Trông người mà ngẫm đến ta

Đăng lúc: Thứ năm - 27/11/2014 17:03 - Người đăng bài viết: admin
Tháng 8/2012, tàu thăm dò Curiosity hạ cánh xuống sao Hỏa. Chiếc máy phân tích trong robot chạy trên sao Hỏa này là máy Quang phổ bằng Diod Laser Biến tần – (Tunable Diode Laser Spectroscopy- TDLS). Trái tim của máy là Diode Laser Biến tần trong vùng hồng ngoại gần (Near Infrared-NIR) ở hai dải 3.590 cm-1 and 3.594 cm-1 do Công ty NanoPlus (Đức) chế tạo. Có lẽ ai cũng sẽ rất ngạc nhiên, nếu biết rằng NanoPlus là một doanh nghiệp “spin-off”, hai ba người, bé tí tẹo khi thành lập năm 1998, khởi nguồn bởi nhóm các nhà vật lý ứng dụng ở trường Đại học Wuerzburg.
 

“Trái tim” của tàu thăm dò Curiousity của NASA 
ở Sao Hỏa là Diode Laser Biến tần do Công ty 
NanoPlus(i) chế tạo
Tôi thì không ngạc nhiên vì có may mắn từng là cộng sự với nhóm các nhà khoa học này. Cũng xin nói thêm, Đại học Wuerzburg() có hơn 30 ngàn sinh viên, là nơi mà C. Röntgen phát minh ra Tia X, nhận giải Nobel đầu tiên năm 1901, và đến nay có 14 người của trường này đoạt giải Nobel nữa.Vừa rồi (23-24/10/2014) Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Đại học Wuerzburg đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Khoa học tự nhiên và Đời sống” tại Hà Nội. Đoàn Đức gồm tám giáo sư do GS Alfred Forchel, Chủ tịch trường, dẫn đầu đến tham dự.

Đã cùng nhau hợp tác trong khoa học từ mấy chục năm qua, nay gặp lại chiến hữu từ thuở hàn vi tại Hà Nội, là dịp để hàn huyên nhiều chuyện. Việc đầu tiên tôi hỏi thăm GS Alfred Forchel về cái công ty khởi nguồn của bạn, lập nên năm 1998, lúc đó tôi đã về lại Việt Nam rồi:

- Cái GmbH (công ty trách nhiệm hữu hạn theo tiếng Đức) ngày ấy cậu lập ra bây giờ còn sống không?

- Còn sống chứ, chẳng những sống mà bây giờ phát triển lên rất lớn.

- Cậu vẫn làm chủ nó à?

- Tất nhiên, nhưng bây giờ chỉ một phần thôi. Bây giờ nó là Công ty NanoPlus có hai nhà máy lớn với gần trăm kỹ sư rồi. Từ năm 2001, hai năm sau khi thành lập, và bán được khá nhiều sản phẩm Laser đơn mode (single mode laser) giải sóng 1,3 đến 1,6 micrometer thì chúng mình cho NanoPlus ra ở riêng, xây nhà máy mới ở Gerbrunn gần phòng thí nghiệm (PTN) NanoLab của chúng ta ở Würzburg đó.  Năm 2009 mở nhà máy lớn thứ hai ở thành phố Meiningen. NanoPlus ngày nay là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về mọi loại Laser hồng ngoại từ hồng ngoại gần, trung đến hồng ngoại xa (0,76-14 Micrometer)

- Sáng nay, nghe báo cáo khoa học của nhóm cậu do GS Martin Kamp trình bày, mình vô cùng ấn tượng về những thành tựu, nhất là các thiết bị phổ hồng ngoại đo được cả nồng độ rượu của lái xe ô tô khi đang chạy. Máy của các cậu còn phát hiện được cả lượng vô cùng nhỏ các chất độc hại trong môi trường như chất Formaldehyde với độ nhạy đến 8 ppb (tám phần tỷ) chỉ trong một giây!

- Tất cả những cái đó của PTN đều đã và đang được NanoPlus thương mại hóa cả đấy.

- Có một công ty khoa học như NanoPlus lợi hại thật! Cậu có thể tiết lộ, là một giáo sư đương nhiệm, lúc lập công ty khoa học, cậu có được hỗ trợ gì không?

