Nhà khoa học Việt nhận giải thưởng từ Mỹ

Đăng lúc: Thứ sáu - 10/10/2014 17:12 - Người đăng bài viết: admin
Thạc sĩ Lưu Đàm Ngọc Anh nhận giải thưởng của Hiệp hội vải sợi Mỹ vì có phát hiện mới về loài cây chàm nhuộm vải, giúp bảo tồn nét văn hóa đặc trưng đang dần mai một của dân tộc thiểu số.

Nghiên cứu "Sự hồi sinh tri thức nhuộm màu chàm của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam" của thạc sĩ Ngọc Anh, 32 tuổi, làm việc ở Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ) nhận giải thưởng dành cho chuyên gia mới của Hiệp hội vải sợi Mỹ vào ngày 12/9 vừa qua.

"Tôi rất bất ngờ khi nhận được giải này, đặc biệt khi tôi là người nước ngoài duy nhất, vì 4 người còn lại đều là người Mỹ và tính đến nay cũng là người Việt Nam đầu tiên", chị Ngọc Anh nói và cho biết đây sẽ động lực để chị tiếp tục cho nghiên cứu khoa học.

Lễ trao giải tại Los Angeles, Hoa Kỳ ngày 12 tháng 9 năm 2014. Ảnh: Ann Svenson

Thạc sĩ Ngọc Anh (ngoài cùng bên phải) cùng 4 người Mỹ tại lễ trao giải ở Los Angeles. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Với nghiên cứu của mình, nhà khoa học nữ này không chỉ phát hiện ra cộng đồng người dân tộc ở Việt Nam vẫn còn dùng cây chàm để nhuộm quần áo, thức ăn mà còn ghi nhận mới về loài thực vật cho màu chàm có tên khoa học Wrightia laevis Hook.f. (Co mụ, tiếng Thái) thuộc họ Apocynaceae. Loài thực vật đó hiện vẫn được sử dụng trong cộng đồng người Thái đen tại tỉnh Sơn La để nhuộm vải chàm.

Với đồng bào thiểu số tại Việt Nam, cây nhuộm màu góp mặt trong các lễ hội, trên trang phục và trong các bữa ăn. Ngày nay do sự thông thương thuận tiện, tác động của hiện đại hóa, cuộc sống của người thiểu số đã dần thay đổi. Họ dần chọn sản phẩm nhân tạo, tổng hợp được bày bán ngoài thị trường để thuận tiện và sử dụng dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số đồng bào duy trì các phong tục truyền thống của dân tộc như mặc quần áo nhuộm bằng lá chàm, làm xôi màu, bánh chưng đen trong lễ tết, bánh truyền thống, nhuộm đũa ăn, nhuộm vải từ cây cỏ. 

"Đây là bản sắc dân tộc và là những tri thức bản địa quý giá cần được duy trì và bảo tồn trước sự hiện đại hóa của xã hội", Ngọc Anh nói. Nhà khoa học cũng cho biết theo dự báo của các chuyên gia, có thể trong 5-10 năm nữa, hoạt động nhuộm màu trong cộng đồng thiểu số dân tộc sẽ biến mất.

Vì vậy, nghiên cứu của chị đã góp phần vào việc duy trì các tri thức này, từ đó giúp tăng thu nhập cho người dân và tạo ra các sản phẩm địa phương để phục vụ cho phát triển du lịch Tây Bắc. 

Lòng mức nhuộm, Co mụ - Wrightia laevis Hook.f.

Lòng mức nhuộm, Co mụ - Wrightia laevis Hook.f. Ảnh: Ngọc Anh.

Nghiên cứu cho thấy, trong quá trình tạo màu nhuộm, người Thái đen còn kết hợp sử dụng loài cây khác để thúc đẩy quá trình tạo màu cho mẻ chàm như Co nát (Pluchea indica, cành lá); Co ứng ca (Oroxylum indicum, dùng vỏ thân).

Quy trình dệt vải và nhuộm của người Thái đen rất cầu kỳ. Bông được trồng trên các nương ngô, se thành sợi và dệt thành vải. Vải sau khi dệt xong được đun với ngô hoặc gạo. Sau đó, vải mới dùng để nhuộm chàm.

Qua 10-12 lần nhuộm chàm vải có màu xanh thẫm là đạt. Tiếp đến là công đoạn làm đen vải. Lúc này, củ nâu sẽ được giã ra cho nước vào, ngâm vải trong đó 1-2 ngày, rồi phơi nắng. Vải sẽ có màu đen và cứng.

Những chuyên gia nghiên cứu về chất màu tại châu Âu khẳng định, việc dùng loài thực vật Wrightia laevis Hook.f. gần như biến mất trong thế giới chất màu tự nhiên, không còn được bất kỳ cộng đồng nào sử dụng để tạo màu. Vì vậy, việc phát hiện tri thức và kinh nghiệm sử dụng loài cây nhuộm màu của thạc sĩ Lưu Đàm Ngọc Anh đã mở ra hướng nghiên cứu mới trong bảo tồn và phát triển tài nguyên cây nhuộm màu tại Việt Nam.

Hiệp hội Vải sợi Mỹ (TSA) thành lập từ năm 1985, được quản lý bởi hội đồng Giám đốc các trường Đại học và Bảo tàng khu vực Bắc Mỹ, với hàng trăm hội viên. Với mục đích hỗ trợ, khuyến khích những sinh viên và chuyên gia trẻ nghiên cứu trong lĩnh vực vải sợi trên thế giới, năm 2006, giải thưởng dành cho Chuyên gia mới của Hiệp hội vải sợi Mỹ ra đời. Trong Hội thảo thường niên lần thứ 14 của Hiệp hội, tổ chức tại Đại học California - Los Angeles (UCLA), 5 chuyên gia trẻ, trong đó có một người Việt Nam là chị Lưu Đàm Ngọc Anh, được trao giải thưởng nói trên. 

Hương Thu


Nguồn tin: VNExpress

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 2
  • Hôm nay: 23
  • Tháng hiện tại: 71630
  • Tổng lượt truy cập: 25622212