc xây dựng các mô hình chuẩn đoán và mô hình dự báo ứng xử của kết cấu dưới các sự kiện tàu chạy dựa trên máy học và kết quả này đã được công bố trên các tạp chí uy tín thế giới: Engineering Structures (IF=5.6, TOP 10%), Sensors (IF=3.4, TOP 10%) và Constructional Steel Research (IF=4.0, TOP 15%). Trong hành trình nghiên cứu, anh đã hai lần nhận được giải thưởng của hiệu trưởng cho những bài báo nằm trong TOP 10% và bốn lần nhận giải thưởng của hiệu trưởng nhờ có sự cộng tác với giáo sư nước ngoài.

 

Từ thực tiễn cuộc sống đó là nơi anh sinh sống và làm việc ở là một tỉnh thành thuộc miền trung, nơi hằng năm thường xuyên phải gánh chịu những trận bão lớn gây ra lũ lụt trên diện rộng. Vì vậy, anh luôn trăn trở là tìm giải pháp nào để giúp đánh giá và kiểm định tải trọng của kết cấu cầu sau những trận lũ quét và sau những cơn bão đi qua. Và anh luôn luôn mơ ước là học và ứng dụng được khoa học công nghệ vào việc giám sát sức khỏe cho kết cấu cầu ở Việt Nam, từ đó xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm đối với các sự kiện thời tiết bất thường. Theo đó, các cảnh báo quan trọng có thể liệt kê là: dao động cộng hưởng, quá tải, sụt lún mố trụ, động đất, ảnh hưởng thời tiết, nứt và ăn mòn cốt thép giảm độ cứng. Bên cạnh yếu tố khách quan là thời tiết, anh Công Đức còn nhận ra hai vấn đề lớn trong quá trình nghiên cứu: thứ nhất là việc xây dựng cầu luôn tiêu tốn một số tiền lớn nhưng cũng chỉ có một số lượng cầu lớn mới có thể áp dụng mô hình giám sát sức khoẻ cầu; và thứ hai là việc áp dụng công nghệ cảm biến hiện đại bằng AI trong việc xử lý tín hiệu và xây dựng mô hình dự báo còn rất mới cho lĩnh vực cầu. Vì thế việc nghiên cứu này sẽ trở thành một giải pháp công nghệ trong việc xử lý tín hiệu đo, giúp giảm số lượng cảm biến gắn trên cầu, vừa giúp giảm chi phí cho một hệ thống giám sát sức khỏe cầu với một hoặc vài cảm biến có tích hợp AI; vừa có thể tạo tiền đề cho việc hình thành các phương án có tính đại trà để nâng cao chất lượng cầu thông qua việc tăng cường giám sát mà không phát sinh chi phí quá lớn. Và trên hết, cảm biến tích hợp AI giúp bảo vệ người thân và gia đình chúng ta trước các thảm họa thiên nhiên và trước các sự kiện bất thường khác, qua đó đảm bảo hệ thống giao thông được vận hành an toàn và hiệu quả cho sự phát triển bền vững. Đây cũng chính là mục đích và kim chỉ nan trong hành trình nghiên cứu của anh Công Đức.

 

Tác giả bài viết: Hội KH-CN Việt Nam tại Ba Lan

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 21
  • Hôm nay: 831
  • Tháng hiện tại: 70870
  • Tổng lượt truy cập: 25621452