- Tất nhiên! Chẳng có gì bí mật đâu. Chính sách của Đức là rất khuyến khích các giáo sư lập các doanh nghiệp khoa học kiểu như Spin-Off (khởi nguồn) hay Start-Up (khởi nghiệp). Trong hai năm đầu, Chính phủ bang Bayern hỗ trợ ½ suất nhân sự. Tuy nhỏ những cũng quan trọng lắm, khoảng 30.000 Euro/năm. Công ty được sử dụng địa điểm của PTN. Lại còn được sử dụng tất cả các máy móc và trang thiết bị của NanoLab mà cậu từng làm việc đấy [PTN này lúc đó đầu tư khoảng chục triệu Euro gì đó – TXH].

- Nhưng tiền vận hành PTN NanoLab này đắt lắm mà, mình nhớ là trên 1 triệu Euro/năm. Cậu lấy đâu ra tiền.

- Công ty không phải trả tiền vận hành, kinh phí của Bang Bayern cấp cho trường trả khoản này. Công ty chỉ phải tự trả vật tư tiêu hao như hóa chất, vật liệu, dung môi... thôi.

- Thế cũng nhiều lắm, một tấm sapphire cũng mấy ngàn Euro... lương cậu sao đủ được.

- Chúng mình còn được quyền sử dụng kinh phí các đề tài, hợp đồng nghiên cứu của bên thứ ba cấp, như của Quỹ Khoa học Quốc gia (DFG), của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang (BMBF), của Bang Bayern, của các quỹ EU, của các công ty... nhiều lắm, lúc đó mình có đến bảy, tám hợp đồng, đề tài cơ mà.

- Lạ nhỉ. Sao họ lại cho công ty sử dụng thiết bị của nhà nước, lại cho sử dụng tiền đề tài, hợp đồng nghiên cứu.

- Có gì lạ đâu. Thiết bị khoa học đầu tư rồi thì phải dùng làm ra cái gì chứ. Đề tài, hợp đồng nghiên cứu cũng vậy thôi, phải ra kết quả cho xã hội. Ai và làm thế nào để đạt được mục đích đấy là được, sao phải phân biệt.

- Nếu cái hợp đồng nghiên cứu công ty cậu thất bại thì chắc là phải đền bù rồi.

- Không, không có chuyện đó. Nhưng mất hết danh dự và uy tín, không bao giờ còn được hỗ trợ cũng như tham gia những chương trình như vậy nữa. Cậu nghĩ xem, với nhà khoa học bọn ta, uy tín và danh dự là trên hết, có ai lại cam chịu thất bại để mất hết. Chúng mình phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định làm. Và nhà nước cũng phải tin vào những nhà khoa học như chúng mình chứ! Còn nếu làm nghiêm chỉnh nhưng thất bại là bất khả kháng thì sao lại bắt đền?

- Cậu bảo là NanoPlus của cậu giờ đã xây được hai nhà máy. Làm thế quái nào mà các cậu có lắm tiền để đầu tư như thế.

- Tất nhiên là công ty cũng như bọn khoa học chúng mình không đủ tiền. Nhưng có ngân hàng cho vay. Vả lại, bọn mình chọn mua những máy móc cũ của các công ty lớn muốn đổi cả dây chuyền công nghệ, nên cũng rẻ thôi.

- Cậu lấy nhà cửa của cậu thế chấp để vay tiền ngân hàng à?

- Không cần. Mình chỉ cần đến SparKasse (quỹ tín dụng, hay ngân hàng thương mại) nơi mình mở tài khoàn thường xuyên để nộp yêu cầu vay vốn, sẽ có ngân hàng KfW (Kreditanstalt fuer Wiederaufbau - Ngân hàng Tái thiết) của nhà nước Đức đứng ra bảo lãnh.

- À ra thế. Cậu trước hết phải đến KfW xin họ bảo lãnh cho, rồi mới được vay.

- Không cần. Không có chuyện xin cho gì đây cả. Đó là chuyên nội bộ các ngân hàng họ làm việc với nhau theo luật rồi. Trong luật của KfW đã quy định rõ họ phải làm gì, cho ai vay, bảo lãnh cho ai...

- Hồ sơ xin lập công ty, hồ sơ xin vay vốn của cậu khi đó có phải xin chữ ký xác nhận đồng ý của cấp trên của cậu không?

- Xin ai?

- Như Chủ nhiệm khoa, Hiệu trưởng của cậu chẳng hạn.

