|
|||||||
Nghiên cứu sinh Lê Thị Mỹ Ngân đoạt giải thưởng Tuổi Trẻ Sáng Tạo của Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Ba Lan năm 2023Đăng lúc: Thứ tư - 29/11/2023 07:12 - Người đăng bài viết: admin
Với tổng 6 công trình nghiên cứu chuyên ngànnh vật lí thiên văn được xuất bản ở những tạp chí có hệ số ảnh hưởng (impact factor, IF) cao, nhà nghiên cứu Lê Thị Mỹ Ngân thuộc trường đại học Nicolaus Copernicus tại Toruń đã đạt giải Tuổi Trẻ Sáng Tạo của Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Ba Lan năm 2023. Giải đã được trao tại Hội thảo Sinh Viên Việt Nam tại Ba Lan lần thứ 8 tổ chức vào 25-26 tháng 11 năm 2023 tại Warsaw và trực tuyến.
Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HKHCN VN) tại Ba Lan được thành lập năm 2019 (tiền thân là Câu Lạc Bộ Lê Quý Đôn) với đội ngũ hội viên đa dạng trong đó có các nhà nghiên cứu có tên tuổi trên thế giới cùng với đội ngũ nghiên cứu trẻ đầy nhiệt huyết. Hội đã có những đóng góp đáng kể vào việc phát triển khoa học và công nghệ ở Ba Lan cũng như ở Việt Nam. Để khuyến khích những người Việt trẻ tuổi đã và đang sống và làm việc tại Ba Lan, Hội đã quyết định thành lập giải Tuổi Trẻ Sáng Tạo thường niên tính từ năm 2021.
Chân dung Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Ngân Chị Lê Thị Mỹ Ngân, sinh ra và lớn lên tại Đăk Lăk, tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm Vật lí, khoa Vật lí và Kĩ Thuật công nghiệp, Đại học Quy Nhơn vào năm 2013. Sau đó chị có thời gian công tác giảng dạy bộ môn Vật lí trong 3 học kì tại Trường Trung học phổ thông Tôn Đức Thắng, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk. Sau đó, chị tiếp tục đăng kí học thạc sĩ ngành Khoa học Vũ trụ, chuyên ngành Vật lí tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (hay còn gọi là Đại học Việt-Pháp) từ năm 2016 đến 2018. Chương trình thạc sĩ này được liên kết với các trường đại học và viện nghiên cứu về vật lí thiên văn ở Pháp với ngôn ngữ học 100% bằng tiếng Anh. Trong khoảng thời gian này, chị Ngân có cơ hội thực tập tại Viện Vật lí thiên văn và khoa học vũ trụ Hàn Quốc (KASI, Hàn Quốc) và tại phòng nghiên cứu liên đại học về hệ thống khí quyển (LISA, Pháp) trong khoảng thời gian lần lượt là 2 và 6 tháng. Chị Ngân sau đó cùng lúc nhận được hai bằng thạc sĩ từ trường USTH ở Việt Nam và từ trường đại học Paris Diderot ở Pháp. Từ tháng Ba năm 2019, chị Ngân nhận được học bổng toàn phần để sang Toruń làm nghiên cứu sinh về Vật lí thiên văn, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Michal Hanasz và tiến sĩ Agata Karska. Trong hơn 4 năm làm nghiên cứu sinh tại Viện thiên văn; khoa Vật lí, thiên văn, và khoa học máy tính, chị Ngân đã có cơ hội cộng tác với nhiều đồng nghiệp nghiên cứu Vật lí thiên văn đến từ các nước châu Âu, Mĩ, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Việt Nam. Chị Ngân đã thực hiện các dự án nghiên cứu liên quan đến ảnh hưởng của mức độ từ tính (metallicity) của môi trường và từ trường trong các đám mây phân tử, nơi được coi là cái nôi của sự hình thành sao trong thiên hà của chúng ta, dải Ngân Hà. Sử dụng dữ liệu về phân cực bụi ở bước sóng hồng ngoại dài, chị Ngân đã phân tích hình thái và độ mạnh của từ trường trong vùng cực kì đặc của đám mây phân tử rất gần với chúng ta, Oph-A. Ngoài ra, chị còn khám phá sự ảnh hưởng của mức độ từ tính của môi trường đến các bức xạ dòng làm mát (liên quan đến quá trình làm mát trong sự hình thành sao) trong cụm sao đậm đặc Gy 3-7 nằm trong vùng hình thành sao CMa-ℓ224 trong vùng ngoài của thiên hà của chúng ta. Nghiên cứu này tính toán các điều kiện vật lí trong cụm sao (nhiệt độ, mật độ khí), xác định sự có mặt của shocks sinh ra từ bức xạ cực tím, và khám phá về quần thể các ngôi sao trẻ. Mặc dù độ từ tính của vùng Gy 3-7 được dự đoán là nằm giữa các giá trị của vùng thiên hà Large Magellanic Cloud và các vùng gần với chúng ta nằm trong dải Ngân Hà, nghiên cứu không tìm thấy ảnh hưởng của độ từ tính thấp đến quá trình hình thành sao trong cụm sao này. Kết quả tương tự được tìm thấy trong nghiên cứu cuối cùng trong luận văn về mức độ bồi đắp vật chất (mass accretion rate) của các vật thể sao trẻ có khối lượng nhỏ hơn hoặc cỡ Mặt Trời trong vùng CMa-ℓ224. Chị Ngân đã cùng các đồng nghiệp tính toán các đại lượng vật lí đặc trưng của các vật thể sao trẻ, ví dụ như loại quang phổ (spectral type), mức độ bụi (extinction), cũng như là bức xạ dư thừa liên tục (excess continuum emission) sinh ra do sự bồi tụ. Chị Ngân và các đồng nghiệp đã chỉ ra rằng mức độ bồi tụ của các vật thể sao trẻ trong vùng CMa-ℓ224 có giá trị tương tự như các kết quả tìm thấy trong các nguồn trong các vùng hình thành sao gần chúng ta.
Hình ảnh tân tiến sĩ Lê Thị Mỹ Ngân sau khi khi bảo vệ luận án tiến sĩ và nhận được quyết định từ hội đồng bảo vệ. Hình ảnh được chụp tại Viện Thiên Văn, Piwnice, Toruń, Ba Lan. Xin nhiệt liệt chúc mừng tân tiến sĩ Lê Thị Mỹ Ngân. Hy vọng rằng Giải thưởng Tuổi Trẻ Sáng Tạo sẽ là động lực to lớn thúc đẩy nhà nghiên cứu trẻ đạt được những kết quả nghiên cứu xuất sắc hơn nữa trong tương lai.
Tác giả bài viết: Hội đồng Giải thưởng Tuổi Trẻ Sáng Tạo, Hội KHCN VN tại BL
Từ khóa:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
|
Thống kê truy cập Website
|
||||||
Ý kiến bạn đọc