- Việc gì mà phải xin. Chỉ cần báo cho họ biết là đủ. Họ quá mừng, vì có giáo sư chịu đứng ra lập công ty ấy chứ. Như bây giờ, mình là Hiệu trưởng, nếu trường mình có càng nhiều giáo sư lập công ty như vậy thì chứng tỏ trường càng thành công đưa khoa học vào đời sống, càng có ích cho xã hội. Cậu chắc cũng biết công ty InfoSIM() của Tran-Gia [giáo sư CNTT Trần Gia Phước, Người Đức gốc Việt, cũng là bạn của chúng tôi] bây giờ hoạt động khắp thế giới, là niềm tự hào của đại học Wuerzburg, cũng thành lập cùng thời với NanoPlus đó.

- Nếu dễ dàng thành lập và được hỗ trợ nhiều như thế thì ở Việt Nam chúng tớ thì ai mà chẳng muốn thành lập công ty Start-Up như của cậu và Tran-Gia.

- Không dễ đâu. Trước hết là cậu phải nghiên cứu làm ra sản phẩm mới. Sản phẩm đó phải có khách hàng sẵn sàng đặt mua.

- Ừ nhỉ. Làm ra sản phẩm mới thì ở Việt Nam chúng mình cũng làm được. Nhưng có người đặt mua thì khó quá. Người dân quen chuộng ngoại, họ chỉ thích mua của nước ngoài thôi.

- Thì ít nhất những nơi sử dụng tiền ngân sách phải ưu tiên cho sản phẩm của Việt Nam chứ. Hồi ở Stuttgart xây dựng PTN MicroLab, bọn chúng mình phải chứng minh thiết bị nào mà Đức và EU không chế tạo được mới được phép mua của Mỹ hoặc Nhật Bản.

- Nhưng Việt Nam chúng tớ không phải như vậy. Họ mà có tiền nhà nước cấp thì chỉ thích mua hàng nước ngoài, càng đắt càng tốt.

- Thế thì khó rồi. Ở nước Đức bắt buộc việc gì làm cũng luôn luôn sáng tạo, phải dẫn đầu thế giới. Cạnh tranh ghê gớm, còn hơn cả hồi chúng ta làm GaN-LED chạy đua với Nichia-Nhật Bản vì vậy mệt lắm. Chắc các cậu ở Việt Nam thoải mái hơn.

Tôi thầm nghĩ, đúng là ở Việt Nam các nhà khoa học, cũng như viên chức nói chung thoải mái hơn thật. Vừa được ăn, vừa được nói và nếu khéo nói, khéo xoay,… thì đúng là không phải làm gì thật mà còn được gói to mang về nữa. Lại nhẩm tính, nhà nước ta giai đoạn 2002-2010 đã đầu tư xây dựng 17 hay 18 cái phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, trung bình 5 triệu USD/cái. Giá như lúc xây dựng yêu cầu mỗi phòng thí nghiệm tạo ra ít nhất một công ty Start-Up như của Đức thì hay quá. Nhưng đó chỉ là giấc mơ, vì lãnh đạo các viện, các trường sẵn sàng nhận tiền, người có quyền cấp sẵn sàng cấp tiền, với điều kiện ngầm hiểu, không ai có trách nhiệm phải làm ra cái gì cho xã hôi cả.

Trở lại câu chuyện của chúng tôi. Thời gian vào giữa thập kỷ 1980, Forchel và tôi làm việc cùng nhau ở Stuttgart rồi cả hai sang Mỹ, tôi về lại Việt Nam. Afred Forchel sau đó, vào thập kỷ 90, được bổ nhiệm làm giáo sư Vật lý Kỹ thuật ở Đại học Wuerzburg. Theo truyền thống hàn lâm của Đức từ xưa (nay thì thành luật), họ không bao giờ bổ nhiệm một người được đào tạo và đang làm việc tại bộ môn lên làm giáo sư của chính nơi đó để thay thế vị giáo sư là thầy cũ, nghỉ hoặc chuyển công việc khác. Họ nói làm như thế giống như “hôn nhân cận huyết” sẽ giết chết khoa học, sáng tạo. Cho nên Forchel rời Stuttgart sang trường mới, được giao xây dựng PTN NanoLab, lúc đó là hiện đại, vào loại đắt tiền nhất châu Âu. Afred Forchel lại rủ tôi sang Wuerzburg làm việc ở PTN mới xây xong. Lúc đó, cả thế giới đang sôi sục về việc tìm cách chế tạo ra Diode Phát quang và Diode Laser màu xanh dương cho đến tử ngoại. Cuộc cạnh tranh giữa các nước lúc đó thật là khốc liệt. Trong nội bộ nước Đức, nhóm chúng tôi chạy đua với nhóm Siemens. Ngoài nước thì cạnh tranh với nhóm của Nakamura ở công ty Nichia – Nhật Bản. Chúng tôi được đầu tư khủng và làm việc cũng khủng khiếp luôn. Một anh trong nhóm tôi thậm chí đã ngất xỉu trong phòng thí nghiệm. Nhóm chúng tôi chọn phương pháp MBE [Molecular Beam Epitaxy - sự mọc ghép chùm phân tử] còn nhóm Nakamura dùng phương pháp MOCVD [MetalOrganic Chemical Vapour phase Deposition - lắng đọng các lớp tinh thể từ pha hơi hóa học kim loại hữu cơ] rẻ hơn và dễ sản xuất đại trà hơn. Cuối cùng thì trong lĩnh vực GaN-LED, nhóm Nakamura đã thắng (và giờ được giải thưởng Nobel 2014). Nhưng nhóm Forchel nhờ phát triển phương pháp MBE tuy thua về LED-GaN nhưng lại thẳng tiến trong lĩnh vực Laser giếng lượng tử (Quantum Well Laser) giải phổ từ tử ngoại, tím, xanh, cho đến hồng ngoại gần và xa, mà điển hình công ty NanoPlus của nhóm các nhà khoa học Wuerzburg do A. Forchel đứng đầu, đã dẫn đầu thế giới.

Khi tôi nói với A.Forchel rằng, nếu ông ấy mà ở Việt Nam thì sẽ có ý kiến cho rằng, vì là Chủ tịch của một đại học lớn, có quyền hành, uy tín và địa vị lớn trong xã hội nên ông có thuận lợi, có nhiều mối quan hệ để được nhiều ưu đãi trong phát triển công ty NanoPlus.

- Vô lý. Quyền lực của chức Chủ tịch Đại học Wuerzburg liên quan gì đến sáng tạo khoa học của nhóm các nhà khoa học chúng mình chứ. Điều hành một trường đại học với hơn 30 ngàn sinh viên, 300 triệu Euro kinh phí hằng năm, là một trách nhiệm lớn. Được bầu lên thì nhà khoa học phải có trách nhiệm làm chứ có nhà khoa học nào vì quyền lực mà làm đâu. Vả lại, mình mới làm Chủ tịch bốn năm nay thôi. Còn bộ môn Vật lý Kỹ thuật và Công ty NanoPlus của mình thì đã tồn tại từ hàng chục năm trước.

- Nhưng ít nhất, vì cậu là giáo sư có tiếng mới được hỗ trợ như thế.

- Cậu nói đúng. Đó là chính sách của xã hội và cũng là trách nhiệm xã hội đối với những nhà khoa học như chúng ta. Hiện nay ở Đức thì chính sách này đang mở rộng đến các tiến sĩ xuất sắc rồi. Vì chính các tiến sĩ trẻ tuổi mới có nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo. Ý kiến thay đổi, bổ sung cũng còn nhiều, ví dụ như còn đang bàn thảo vấn đề bản quyền.

Tôi kể lại câu chuyện của tôi và Forchel vừa qua để những người quan tâm đến phát triển KH&CN có thể trông người mà nghĩ đến ta. Tuy hoàn cảnh và con người nước Đức với Việt Nam là khác nhau một trời một vực, nhưng đối với các nhà khoa học và nhà khoa học làm công tác quản lý thì có lẽ chúng ta đều có cách nhìn giống nhau: Đó là cố nhìn ra xa hơn cái mũi và luôn cố nhìn lên phía trên chứ không chỉ chăm chăm nhìn vào cái đầu gối của mình.

Trần Xuân Hoài


Nguồn tin: Tia Sáng

Share/Save/Bookmark
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lien he quang cao
Liên hệ quảng cáo
Thống kê truy cập Website
  • Đang truy cập: 6
  • Hôm nay: 360
  • Tháng hiện tại: 75063
  • Tổng lượt truy cập: 25625645